>> Vẫn khí thế ngày trở về xây dựng lại quê hương (Bài 1)
>> Vẫn khí thế ngày trở về xây dựng lại quê hương (Bài 2)
>> Vẫn khí thế ngày trở về xây dựng lại quê hương (Bài 3)
Thành tựu 20 năm tái lập tỉnh, rộng mở vị thế Lào Cai
Trong bối cảnh đất nước ta trải qua 20 năm đổi mới và sau 15 năm tái lập tỉnh, bên cạnh những thuận lợi cơ bản về chính trị, xã hội ổn định, sự đồng thuận cao trong nhân dân tạo sức mạnh tổng hợp, tiếp tục tạo tiền đề cho Lào Cai nỗ lực vươn lên. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, phải giải quyết những tiềm ẩn phát sinh trong nội bộ nền kinh tế, hiệu quả đầu tư một số dự án thấp, vấn đề môi trường sinh thái và đặc biệt những hạn chế về năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, với chủ trương tiếp tục triển khai sâu sắc hơn 7 chương trình công tác trọng tâm với 29 đề án để phát triển bền vững trong giai đoạn 2006 - 2010.
Kiên trì chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đặc biệt sau 10 năm thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ, nông thôn Lào Cai đã khởi sắc, đến nay: 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, 72% số thôn bản có đường cho xe cơ giới đến được; 100% số xã có điện lưới quốc gia; trường học, trạm xá, trụ sở xã được đầu tư xây dựng khang trang; đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đầu tư phát triển công nghiệp tăng cao, nhiều công trình khởi công mới, nhiều sản phẩm mới lần đầu tiên được sản xuất trong nước có từ các nhà máy sản xuất tại Lào Cai: Phốt pho vàng, đồng kim loại. Những nhà máy mới thu hút vốn đầu tư lớn được khởi công, như Nhà máy Gang thép Lào Cai công suất 500 nghìn tấn/năm. Nhà máy Luyện đồng tại khu công nghiệp Tằng Loỏng thuộc Tổ hợp đồng Sin Quyền Lào Cai sản xuất thành công sản phẩm đồng kim loại đầu tiên của Việt Nam (8/2008). Mục tiêu sản xuất 3 vạn tấn đồng, 900 kg vàng, 400 kg bạc mỗi năm mở ra chặng đường phát triển mới cho khai thác các mỏ đồng Sin Quyền, Tả Phời cung cấp đồng cho sản xuất trong nước và xuất khẩu. Kết cấu hạ tầng phát triển, năm 2008, cảng cạn ICD Phố Mới được đưa vào sử dụng. Tháng 9/2009, hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng cầu đường bộ Kim Thành bắc qua sông Hồng trên đường xuyên Á - nối Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành (Lào Cai) với khu Thương Thành (Hà Khẩu, Vân Nam) mở ra chương mới cho phát triển kinh tế cửa khẩu trên tuyến hành lang kinh tế.
|
Xếp dỡ tại Cảng ICD Lào Cai. (Ảnh: Phạm Đức) |
Ngày 20/12/2009, khởi công gói thầu đầu tiên xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn đi qua địa phận Lào Cai tại xã Tân Thượng (Văn Bàn), tiếp đó các hạng mục trọng yếu khác trong hơn 45 km đường cao tốc đi qua địa phận Lào Cai cũng được khởi công xây dựng. Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai bắt vào đường cao tốc Côn - Hà (Vân Nam, Trung Quốc) đi qua địa phương, rút ngắn khoảng cách Lào Cai với các trung tâm kinh tế đất nước cả về thời gian, lẫn tốc độ phát triển, củng cố thêm vị thế Lào Cai cầu nối trên tuyến hành lang kinh tế phía Bắc của đất nước. Kim ngạch xuất, nhập khẩu 10 năm đầu thế kỷ mới tăng lên hàng năm, năm 2010 đạt trên 800 triệu USD, tăng 86% so với năm 2005.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế đối ngoại không tránh khỏi những vấp ngã, sai lầm. Bài học đắt giá về vụ buôn lậu nguyên liệu thuốc lá của Công ty Thiên Lợi Hòa liên quan đến một số cán bộ Hải quan Lào Cai, trong đó có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Kim bị khởi tố tháng 9/2006 và đưa ra xét xử 2/2008 là bài học đau xót, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, nhân dân địa phương. Những sai phạm từ nhận thức và vận dụng cơ chế thu hút đầu tư, mở rộng kinh tế đối ngoại, công tác quản lý cán bộ, đảng viên từ cơ sở là bài học cần dũng cảm khắc phục để tiếp tục giữ vững tốc độ phát triển.
Sau 10 năm thực hiện kế hoạch "dời đô" xây dựng khu hành chính tỉnh về phía Nam, dành toàn bộ khu thị xã cũ cho phát triển kinh tế cửa khẩu, đầu năm 2011 các cơ quan tỉnh cơ bản hoàn thành chuyển trụ sở làm việc về khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường.
Thành phố mới với khu quảng trường và trung tâm hội nghị, các nhà liên ngành, các khu dân cư đã hiện hữu trên diện tích trên 32.350 ha đang vươn tầm trở thành trung tâm thương mại, cầu nối trên tuyến hành lang kinh tế phía Tây Bắc của đất nước. Văn hóa xã hội, khoa học và công nghệ đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2007, Lào Cai hoàn thành chương trình "Phổ cập trung học cơ sở", mở ra chặng đường mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực lao động thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sau 20 năm tái lập tỉnh, ngành y tế và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt thành tựu quan trọng. Đến năm 2010 đã có trên 75% số xã đạt chuẩn quốc gia về tế, 92% số thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động, hơn 7 bác sĩ/1 vạn dân, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn. Phong trào thể dục - thể thao đã được duy trì trên khắp các địa bàn cơ sở. Đến nay, Lào Cai đã có 1 VĐV được phong đẳng cấp quốc tế, 18 VĐV cấp quốc gia, hàng năm toàn tỉnh tổ chức 16 giải thể thao truyền thống cấp tỉnh, 30 giải thi đấu cấp ngành, trên 100 giải thi đấu cấp huyện, phong trào thể thao quần chúng duy trì và phát triển. Kiên trì triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư phát triển, công tác cải cách hành chính có nhiều tiến bộ. Lào Cai là tỉnh nhiều năm liền được xếp thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2009 đứng thứ 3 toàn quốc, tăng 5 bậc so với năm 2008, năm 2010 vươn lên đứng thứ 2 trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu các địa phương. Đây cũng là thời kỳ có tới 1.700 doanh nghiệp đăng ký và hoạt động trên địa bàn, tăng gấp 2 lần so với năm 2005 với tổng số vốn đăng ký 10.037 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần so với năm 2005.
Ngày 1/12/2007, trọng thể kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Lào Cai (1907 - 2007), Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Lào Cai (12/2007); xã Nậm Cang và Công ty Apatít Việt Nam được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Trải qua các thời kỳ cách mạng, đã có 24 tập thể, 23 cá nhân trong tỉnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động. Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh lên thăm Lào Cai, dự lễ kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh (1907 - 2007) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh: Đến Lào Cai hôm nay, chúng ta vô cùng phấn khởi ghi nhận những bước phát triển, những nét đổi thay kỳ diệu. Từ một tỉnh có nhiều khó khăn, thuộc diện nghèo nhất ở miền núi phía Bắc, Lào Cai đã từng bước vươn lên đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu trong khu vực, năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh và đúng hướng, phát huy được tiềm năng và lợi thế của tỉnh, thu nhập bình quân đầu người tăng, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Văn hóa - xã hội nhiều tiến bộ; bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ và phát huy. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Bộ mặt nông thôn, thành thị đổi thay từng ngày.
Tự hào sau 20 năm sau tái lập tỉnh, khoảng thời gian vắt qua hai thế kỷ, vượt qua bao khó khăn thử thách, tấn công vào đói nghèo, xây dựng và bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc của Tổ quốc, đã khẳng định vị thế của Lào Cai trên đường phát triển. Thành tựu xây dựng lại Lào Cai hôm nay và tương lai tươi sáng ngày mai vẫn như vang vọng khí thế ngày nào quyết tâm xây dựng quê hương to đẹp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoach Đầu tư Bùi Quang Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai: Nhắc lại một thời vất vả, nghèo đói, lạc hậu, nhiều người Lào Cai vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Sức mạnh nào đã đưa Lào Cai đến vị thế hôm nay? Chắc chắn phải là kết tinh của "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Lào Cai đang có trong tay "những cơ hội vàng". Quyết tâm nắm lấy cơ hội bằng sự đồng tâm và nỗ lực cao nhất, Lào Cai dần khẳng định vai trò cầu nối quan trọng và sự tác động của mình đối với kinh tế - xã hội đất nước.
Phạm Khắc Xương