Nền tảng để Lào Cai bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn
Lượt xem: 845
Ngày 12/8/1991, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Ngày 1/10/1991, tỉnh Lào Cai chính thức được tái lập. Khi đó, xuất phát điểm kinh tế - xã hội của tỉnh còn thấp, kỹ thuật phục vụ cho sản xuất và đời sống hầu như chưa có, trình độ canh tác còn lạc hậu, sản xuất manh mún, tự cấp, tự túc. Theo số liệu thống kê năm 1991, 100% diện tích được gieo cấy bằng các giống cũ của địa phương, do vậy, năng suất lúa chỉ đạt 2,5 - 3 tấn/ha. Tổng sản lượng lương thực đạt 114.454 tấn, bình quân lương thực gần 200 kg/người/năm. Lương thực thấp cộng với các điều kiện sống gặp nhiều khó khăn, nên tỷ lệ đói nghèo cao, năm 1991 trên 40% (theo tiêu chí cũ). Ý thức được trách nhiệm nặng nề trước nhân dân các dân tộc trong tỉnh, ngành nông - lâm nghiệp tỉnh đã tập trung nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng và tham mưu với UBND tỉnh các chủ trương, chính sách, hướng đi cụ thể phù hợp với các điều kiện của tỉnh vùng cao biên giới, phát huy những tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp.

 

Nông dân vùng cao thu hoạch lúa mùa. ( Ảnh: Ngọc Bằng)

Qua 20 năm xây dựng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lào Cai đã thực hiện tốt một số mục tiêu quan trọng, quyết định đến sự phát triển nông nghiệp - nông thôn của tỉnh. Đó là, cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã chuyển dịch đúng hướng và tích cực, ngày càng phát huy những lợi thế về đất đai, khí hậu, cây trồng; từng bước gắn với cơ chế thị trường đảm bảo phát triển có hiệu quả và bền vững. Ngoài việc phát triển và nâng cao năng suất, sản lượng cây lương thực đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa, như: cây chè với diện tích trên 4.000 ha, cây thuốc lá gần 1.000 ha; rau an toàn 500 ha; hoa, cây cảnh các loại trên 200 ha, cây ăn quả ôn đới trên 2.500 ha...

Cơ cấu nội ngành nông nghiệp cũng có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ, giảm tỷ trọng trồng trọt. So với năm 1991 - 1992, tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ tăng 5,2% (lên 34%). Tỷ trọng ngành trồng trọt giảm từ 71,1% xuống còn 66%. Giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác tăng bình quân 8,3%/năm.

Các tiến bộ khoa học - kỹ thuật được áp dụng rộng rãi vào sản xuất, đặc biệt là sử dụng giống mới và đầu tư thâm canh trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, năng suất, sản lượng các cây trồng đều tăng trong các năm qua. Tổng sản lượng lương thực năm 2010 đạt trên 216 nghìn tấn, vượt 16 nghìn tấn so mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra. Giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác tăng từ 6 - 7 triệu đồng/ha (năm 1991) lên 22 triệu đồng/ha (năm 2010).

Để chủ động nguồn giống lai cho sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã lai tạo, sản xuất được bộ giống mang thương hiệu Lào Cai, như: LC25, LC212, LC270. Năm 2010, Lào Cai đã sản xuất được trên 300 tấn hạt giống lúa lai F1 và gần 20 tấn hạt giống lúa bố mẹ, đáp ứng 60% nhu cầu giống lúa lai trên địa bàn tỉnh. Phát triển mạnh chăn nuôi gia súc và thủy sản, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi đạt hiệu quả cao; theo hướng tăng chất lượng, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, theo hình thức trang trại, phương thức công nghiệp, sử dụng giống tốt, đảm bảo an toàn dịch bệnh... Do vậy, hiệu quả chăn nuôi tăng cao, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi bình quân đạt trên 11%/năm.

Mặc dù không có thế mạnh về nuôi thuỷ sản, nhưng các địa phương trong tỉnh đã tận dụng khai thác có hiệu quả những ưu thế về mặt nước để phát triển nuôi thuỷ sản, nhiều mô hình giống mới hiệu quả cao, như: cá nước lạnh, tôm càng xanh, rô phi đơn tính, cá chép lai... Diện tích nuôi thâm canh ngày càng tăng, năng suất đạt 5 - 6 tấn/ha, có hộ đầu tư nuôi thâm canh đạt năng suất trên 30 tấn/ha; diện tích, sản lượng nuôi thuỷ sản tăng nhanh, đến năm 2010 đạt 1.710 ha, sản lượng 3.500 tấn. Hàng năm, Lào Cai sản xuất trên 2 triệu con giống các loại, chủ động cung cấp giống tốt cho nuôi thuỷ sản trong tỉnh, giá trị thu nhập bình quân từ nuôi thuỷ sản đạt gần 50 triệu đồng/ha.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, diện tích rừng được quản lý, bảo vệ tốt, từng bước được đầu tư phát triển theo hướng tăng chất lượng, đảm bảo chức năng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái.

Tuyên truyền, vận động, tổ chức, chỉ đạo đổi mới phương thức sản xuất, cải tạo phong tục tập quán sinh hoạt ở khu vực nông thôn. Năm 2011, toàn tỉnh có 451 trang trại hoạt động hiệu quả, trên 21.000 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Hợp tác xã được chuyển đổi, củng cố, sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, trên địa bàn tỉnh hiện có 190 hợp tác xã với gần 10.000 xã viên và 13.780 lao động.

Đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân, đặc biệt vùng nông thôn, vùng cao được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đạt 13 triệu đồng/người/năm; lương thực bình quân 440,5 kg/ người/năm. Đặc biệt, tỷ lệ che phủ rừng được nâng lên trên 50% và tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, còn 16,8% (theo tiêu chí mới). Đã xây dựng và hình thành vùng nông thôn điển hình: Quang Kim (Bát Xát); Phú Nhuận, Xuân Quang (Bảo Thắng); Nậm Chảy, Bản Lầu (Mường Khương); Nậm Cang (Sa Pa).

Hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, kết cấu hạ tầng được hoàn thiện. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã (60% được rải nhựa); 80% số xã có đường đến tất cả các thôn bản (37% đường được rải cấp phối); hệ thống thuỷ lợi đảm bảo nước tưới ổn định cho 85% diện tích ruộng; 99% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm, 77% hộ trong vùng được sử dụng điện lưới quốc gia; 75% số hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

Cũng trong 20 năm qua, lực lượng cán bộ, công nhân viên của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của Sở đã được nâng lên rõ rệt, số cán bộ, công chức có trình độ thạc sỹ là 27 người, đại học, cử nhân 542 người, cao đẳng 25 người, trung cấp 237 người, công nhân kỹ thuật và bằng nghề 29 người.

Với những kết quả trên, trong 20 năm qua, ngành nông nghiệp nói chung và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói riêng đã có nhiều tập thể, cá nhân được Nhà nước, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh và chính quyền các cấp tặng nhiều huân, huy chương, bằng khen, danh hiệu chiến sỹ thi đua, giấy khen. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhì.

Những kết quả trên sẽ là nền tảng vững chắc cho Lào Cai bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp - nông thôn trong giai đoạn 2010 - 2015 và những năm tiếp theo.

Ma Quang Trung, Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai

  • Phim tài liệu: Lào Cai - Yên Bái: Cùng nhau bước đi, chạm tay đến ước mơ
    (19/04/2025)
  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1