CTTĐT - Đã
thành phong tục truyền thống, ngày Thìn đầu tiên của tháng 2 Âm lịch hằng năm,
đồng bào Hà Nhì ở xã Nậm Pung, huyện Bát Xát lại tưng bừng tổ chức đón Tết Gạ
Ma O, hay còn gọi là Tết Thiếu nhi. Đây là ngày Tết thể hiện sự quan tâm của
người Hà Nhì đối với trẻ em và cầu mong năm mới bình an, may mắn, mùa màng bội
thu.
Người Hà Nhì vái lạy tổ tiên trong dịp Tết Thiếu nhi
Chúng
tôi đến thôn Kin Chu Phìn 2, xã Nậm Pung đúng dịp người Hà Nhì nơi đây đang
tưng bừng đón Tết Thiếu nhi của dân tộc mình. Thôn Kin Chu Phìn 2 có 90% là đồng
bào dân tộc Hà Nhì sinh sống; người Hà Nhì vốn có tính cộng đồng sâu sắc, được
gắn kết chặt chẽ với nhau bởi tín ngưỡng, phong tục, tập quán lâu đời. Tết Thiếu
nhi là ngày thể hiện sự quan tâm của người lớn đối với những trẻ, với mong muốn
xua đuổi bệnh tật, cầu chúc cho con trẻ trong thôn bản có sức khỏe, học hành thật
tốt...
Từ
sáng sớm, mỗi gia đình trong thôn chuẩn bị một một mâm cơm mang đến sân nhà trưởng
thôn hoặc trưởng họ để làm Tết Thiếu nhi. Mỗi mâm cơm gồm các món đặc trưng
nhưng không cầu kỳ, chủ yếu từ nông sản người dân tự nuôi trồng, tự chế biến
như: thịt gà, lạc rang, đỗ tương, trứng rán, rau cải luộc, bí đỏ luộc, khoai
lang luộc, khoai sọ, khoai tây, xôi nếp, rượu trắng và hoa. Số lượng món ăn mỗi
gia đình chuẩn bị sẽ là số chẵn, và phải ít hơn số lượng món trong mâm cỗ của
trưởng thôn, phó thôn.
Theo
phong tục, chỉ những đàn ông có vợ mà trong gia đình không có người chết trong
vòng 3 năm mới được tham gia phần lễ cúng này. Thầy cúng và đại diện các gia
đình làm lễ trước mâm thờ, cầu cho trẻ con trong thôn bản luôn khỏe mạnh, xua
tan bệnh tật, học hành tiến bộ. Sau đó, những người đàn ông ngồi tại mâm cỗ của
gia đình mình, lần lượt chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, cùng thưởng thức cỗ Tết
và trò chuyện. Thôn Kin Chu Phìn 2 vốn thường xuyên được nhiều du khách ghé thăm,
bởi cảnh sắc nên thơ giữa núi rừng, với những đặc trưng văn hóa và ẩm thực đặc
sắc. Chính vì thế, cũng không ít du khách trong nước và quốc tế muốn được trải
nghiệm bản sắc văn hóa trong dịp Tết này. Phụ nữ và trẻ em sẽ thưởng thức những
mâm cỗ trong nhà, cùng uống nước ngọt và tiếp nối những câu chuyện dịp đầu năm.
Một mâm cỗ dành cho các bà, các mẹ được đặt ngay cạnh bếp lửa, nơi vốn mang nhiều
ý nghĩa tín ngưỡng và rất quan trọng trong đời sống của người Hà Nhì. Để bảo tồn
và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trên địa bàn
xã Nậm Pung đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, lồng ghép các nguồn lực đầu
tư các thiết chế văn hóa; đồng thời tích cực tuyên truyền cho nhân dân duy trì,
phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống để tạo thành các sản phẩm văn hóa độc
đáo, thu hút khách du lịch đến với địa phương tham quan, trải nghiệm.

Người Hà Nhì quây quần
trong những mâm cơm ngày Tết
Trải
qua bao đời, Tết Gạ Ma O, hay Tết Thiếu nhi của người Hà Nhì vẫn được bảo tồn
và phát huy cho đến ngày nay, với những giá trị trường tồn của nó vẫn còn giữ
nguyên vẹn sự kỳ bí cổ xưa. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa đang được
chính quyền, người dân địa phương gìn giữ và phát huy.
Quang
Phấn