Người bạn trên Cao San
Lượt xem: 6576

Truyện ngắn của TRÍ TÂM     

Tan buổi học, về đến nhà, Sùng Lử giở chiếc áo ra xem. Tấm áo rét dày dặn đã tầu tầu nhưng còn lành lặn, sạch sẽ trong những thùng áo quần do người bạn tốt bụng  nào đó  đã gửi từ miền xuôi lên tặng các bạn vùng cao xa xôi.

Lúc bạn lớp trưởng chia áo cho mọi người trong lớp, thằng Hoàng Páo gạt đi. Nhà nó giàu, có nhiều trâu nhiều bò, lại có mấy nương thảo quả, nó chả thiếu quần áo, không nhận thì nhường cho bạn khác. Nhưng nó đã nghĩ xấu về những tấm áo. Nó bảo áo thừa chúng nó thải cho, mặc làm gì? Sùng Lử nghĩ khác. Cô giáo đã từng khuyên học trò: Trước mỗi tình huống, mỗi sự việc, nên nghĩ theo hướng tốt, hướng tích cực, thằng Hoàng Páo nghĩ thế là nghĩ theo hướng xấu, hướng tiêu cực rồi. Sùng Lử nghĩ, tấm áo này là áo tình bạn, tình thân, là quà kỷ niệm, các bạn miền xuôi có lòng tốt gửi lên. Chắc các bạn biết trên này sương mù giá rét, chả ai thích nghèo thích thiếu, nhưng khi thiếu mà được giúp thì trân trọng, quý mến. Quý là quý cái tình. Trọng là trọng ý nghĩ chân thành trong sáng. Cô giáo bảo: Chúng mình thiếu thì nhận quà, rồi chúng mình sẽ vượt lên để rồi sẽ được giúp người khác. Rồi cuộc sống sau này sẽ khá lên, sẽ giầu dần lên, nhưng cuộc sống bao giờ cũng có những người gặp khó khăn cần giúp đỡ. Cô tin các em sẽ biết làm điều đó, sẽ được giúp đỡ người khác.

Nghĩ vậy, Sùng Lử càng trân trọng tấm áo. Lử mở tấm áo ra xem. Tấm áo gấp cẩn thận, còn thơm thơm mùi xà phòng, lại hơi thoảng mùi khói quen quen. Trên vai áo có một vết xám nhờ nhờ, như là vết nhựa cây giặt chưa sạch. Chắc là nhựa chuối. Nhựa chuối đã dính vào áo thì đen kịt, giặt xà phòng thì bớt đen nhưng để lại vết xám nhờ. Lử đi lấy chuối rừng về cho lợn, có lần sơ ý dính nhựa chuối, để lại vết xám nhờ trên áo hệt thế này. Lử thấy túi áo hơi cộm. Một lá thư nhỏ gấp cẩn thận. Mấy dòng chữ ngắn ngủi, viết ngay ngắn:

“Thân mến tặng bạn vùng cao xa xôi. Chúc bạn vượt khó học tốt. Hẹn một ngày nào đó gặp nhau.

                                      Đặng Tuyên

 Trường Trung học phổ thông Ninh Hòa - Hưng Yên.”

Lử cầm lá thư bồi hồi, thử hình dung về người bạn phương xa, hình dung về ngôi trường, về làng mạc, cánh đồng miền xuôi qua những gì Lử được học, được đọc trong sách, trong báo và xem tren ti vi...

Lử gấp chiếc áo lại cất đi. Mặt trời mùa đông bây giờ mới hiện ra trong làn sương đang tan loãng dần. Lúc tan sương là lúc cái lạnh tiếp tục châm vào thân thể người ta trước khi mặt trời tỏa đủ nắng xua cái lạnh đi. Lử ăn bát cơm nguội với đậu xị và rau bí luộc, với ớt khô xào, xua đi đàn kiến đang lấm nhấm những bước chân bò trong bụng...

*

*        *

Hôm ấy trời rét. Mấy đợt gió mùa Đông Bắc nối tiếp nhau. Mưa phùn giăng giăng đổ bụi. Lớp học đóng kín các cửa và bật hết các bóng đèn điện không cho cái rét ùa vào. Các bạn trong lớp đã đến đông đủ. Mấy đứa con gái mang đủ tất chân tất tay, xuýt xoa kêu rét nhưng hai má cứ ửng lên. Mấy đứa con trai đi giày to cục mịch, áo phao phồng cộm từng ô, cổ áo dựng lên ôm che gáy. Cũng có vài đứa vẻ ta đây, chả coi cái rét là gì, chả thèm đi tất, cứ chân trần lẹt quẹt đôi dép tổ ong, áo bu dông phanh ngực thi với gió lùa, ngẩng mặt thách thức, cười cười, nhưng môi xám xịt

Cửa mở. Cô giáo mang áo khoác dài, dải lông giả trùm từ cổ xuống trước ngực. Má cô ửng hơn mọi ngày vì rét. Cô xoa xoa tay:

 - Rét không các em?

Tiếng cô âu yếm thân mật.

- Co...o...ó ạ!

Cánh con gái và một số con trai đáp giọng nũng nịu kéo dài.

 - Không ạ!

Nhiều tiếng con trai đáp “ không” lẫn trong tiếng “có” đồng thanh.

 - Rét! Rất rét các em ạ! Em nào nói không rét là nói dối cô cho vui. Ở đồng bằng, trong nhà xây, cửa kính kín tứ bề, điện sáng trưng, cô trò ta áo ấm, giầy tất thế  này mà còn thấy rét buốt thì trên vùng cao còn rét buốt đến thế nào?

Cô giáo Thanh đã dạy học trên vùng cao mười năm trời. Ký ức về những ngày leo dốc vượt đèo, về bà con dân bản, về học trò vùng cao vẫn còn in đậm nét trong ký ức cô. Những ngày mưa phùn gió bấc miền quê đồng bằng càng gợi nhớ những ngày sương mù buốt giá trên miền núi cao đăm đẳm. Hiện về trong cô những đêm đông sương đọng giọt rơi ngoài mái tranh khu tập thể giáo viên, có đêm băng giá, sương đông kết thành những thanh, những sợi tua tủa treo dưới mái hiên. Xô nước đóng băng một lớp dầy. Đầu ngón chân ngón tay bị cước, bắt đầu là ngứa do dị ứng như vô tình quệt phải lá han, rồi chuyển sang buốt nhức. Hiện về trong cô những buổi sáng, tám giờ mà vẫn mịt mù, gà còn gáy ô ô trong chuồng. Trống trường thấm sương ướt đánh “ phùng phùng” hồi trống tầm rõ dài mà lớp học vẫn vắng ngắt. Hiện về trong cô hình ảnh những học trò một một mảnh áo lanh nhuộm chàm, đầu đội mây mù, chân trần trong sương đến trường, câu chuyện dọc đường và  lời chào cô phát ra cùng làn sương  khói. Hiện về trong cô những tiết học có sương núi theo vào, cô cố nén cái rét để chữ trên bảng không run, để lời giảng không lập bập. Hiện về trong cô hình ảnh học trò một tay run run ghi bài, một tay thu thu trong vạt áo hay kẹp giữa hai đùi chắt chiu từng chút ấm...

Cô kể cho các em về cái rét vùng cao rồi cô nói:

- Các em hãy dành ra những tấm áo, mới hay đã tầu tầu cũng quý, gửi tặng các bạn vùng cao đi!

*

*       *

Tuyên về nhà thì đã muộn. Mẹ Tuyên vẫn nằm trên giường. Bà thường chống rét bằng cách lên giường nằm. Hồi trẻ, bà đi làm công nhân lâm trường Bảo Nhai. Cái danh hiệu thật đẹp: Công nhân lâm trường, những người đi trả lại mầu xanh cho núi non. Cái tên đẹp thật nhưng sự gian nan cũng rất thật. Núi non xưa vốn là rừng xanh bạt ngàn, nhưng con người đem cưa, đem rìu đi tàn phá, đem dao quắm dao phát dao rựa bén sắc đi đốn ngả rồi đem lửa đi tận diệt, để bây giờ núi trơ trọi xác xơ, để cho đá mọc lên. Công nhân lâm trường đi trồng thông, trồng sa mu, trồng mỡ, trồng bồ đề. Từng nhát cuốc gọi rừng về. Đặt mỗi cây non xuống, gieo mỗi hạt xuống đã nghe lá rừng hát vi vu. Ông đội trưởng già vui tính giảng giải như thế. Bà cũng hình dung như thế. Chỉ dăm năm mà rừng non đã tươi xanh mầu xanh hứa hẹn. Cái đẹp của danh hiệu trả màu xanh cho núi non là đẹp thật, đẹp nhìn thấy. Nhưng mà gian nan. Những ngày nắng dãi, những trận mưa rào sầm sập tối đất tối trời, và rét, cái rét vùng cao rét ghê rét gớm. Mẹ Tuyên đã kể cho Tuyên nghe về cái rét vùng cao giống như cô giáo đã kể, nên từng lời cô giáo hôm nay lại giúp cho Tuyên hình dung cái rét mẹ đã chịu đựng năm xưa. Mẹ Tuyên mảnh dẻ, yếu sức, chẳng chịu nổi cái rét vùng cao, ốm lăn ốm lóc mấy tuần, cố gượng dậy lại ốm, nên phải chia tay mọi người trong đội về nhà. Rồi những nghiệt ngã bất hạnh ụp xuống, mẹ Tuyên ốm yếu liên miên, Tuyên gắng sức học hành trong thiếu thốn.

Tuyên cởi chiếc áo rét đang mặc đem giặt. May sao, hôm trước dì Tú đã gửi về cho Tuyên chiếc áo rét mới, Tuyên vẫn để dành, đợi hôm nào rét nhất sẽ đem ra mặc, chắc đợt này là rét nhất rồi đây. Chiếc áo này Tuyên đã mặc một năm. Lúc mới mặc nó rộng thùng thình “như áo tế”, các bạn thường đùa vui như thế. Tuyên chậm lớn nhưng qua một năm áo cũng đã vừa vừa. Tính Tuyên cẩn thận giữ gìn nên áo vẫn sạch, chỉ có vết nhựa chuối hôm Tuyên hí húi làm vườn, chặt tàu lá vô ý để nhựa chuối dây vào, giặt mãi chả sạch. Không sao. Chiếc áo vẫn trông được và chắc chắn là vẫn ấm.

Làn nắng chiều hiếm hoi giữa cữ rét chả khô được chiếc áo, Tuyên đành đem vào bếp hong. Người ta đã đun bếp ga từ lâu, nhà Tuyên vẫn đun bếp củi bếp than. Hơi ấm bếp lửa hồng hong khô tấm áo, Tuyên cẩn trọng gấp lại, rồi lại mở ra, cài mẩu thư nhỏ vào túi áo.

Gió bấc và mưa phùn dầm dề. Cái rét làm cho mẹ Tuyên phải gắng sức chống chọi. Bà cố nén tiếng rên để Tuyên yên tâm chăm chú với bài vở. Khuya, bà vẫn thấy Tuyên ngồi chăm chăm cùng cây bút và trang sách. Gió rít từng hồi trên mái nhà, lùa cái lạnh vào căn nhà cũ kĩ.  Bà nhắc:

 - Mai con mặc thêm áo vào con nhé. Áo cũ mặc trong, lồng cái áo dì Tú cho ra ngoài cho ấm con ạ.

- Vâng! Mẹ yên tâm. Mẹ ngủ đi, không phải lo nhiều cho con đâu. Con là con trai lớn rồi mà!

Nhưng hôm sau, Tuyên vẫn mặc một áo. Mẹ Tuyên lại nhắc:

- Hay là con sợ xấu? Cốt ấm đã con ạ!

- Vâng!

Nhưng rồi Tuyên đã nói với mẹ:

- Tấm áo ấy con đã gửi tặng các bạn vùng cao rồi. Mùa rét này, trên ấy giá buốt lắm. Cô giáo con kể thế. Mà mẹ cũng đã mấy lần kể với con như thế.

 Nghe Tuyên nói vậy, trên gương mặt mẹ Tuyên khẽ nở một nụ cười.

 - Ừ! Trên ấy mùa này rét lắm. Hồi mẹ ở trên ấy, mẹ còn thấy trẻ con bốn năm tuổi còn ở truồng tồng ngồng đứng ở sân trong sương mù rét căm căm. Nghèo thế nhưng mà người ta thảo lắm nhé. Có mấy bắp ngô nếp non mới bẻ trên nương về cũng cho con đem sang lán lâm trường cho các cô. Có mấy quả dưa chuột cũng đem cho. Làm bánh ngô cũng đem cho. Giã bánh dầy cũng gọi sang cùng giã rồi mời ăn. Nhưng mấy cô công nhân làm sao nhắc nổi chày mà giã. Nếp nương dẻo cứ níu chặt chày, bọn mẹ cứ cười mãi.

Tuyên dừng trang sách để nghe mẹ kể, mẹ đang vui với hồi ức.

- Mà người ta thật thà, phân minh lắm nhá. Ra chợ, người ta bán lê, bán đào, năm ngàn một cân là năm ngàn, hơn không bán, kém không bán. Nhưng đến nhà người ta á, lê đấy, cháu hái ăn đi, đào ngoài cây ngọt lắm, hái mà ăn. Hái bao nhiêu thì hái, xin đem về cho người ở nhà cũng được. Nhưng mà các cô giữ ý, chả dám lợi dụng cái thảo của bà con...Thôi con học đi.

Tuyên dém lại chăn cho mẹ rồi ngồi học tiếp. Ngoài trời vẫn chưa ngớt gió bấc mua phùn...

*

*       *

Sùng Lử dậy sớm đến trường như mọi hôm. Bát cơm ăn với ớt xào tạm ấm bụng buổi sáng. Tấm áo bạn miền xuôi gửi tặng đem đến cho Lử một cảm giác xao xuyến bâng khuâng. Vẫn sương mù giá rét như mọi hôm, vẫn con đường đá xám lổn nhổn, cây lá hai bên đường xẫm nước như mọi ngày nhưng Lử thấy hôm nay như ấm hơn, cái rét như vơi ngót tan loãng đi hơn.

Bố Lử mất sớm. Một mình nả (*) nuôi hai anh em Lử từ lúc còn bé tẹo. Mèn mén nhai lấy sức nuôi mẹ, một phần để có sức làm ruộng làm nương, còn mấy phần tứa ra thành sữa nuôi thằng Sì em Lử. Thằng Sì biết thương mẹ từ tấm bé, cứ ăn rồi lăn ra ngủ lăn ngủ lóc, khi ngủ trên giường, khi ngủ trên cái ổ xếp bằng mấy tấm gỗ sa mu lót rơm trải tấm chăn cũ đặt cạnh bếp để bếp lửa thay mẹ truyền hơi ấm sang cho. Nó cứ thế lớn lên. Lử thì biết giúp mẹ từ khi lớn hơn quả bí đao. Năm tuổi biết  theo mẹ ra nương tra hạt ngô vào hốc. Sáu tuổi biết lên nương bẻ bắp ngô. Lử chưa cao vượt lù cở, thì cứ bẻ từng bắp gài vào lù cở rồi mẹ gò lưng địu về. Bảy tuổi, Lử biết kéo củi ngoài rừng về bếp. Kéo từng khúc một, theo cái cách của con kiến tha mồi. Bảy tuổi Lử bắt đầu đi học. Cô giáo khen Lử sáng dạ, lại có hoa tay, viết chữ đẹp, mười chữ đẹp cả mười. Nghe cô giáo đến nhà chơi khen thế, nả của Lử thấy vui như ngày rét gặp lửa ấm, như nắng nôi gặp làn gió mát. Chả biết Lử sáng dạ, hoa tay thế nào, nhưng nó chịu khó. Về nhà là hí húi giúp mẹ, khi ra ruộng lên nương, khi chặt củi, lấy rau, cơm nước lợn gà như con gái, chỉ có xe lanh thêu váy là nó chưa làm. Nả thương nó, thường cố làm thêm để nó đỡ khổ, để nó còn học. Sáng dạ và hoa tay cũng phải chăm chỉ mới nên, cũng như việc làm ruộng làm nương, tài mấy, khéo mấy mà lười thì nương nào tự cho ngô, ruộng nào tự cho lúa.

Rồi  thằng Sì cũng đã đi học. Cô giáo dạy thằng Sì cũng thường đến nhà chơi, cũng thường khen thằng Sì có đôi mắt tinh nhanh và có bàn tay khéo nên nghe giảng mau hiểu và viết chữ còn đẹp hơn anh nó. Chả biết mắt nó, bàn tay nó thế nào, nhưng cứ thấy thằng anh bảo thằng em phải cố học. Lử ngồi vào bàn học là Sì cũng mở sách ra. Nó học lớp dưới ít bài, học xong trước, nhưng chờ anh nó đi ngủ nó mới cùng lên giường, có hôm nó ngồi gà gật, đến thương.

 Lử thương nả, thương em, trong bữa, thường nhường hết miếng  ngon cho em, cho nả. Đến lượt Sì biết giúp anh giúp nả, Lử lại nhường việc nhẹ việc dễ, nhận hết việc nặng việc khó về phần mình. Hai anh em cứ quấn quýt vui vẻ.

Hôm nhận được chiếc áo quà tặng, Lử viết ngay một lá thư cám ơn.

“Bạn Đặng Tuyên thân mến!

Mình nhận được chiếc áo bạn gửi tặng. Mình cám ơn bạn, mình cũng chúc bạn học giỏi, đạt ước mơ. Mình tin có ngày chúng mình gặp nhau.

Mình là  Sùng Lử ở Trường Trung học phổ thông Cao San Lào Cai”

Thư gửi đi, một tháng sau, Lử nhận được thư của bạn Tuyên từ Hưng Yên gửi lên. Thư Tuyên kể về quê hương Hưng Yên, về mơ ước học hành. Tuyên đang cố học để sẽ thi vào trường Nông nghiệp. Quê Tuyên là quê lúa, quê của nhãn lồng nổi tiếng. Lúa vẫn được mùa đều đều nhưng chưa có gì mới. Nhãn lồng chả còn là nhãn lồng năm xưa. Tuyên muốn cây nhãn lồng quê mình phải khác...Tuyên vẫn hẹn một ngày nào đó sẽ gặp nhau. Tuyên chỉ kể có vậy, chả rõ hoàn cảnh đời sống nhà Tuyên thế nào. Cái vết xám đen mờ mờ trên áo vẫn gợi tò mò tìm hiểu về Tuyên, nhưng ai lại hỏi. Tuyên kể đến đồng lúa mênh mông, đến nhãn lồng đặc sản gợi trong Lử ước mơ một ngày sẽ có chuyến đi xa để được nhìn tận mắt. Lời hẹn ngày gặp gỡ xa xăm mà sao cứ thôi thúc Lử.

Lử lại viết thư đi. Lử kể về quê hương Cao San có núi cao đăm đẳm, những vạt núi lởm chởm đá tai mèo, những nương ngô, những ruộng bậc thang, những vạt sa mu mới trồng. Lử cũng kể về ước mơ của mình, rằng Lử cố học và sẽ theo học nghề trồng cây, để trở về trồng sa mu trên các triền núi, để trồng lê, trồng đào, trồng mận hậu trên quê hương ..Lử học văn chỉ đạt điểm trung bình, câu văn mộc mạc, đủ ý nhưng chưa hay. Cô giáo Lan nhận xét thế và Lử cũng tự thấy thế. Nhưng Lử nghĩ thật, kể thật, cứ chân chất như bắp ngô, bông lúa Cao San. Tấm áo quà tặng Lử lại chuyển cho em. Đúng là bạn tốt thì tráng quả trứng ăn không hết. Bạn tốt, một tấm áo ấm mãi.

Bẵng đi một thời gian, Lử và Tuyên không có thư cho nhau. Kiến  thức năm cuối bậc học thôi thúc nỗ lực vươn tới nên phải dồn hết tâm sức cho bài vở. Nghị lực, ý chí và ước mơ cuốn hết thời gian. Nghèo thiếu vật chất thì càng phải giầu ý chí nghị lực. Lử ghi tên thi vào Đại học Nông nghiệp như đã nhắm sẵn từ trước nhưng còn phấp phỏng lựa sức, trước đấy chưa dám nói ra. Và kỳ thi đã đến. Hôm đi thi, một mình Lử lên đường làm chuyến đi xa đầu tiên, trong tình thương và nỗi lo của nả. Xong ba môn thi, Lử nhẩm tính điểm thấy tạm yên tâm, chắc có sự trợ giúp của điểm ưu tiên sẽ đỗ. Lử đã làm hết sức mình, chả có gì phải nuối  tiếc. Ngồi chờ tầu, Lử viết lá thư gửi cho Tuyên. Không biết Tuyên thi vào trường nào. Trường đang kỳ nghỉ hè, Tuyên đã nhận bằng ra trường, thư dễ gì đã đến với Tuyên. Nhưng cứ gửi theo lời nhắc nhớ trong lòng.

*

*       *

Như có con chim lạ bay về cao Sơn, mang theo giấy gọi Lử về trường Nông Nghiệp nhập học. Lại một mình Lử làm chuyến đi xa thứ hai. Lử xếp giấy chờ đến lượt gọi vào làm thủ tục. Tiếng người phụ nữ thanh thanh vang qua khoảng trống ô kính chắn:

 - Mời Vàng Lử ở Lào Cai.

Lử cầm tập giấy tờ bước tới. Bỗng có người cầm tay Lử:

- Có phải Vàng Lử ở Cao San  không?

- Phải mình mà!

Vai Lử bị lắc mạnh.

 - Trời ơi! Tuyên đây. Đặng Tuyên Hưng Yên đây.

Hai người ôm chầm lấy nhau. Niềm vui như tỏa sang mọi người xung quanh. Người ta gọi sang người khác, dành thời gian cho cuộc kỳ phùng. Tuyên đây à! Lử đây à! Lần đầu tiên gặp mặt nhưng lòng thì đẵ gặp nhau từ bao giờ.

Họ rủ nhau sẽ cùng xin ở ký túc xá cho đỡ tốn tiền, nếu không được sẽ cùng trọ một căn phòng giá rẻ. Họ sẽ vừa học, vừa đi làm thêm và sẽ học cho thật tốt. Cái nghèo vật chất và cái giàu ý chí nghị lực, cái giàu  tình cảm gắn kết họ với nhau.

                                                                                           

Chú thích: ( * ) Nả: mẹ, tiếng Mông.       

  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (20/11/2022)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1