Vụ mùa sắp gặt
Lượt xem: 7693
Truyện của LƯƠNG BẰNG Suốt nửa tháng trời đi tập huấn,ông Lẩu chỉ nghe báo cáo công việc của xã qua những cú điện thoại, cho nên hôm nay là ngày chủ nhật, ông vẫn quyết định dành cả buổi chiều để đi thăm đồng.

Xã Cam Thượng đất không rộng lắm nhưng lại có tới những ba cánh đồng nằm ở ba khu khác nhau, nếu đứng ở đỉnh núi Rồng nhìn xuống thì ba cánh đồng như ba chiếc quạt xòe ra, quạt mát cho cả một vùng dân cư quần tụ sinh sống đã trải qua hàng mấy chục đời người, đấy là theo ông nghĩ thế, chứ còn theo các cụ cao tuổi thì xã này phải có cách đây hàng ba, bốn trăm năm vì theo gia phả nhà cụ Mìn thì tổ tiên nhà cụ Mìn đã ở đất này cách nay hai mươi ba đời. Nghe các cụ truyền lại thì trước kia có một ông thầy địa lý cao tay khi đi qua đây đã phán rằng đất này là đất phát, vì địa hình của xã xung quanh có núi bao bọc, lại có hai con suối chạy vòng ôm lấy các cánh đồng, nhiều quả đồi thấp rải rác trông như những mâm xôi khổng lồ. Cứ nhìn vào quang cảnh ấy cũng đã thấy vùng đất này rất thuận tiện cho công việc của nhà nông, còn đất phát hay không đều phải do cái đầu và đôi bàn tay của con người.

Tuy là vùng đất có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp, thế nhưng đời sống kinh tế của người dân nơi đây từ bao đời chẳng khá lên được, lý do thì có cả ngàn lẻ một vấn đề nhưng tựu trung lại là do cách làm ăn bảo thủ, thời các cụ trước đây người ít ruộng nhiều mà vẫn có người đói vào lúc giáp hạt, thế mới là chuyện lạ, nghe các cụ kể lại con cháu chẳng ai tin vì bây giờ ruộng ít người nhiều mà tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã chỉ chưa đầy tám phần trăm, còn hộ đói thì không có gia đình nào. Ông Lẩu vừa chậm rãi tản bộ trên con đường trục chạy giữa cánh đồng Toòng San, đã được bê tông hóa phẳng lỳ, ông vừa ngắm nhìn những ruộng lúa đang ngả màu lá gừng, bông lúa nào cũng to hạt mẩy, ông nói nhỏ cho đủ mình nghe: “Cái giống lúa mới này hay thật, vụ này phải trên bốn tấn một héc ta là cái chắc”. Ông nhớ lại từ cái ngày ruộng đất được giao quyền tự chủ  sản suất cho người nông dân, kinh tế hộ cũng như kinh tế của địa phương đã có những thay đổi, nhất là việc vận động bà con thay giống lúa cũ năng xuất thấp bằng giống lúa mới năng suất cao, chuyện tưởng dễ ấy vậy mà cũng phải mấy vụ người dân mới làm theo, bây giờ thì chẳng tìm đâu ra giống lúa cũ nữa. Từ ngày nhà nước có chủ trương cho người nông dân được tự lựa chọn cây trồng vật nuôi sao cho có lợi, người nông dân Cam Thượng rất phấn khởi, nhiều nhà đã đào ao nuôi cá trên những chân ruộng chua phèn, cho hiệu quả gấp năm sáu lần cấy lúa, người dân cứ tự nhìn nhau mà làm, đàn trâu, đàn lợn đàn bò tăng nhanh, thóc gạo,lợn gà, cá...đã trở thành hàng hóa, kinh tế hộ đã có những bước tiến dài, làm cho bộ mặt địa phương có nhiều khởi sắc.

Ông Lẩu dừng lại nơi con đường trục ngoặt sang cánh đồng Nậm Trà thì từ phía đầu đường đằng kia có người đang đi lại, ông Lẩu lên  tiếng:

- Chào cụ Lù, cụ cũng đi thăm đồng đấy ư?

- Chào ông chủ tịch, tôi đi xuống thôn Tạc Ngam xem các cụ cao tuổi chuẩn bị cây giống để mùa xuân tới trồng ở khu nhà văn hóa, nhân thể trên đường cũng muốn xem lúa má thế nào.

- Các cụ cao tuổi chu đáo quá, còn lâu mới Tết mà cụ.

- Chẳng lâu đâu ông ạ, trông đi ngoảnh lại là hết năm đến nơi rồi đấy, công việc cứ phải chuẩn bị dần là vừa. Bây giờ nhìn thấy sự đổi mới mà thấy sướng cái bụng quá, đường đi lối lại khắp các thôn trong xã, chỗ nào cũng là đường bê tông, rồi cả con đường chạy giữa cánh đồng này, trời mưa gió đi không sợ lấm bàn chân, hôm nọ thằng cháu nó chở tôi ra huyện đế dự họp, xe đi trên con đường rải đá phẳng phiu, loáng một lúc đã thấy đến nơi rồi mà nghe đâu là huyện sắp cho rải nhựa con đường ấy thì phải, nếu đúng thế thì dân mình đi lại thuận tiện quá, có khách đến chơi là chạy xe máy ra chợ huyện chỉ tiếng đồng hồ là có thức ăn ngay, sướng thật ông ạ.

- Những thay đổi này mới là bước đầu, còn phải thay đổi nữa cụ ạ, mong cụ khỏe mạnh để làm dăm khóa chủ tịch Người Cao tuổi nữa cụ nhé.

- Dăm khóa nữa thì không dám nói, nếu trời còn cho tôi khỏe mạnh, tôi sẽ phục vụ các cụ đến lúc yếu thì thôi thế được chưa ông. Thôi bây giờ tôi phải đi sang bên thôn Tạc Pẳn có chút việc.

- Cụ ơi từ đầu năm đến giờ Hội ta có phát triển được nhiều hội viên không, tổng số bây giờ có bao nhiêu hội viên rồi?

- Từ đầu năm đến giờ đã kết nạp được hai chục cụ vào Hội, bây giờ có cả thảy hai trăm ba mươi bảy cụ, sang năm có thể kết nạp được khoảng bốn chục cụ vào Hội vì số các cụ sắp bước vào tuổi sáu mươi còn nhiều.

- Các cụ Người cao tuổi ở xã ta hoạt động rất tốt, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nếu không có sự đóng góp tích cực của các cụ vận động con cháu và bà con hiến đất, chặt cây...  thì làm gì có những con đường như hôm nay, ngay cả cái trường mầm non, nếu không có cụ Mìn hiến hơn sào đất thì làm gì có chỗ mở rộng trường cho các cháu, nhân dân Cam Thượng này phải mang ơn các cụ nhiều đấy.

- Tất cả cũng vì cái chung ấy mà ông

- Trong hoạt động Hội, có gặp khó khăn vướng mắc gì các cụ cứ đề xuất, địa phương sẽ cố gắng tạo mọi thuận lợi để giúp các cụ hoàn thành nhiệm vụ.

- Vâng xin cảm ơn ông Chủ tịch.

Cụ Lù đi rồi, ông Lẩu bước chầm chậm, vừa đi ông vừa ngắm cánh đồng lúa đang vàng rộm dưới ánh nắng chiều mùa đông, nhìn quang cảnh ấy ông thấy như mình đang được trẻ lại. Ông nhớ cái ngày mới triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều người trong đó cũng có cả những đảng viên không tin là sẽ thành công vì họ cho rằng nếu làm như thế là quá sức dân, dân còn nghèo lấy đâu ra tiền của mà đóng góp. Họ không nhận thức được rằng Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đã có rất nhiều chủ trương chính sách về nông nghiệp nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, cái mục đích lớn nhất của chương trình là làm cho bộ mặt nông thôn phát triển đi lên một cách bền vững từ quy hoạch kết cấu hạ tầng, đến hệ thống chính trị, đến kinh tế xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục..., đời sống kinh tế của người dân phải được nâng cao, nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa của từng vùng miền và từng dân tộc. Mặc dù khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đến toàn thể nhân dân trong xã, lúc đầu cũng còn một số người chưa đồng thuận, nhưng qua công tác tuyên truyền vận động giải thích dần dần họ đã nhận ra có nhiều cái lợi trong xây dựng nông thôn mới và chính người nông dân là chủ thể và họ được hưởng những thành quả mà chương trình đem lại. Cho nên người dân đã đóng góp hàng ngàn ngày công để khai thác vật liệu làm đường, đóng góp hàng trăm triệu đồng tiền mặt, hiến tặng hàng héc ta đất, chặt phá hàng trăm cây ăn quả, cây lấy gỗ để nắn và mở rộng đường. Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước và sự đóng góp công sức, tiền của của nhân dân cho nên mới có được như ngày hôm nay, cái phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” quả là hay thật.

Ông Lẩu đi qua ngõ nhà ông Sưu trưởng thôn Cốc Xum, nghe có tiếng gọi, ông Lẩu như bừng tỉnh ghé vào thấy ông Sưu đang chuẩn bị gạch, cát, sỏi. Ông Lẩu hỏi:

- Ông đang chuẩn bị xây nhà đấy à?

- Tôi chỉ xây hai gian bếp thôi chứ không xây nhà, nếu bây giờ nhà nào cũng phá nhà gỗ đi để xây nhà gạch thì còn gì là bản sắc ở cái xã Cam Thượng này nữa phải không ông.

- Đúng đấy ông ạ, ngày xưa các cụ chọn được toàn loại gỗ hàng tứ thiết, nhiều ngôi nhà có tuổi hàng trăm năm mà có bị mối mọt gì đâu, như ngôi nhà của nhà tôi đấy từ đời cụ tôi để lại, đến đời tôi là bốn đời mà gỗ vẫn như nguyên vẹn, những ngôi nhà như thế này mai sau sẽ có giá về bảo tồn kiến trúc ở nông thôn đấy ông ạ, à mà ao chuôm của ông dạo này thế nào, có cá bán vào dịp tết này không, thấy mấy ông bảo cá nhà ông Sưu có con nặng cả yến kia mà.

- Cũng có mấy người đến hỏi mua nhưng tôi chưa muốn bán, hôm nọ tôi kéo lưới thử thì cũng vào cỡ ba cân rưỡi một con, còn có mấy con cá lưu từ năm kia cũng được cỡ sáu bảy cân một con,nhưng cá to quá có khi cũng khó bán ông ạ.

- Thế mấy con cá to thì phải chung nhau như chung lợn ấy à ?

- Có ai họ mua làm cá bố mẹ thì tốt.

- Mấy cái ao ở trong đồi cây vẫn tốt đấy chứ, chắc gỗ keo, gỗ mỡ bây giờ to lắm rồi nhỉ, những cây trám giống ghép đã có quả chưa?

- Dạo ấy mà không nghe theo góp ý của ông thì làm gì có cây, có cá như bây giờ, tôi phải mang ơn ông.

- Ơn huệ cái gì, thấy cái gì có lợi thì bảo nhau mà làm, phải mong người giầu có hơn mình, chứ đừng mong người hèn kém hơn ta thì xã hội mới tốt đẹp được. Tôi nói ví dụ ông làm một việc gì đó mà thiếu tiền, ông cần vay một ít để trả nợ mà xung quanh ông toàn người nghèo thì ông vay ai cho được, đúng không nào.

- Gia đình ông Páo thoát nghèo để trở thành hộ có kinh tế khá cũng là do học tập cách làm ăn mới đấy ông ạ, nếu cứ để mấy sào ruộng chua phèn ấy mỗi năm thu vài tạ thóc thì chỉ có mà đói, giờ đào ao nuôi cá kết hợp nuôi vịt đẻ, mỗi năm thu giá trị bằng mấy tấn thóc, bây giờ ông ấy cũng biết tính toán ra phết đấy. Dọc hai bên cái khe cạn là ông ta trồng chuối, có tới mấy trăm gốc, mùa hè thì lấy lá cho cá ăn, lấy quả bán, còn mùa đông thì lấy cây thái ra cho cá ăn, tết năm ngoái ông ấy bán được cả triệu tiền chuối đấy. Tôi nói thật với ông chứ nghèo chẳng qua là lười không chịu làm, ngại vất vả, cứ ỷ lại vào chính sách của Nhà nước.

- Ông nói thế cũng chỉ đúng một phần, ta phải nhìn vào từng hoàn cảnh cụ thể, có nhà nghèo là vì không có lao động, ốm đau bệnh tật làm ra được đồng nào thì thuốc thang hết, cũng có người không có đất sản xuất cũng nghèo. Nhưng cũng có người nghèo là do lười, ỷ lại vào vào sự hỗ trợ của nhà nước, nhưng số đó không nhiều, cho nên hàng năm  mới phải tiến hành bình xét hộ nghèo, tôi chỉ mong cho xã ta không còn ai là hộ nghèo, nhưng phải là thực chất chứ đừng vì thành tích ảo mà khổ cho dân.

- Ai cũng nghĩ như ông chủ tịch xã thì mọi người phấn khởi.

- Nói gì thì nói cũng phải thật chất thì dân mới tin. Tôi đi họp ở ngoài huyện được nghe huyện phê bình mấy xã nặng về bệnh thành tích, nên đã báo cáo sai sự thật. Có xã báo cáo chỉ còn mười hai phần trăm hộ nghèo, nhưng khi huyện kiểm tra lại thì số hộ nghèo lên đến gần ba chục phần trăm. Có xã báo cáo đàn trâu tăng hơn năm ngoái tới ba chục phần trăm, nhưng khi thú y về tiêm phòng dịch cho gia súc thì mới trật ra là đàn trâu chỉ tăng có năm phần trăm mà thôi.

- Sao họ cứ phải nói sai làm gì ông nhỉ, tôi nghe trên đài trên ti - vi hay nói về ngành giáo dục nặng về bệnh thành tích, nhất là trong thi cử nên chất lượng học hành kém,  thế các ngành khác cũng mắc phải bệnh thành tích à.

- Cái này thì tôi cũng không được biết rõ lắm, nhưng ta cứ bảo nhau là đừng bao giờ nói sai sự thật, nói sai chỉ khổ dân,nói sai xấu hổ lắm, ông đồng ý chứ.

- Tôi là chúa ghét những người nói sai sự thật.

- À này đội văn nghệ ở thôn ta vẫn hoạt động tốt đấy chứ, sắp có hội diễn văn nghệ của huyện đấy, thứ hai tuần tới giao ban tôi sẽ triển khai đến các thôn trưởng, xã ta phải chuẩn bị khoảng bốn hoặc năm tiết mục để tham gia.

- Chắc hội diễn phải có giải thưởng chứ ông nhỉ.

- Giải thưởng thì phải có rồi, nhưng muốn có giải thưởng thì phải có những tiết mục đặc sắc, thôn ông có tiết mục đặc sắc nào không.

- Có thì có đấy nhưng không biết có đặc sắc với ban giám khảo không, như hội diễn năm ngoái, tiết mục múa của xã Chiềng Khương sai bét mà vẫn được trao giải nhì, rồi tiết mục hát đơn ca nữ của tổ dân phố ở thị trấn huyện, người hát thì ăn mặc hở hang, quần thì ngắn đến bẹn, hát thì chỉ nghe thấy tiếng gào, chẳng biết họ hát tiếng ta hay tiếng tây thế mà cũng được giải cao, tôi thấy khó hiểu quá, Ai người ta cũng nói ban giám khảo thiếu công tâm, thích ai thì người ấy được giải cao, tôi thấy làm như thế chỉ hại cho phong trào văn nghệ quần chúng.

- Thì hội diễn ấy mình cũng được giải đấy thôi, năm nay mình cố gắng phấn đấu để lấy giải cao hơn.

- Mình tôi đồng ý với ông thì ăn nhằm gì, phải tất cả các đội văn nghệ của các thôn nữa chứ.

- Được rồi, trước khi đi hội diễn ta còn phải tổng duyệt vài lần để chọn tiết mục đem đi cơ mà. Thôi chết, mải nói chuyện quá, muộn mất rồi, tôi đi đây.

Ông Lẩu ra khỏi nhà ông Sưu khi ánh nắng đã ngả màu vàng nhạt, phía xa xa đã thấy lãng đãng sương buông bàng bạc, ông Lẩu rảo bước đi về phía cánh đồng làng Pò Củng, trên đường đi ông gặp những chiếc xe máy lao vù vù. Từ ngày con đường từ xã lên huyện được cải tạo, hết trơn lầy, lượng xe máy ở xã này tăng vùn vụt, nếu trước đây nhà nào có được chiếc xe “Min”là oách lắm rồi thì nay có đủ các loại, nào là xe số, xe ga... có những chiếc xe máy giá bằng cả bốn, năm tấn thóc, ngày hội, đám cưới, đám vui, xe máy để chật sân bãi. Điện lưới quốc gia đã phủ kín khắp các thôn bản của xã, đêm về trông cứ huyền ảo như sao sa một vùng. Ông Lẩu dừng lại nhìn theo mấy tay thanh niên choai choai vừa phóng xe máy vừa cười đùa mà thấy nguy hiểm quá. Ở Cam Thượng bây giờ kinh tế phát triển, đời sống khá giả, mọi cái cũng phát triển theo, các luồng văn hóa bốn phương cũng đã len lỏi du nhập vào đến cả những vùng mà xưa nay vẫn cho là xa xôi hẻo lánh như Cam Thượng. Lớp trẻ bây giờ họ tiếp xúc với cái mới rất nhanh, có nhiều thanh niên đã đem kiến thức khoa học học được để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi lợn, nuôi bò, nuôi cá...đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng cũng có những thanh niên học đòi ăn chơi, mới tí tuổi đầu mà đã thuốc lá phì phèo, đầu tóc để bù xù, rồi một số nhà sắm đầu đĩa, với những chiếc loa thùng công suất lớn để hát những bài chẳng hiểu tây hay là ta, chỉ nghe tiếng gào thét như cháy nhà. Rồi những đĩa nhạc nước ngoài, bập bình suốt ngày làm đau đầu bà con xung quanh, đã có một số ý kiến đề nghị xã ra lệnh cấm, nhưng cấm làm sao được khi mà họ không vi phạm pháp luật. Chỉ có cách là tuyên truyền để cho mọi người hiểu việc ca hát vui chơi giải trí là một nhu cầu văn hóa của cuộc sống, nhất là lớp trẻ, nhưng vui chơi giải trí đừng làm mất trật tự và ảnh hưởng đến người khác. Ông chỉ mong đừng bao giờ có tệ nạn xã hội đến với Cam Thượng, để người dân được sống yên bình làm ăn phát triển, góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Mãi đến lúc tối nhọ mặt người, ông Lẩu mới về đến nhà, cả nhà đang chờ ông về ăn cơm. Bà Lẩu hỏi chồng:

- Ông đi những đâu mà về muộn thế, ông Lừu sang chơi nhưng ông không có ở nhà, ông ấy hẹn tối sang đấy.

Cơm nước xong, vợ chồng ông Lẩu đang ngồi xem chương trình thời sự thì ông Lừu - Bí thư Đảng ủy sang chơi, hai người tay bắt mặt mừng như đôi bạn thân lâu ngày mới gặp. Thấy thế bà Lẩu nói trêu:

- Gớm hai ông mới vắng nhau mới có nửa tháng trời mà cứ như là xa nhau cả chục năm mới gặp.

Bà Lẩu nói xong cả ba người cùng cười vui. Đoạn ông Lừu hỏi ông Lẩu:

- Chiều nay ông đi thăm đồng thế nào, liệu năng suất có vượt kế hoạch không?

- Theo như chủ quan đánh giá của tôi thì vụ lúa Thu đông này năng suất phải trên bốn tấn một héc ta là cái chắc, cái anh giống lúa nội này cũng tốt đấy chứ, cần gì cứ phải giống lúa của ngoại

- Thứ năm vừa rồi trong buổi giao ban với các bí thư chi bộ và các thôn trưởng, thấy các nơi đều báo cáo là lúa rất tốt, chắc chắn vụ này sẽ được mùa lớn, chỉ nửa tháng nữa là bắt đầu gặt đấy ông nhỉ!

- Nếu cứ thời tiết đêm sương ngày nắng thế này thì chỉ khoảng chục ngày nữa là gặt tốt rồi

Ông Lừu cầm chén nước ông Lẩu vừa mời đang còn bốc khói nghi ngút, hương chè ngan ngát tỏa ra xung quanh. Ông Lừu quay sang nói với ông Lẩu:

- Sáng thứ hai này sau khi giao ban, ta họp chấp hành đảng ủy để bàn kế hoạch triển khai bầu thôn trưởng và một số nhiệm vụ, trong đó có việc tổng kết đánh giá hiệu quả sau một năm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Lẩu cầm chén nước nhấp một ngụm rồi hỏi ông Lừu:

- Đã hết nhiệm kì thôn trưởng rồi hả ông, sao nhanh thế nhỉ, có lẽ rồi ta cũng phải có ý kiến đề xuất với trên về việc này là nhiệm kỳ thôn trưởng cũng nên để năm năm như hội đồng nhân dân, chứ hai năm rưỡi thì nhanh quá, hơn nữa đào tạo anh em đang quen việc thì lại giở ra bầu lại, nhỡ mà họ tự ái là làm khó cho mình đấy ông ạ.

- Tôi cũng nghĩ nên như thế, nhưng đây là quy định của trên thì ta cứ phải thực hiện chứ biết làm thế nào, còn ta có đề xuất thì cũng chỉ đến huyện thôi chứ có phản ảnh được đến Trung ương đâu, mà cái việc cỏn con này ai người ta để ý.

Ông Lẩu cầm ấm chuyên rót nước vào hai cái chén, rồi hỏi ông Lừu:

- Chè này uống có hơn chè mua chợ không, mà vừa rồi ông bảo tổng kết chương trình xây dựng nông thôn mới, mình đã tổng kết rồi cơ mà.

- Đấy là mình tổng kết hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, xã mình hoàn thành vượt kế hoạch, mình về đích trước một năm, còn nhiều xã bây giờ mới hoàn thành được khoảng sáu bảy chục phần trăm, thậm chí có xã mới hoàn thành được năm chục phần trăm, cho nên trên mới yêu cầu tổng kết đánh giá hiệu quả sau một năm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới của xã mình đấy. Hôm tôi họp ở ngoài huyện được nghe báo cáo là có những xã vì nôn nóng hoàn thành chương trình và cũng vì cả bệnh thành tích nữa nên gò ép dân quá sức. Có những xã đời sống kinh tế của dân còn nghèo nhưng phải đóng góp đến vài triệu đồng một hộ để làm đường và mương phai thì dân chịu sao nổi, cho nên dân phản đối không đóng góp, không làm. Lại còn có cả những xã dư thừa lao động, nhưng lại bắt dân đóng tiền để mua cát sỏi rồi thuê thợ về đổ bê tông để lấy tiền phần trăm chia nhau, trong khi người dân có thể tự khai thác vật liệu tại chỗ, khi bị dân phát hiện, tập thể lãnh đạo bị kiểm điểm. Đấy ai bảo là nông thôn không có tiêu cực, không có tham nhũng. Hồi xã mình làm tôi cũng lo lắm, nhỡ mà có cái gì sơ xểnh thì biết ăn nói với bà con thế nào, may mà có ông sâu sát kiên quyết nên tôi cũng đỡ lo.

- Cũng có mấy công ty tư nhân ở ngoài thị trấn vào xin đổ bê tông các tuyến đường của xã minh rồi trích lại mười phần trăm cho tôi, nhưng tôi không nghe. Tôi bảo với họ là tôi không quen ăn chặn mồ hôi công sức của bà con mình, chúng tôi có thừa lao động để làm. Rồi họ kể rằng giá trị công trình càng lớn thì chủ đầu tư càng ăn to, cứ mười phần trăm họ lấy, bất biết bên B lỗ lãi thế nào, mà sao lại thế nhỉ, có văn bản nào của nhà nước quy định như thế không hả ông.

Ông Lừu chép miệng:

- Làm gì có những quy định ấy, chẳng qua là các chủ đầu tư họ coi mình là người có cái quyền nắm giữ tiền nên họ ăn chặn thế thôi,bên thầu khoán biết rõ mười mươi mà không làm gì được. Cái bọn sâu mọt ấy chỉ làm khổ dân, công trình chất luợng kém cũng ở đấy mà ra, mà thôi ta nói chuyện ấy làm gì nhiều cho mệt cái đầu.

  Ngừng một lát hình như hai người đang có những sự suy tư khác nhau. Bỗng ông Lẩu quay sang hỏi ông Lừu:

  - Theo chỉ đạo của huyện thì bao giờ phải tổng kết xong hả ông, mà theo ông thì ta nên làm thế nào để đánh giá chính xác được hiệu quả của chương trình.

    Nghe ông Lẩu hỏi, ông Lừu suy nghĩ một lát rồi nói với ông Lẩu:

    - Ta cứ đưa ra hội nghị đảng ủy bàn đã, nhưng theo tôi thì sau khi có nghị quyết của đảng ủy, ta sẽ tổ chức họp quân dân chính để triển khai chung, sau đó tiến hành hội nghị ở các chi bộ, rồi đến các đoàn thể và ý kiến của nhân dân ở các thôn. Sau khi có kết quả từ các chi bộ, các đoàn thể và các thôn gửi về ta sẽ tổng hợp lại để thông qua thường vụ đảng ủy, rồi lại mở hội nghị quân dân chính để xin ý kiến lần cuối.

- Vâng, tôi thấy ý kiến của ông rất đúng, cứ để cho người dân tự đánh giá mới chính xác được vì ai cũng nhìn thấy cái được lớn lao của chương trình xây dựng nông thôn mới rồi, người người, nhà nhà đều được hưởng lợi từ chương trình. Xã mình hoàn thành chương trình sớm cũng là do đã được đầu tư cơ sở hạ tầng một phần từ chương trình một ba lăm, như hệ thống điện đã phủ kín toàn xã, rồi trường học, trạm xá, kênh mương nội đồng... hơn nữa có được như ngày hôm nay nhân dân xã ta cũng phải cảm ơn doanh nghiệp Đạt Cường đang xây dựng nhà máy thủy điện Nà Pung, nếu không có họ giúp đỡ thì xã ta cũng khó mà hoàn thành vượt kế hoạch ông ạ.

Chiếc đồng hồ quả lắc treo trên cột nhà thong thả gõ binh boong mười tiếng chuông,ông Lừu nhấp một ngụm nước rồi nói với ông Lẩu:

- Thôi, tôi đi về đây, mai ra trụ sở ta bàn tiếp, nhưng theo tôi thì mọi việc phải kết thúc trước khi bước vào vụ thu hoạch lúa mùa đấy.

-  Gặt hái bây giờ có đáng là bao đâu, chỉ cần người gặt, còn đã có máy vò, không phải tuốt và đập như trước đây,nên nhanh lắn ông ạ.

- Xã mình dễ có đến gần chục chiếc máy vò lúa đấy nhỉ?

- Vụ này không biết có nhà nào mua thêm không, số cũ thì chỉ có tám cái và mười hai cái máy cày cầm tay, thế cũng thoải mái rồi, tôi ước giá đồng đất của mình bằng phẳng để xây dựng cánh đồng mẫu lớn thì tôi sẽ mua máy gặt đập liên hoàn phục vụ bà con.

  - Nếu có cánh đồng mẫu lớn thì còn gì là miền núi nữa.

    Ông Lừu nói xong cả hai cùng cười, rồi ông bước nhanh ra ngoài sân.

  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (20/11/2022)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1