Lời thề với rừng thiêng
Lượt xem: 7718
Từ trên cao nhìn xuống, thôn Lao Chải, xã Y Tý giống như một vườn nấm khổng lồ đội đất mọc lên giữa xung quanh là ngút ngàn màu xanh của rừng. Già làng Ly Seo Chơ rít thêm điếu thuốc lào, phả khói đặc quánh lên hiên nhà bảo: Mỗi thôn của người Hà Nhì đều có 3 đến 4 rừng cấm bao bọc xung quanh do các vị thần cai quản. Từ ngày xưa, tổ tiên người Hà Nhì đã có lời thề với thần Gà Ma Do là không bao giờ phạm tới rừng thiêng và bầu ra người trông coi rừng, nay gọi là kiểm lâm viên...

Lời thề giữa rừng Gà Ma Do

Trong các thôn, bản của người Hà Nhì ở Y Tý, Bát Xát, thì Lao Chải nghĩa là thôn già, thôn gốc, từ đó theo thời gian mới được chia tách ra thành nhiều thôn, bản khác. Trong đó, thôn Lao Chải 1 là thôn do những người Hà Nhì đầu tiên đến mảnh đất này sinh sống. Một sớm sương mù còn giăng kín, Trưởng thôn Phu Che Xá, cũng là kiểm lâm viên của thôn đưa tôi ngược theo con dốc tiến sâu vào khu rừng rậm phía trên thôn. Rừng âm u quá, nhìn đâu cũng chỉ thấy những cổ thụ bám đầy rêu xanh và dây leo chằng chịt. Tôi bước trên lớp lá mục ẩm ướt dày đến cả gang tay, thi thoảng lại giẫm phải cành cây khô mục nát phát ra âm thanh nghe rờn rợn. Phu Che Xá ghé tai tôi bảo đây là khu rừng cúng thần bản mệnh của thôn, rộng hơn 10 ha, có từ rất lâu rồi, cũng không biết rừng này đã bao nhiêu tuổi. Bình thường, chẳng ai dám vào rừng này hái một cái lá hay bẻ một cành củi khô, vì thần rừng thiêng lắm. Chỉ có vào ngày con Rồng tháng Giêng hàng năm, khi thôn tổ chức lễ cúng thần rừng Gà Ma Do, thì mọi người mới vào rừng làm lễ cúng. Hai thầy cúng, cũng là người cai quản rừng cấm, còn gọi là kiểm lâm viên được dân làng bầu ra với điều kiện phải là đàn ông, có đủ con trai và con gái, trong 3 năm gia đình không xảy ra chuyện buồn... Người Hà Nhì tin rằng, mỗi loài cây, loài chim, loài thú trong rừng đều có linh hồn và có vị thần cai quản. Khi vào rừng, tất cả chỉ đi chân đất hoặc dép gỗ và không được nói thứ tiếng nào khác ngoài tiếng Hà Nhì để khỏi kinh động đến thần linh. Khi lễ vật được dâng lên, 2 thầy cúng sẽ hành lễ, tạ ơn rừng thiêng, cầu xin thần rừng Gà Ma Do che chở, phù hộ cho dân bản luôn khỏe mạnh, có cuộc sống bình yên, mưa thuận gió hòa, nhà nhà no ấm... Đại diện các gia đình cũng lần lượt khấu đầu trước bàn thờ thần rừng, thề sẽ không bao giờ vào rừng thiêng chặt cây, lấy củi, săn bắt chim, thú, làm điều bậy bạ... Ai quên lời thề, vi phạm vào hương ước của thôn, sẽ bị thần rừng trừng phạt. Dừng chân trước khoảng trống gần những gốc cây cổ thụ xù xì to đến mấy người ôm, Phu Che Xá chỉ cho tôi xem chiếc bàn thờ bằng đá nơi diễn ra lễ cúng rừng của người Hà Nhì thôn Lao Chải 1. Chiếc bàn thờ này được lập nên có lẽ đã hàng trăm năm, nên rêu phủ xanh rì. Phía dưới còn có một bàn thờ đá khác nhỏ hơn. Giữa khu rừng thâm u, ngước lên là dáng cổ thụ cao vút sương mù, tôi linh cảm thấy có một sức mạnh vô hình nào đó đang ngự trị ở đây. Chỉ tay về phía mấy cánh rừng gần đó, Xá bảo mỗi thôn của người Hà Nhì đều có một khu rừng cúng thần Ga Ma Do rộng từ 5 -10 ha. Thôn nào mới tách ra cũng phải tự tìm một khu rừng như vậy để thờ thần bản mệnh của thôn...

Lấy của rừng, phải trả nợ rừng

Trở lại câu chuyện với già làng Ly Seo Chơ, tôi được hiểu rõ hơn về luật tục giữ rừng của cộng đồng người Hà Nhì ở Y Tý. Ban đầu, tôi luôn băn khoăn với câu hỏi: Tại sao những năm trước đây, trong khi nhiều khu rừng ở vùng cao Lào Cai bị tàn phá đến đau xót vì tập quán du canh du cư, phá rừng làm nương, khai thác gỗ để bán kiếm tiền… thì ở vùng cao Y Tý vẫn giữ được những cánh rừng nguyên sinh như vậy? Già làng Ly Seo Chơ vê vê điếu thuốc lào trong những ngón tay mốc meo, hấp háy đôi mắt mờ đục nhìn ra cánh rừng xa: Hây dà! Còn rừng thì còn sự sống mà! Trong rừng có thần linh cai quản. Cái cây to hay nhỏ, con chim, con sóc... đều là con của thần rừng, nhờ rừng mà sống, người Hà Nhì cũng vậy, thì sao lại đi phá rừng. Ai tàn phá rừng, lấy của rừng phải trả nợ rừng, nếu không sẽ bị thần rừng trừng phạt. Rừng chết rồi, thần rừng nổi giận, không có thần linh bảo vệ, con cháu đời sau cũng không sống nổi đâu... Hỏi già làng, tôi biết thêm, cũng như ở Lao Chải 1, ở các thôn khác của người Hà Nhì như: Lao Chải 2, Sín Chải, Chỏn Thèn, Mò Phú Chải, ngoài rừng cúng Gà Ma Do ở đầu nguồn nước phía trên thôn, thì xung quanh đều có 3 rừng cấm khác. Phía trái thôn là rừng thờ thần Thủ Ty (thần Thổ địa là người có công lập làng), bên phải nơi cuối nguồn nước, gần ruộng là rừng thờ thần Mu Thu Do (vợ của thần Gà Ma Do, phù hộ cho mùa màng tốt tươi, con cháu đông đúc) và ngay cửa thôn là khu rừng vui chơi ca hát A Gờ La Do, còn gọi là rừng công viên. Năm nào cũng vậy, tháng Giêng khi hoa đào nở đỏ sườn núi, người Hà Nhì ở Y Tý tổ chức lễ cúng thần rừng Gà Ma Do và thần Thủ Ty, tháng 3 âm lịch cúng thần rừng Mu Thu Do gắn liền với lễ rào rừng để bảo vệ cây non và lễ gieo mạ Gu Xè Xè, tháng 6 âm lịch tổ chức lễ hội Khu Zà Zà ở rừng Công Viên. Theo luật tục, đối với rừng cấm, người Hà Nhì không được tự ý vào lấy củi, kể cả chỉ nhặt củi khô. Mỗi năm, thường là trước Tết Nguyên đán, trước khi cấy lúa và trước khi gặt lúa, được sự đồng ý của kiểm lâm viên, các thôn tổ chức lễ mở cửa rừng. Chỉ khi đó, người dân được vào khu rừng chung của thôn để lấy củi dự trữ, nhưng chỉ được nhặt củi khô, không được chặt cây tươi. Còn bình thường, khi gia đình nào có việc như làm nhà, muốn vào rừng lấy gỗ, thì phải báo cáo và được kiểm lâm viên cùng trưởng thôn cho phép. Ai vi phạm, sẽ phải làm lý tạ lỗi Thần rừng với lễ vật gồm 36 kg thịt lợn, 20 kg gạo nếp, 20 lít lượu trắng... Ai phát hiện ra kẻ phạm vào rừng thiêng và báo lại cho kiểm lâm viên, sẽ được thôn thưởng cho 50 kg thóc thu của người vi phạm.

Rừng giúp bản ta thoát nghèo

Nghe già làng Ly Seo Chơ kể chuyện, tôi nhớ lại trong một chuyến công tác ở Y Tý cách đây mấy năm, tôi cũng có cuộc trò chuyện với ông Ly Giờ Có, Bí thư Đảng ủy xã và hoài nghi về việc người dân ở đây có thực sự biết bảo vệ rừng như vậy không. Vị Bí thư người Hà Nhì nhìn thẳng vào mắt tôi mà rằng luật tục bảo vệ rừng của người Hà Nhì được người dân các thôn, bản rất tôn trọng. Kiểm lâm viên của các thôn do người dân tự bầu ra, tuy không nhận được đồng tiền công nào, nhưng đều rất gương mẫu, có trách nhiệm cao trong việc trông coi, bảo vệ rừng. Điều đáng nói là luật tục này ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ. Không chỉ người Hà Nhì, mà người Mông, người Dao ở các thôn bản khác trên vùng cao Y Tý cũng đều biết tới luật bảo vệ rừng nghiêm ngặt của người Hà Nhì, nên nhiều năm qua rất ít người vi phạm. Nhờ luật tục này, mà rừng Y Tý trải qua bao thế hệ vẫn xanh ngắt trên dãy núi Nhìu Cù San bốn mùa mây phủ. Các dòng suối, mạch nước ngầm lúc nào cũng dào dạt nước, cung cấp cho người dân mở ruộng bậc thang cấy lúa, đem về những vụ mùa bội thu, cái đói không còn nữa. Ngày trước, người Hà Nhì chỉ nghĩ giữ rừng để giữ lấy nguồn nước làm ruộng, giữ lấy cuộc sống cho mình và thế hệ sau. Bây giờ, người Hà Nhì biết trồng thêm rừng để giảm nghèo. Y Tý hiện có khoảng 7.000 ha rừng. Trong đó, có khoảng 3.000 ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất và 4.000 ha rừng nguyên sinh. Rừng già Y Tý bạt ngàn cây Sơn Tra (còn gọi là cây Táo Mèo) mọc tự nhiên, có cây một người ôm không hết. Tháng 8 mùa Sơn Tra chín thơm ngát rừng, lũ trẻ chăn trâu hay hái về ăn, quả chín có vị chua chua, chát chát, ngòn ngọt, ăn chán thì lại vứt đi. Mấy năm qua, quả sơn tra được thu mua để làm thuốc, mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho người dân. Năm nay, đồng bào các dân tộc Y Tý vào rừng thu hái được hơn 30 tấn quả Sơn Tra, bán rẻ cũng được trên 100 triệu đồng. Năm 2012, bà con đã trồng mới 20 ha Sơn Tra. Năm nay, nhân dân lại tiếp tục đăng ký trồng thêm 50 ha nữa ở thôn Sín Chải, Trung Chải. Đặc biệt, tận dụng tán rừng già, người Hà Nhì, người Dao, người Mông ở Y Tý trồng cây thảo quả, mỗi năm thu về hàng chục tỷ đồng. Nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo, mà còn trở thành triệu phú. Mùa thu hoạch thảo quả,  vào nhà ông Phu Lò Dế (thôn Sín Chải 2), Ly Se Mờ (thôn Mò Phú Chải), Phu Mờ Truy (thôn Lao Chải 1) thấy thảo quả chất đầy nhà, thơm nhức mũi. Thôn Lao Chải 1 có 53 hộ người Hà Nhì, mấy năm qua, mỗi năm đều có 5 - 6 hộ thoát nghèo. Hiện nay, cả thôn chỉ còn trên chục hộ nghèo. Ở thôn Hồng Ngài, nơi xa xôi nhất xã Y Tý, là điểm mút cuối cùng trên cánh cung biên giới Lào Cai, đồng bào Mông chỉ sống trong nhà trình tường đất, nhưng nhờ thảo quả mà hầu như nhà nào cũng có ti vi, xe máy, có két sắt đựng tiền...

Tối hôm đó, tôi trở về nhà Trưởng thôn, kiểm lâm viên Phu Che Xá. Ngôi nhà trình tường đất nứt nẻ mái cỏ rêu phong nằm ở vị trí cao nhất của thôn Lao Chải 1. Trong đêm sương, nhìn ra chỉ thấy những đốm sáng nhỏ xíu hắt ra từ những ô cửa sổ vuông vuông bé như bàn tay. Mâm cơm đơn giản được dọn ra bên bếp lửa đỏ rực, xua tan cái giá lạnh cắt da cắt thịt. Phu Che Xá rót từ chum ra một bát nước đùng đục, uống có vị êm thơm, ngòn ngọt, say say, gọi là bia của người Hà Nhì. Quanh mâm cơm, câu chuyện về lời thề giữ rừng thiêng của người Hà Nhì cứ theo ánh lửa bập bùng đến tận đêm khuya...   

  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (20/11/2022)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1