Muôn nẻo đường Lào Cai
Lượt xem: 8428
Làng tôi đậu vắt vẻo trên vạch mây trắng lưng chừng núi cao ngất. Thuở nhỏ, từ trên núi, ngày ngày tôi vẫn ngóng xuống con đường quãng khuất quãng hiện nhìn theo những bóng người nhỏ xíu như những con kiến thoắt biến thoắt lộ, rồi những chiếc xe như những con bọ sừng bò lên, trườn xuống lúc thì tan mờ vào núi, khi thì ùng ình hiện ra.

Tôi lớn dần lên cùng những khúc đường rộng dài. Tuy đôi chân có thể ngắn hơn người nhưng hầu hết các khúc Quốc lộ, Tỉnh lộ, Huyện lộ, Xã lộ đã từng đi, từng đến. Đường đi ngay dưới chân mình đấy. Có khi đi nát cả rồi mà nào có hiểu gì về đường đâu.

Để kiểm chứng lại những ký ức một thời về những khúc đường, tôi phải tìm đến một nhân vật phụ trách ngành giao thông thời kỳ cuộc sống khó khăn nhất và cũng là thời chiến tranh ác liệt nhất.

Năm 1964, đế quốc Mỹ bắt đầu gây chiến tranh phá hoại miền Bắc. Chúng ngày càng đánh phá ác liệt “cho Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Hệ thống giao thông trở thành mục tiêu hủy diệt của chúng. Để chi viện sức  người, sức của cho miền Nam và đảm bảo giao thông thời chiến, tỉnh cử đồng chí Cư Hòa Vần, Phó Chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm luôn chức Trưởng ty, đồng thời là Bí thư Đảng ủy ngành Giao thông. Ông Cư Hòa Vần, một cán bộ người Hmông, sau đó còn đảm đương nhiều trọng trách của tỉnh Lào Cai, của trung ương cho đến Ủy viên thường vụ - Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội. Tuổi cao sức yếu, ông vừa mới qua đời cách đây chưa lâu.

Hồi ấy đường bộ từ Lào Cai nối với các tỉnh miền xuôi và thủ đô chưa có, chỉ độc nhất một con đường sắt do người Pháp xây dựng là mục tiêu chính bắn phá liên tục của máy bay Mỹ. Tỉnh Lào Cai là địa phương tiếp nhận sự chi viện của quốc tế, đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa. Vì không có đường giao thông để vận chuyển nên lương thực, thực phẩm chất ngổn ngang, bừa bộn tại sân ga, sân chợ, vỉa hè. Theo hồi ức của ông Cư Hòa Vần thì hồi đó có một ông Phó Thủ tướng lên Lào Cai làm việc, lãnh đạo tỉnh tính ra kế gói hàng vào nhiều mảnh ni lông rồi thả xuống sông Hồng cho tự trôi, tổ chức một lực lượng đón vớt tại thị xã Yên Bái. Hàng hóa thất thoát nhiều do người dân ở nơi vắng vớt hoặc do bị va đập, bị mắc cạn. Khẩu hiệu được nêu lên là: “Địch phá, ta sửa ta đi!”; tiến tới: “Địch phá, ta cứ đi!”. Tỉnh liền tổ chức những đoàn thuyền, mảng, và cả tàu chở hàng. Tuy có chậm nhưng nhìn chung hàng hóa vẫn được chuyển về miền xuôi. Tỉnh còn tổ chức một đoàn vào khu 4, nơi chiến tranh đang ác liệt để học tập cách mở đường, cách chuyển hàng hóa, nhân lực, cách vận tải thời chiến. Những kinh nghiệm quý học được đã đem áp dụng vào việc mở các bến phà dọc bờ sông Hồng, và sẽ mở những con lộ sau này. Sau chuyến đi đó, trung ương quyết định thành lập một công trường đặc biệt mở thông tuyến đường bộ xuống Yên Bái, chỗ nối liền là đèo Cộng Hòa, giáp ranh giữa huyện Bảo Thắng của tỉnh Lào Cai và huyện Bảo Yên thuộc tỉnh Yên Bái do đích thân ông Cư Hòa Vần làm Trưởng ban chỉ huy công trường. Bây giờ chẳng còn ai biết chỗ giáp ranh giữa xã Điện Quan – Bảo Thắng và xã Thượng Hà – Bảo Yên là đèo Cộng Hòa nữa. Tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận tám nghìn thanh niên xung phong từ các tỉnh Thái Bình và Hà Đông lên. Đây là con đường cực kỳ quan trọng chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở mức cao nhất có thể, khi đó cả miền Bắc, nhất là các tỉnh miền núi vừa là hậu phương lớn của miền Nam, vừa là tiền tuyến trực tiếp, vì đế quốc Mỹ âm mưu đổ bộ bằng đường không xuống những điểm heo hút, vắng vẻ, và trên thực tế, nhiều toán biệt kích của chúng đã đổ bộ thử nhưng đều bị tóm gọn, ví như vụ biệt kích nhảy dù xuống xã Phú Nhuận chẳng hạn. Công trường hồi đó thi công hoàn toàn bằng sức người với những dụng cụ thô sơ, là cuốc, xẻng, xà beng, xe cút kít tự tạo, sọt tự đan. Khi nền đường được hoàn thành thì trung ương chủ trương điều chuyển toàn bộ số thanh niên xung phong vào tiếp viện cho chiến trường ác liệt hơn. Tuy thế, phần việc còn lại của quốc lộ 70, tên gọi hiện thời chứ hồi ấy chẳng có tên tỉnh vẫn tiếp tục hoàn chỉnh, đồng thời bắt đầu mở các tuyến đường nội tỉnh từ thị xã tới các huyện lỵ Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát và từ thị trấn Sa Pa sang Lai Châu, tức huyện Phong Thổ xưa (tiếng ta gọi thế nhưng tiếng Pháp gọi là Phông Tô nên có người sính Tây cứ gọi bừa là Phòng Tô), còn con đường từ thị xã Lào Cai, trước năm 1991 gọi là Lao Cai, lên thị trấn Sa Pa thực dân Pháp đã mở từ trước dài 38 cây số nhưng mặt đường vừa nhỏ hẹp vừa xấu. Riêng con đường lên cao nguyên Bắc Hà, hôm khánh thành, nhân dân huyện Bắc Hà mở hẳn ngày hội, trống giong cờ mở náo nhiệt nhưng chờ mãi không thấy cán bộ tỉnh đi xe ca vào. Trời đã ngả chiều, người dân và cán bộ gặp nhau giữa độ đường, xe chẳng thấy xe, chỉ thấy cán bộ áo quần bê bết bùn đất. Thì ra xe của cán bộ tỉnh bị sa lầy. Thế mà vui. Thế là con đường bỗng dưng mang tên “Đường ông Vần”. Từ đó mạng lưới giao thông nội tỉnh khai thông, còn nối đến tỉnh bạn và cả nước láng giềng Trung Quốc. Tiếp theo là mở các khu lộ, xã lộ như từ Bản Vược, trung tâm huyện lỵ Bát Xát đi khu vực Mường Hum, từ thị trấn Bắc Hà đi lên huyện lỵ Sin Ma Cai, xây dựng cầu cứng Cốc Lếu, cầu treo Bảo Nhai mà tôi đã từng đi làm dân công dựng lều giữa rừng cùng anh em gánh cát, vác đá.

Đất nước thống nhất chưa bao lâu thì Lao Cai sáp nhập vào với Yên Bái và Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn to đùng to đoành. Bé đã chả kham nổi huống chi là to nhớn. Ban đầu tỉnh lỵ đóng tạm tại thị xã Lao Cai. Bắt đầu nảy ra “sự kiện nạn kiều” thì tầng lớp lãnh đạo cũng bắt đầu toan tính chuyển xuống thị xã Yên Bái. Thế là đương nhiên Lao Cai “miền biên viễn” bỗng dưng thành ra xa xôi heo hút vắng teo, cầu, đường vốn đã chẳng có cấp độ nào nay lại càng nhanh chóng xuống cấp, quốc lộ như là lối mòn thì tỉnh lộ, xã lộ như lối đi nương là tất yếu, tuy rằng có mở mang thêm đường 4E, đường 279, gọi là đường nhưng chất lượng như lối trâu đường ngựa mà thôi. Chiến sự “bảy chín” chỉ diễn ra trong một tháng nhưng đường Lao Cai bị lãng quên từ 1978 cho đến tận 1992 sau khi tỉnh Lào Cai tái lập tháng 10 năm 1991. Cả tỉnh có trên 700 ki-lô-mét đường bộ, thì chỉ có chừng 70 ki-lô-mét tạm gọi là đi được nhưng cầu cống không còn cái nào nguyên vẹn, yên lành. 44 cây cầu đều bị phá hủy hoặc tự hủy trong đó có 4 cây tạm gọi là cầu lớn: Cốc Lếu trên sông Hồng nối đôi bờ thị xã Lào Cai, Làng Giàng là cầu đường sắt chở quặng Apatít từ Cam Đường nhập vào con đường sắt Việt – Điền, cầu Hồ Kiều trên sông Nậm Thi sang Trung Quốc và cầu treo Bảo Nhai lên Bắc Hà, Sin Ma Cai. Những ngày đang diễn ra chiến sự “bảy chín” tôi đã đi lại trên cây cầu Cốc Lếu, lúc đó đã bị phá hủy, chỉ còn là những thanh sắt cong queo dập dềnh trên mặt nước sông Hồng, từ phía Cốc Lếu sang đến bờ bên Lao Cai, vội ngồi thụp xuống rồi mở sổ tay ra ghi mấy dòng cảm xúc:

... Nơi mố cầu

Đôi chim sẻ

Lăng xăng

Bới tìm

Toác móng

Rớm máu

Ngơ ngác

Ngác ngơ

Đâu rồi

Quả trứng đầu?

Đó chỉ là một hình ảnh đặc trưng tiêu biểu của cái thị xã thân thương chìm trong cảnh đổ nát, hoang tàn do chiến tranh – trò đùa khoái chí của bạo chúa, độc tài.

Nhưng sau mười năm tái lập, toàn bộ diện mạo của các thiết chế hạ tầng cơ sở đã thay đổi sâu sắc, có tính bước ngoặt và bền vững.

Riêng với ngành giao thông vận tải, từ năm 1992 đến năm 1998 đã sửa chữa, nâng cấp trên 200 km đường cả quốc lộ và tỉnh lộ, khôi phục và xây dựng mới gần 50 cây cầu vĩnh cửu, trong đó có 5 cây cầu lớn là Cốc Lếu, Hồ Kiều, Khe Chấn, Nậm Tôn và Kim Tân. Trong công tác vận tải, cho đến năm 1998 đã có 670 phương tiện tham gia kinh doanh có năng lực vận tải 350 ngàn tấn hàng hóa các loại và chuyên chở trung bình một triệu lượt hành khách mỗi năm. Công ty vận tải thủy bộ là một doanh nghiệp quốc doanh từ chỗ chỉ có khoảng bốn chục đầu xe cũ nát tạm dùng chở hàng và hành khách với số vốn ban đầu là 590 triệu đồng thì nay đã phấn đấu đứng vững trên thị trường. Doanh nghiệp đã tự trang bị thêm nhiều xe mới đảm bảo vai trò chủ đạo trong nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa đến tất cả các trung tâm huyện lỵ và các điểm dân cư tập trung, hơn nữa còn đảm bảo vận tải hàng hóa, bốc xếp qua các cửa khẩu quốc tế, quốc gia Lào Cai, Bát Xát, Mường Khương với mức doanh thu năm sau cao hơn năm trước, trong đó tính riêng năm 1998 mức doanh thu tăng gấp sáu lần so với năm 1992. Năm 1992 mới có 20 tuyến vận tải hành khách thì đến năm 1998 đã mở rộng được 39 tuyến gồm 20 tuyến nội tỉnh, 18 tuyến ngoại tỉnh và 1 tuyến quốc tế. Điều đáng mừng là trong cơ chế thị trường, toàn tỉnh có 365 chủ phương tiện thì lực lượng ngoài quốc doanh và hộ cá thể đã chiếm 360 góp phần không nhỏ giải quyết việc làm cho người lao động, là điều kiện đi lại, vận chuyển thuận tiện cho nhân dân, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương và cũng làm phong phú, đa dạng, linh hoạt đối với công tác này.

Điều đặc biệt quan tâm của tỉnh là phát triển mạng lưới giao thông nông thôn. Với phương châm “Nhân dân tự làm là chính, kỹ thuật phổ cập là chính, vật liệu tại chỗ là chính”, những năm qua, cùng với vốn hỗ trợ của trung ương đồng thời với các chương trình, dự án WB, ADB cùng các chương trình lồng ghép như định canh định cư kinh tế mới, 135... tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng và huy động hàng triệu ngày công của nhân dân mở đường liên thôn, liên xã, nên đến năm 1998 đã làm được hơn 800 km đường, sửa chữa, làm mới hàng chục cầu treo các loại, các cấp. Nếu như năm 1992 có 56 xã chưa có đường tới trung tâm, thì năm 2000 chỉ còn 17 xã, và đến nay tất cả các xã đều có đường đến trung tâm. Riêng năm 2000, chỉ tiêu đặt ra là mở đường đến 5 xã thì hết tháng 12 đã mở đến 10 xã, là Bản Già, Lùng Cải, Hoàng Thu Phố của huyện Bắc Hà, Y Tý, Pa Cheo, Trung Lèng Hồ của huyện Bát Xát, Nậm Cang, Bản Hồ của huyện Sa Pa, Tân Tiến của huyện Bảo Yên và Nậm Cần của huyện Than Uyên. Cũng đến năm 2000 đã xuất hiện thêm cây cầu Hua Be trên quốc lộ 32 trong địa phận huyện Than Uyên khi đó còn thuộc tỉnh Lào Cai được đưa vào sử dụng từ ngày 30 tháng tám, Với người dân thị xã Lào Cai – Việt Nam và thị trấn Hà Khẩu – Trung Quốc thì không thể quên sự kiện thông cầu Hồ Kiều 2 vào ngày 8 tháng giêng năm 2001, chưa kể trước đó đã hoàn thành cầu Khe Chấn, đồng thời khởi công xây dựng cầu Bảo Nhai và cầu Phố Mới cùng với mở một loạt các tỉnh lộ và đường nông thôn, Ngay sau lễ kỷ niệm 50 năm Lao Cai giải phóng ngày 1 tháng 11 năm 2000, ông Cư Hòa Vần, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Lao Cai, đương nhiệm Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội đã đi trên con đường mới mở từ Mường Hum qua Sảng Ma Sáo, qua Rừng Già để đến xã Y Tý heo hút mà ngày xưa chỉ là con đường mòn vắng teo. Con đường vòng cung này sẽ sang Ngài Thầu, A Lù, A Mú Sung, xuống Trịnh Tường rồi gặp nhau tại Bản Vược. Tôi đã có cơ hội đi cùng với đoàn khảo sát con lộ này, một chuyến đi bại cả đôi chân. Và đây, con đường dài 28 km từ huyện Bắc Hà lên Sin Ma Cai vừa được bàn giao. Năm 1964 một mình lúc cúc đi bộ dưới nắng cháy, đến địa phận xã Cán Cấu mới có một vũng nước tụ trong khe đá. Ngồi nghỉ ăn cơm nắm, tôi viết trọn một bài thơ ngắn:

Đi suốt ngày trời nắng chang chang

Bỗng tìm thấy mạch nước nguồn trong vắt

Vục đầu xuống, nước trùm lên cơn khát

Lại xốc ba lô bước tiếp đường dài.

Sau lễ bàn giao, tôi lại rong ruổi lên huyện mới Sin Ma Cai thành lập từ năm 2000. Sin Ma Cai mới lên từng ngày. Chủ tịch huyện Lý Seo Lùng đánh xe con cho tôi xuống xã Bản Mế. Từ huyện lỵ xuống Bản mế còn có những khúc thót tim. Chủ tịch chỉ cho tôi con đường rẽ sang xã Sín Chéng còn tươi rói màu đất. Trên đường xuống Bản Mế, tôi nhìn sang phía Tả Gia Khâu của huyện Mường Khương, thấy những ngôi nhà của đồn biên phòng như những ụ nấm mối. Theo đồng chí Chủ tịch thì sẽ có con đường nối từ huyện Sin Ma Cai với huyện Mường Khương, là con đường chúng tôi đang đi này. Nếu như đi tàu xuôi, hẳn ai cũng sẽ thấy một con đường mới chạy song song với đường sắt một đoạn khá dài. Đó là con đường mới từ thị xã tỉnh lỵ vượt qua dãy núi Con Voi để bắt vào quốc lộ 70. Con đường lên huyện Mường Khương cũng đã vừa nâng cấp. Đường mở khắp nơi, phía Đông phía Tây phía Nam phía Bắc. Đường to đường nhỏ. Đường ô tô bê tông nhựa, đường nhựa, đường cấp phối, đường đất, đường mòn… Cả tỉnh là một công trường đường. Tôi rất muốn được đi ngắm nhìn những con đường nhưng không làm sao gặp giám đốc sở Giao thông. Tìm ông khó hơn là tìm Bí thư tỉnh ủy. Đành vọt sang phía Đông. Tỉnh Hà Giang họ làm đường mới kinh khủng: Mở đường trên đá. Con đường mang tên “Hạnh phúc” phải đục, phải san những núi đá, những mỏm đá để tới những làng xa xôi heo hút, tới tận những chòm xóm chỉ vài nóc nhà, làm cho thôn xóm đìu hiu bỗng rộn rã hẳn lên. Tôi nói chuyện này với Bí thư huyện Bắc Hà Giàng A Pao vốn là bạn học từ thời Bổ túc công nông tỉnh. Giàng A Pao bảo “họ làm một phát là xong, còn mình, làm mãi, làm mãi. Đường đá của họ dù có mưa gió cũng không bị lở xói như ta”. Chợt nhớ có lão nông miền sơn cước đi thăm thú vài nơi miền xuôi về, nói “Miền xuôi họ lắm đất mà toàn đi đường đá, miền núi ta lắm đá mà toàn đi đường đất”. Nhưng bây giờ khác rồi. Bây giờ ngựa chỉ nuôi chơi hoặc cho vào chảo thắng cố, cho vào nồi cao toàn tính. Phương tiện đi lại phải bằng xe máy mới nhanh. Có nhà mua đến ba, bốn cái, nhất là những hộ dân trồng được thảo quả. Và cũng bởi tại cái đường đất dễ sạt lở mùa mưa nên lực lượng bảo dưỡng đã được bố trí nên không còn khúc lối nào phải chui rúc dưới tán cây lau, cây nứa nữa. Đến như đường liên xã, liên thôn, liên xóm cũng đã trải bê tông.

Những con đường đã thông thoáng, rộng dài đi muôn nẻo muôn phương, thì lực lượng vận tải đương nhiên tăng lên rồi. Cho đến năm 2000, lực lượng vận tải Lào Cai có 5 hợp tác xã, 2 công ty trách nhiệm hữu hạn, 1 công ty cổ phần, chừng 450 hộ cá thể tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách. Xe tải các loại có khoảng 800 chiếc, xe khách loại dưới 30 ghế có 200 chiếc, trên 30 ghế có khoảng 100 chiếc... Sản lượng vận tải tăng nên doanh thu cũng tăng vùn vụt. Bên cạnh những đóng góp có tính nòng cốt của các đơn vị trong ngành xây dựng mạng lưới giao thông, còn phải kể đến các đơn vị chức năng chuyên nghiệp trung ương, như Công ty cầu 1, Công ty cầu 3, Công ty cầu 14 thuộc tổng công ty cầu Thăng Long và một số doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân đang có mặt trên địa bàn tỉnh như công ty xây lắp Phúc Khánh, Nam Tiến, Quyết Tiến, Minh Đức, Cương Lĩnh... Tôi có trong tay “Tập bản đồ giao thông đường bộ Việt Nam” do Nhà xuất bản Bản đồ ấn hành nhưng chỉ đến năm 2005. Sắp mười năm rồi. Đường bộ Lào Cai đã khác xa lắm rồi. Tập sách bản đồ trở nên lạc hậu lắm rồi. Tháng chín năm 2014 chi hội nhà văn Sông Chảy gồm nhà văn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Hà Giang họp tại tỉnh Lào Cai. Hà Giang có 2 nhà văn không sang được. Hỏi ra, mới biết có một khúc đường thuộc địa phận huyện Quang Bình của tỉnh Hà Giang bị sụt lở, đường tắc, cụ Hùng Đình Quý sức khỏe yếu, còn nhà văn Nguyễn Quang đành phải quay về; và năm 2013 tôi có chuyến sang trường đại học Thái Nguyên qua Tuyên Quang bằng xe khách. Bên đó thì xóc khủng khiếp do ổ trâu ổ voi. Về đến đất Lào Cai quãng xã Nghĩa Đô, ôi trời, đường êm ru. Đường nội thành cũng thế, thành phố Lào Cai bóng loáng, êm ái hơn cả nội thành thủ đô. Và đại lộ Trần Hưng Đạo, trục lộ xương sống của thành phố thẳng băng. Và đường cao tốc vừa hoàn thành ngày 20 tháng Chín năm 2014. Đường thủy trên sông Hồng tuy không thật náo nhiệt nhưng vẫn có phương tiện hoạt động. Cầu Kim Thành đón đường cao tốc sang nước bạn Trung Quốc đã xong. Cầu Phố Lu sắp hoàn thành. Sẽ xuất hiện thêm cây cầu Vạn Hòa. Thêm nữa, dự án đường hàng không đã nằm trên bàn các vị lãnh đạo tỉnh và trung ương...

Ghi nhận những thành tích về công tác giao thông vận tải tỉnh Lào Cai, tính từ khi tỉnh tái lập cho đến năm 2000, chưa đầy 10 năm, toàn ngành đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 7 Huân chương lao động hạng Hai và hạng Ba, 10 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 5 cờ thi đua xuất sắc của tỉnh, 4 cờ thi đua xuất sắc của Bộ, 3 chiến sĩ thi đua toàn quốc và nhiều chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp cơ sở. Song phần thưởng cao hơn, có ý nghĩa lớn lao hơn, đó là ngành đã xây dựng được một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, bền vững trên một tỉnh vốn có địa hình núi non trùng điệp, dốc cao suối sâu, lắm khe nhiều lạch có đủ các loại: Đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.

Con ong, cái kiến, những con vật bé nhỏ, con trâu, con voi, những con vật to nhớn đều có đường có lối riêng của chúng, như câu nói của người Hmông: “Trâu có đường trâu, chó có lối chó”. Còn con người, “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, từ khi chập chững tập đi, đã lần mò theo những con đường quanh nhà, quanh xóm, dần dà sẽ mạnh bước trên những nẻo đường làm nên một phần tri thức cho mỗi con người tự hoàn thiện mình. Xưa, nhìn con đường, đi theo con đường, phải cuốc bộ gần một ngày mới tới phố thị. Bây giờ thì vèo xe máy nửa tiếng, một tiếng là tôi đã có thể nâng chén rượu mà nhâm nhi tại chốn chôn nhau cắt rốn. Muôn nẻo đường Lào Cai đã và đang rộng mở cho ta vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 

                                                             25/08/2001 – 15/11/2014

                                                                             M.A.L

  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (20/11/2022)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1