Các khu, cụm công nghiệp: Mũi nhọn phát triển kinh tế của Lào Cai
Thế hệ chúng tôi chỉ biết về những ngày đầu tái lập tỉnh Lào Cai qua tư liệu lịch sử và lời kể của thế hệ người đi trước. Ngày đó, Lào Cai là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, ở mãi nơi biên giới xa xôi, kinh tế nông nghiệp lạc hậu, tự cung tự cấp. Vậy mà nay, nhịp sống công nghiệp đã hiện hữu nơi "sơn cùng thủy tận" này với những khu công nghiệp, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhà máy Luyện đồng Lào Cai tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng (25/8/2008).
Tầm nhìn chiến lược
Có được thành quả đó là do tỉnh đã sớm khai thác 3 lợi thế lớn: Công nghiệp khai khoáng - kinh tế cửa khẩu - du lịch, dịch vụ, để cùng thế mạnh về nông - lâm nghiệp tạo sự phát triển kinh tế, xã hội nhanh chóng, vững chắc.
Để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XII (nhiệm kỳ 2001 - 2005) đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII đã xây dựng 7 chương trình công tác trọng tâm với 29 đề án, kế hoạch và nghị quyết chuyên đề. Trong đó, nội dung của chương trình phát triển công nghiệp nêu: Tập trung xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Tằng Loỏng, từng bước hình thành các cụm công nghiệp (CCN) tập trung khác như: CCN Cam Đường, CCN Duyên Hải, CCN Vạn Hòa và CCN Sin Quyền.
Chủ trương này được tập trung triển khai thực hiện, khi các KCN được thành lập cũng là lúc nhà đầu tư khắp nơi ùn ùn đổ về. Đặc biệt, cuối năm 2003, dự án Tổ hợp đồng Sin Quyền (Bát Xát) liên doanh với Trung Quốc có tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng được khởi công xây dựng, là khu công nghiệp luyện kim màu có quy mô lớn nhất Việt Nam với nhiệm vụ tuyển quặng và làm giàu các khoáng sản cộng sinh. Tháng 6/2006, dự án này đi vào hoạt động với công suất trên 40.000 tấn tinh quặng đồng/năm. Sản phẩm của tổ hợp sau khi khai thác, tuyển khoáng, luyện kim mỗi năm cho khoảng 10.200 tấn đồng; 340 kg vàng thỏi; 145 kg bạc thỏi; 40.000 tấn axít sunfuric; hơn 113.000 tấn tinh quặng sắt; gần 20.000 tấn tinh quặng py-rít... đồng thời tạo việc làm cho hàng trăm lao động và cung cấp nguồn quặng quý cho Nhà máy Luyện đồng Lào Cai tại KCN Tằng Loỏng hoạt động, góp phần phát triển ngành chế biến đồng quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Hai khu, cụm công nghiệp "sạch"
Ngay tại thành phố Lào Cai, thành phố tỉnh lỵ duy nhất cả nước nằm giáp biên giới, hội tụ đủ cả giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, KCN Đông Phố Mới và Cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải được xây dựng và được xác định là những khu, cụm CN "sạch". Tại đây bố trí những dự án ít ô nhiễm môi trường, chủ yếu là kho tàng, bến bãi trung chuyển hàng hóa xuất - nhập khẩu; sơ chế hàng hóa xuất - nhập khẩu; dịch vụ vận tải; chế biến nông - lâm sản, dược liệu; lắp ráp điện tử; gia công sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, xuất khẩu, như may mặc, thủ công mỹ nghệ...
Đồng chí Thái Bình Nguyên, người đã có nhiều năm gắn bó với ngành công nghiệp Lào Cai và là Trưởng BQL các KCN Lào Cai từ khi thành lập đến nay nhớ lại: Tỉnh đã mạnh dạn vay Quỹ Hỗ trợ phát triển (nay là Ngân hàng Phát triển) để rà phá vật cản, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, san gạt mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước...) hoàn chỉnh cho 2 KCN này...
Theo thống kê của BQL các KCN Lào Cai, tính đến hết tháng 6/2011, KCN Đông Phố Mới có 40 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 857 tỷ đồng, trong đó có 29 dự án (3 dự án của nhà đầu tư nước ngoài) đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư. Hiện nay, có 18 dự án sản xuất, kinh doanh ổn định với doanh thu 6 tháng đầu năm 2011 đạt gần 1.537 tỷ đồng.
Tại CCN Bắc Duyên Hải có 56 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 730 tỷ đồng, trong đó có 43 dự án (1 nhà đầu tư nước ngoài, 1 nhà đầu tư liên doanh nước ngoài) được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Hiện có 17 dự án đầu tư đi vào hoạt động, doanh thu 6 tháng đầu năm 2011 đạt gần 150 tỷ đồng.
Hàng hóa sản xuất tại 2 KCN này khá phong phú về chủng loại: Có chè Ô long của Công ty Linh Dương; dược liệu của Công ty Dược Hậu Giang; gỗ ván lạng của Công ty Ngọc Dương; gạch không nung của Công ty Nam Tiến; thức ăn gia súc của Công ty Hoa Việt; chế biến cao su và đặc biệt là cảng nội địa (ICD) tại Lào Cai được xây dựng nhằm hỗ trợ, thúc đẩy vận chuyển hàng hóa, phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai, đồng thời thu hút hàng quá cảnh từ Vân Nam (Trung Quốc) qua cửa khẩu cảng Hải Phòng, Quảng Ninh...
Xếp dỡ hàng hóa tại cảng nội địa Lào Cai.
Hai KCN ở thành phố Lào Cai tuy mới trong giai đoạn đầu đưa vào khai thác, nhưng đã phát huy hiệu quả, tạo những hiệu ứng tích cực, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong tương lai không xa, khi tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành, chắc chắn sự sôi động tại đây sẽ tăng lên gấp bội, KCN Đông Phố Mới và CCN Bắc Duyên Hải tiếp tục là nơi hội tụ của các nhà đầu tư.
Khu công nghiệp Tằng Loỏng: Sự quyết tâm và tâm huyết
Một ngày đầu tháng 8/2011, chúng tôi cùng đoàn công tác của BQL các KCN Lào Cai về Tằng Loỏng. Dạo một vòng quanh KCN Tằng Loỏng, đồng chí Đào Duy Nhất, Phó trưởng BQL các KCN bảo: KCN Tằng Loỏng là khu công nghiệp luyện kim, hóa chất và các công nghiệp phụ trợ khác. Đến nay, có 22 dự án đăng ký đầu tư vào KCN Tằng Loỏng với tổng số vốn đăng ký 13.576 tỷ đồng, trong đó 11 dự án đang hoạt động; 5 dự án đang triển khai xây dựng; 2 dự án đang chuẩn bị đầu tư và 4 dự án đang có dự kiến đất để đầu tư. Cũng tính đến thời điểm này, đã có gần 6.000 tỷ đồng vốn đầu tư tại KCN Tằng Loỏng, riêng doanh thu 6 tháng đầu năm 2011 đạt 1.430 tỷ đồng.
Tôi chợt nhớ lại lời kể của đồng chí Thái Bình Nguyên, Trưởng BQL các KCN Lào Cai: KCN Tằng Loỏng được xây dựng trên nền hạ tầng của Nhà máy tuyển quặng Apatít. Lúc đầu, nhà máy này được quy hoạch xây dựng tại khu vực thị xã Cam Đường; sau thấy Tằng Loỏng vừa đảm bảo mặt bằng, vừa bảo đảm an ninh, quốc phòng. Vậy là Nhà máy tuyển quặng Apatít được chuyển về Tằng Loỏng. Rồi dự án đồng Sin Quyền (Bát Xát) "rục rịch" đi vào khai thác (2006), dự kiến chuyển quặng đồng về Lâm Thao (Phú Thọ) chế biến. Đồng chí Bùi Quang Vinh, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh "năm lần bảy lượt" kiên quyết đề nghị Trung ương đưa nhà máy luyện đồng lên Lào Cai, bởi không thể khai thác tài nguyên ở Lào Cai, gây ô nhiễm môi trường rồi lại đưa đi nơi khác chế biến, người dân địa phương không được hưởng lợi từ chính nguồn tài nguyên trên mảnh đất mà họ sinh sống từ bao đời nay. Thêm vào đó, xây dựng nhà máy chế biến tại nơi khai thác sẽ giảm chi phí vận chuyển, đồng thời tạo việc làm cho người dân địa phương, cũng là góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Sau nhiều lần đề nghị quyết liệt với các bộ, ngành Trung ương, thậm chí với cả các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, cuối cùng, Chính phủ đã đồng ý đưa nhà máy luyện đồng về Tằng Loỏng.

Một góc Cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải.
Thành công từ việc đưa nhà máy luyện đồng về Lào Cai, đồng chí Bùi Quang Vinh tiếp tục đề nghị: Các sản phẩm khác liên quan phải đưa vào chế biến xung quanh đấy. Được Trung ương chấp thuận, UBND tỉnh giao Sở Công nghiệp Lào Cai lập quy hoạch các điểm chế biến tại khu vực Tằng Loỏng trên nền hạ tầng của Nhà máy tuyển quặng apatít, hình thành KCN Tằng Loỏng hiện nay. Giai đoạn đó, Nhà máy tuyển quặng apatít tại Tằng Loỏng chỉ rộng 100 ha, sau được quy hoạch thêm nhà máy luyện đồng và một số nhà máy khác (nhà máy sản xuất thủy tinh lỏng, nhà máy sản xuất phân bón...) với diện tích 269 ha.
Năm 2006, quy hoạch khu vực công nghiệp tại Tằng Loỏng vừa được công bố thì có thêm một số dự án lớn (nhà máy thép, nhà máy DAP, nhà máy supe lân, nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, một loạt nhà máy phốt pho...) "rầm rầm" kéo lên và đều nhất quyết "đòi" vào Tằng Loỏng, do khu vực này có cả đường sắt, đường bộ và các hạ tầng khác, như đường điện, nước, hệ thống xử lý chất thải... Thế là phải điều chỉnh quy hoạch tăng lên thành 650ha. Từ 2006 đến 2010, KCN Tằng Loỏng tiếp tục "bị" lấp đầy, lại phải mở rộng thêm 350ha nữa.
Được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại văn bản số 1835 ngày 5/10/2009 bổ sung KCN Tằng Loỏng vào danh mục các KCN dự kiến ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, ngày 15/3/2011, UBND tỉnh ra quyết định thành lập KCN Tằng Loỏng, với tổng diện tích 1.100 ha. Đây là mốc chính thức đánh dấu sự ra đời tên gọi của KCN Tằng Loỏng, nhưng trên thực tế, tên gọi này đã được người Lào Cai sử dụng từ lâu...
Hiện nay, KCN Tằng Loỏng được nhiều nơi trong cả nước biết đến, bởi tại đây có những nhà máy lớn mang tầm cỡ quốc gia, thậm chí là tầm khu vực; những sản phẩm đặc hữu được sản xuất tại đây, có giá trị kinh tế cao và có tác dụng đối với nhiều ngành sản xuất trong nước. Về hóa chất có sản xuất axít, phốt pho, phân bón NPK, DAP, nguyên liệu thức ăn gia súc... thành chu trình sản xuất khép kín. Luyện kim có luyện đồng, luyện thép và các công trình phụ trợ khác như sản xuất thuốc tuyển, thủy tinh lỏng... Trong đó, Nhà máy Luyện đồng được triển khai xây dựng từ tháng 2/2005 là nhà máy luyện đồng kim loại từ quặng đầu tiên của Việt Nam và ngày 1/8/2008 đã cho ra lò tấn sản phẩm đồng kim loại đầu tiên.
Gần đây nhất, ngày 17/4/2011, dự án khu liên hợp Nhà máy Gang thép Lào Cai (nhà máy gang thép lớn thứ hai tại Việt Nam, sau Nhà máy Gang thép Thái Nguyên), do Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung làm chủ đầu tư có công suất 1 triệu tấn/năm (sử dụng nguyên liệu từ mỏ sắt Quý Sa - Văn Bàn có trữ lượng 120 triệu tấn), với tổng mức đầu tư 337,52 triệu USD. Nhà máy được đầu tư theo hai giai đoạn: Giai đoạn I (hoàn thành vào năm 2012) đầu tư xây dựng dây chuyền luyện gang, luyện thép và công trình phụ trợ công suất 500.000 tấn/năm; giai đoạn II xây dựng dây chuyền luyện gang, thép công suất 500.000 tấn/năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2015. Riêng giai đoạn I, nhà máy đi vào sản xuất sẽ tạo ra giá trị sản phẩm trên 7.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách 700 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.000 lao động.
Gần 10 năm hoạt động, các KCN của Lào Cai đã khẳng định là một trong những giải pháp quan trọng để tập trung phát triển công nghiệp theo quy hoạch, từ định hướng đó mà thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các KCN đã và đang tạo động lực phát triển sản xuất công nghiệp, hình thành một lực lượng sản xuất mới có yếu tố tiên tiến, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và đất nước.
Phạm Đức