TỈNH UỶ LÀO CAI
* |
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
–––––––––––––––––––––– |
Số: 173 - BC/TU |
Lào Cai, ngày 25 tháng 11 năm 2008 |
BÁO CÁO
kết quả thực hiện Đề án “Phát triển văn hoá, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc Lào Cai giai đoạn 2006 – 2010”
I. CÔNG TÁC TỔ CHỨC, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Hàng năm, tỉnh đều chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch triển khai và bố trí nguồn nhân lực để thực hiện các nội dung của dự án theo phân kỳ đầu tư được duyệt; ban hành các quy chế, cơ chế, chính sách mới liên quan đến việc thực hiện Đề án như: Chính sách khuyến khích xã hội hoá hoạt động văn hoá, quy định về xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp “Xanh - Sạch - Đẹp”; chỉ đạo bình xét, công nhận các danh hiệu văn hoá và tổ chức khen thưởng các danh hiệu văn hoá tiêu biểu theo quy định. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án đối với các đơn vị, địa phương. Tổ chức hội nghị biểu dương các gia đình, làng văn hoá tiêu biểu toàn tỉnh lần thứ nhất và khen thưởng cho 45 cá nhân hộ gia đình, 27 làng văn hoá.
UBND các huyện, thành phố đã chủ động kiện toàn lại Ban chỉ đạo ở địa phương để chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Đề án của tỉnh. Đặc biệt là thành uỷ, huyện uỷ của các huyện, thành phố đều xây dựng và ban hành đề án, chỉ thị, nghị quyết riêng về lĩnh vực văn hoá, nhất là về cải tạo tập quán lạc hậu đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng nếp sống văn minh đô thị để phù hợp với địa phương (tiêu biểu là thành phố Lào Cai, huyện Bát Xát, Sa Pa, Bảo Thắng, Bắc Hà). Đối với cấp cơ sở: các xã được tuyên truyền về đề án của tỉnh và của huyện đã nâng cao được nhận thức về vai trò, vị trí của phát triển văn hoá; đã kiện toàn 164 ban chỉ đạo phong trào cấp xã, 2.128 ban vận động khu dân cư góp phần tích cực vào việc triển khai thực hiện Đề án.
Công tác tuyên truyền triển khai, thực hiện Đề án được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, báo, đài của địa phương, trên Website của tỉnh, của các ngành; đã góp phần quảng bá công tác bảo tồn phát huy di sản văn hoá, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè trong và ngoài nước, đặc biệt là của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nhờ vậy, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội ở cấp huyện như: phụ nữ, mặt trận, thanh niên v.v… đã vào cuộc, tích cực phối hợp với hệ thống chính trị ở cơ sở và chính quyền địa phương triển khai thực hiện Đề án.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Công tác xây dựng đời sống văn hoá, trọng tâm là vận động nhân dân các dân tộc cải tạo tập quán lạc hậu bước đầu thu được kết quả tích cực.
1.1 Phong trào TDĐKXDĐSVH đã đi vào nề nếp, kết quả thực chất hơn:
1.1.1 - Về xây dựng gia đình văn hoá, số hộ được công nhận đạt thấp, nhưng chất lượng được nâng cao: Tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá của tỉnh trong hai năm 2006 (đạt 63%) và năm 2007 (đạt 62%) liên tục giảm so với năm 2005 (đạt 68%). Năm 2008 toàn tỉnh có 89.320/125.000 hộ đăng ký gia đình văn hoá, dự kiến khoảng 80.000 hộ đạt gia đình văn hoá (đạt 64% tổng số hộ trong toàn tỉnh). So với năm 2005, tỷ lệ hộ gia đình đạt văn hoá năm 2008 thấp hơn 4%. Nguyên nhân suy giảm là ban chỉ đạo phong trào các cấp đã thực hiện chủ trương bình xét công khai, dân chủ về việc công nhận các danh hiệu văn hoá; thực hiện đúng quy trình, đảm bảo đúng các tiêu chí theo quy định; nâng cao chất lượng phong trào, không chạy theo số lượng.
Với tốc độ phát triển của phong trào như hiện nay, khó có thể đạt mục tiêu của Đề án vào năm 2010 (80% số hộ gia đình đạt văn hoá). Tuy nhiên, chất lượng gia đình văn hoá đã từng bước được nâng cao. Qua các đợt kiểm tra đánh giá phong trào hàng năm cho thấy các gia đình văn hoá đều đạt và vượt tiêu chuẩn theo quy chế của Bộ Văn hoá – TT&DL, của tỉnh ban hành. Trong đó, nổi bật nhất là các tiêu chí: Lao động sản xuất, Kinh doanh giỏi, xoá đói giảm ngèo; gia đình hiếu học; gia đình ấm no – bình đẳng – hoà thuận - hạnh phúc; gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
1.1.2 - Về xây dựng làng văn hoá, tổ dân phố văn hoá: Năm 2008, có 1.199/2.128 thôn, tổ dân phố đăng ký danh hiệu văn hoá, dự kiến có khoảng 800 thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hoá (chiếm 37,5%), giảm 1,5% so với năm 2005, nhưng tăng so với năm 2007 là 2,4%. Nguyên nhân do tập chung củng cố nâng cao chất lượng các làng bản, tổ dân phố gắn với việc xoá đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội. Đến năm 2010, có thể đạt được mục tiêu của Đề án 40% số thôn bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hoá.
1.1.3 -Xây dựng đội văn nghệ - thể thao thôn bản: Đến tháng 6/2008, toàn tỉnh có 539 đội văn nghệ thôn, bản (đạt 89,85% chỉ tiêu Đề án), 650 thôn, bản có đội thể thao (đạt 108,4% chỉ tiêu Đề án) và 225 câu lạc bộ khối cơ quan, đơn vị hoạt động thường xuyên. So với mục tiêu Đề án, đến nay đã đạt kế hoạch và đến năm 2010 sẽ vượt kế hoạch từ 15 - 20%. Nguyên nhân đạt chỉ tiêu cao là do có cách làm sáng tạo: liên kết với trường Đại học Văn hoá đưa hơn 100 sinh viên tới các thôn, bản xây dựng các đội văn nghệ, thể thao. Mặt khác việc đẩy mạnh xã hội hoá phát triển sự nghiệp văn hoá cũng thu được kết quả. Các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị được tỉnh phân công giúp đỡ các xã 135 đã tích cục đầu tư cho lĩnh vực văn hoá văn nghệ ở cơ sở, thường xuyên tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao góp phần nâng cao mực hưởng thụ văn háo của nhân dân.
1.1.4 - Về xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học văn hoá: theo số liệu tổng hợp năm 2006 và 2007, toàn tỉnh có trên 83% số cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hoá. Năm 2008, có 1069 cơ quan, đơn vị đăng ký, dự kiến có khoảng 85% số cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hoá (đạt mục tiêu Đề án).
1.1.5 - Xây dựng khu dân cư tiên tiến: Năm 2005, toàn tỉnh có 73,8% khu dân cư tiên tiến; đến năm 2007 có 74% khu dân cư tiên tiến. Để đạt mực tiêu đề án đến năm 2010 toàn tỉnh có 80% khu dân cư tiên tiến, tỉnh cần tập chung chỉ đạo quyết liệt hơn. Các khu dân cư tiên tiến được công nhận đều đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và mô hình của tỉnh. Chỉ tính năm 2007, các khu dân cư trong toàn tỉnh đã quyên góp được 1,3 tỷ đồng quỹ “ Vì người ngèo”, 1,4 tỷ đồng quỹ “ Đền ơn đáp nghĩa”, làm được 46 nhà tình nghĩa; 98,5% khu dân cư tổ chức được ngày hội Đại đoàn kết dân tộc với nhiều nội dung và hình thức phong phú.
1.1.6 - Về xây dựng thiết chế văn hoá: Đến năm 2008, toàn tỉnh có 615 nhà văn hoá thôn bản, đạt 28,9% số thôn bản, tổ dân phố có nhà văn hoá đạt 96,7% chỉ tiêu Đề án. Qua kiểm tra giám sát cho thấy: các nhà văn hoá thôn bản, tổ dân phố cơ bản được sử dụng, tổ chức hoạt động văn hoá có hiệu quả theo quy chế tổ chức hoạt động và quản lý nhà văn háo cộng đồng khu dân cư mà UBND tỉnh đã ban hành. Tuy nhiên, vẫn còn tới 30% số nhà văn hoá thôn bản hoạt động hiệu quả chưa cao.
1.1.7 - Về tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ cơ sở: Trong giai đoạn 2006-2008, đã lồng ghép các chương trình tổ chức tập huấn đào tạo được 50 lớp (đạt 16,2% chỉ tiêu của Đề án) với tổng số 2350 lượt học viên tham gia (đạt 21% chỉ tiêu của Đề án). Đây là nội dung có kết quả thực hiện đạt thấp nhất của Đề án. Nguyên nhân chủ yếu là do việc xây dựng các chỉ tiêu tập huấn đào tạo chưa sát với thực tế, số lớp tập huấn và lượng học viên cần tập huấn lớn trong khi nguồn kinh phí tập huấn chưa ổn định.
1.2 - Việc cải tạo tập quán lạc hậu của nhân dân các dân tộc vùng cao ở những nơi làm điểm có chuyển biến, nhưng đa số các địa phương chưa giải quyết được vấn đề này, các tập quán lạc hậu vẫn còn phổ biến:
1.2.1 - Trong việc cưới: tình trạng tảo hôn, kết hôn không đăng ký có chuyển biến nhưng vẫn chưa khắc phục triệt để. Huyện Bắc Hà từ năm 2006 đến tháng 8 năm 2008 có 84 trường hợp tảo hôn, Huyện Bảo Yên từ năm 2007 đến tháng 9 năm 2008 có 37 trường hợp tảo hôn, 98 trường hợp kết hôn không đăng ký, huyện Bát Xát trong 2 năm 2006 và 2007 có 46 trường hợp tảo hôn. Năm 2007 huyện Văn Bàn có 26 trường hợp tảo hôn. Riêng tại xã Sàng Ma Sáo – Bát Xát, được chọn làm điểm về chống tảo hôn, năm 2006 có 22/26 cặp vợ chồng tảo hôn (chiếm 84,61%), năm 2007 giảm xuống chỉ còn 3/10 cặp vợ chồng tảo hôn (chiếm 30%), tháng 9 của năm 2008 có 3/8 trường hợp tảo hôn (37,5%).
Tình trạng thách cưới cao mang tính chất gả bán, ăn uống dài ngày đã cơ bản được khắc phục. Hiện tượng lấy vợ (chồng) cùng hoặc cận huyết thống vẫn chưa được khắc phục, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhưng có xu hướng giảm nhiều so với trước đây. Theo kết quả điều tra năm 2008 tại huyện Bảo Yên chỉ ghi nhận được 05 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Điều tra xã Nậm Xé – Văn Bàn trong 5 năm (2004-2008) cũng ghi nhận 5 trường hợp hôn nhân cận huyết thống.
1.2.2 - Trong việc tang: Tại huyện Bát Xát, năm 2006 đã tổ chức hội nghị các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ của 11 xã triển khai và ký cam kết thực hiện việc cải tạo tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc Mông, có 205/214 đám tang thực hiện tốt đúng quy định; 46/47 người chết đã đưa vào quan tài; năm 2007, trong cộng đồng người Mông có 108 trường hợp chết thì có 104 người đưa vào quan tài. Các trường hợp chưa thực hiện đưa xác người chết vào áo quan đều được chính quyền nhắc nhở, xử lý theo quy ước. Đặc biệt là người Hà Nhì đã rút ngắn thời gian để người chết ở nhà từ 5 ngày xuống còn 48 tiéng theo quy định. Riêng tại xã Sảng Ma Sáo năm 2006 có 6/22 trường hợp vi phạm quy định về việc tang, trong đó có 3 trường hợp để quá 48 tiếng, 3 trường hợp không đưa vào áo quan. Năm 2007, toàn xã có 28 đám tang nhưng không có trường hợp nào vi phạm, tất cả đã thực hiện tốt quy định về cải tảo phong tục tập quán lạc hậu.
Tại huyện Sa Pa, tiến hành mở các hội nghị triển khai cải tạo tập tục lạc hậu trong ma chay. Tổ chức điểm ở 2 xã (Tả Phìn, Sa Pả) và nhân rộng thêm 3 xã Trung Chải, Tả Van và Nậm Cang. Tổng số đã mở 15 hội nghị để triển khai. Trích ngân sách 20 triệu đồng để mua áo quan hỗ trợ cho các xã làm điểm. Quy hoạch lại nghĩa trang khu vực thị trấn huyện và 5 điểm chôn cất tập chung tại 5 xã đang triển khai cải tạo tập tục lạc hậu trong ma chay. Kết quả trong 2 năm tại 5 xã làm điểm của Sa Pa có 41 đám tang thì có 03 trường hợp chưa đưa vào áo quan (01 ở Tả Van, 02 ở Sa Pả) thời gian tổ chức tang lễ rút ngắn t6ừ 5-7 ngày xuống còn 2-3 ngày.
1.2.3 - Hướng dẫn từng bước chỉ tiêu có kế hoạch: Các địa phương đã tích cực thực hiện việc tuyên truyền sâu rộng, vận động người dân hiểu để bỏ bớt những hủ tục trong đời sống hàng ngày. Các sự kiện trong chu kỳ đời người như: đám cưới, đám tang, làm nhà mới, cúng chữa bệnh không còn tổ chức kéo dài nhiều ngày, không tổ chức qúa to gây tốn kém, ăn uống linh đình. Trong các lễ cúng đồng bào đã tiết kiệm chỉ làm tượng trưng chứ không dùng nhiều trâu, lợn, gà để làm lễ. Từ việc thực hiện tiết kiệm, chỉ tiêu có kế hoạch mỗi đám có thể tiết kiệm được từ 1,5 đến 3 triệu đồng. Xã Nàn Sán và Sín Chéng huyện Si Ma Cai là hai nơi thực hiện tốt công tác vận động tuyên truyền nhân dân thực hiện chỉ tiêu có kế hoạch, trong các buổi họp giao ban xã luôn quán triệt các cán bộ xã và cán bộ thôn, bản phải thực hiện nghiêm túc, thường xuyên công tác này.
1.2.4 - Về cải tạo tập quán thả rông gia súc: các địa phương đã tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức nuôi gia súc nhốt chồng phục vụ sản xuất. Xây dựng hương ước, quy ước quy định rõ về việc chống thả rông gia súc. Huyện Si Ma Cai là nơi chỉ đạo triển khai có hiệu quả công tác này. Đảng bộ, Chính quyền huyện đã tích cực chỉ đạo nhân dân làm chuồng trại kiên cố, vừa tránh rét cho gia súc vừa có hiệu quả gắn với việc thực hiện vệ sinh môi trường. Tổ chức Phát triển Trẻ em của Cộng hoà Pháp (ED) đã hỗ trợ 05 triệu đồng/ chuồng trại. Kết quả tại các thôn, bản của Si Ma Cai trong hai năm 2006-2007 đã làm mới 631 chuồng trại gia súc ra xa nhà. Nhờ vậy, trong đợt rét đậm đầu năm 2008 huyện Si Ma Cai bị thiệt hại về gia súc thấp hơn các địa phương khác trong tỉnh.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền thực hiện nội dung hương ước, quy ước về chống thả rông gia súc chưa thật hiệu quả. Nhiều nơi như Bát Xát, Văn Bàn, Sa Pa vẫn chưa thực hiện có hiệu quả việc làm chuồng trại kiên cố cho gia súc ra xa nhà và nuôi nhốt vào mùa đông. Vì vậy, thiệt hại về trâu, bò chết rét vẫn còn rất cao. Nguyên nhân của tình trạng này là người dân vẫn nặng tư tưởng trong chờ sự hỗ trợ của nhà nước. Ngân sách địa phương hạn hẹp chưa huy động được các nguồn lực khác hỗ trợ người dân kiên cố hoá chuồng trại.
1.2.5 - Đẩy lùi tình trạng mê tín dị đoan: Bằng công tác tuyên truyền vận động tích cực trong nhân dân, tình trạng mê tín dị đoan trong đồng bào các dân tộc thiểu số đã giảm rõ rệt. Các hình thức thờ cúng tổ tiên, tổ chức các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng tại cộng đồng vẫn được duy trì nhưng lễ vật được đơn giản hoá ít gây tốn kém. Việc cúng chữa bệnh cơ bản đã được thay thế bằng việc đến chạm y tế khám, chữa bệnh. Phụ nữa mang thai và trẻ em được tiêm phòng đầy đủ. Tại một số địa bàn được chọn làm điểm chỉ đạo tỷ lệ người ốm được khám chữa bệnh tại cơ sở y tế và trẻ em được tiêm chủng đạt tỷ lệ cao như: xã Mường Khương - Mường Khương (100%), xã Sảng Ma Sáo – Bát Xát (trên 95%), xã Cam Cọn - Bảo Yên (đạt 90%), Sơn Hà - Bảo Thắng (100%)
1.2.6 - Về hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, vận động đồng bào thực hiện ăn ở hợp vệ sinh: Tại các xã vùng biên giới, các xã đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Yên, Mường Khương, Si Ma Cai đã triển khai trương trình xây nhà vệ sinh gia đình và cộng đồng. Kết quả xã Mường Khương - Mường Khương có 100% hộ sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, có nhà vệ sinh đảm bảo về môi trường; Xã Nàn Sán huyện Si Ma Cai có 85% hộ có nhà vệ sinh, 100% hộ có chuồng trại gia súc xa nhà, 85% số hộ sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên về cơ bản tình trạng thiếu nước sạch, chưa có nhà vệ sinh đảm bảo và sinh hoạt chưa hợp vệ sinh vẫn còn phổ biến trong đồng bào các dân tộc vùng cao.
2. Công tác bảo tồn, khai thác, phát triển bản sắc văn hoá các dân tộc Lào Cai tiếp tục được triển khai có hiệu quả
2.1 - Việc kiểm kê, phân loại di sản văn hoá được thực hiện đúng tiến độ:
2.1.1 - Hoàn thành tổng kiểm kê, khảo sát di sản văn hoá vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh: Đã khảo sát và lập danh sách các đặc sản của tỉnh. Kiểm kê hoàn chỉnh, lập hồ sơ và đăng ký thương hiệu cho 04 loại đặc sản có giá trị kinh tế cao, đó là: gạo Séng Cù, Tương ớt (Mường Khương), gạo Séng cù (Bát Xát). Đặc biệt chảo thắng cố Bắc Hà được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam. Việc đăng ký thương hiệu cho các đặc sản trở thành hành hoá góp phần quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế và bảo vệ lợi ích cho người dân trực tiếp sản xuất ra các loại đặc sản.
2.1.2 - Công tác phân loại các di tích được triển khai có kết quả: Đã thống kê toàn bộ các di tích trên địa bàn tỉnh, hoàn thành việc lập bản đồ di sản văn hoá Lào Cai. Trong 2 năm, đã có thêm 4 di tích được công nhận cấp tỉnh (Đền Chiềng Ken, Đền Tân An, khu căn cứ du kích Phú Gia Lan, Khu căn cứ cách mạng Soi Cờ, Soi Giá) và 01 di tích được công nhận cấp quốc gia (Đền Trung Đô).
2.1.3 - Tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hoá các dân tộc ít người có nguy cơ mai một cao: Hoàn thành việc tổng kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể của người Thu Lao, Phù Lá, Dao Tuyển, Xa Phó, Hà Nhì Đen.
2.2 - Sưu tầm các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể của các dân tộc ở Lào Cai tiếp tục thu được nhiều kết quả:
2.2.1 - Về phi vật thể:
Lập hồ sơ khoa học 38 làng tiêu biểu của 13 dân tộc với 25 nhóm ngành dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đã lập bản đồ về văn hoá phi vật thể tại 38 làng tiêu biểu. Sưu tầm, bảo quản dưới dạng băng hình, ảnh kỹ thuật số 11 lễ hội tiêu biểu của người Dao, Bố Y, Thu Lao, Hà nhì và Phù Lá. Khảo sát phong tục tập quán của 15 nhóm ngành thuộc 13 dân tộc với tổng số hơn 100 phong tục, tập quán khác nhau của mỗi nhóm (đạt 90% chỉ tiêu Đề án).
Tiến hành sưu tập, quay phim về di sản âm nhạc, múa của các nhóm ngành dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì. Sưu tập bảo quản dưới dạng ghi âm số 1.500 bài dân ca từng ngành, nhóm dân tộc học lưu trong hơn 300 băng cát sét và đĩa CD (đạt 50% chỉ tiêu Đề án). In sao trên đĩa VCD 03 chương trình dân ca, độc tấu nhạc cụ các dân tộc: “Xuân về bản Mông”, “Tiếng hát giữa rừng hoa”, “Hát giao duyên của người Dáy” cung cấp cho các thôn, bản.
Nghiên cứu, dịch và chú thích nội dung di sản sách cổ các dân tộc: Đã tiến hành tổng kiểm kê thực trạng kho sách cổ ở 466 làng người Dao trên địa bàn tỉnh, đánh mã số kiểm kê trên 11.000 cuốn sách cổ. Sưu tầm trên 700 cuốn; phân loại, chụp trên 20.000 ảnh sách cổ lưu trữ trong máy vi tính; hoàn thành bản thảo cuốn sách “Giáo trình dạy chữ Nôm – Dao” mở 03 lớp truyền dạy chữ Nôm – Dao cho thanh, thiếu niên người Dao ở huyện Bảo Thắng.
2.2.2 - Về Vật Thể:
Đã tiến hành sưu tầm 764 hiện vật (đạt 38,2% chỉ tiêu Đề án), trong đó có 51 bộ trang phục dân tộc, 99 hiện vật đồ đá, 20 hiện vật gốm sứ, 54 công cụ đá Sơn Vi tại di chỉ Ngòi Nhù (Bảo Thắng), 537 phim ảnh, tư liệu phục vụ công tác trưng bày. Đặc biệt lần đầu tiên phát hiện hàng trăm mẫu vật răng thú lớn các loại trên địa bàn huyện Mường Khương, trong đó có những mẫu vật răng voi khá nguyên vẹn.
2.3 - Bảo tồn trùng tu, phục dựng thành công một số di sản văn hoá tiêu biểu có giá trị phục vụ phát triển du lịch văn hoá:
2.3.1 - Bảo tồn được 11 lễ hội đặc sắc, có giá trị của 7 dân tộc tiêu biểu ở Lào Cai (đạt 91,7% chỉ tiêu Đề án): cụ thể là: Hội “Sải Sán”, Lễ “Nào Rồng” của người Mông; Tết nhảy, Tế cơm mới (Hội hát cốm), Hội hát đầu xuân, Hội rước hồn lúa của người Dao; Lễ mở cửa rừng, Hội khu zà zà, tết trẻ em, Lễ tạ ơn thầy cúng đầu xuân của người Hà Nhì; Lễ mừng chiến thắng, Lễ cúng rừng, tết truyền thống 1/7 của người Nùng. Các lễ hội đều được bảo tồn theo phương pháp trao truyền, đúng nghi lễ, phong tục. Nội dung, trình tự các lễ hội đều được tiến hành quay phim, chụp ảnh bảo quản, lưu trữ bằng kỹ thuật số làm tư liệu nghiên cứu. Một số lễ hội được khôi phục, nâng cao thành sản phẩm du lịch văn hoá như các lễ tết liên quan đến nông nghiệp của người La Chí, người Xa Phó… được trích đoạn biểu diễn thông qua các chương trình nghệ thuật (tuần Văn hoá du lịch Sa Pa, Bắc Hà).
2.3.2 - Bảo tồn phục vụ 5 nghề thủ công của các dân tộc (đạt 50% chỉ tiêu Đề án): Cụ thể là: Nghề rèn đúc và chạm khắc bạc, Nghề trồng lanh, thêu dệt vải của người Mông; nghề thêu dệt thổ cẩm, làm thuốc nam của người Dao, nghề làm tranh cắt giấy của người Nùng. Các nghề thủ công truyền thống đều được sưu tầm tổng thể các quy trình, được quay phim, chụp ảnh bảo tồn; mở lớp thực hành và truyền dạy nghề tạo ý thức bảo tồn trong nhân dân. Các sản phẩm thủ công truyền thống đã trở thành những sản phẩm du lịch mới, mang lại nguồn lợi kinh tế cao, góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào.
2.3.3 - Bảo tồn và xây dựng được 03 làng ở Sa Pa và Bát Xát thành làng văn hoá du lịch (đạt 30% chỉ tiêu đề án): Cụ thể là: Làng Xả Xéng - Tả Phìn – Sa Pa, làng Cát Cát – San Sả Hồ - Sa Pa, Làng Lao Chải – Y Tý – Bát Xát. Công tác bảo tồn đã trú trọng đến việc bảo tồn nguyên dạng cảnh quan, kiến trúc của toàn bộ làng; bảo tồn và tái hiện các phong tục tập quán, sinh hoạt văn hoá đặc sắc của cộng đồng làng. Ngoài ra đã đầu tư xây dựng về giao thông, các điểm sinh hoạt văn hoá, cải thiện môi trường vệ sinh, phòng nghỉ cho du khách….
2.3.4 - Trùng tu, tôn tạo 06 di tích thành các điểm tham quan du lịch hấp dẫn: cụ thể là: Đền Phúc Khánh, Đền Bảo Hà giai đoạn II, Nhà Hoàng A tưởng, dự án bãi đá cổ Sa Pa gắn với thung lũng Mường Hoa và vườn quốc gia Hoàng Liên đang triển khai lập dự án; đây là dự án gặp khó khăn trong việc phê duyệt phương án bảo tồn do diện tích quá rộng, số hiện vật cần bảo quản lớn, khu vực di tích đan xen với khu vực canh tác và cư trú của người dân v.v..
2.4 Chương trình “ Mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, mỗi vùng có một loại đặc sản văn hoá trở thành hàng hoá” đã triển khai nhưng hiệu quả chưa cao: Đã đánh giá tiềm năng của các đặc sản như: rượu san lùng (Bát Xát), gạo Sén cù, tương ớt (Mường Khương), Thổ cẩm và Thuốc tắm (Sa Pa), Mận tam hoa (Bắc Hà) v.v… Tuy nhiên, việc sản xuất, phân phối thành sản phẩm hàng hoá chưa hợp lý. Một số sản phẩm đặc sản nhu cầu của xã hội lớn hơn khả năng đáp ứng của địa phương dẫn đến nguy cơ cạn kiệt tài nguyên như: Thuốc tắm; một số sản phẩm lại chưa có thị trường ổn định như: Mận tam hoa, tương ớt.
2.5 Chương trình “Biến di sản thành tài sản” tạo ra nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch: Các cụm di tích; Đền Thượng - Đền Mẫu - Đền Cấm (Thành phố Lào Cai); Đền Bảo Hà – Tân An (Bảo Yên – Văn Bàn); Đền Bắc Hà – Trung Đô – Dinh Hoàng A Tưởng (Bắc Hà); Các đền thờ và di tích huyện Sa Pa v.v… đã được đưa vào khai thác thành điểm, tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh tạo nguồn thu cao và ổn định. Tổng nguồn thu từ các di tích ước tính đạt 3,5 tỷ đồng/năm. Riêng di tích Đền Thượng và Đền Bảo Hà trung bình thu mỗi điểm 1 tỷ đồng /năm. Cụm di tích Đền Bắc Hà – Trung Đô – Dinh Hoàng A Tưởng tuy mới đưa vào thành điểm tuyến du lịch cố định nhưng đã phát huy hiệu quả. Riêng điểm làng Trung Đô đã giữ chân được du khách lưu trú lại tạo tạo thêm nguồn thu từ các dịch vụ ăn nghỉ. Trung bình mỗi năm có tới 4.800 du khách tới thăm làng Trung Đô lưu trú qua đêm ở thôn.
Xây dựng 08 đội văn nghệ dân gian hoạt động thường xuyên làm tiền đề phát triển du lịch ở 3 huyện: Sa Pa, Bắc Hà và Bát Xát. Cụ thể là các đội văn nghệ người Mông ở San Sả Hồ, Bản Phố, người Dao ở Tả Phìn, người Tày ở Bản Dền, Bảo Nhai, Tả Chải, người Dáy ở Tả Van, người Hà Nhì ở Y tý.
Cơ quan chủ trì thực hiện Đề án đã xây dựng trang Website độc lập tại địa chỉ: http://www.vanhoalaocai.vn/ nhằm giới thiệu giá trị của các di sản văn hoá của tỉnh. Kết quả từ tháng 1 năm 2008 đến nay có 115.172 lượt truy cập tìm hiểu thông tin, Website đã trở thành kênh thông tin quảng bá cho việc thực hiện Đề án.
2.6 - Xây dựng một số thiết chế vừa bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc vừa đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu của khách du lịch
Nhà du lịch thuộc Trung tâm Thông tin du lịch tỉnh tại huyện Sa Pa đã hoàn thành và khai thác có hiệu quả. Trung bình mỗi ngày đón và cung cấp thông tin du lịch cho trên 30 lượt khách. Riêng thứ 7 và chủ nhật đã tổ chức được các hoạt động văn hoá du lịch có thu. Năm 2007, đã tạo được nguồn thu hơn 100 triệu đồng, trở thành một trong những đơn vị sự nghiệp đầu tiên của tỉnh tiến tới tự chủ về tài chính, tự cân đối thu chi.
Xây dựng được 03 phòng trưng bày, góc trưng bày dân tộc học tại một số nhà văn hoá cộng đồng ở các làng là điểm du lịch quan trọng; Nhà văn hoá cộng đồng thôn Lao Chải 1, xã Y Tý huyện Bát Xát; Nhà trưng bày Khu trạm khắc đá cổ Sa Pa, xã Hầu Thào huyện Sa Pa; Nhà du lịch Hoàng A Tưởng tại huyện Bắc Hà. Việc xây dựng các thiết chế phát huy di sản văn hoá nhìn chung đã đạt chỉ tiêu của Đề án. Tuy nhiên tiến độ thực hiện dự án xây dựng Bảo tàng Tổng hợp đến nay vẫn còn chậm so với yêu cầu.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Tổng kinh phí thực hiện Đề án ước tính đến hết 2008:
43.403.000.000 đồng (đạt 81,7% nhu cầu kinh phí thực tế của Đề án đến 2008, đạt 36,8% tổng kế hoạch của Đề án).
2. Phân theo nguồn kinh phí:
- Nguồn cân đối qua Ngân sách của địa phương: 18.477.000.000 đồng, chiếm 42,5% tổng số vốn đã thực hiện, đạt 77% so với chỉ tiêu Đề án đến năm 2010.
- Nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu 17.747.000.000 đồng chiếm 40,25 % tổng số vốn đã thực hiện đạy 37,6% so với chỉ tiêu Đề án đến 2010.
- Nguồn dân đóng góp: 4.200.000.000 đồng chiếm 9,7% tổng số vốn đã thực hiện đạt 46,4% so với chỉ tiêu của Đề án đến 2010.
- Nguồn vốn khác: 3.009.000.000 đồng chiếm 6,9% tổng số vốn đã thực hiện đạt 9,3% so với chỉ tiêu của Đề án đến 2010. (có phụ biểu kèm theo)
IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Thành công.
Việc thực hiện Đề án đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của người dân, có tác dụng tích cực tới kinh tế - xã hội của tỉnh. Đối với vùng đô thị, đề án đã tạo ra các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn góp phần thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định và trở thành kinh tế mũi nhọn. Đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, nếp sống hợp vệ sinh được thực hiện, di sản văn hoá truyền thống có giá trị được phát huy, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, ngành nghề sản xuất ở nông thôn từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá, xoá đói giảm nghèo.
Các cấp uỷ Đảng từ tỉnh đến cơ sở đều quan tâm triển khai Đề án. Hầu hết các huyện, thành phố đều đã có Nghị quyết chuyên đề, đề án, dự án riêng về phát triển văn hoá, bảo tồn di sản văn hoá phù hợp với thực tế địa phương (trừ Mường Khương xây dựng đề án nhưng chưa phê duyệt, chưa triển khai thực hiện).
Mặt trận tổ quốc cấp huyện và đặc biệt là đại diện mặt trận ở các thôn, bản, tổ dân phố, các đoàn thể quần chúng như: thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh v.v… tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nội dung của Đề án.
Thông qua việc thực hiện Đề án, đã tranh thủ nguồn vốn của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và một số tổ chức phi chính phủ (bình quân Hội Văn nghệ Dân gian tài trợ cho các học viên Lào Cai 100 triệu đồng/ năm để thực hiện các tiểu dự án)
2. Hạn chế.
Tiến độ phát triển phong trào TDĐKXDĐSVH còn chậm và chưa đồng đều, nhất là ở nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn. Việc bình xét công nhận các danh hiệu văn hoá ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ (một số hộ gia đình sinh con thứ ba, nếp sống vệ sinh gia đình, làng bản chưa đảm bảo tiêu chí vẫn được công nhận đạt văn hoá )
Một số nội dung của Đề án như: tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở nhất là nội dung cải tạo tập quán lạc hậu; hướng dẫn từng bước chi tiêu có kế hoạch; phát huy tính tích cực trong đồng bào để khắc phục tính ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước chưa thực hiện được theo kế hoạch, mục tiêu Đề án.
Các hủ tục lạc hậu trong các dân tộc thiểu số cơ bản chưa được khắc phục có hiệu quả, nhất là địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Trong việc cưới tình trạng tảo hôn vẫn tồn tại tương đối phổ biến ở hầu hết các dân tộc thiểu số, ở hầu hết các huyện vùng cao và có chiều hướng ra tăng trở lại. Thậm chí ngay ở địa bàn xã được chọn để chỉ đạo điểm (Sảng Ma Sao – Bát Xát) Hiện tượng tảo hôn vẫn có chiều hướng gia tăng.
Các địa phương vùng cao tập quán thả rông gia súc của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn nặng nề, chuyển biến chậm. Phần lớn các hộ gia đình ở Bát Xát, Văn Bàn, Sa Pa chưa có chuồng trại kiên cố, xa nhà, chưa thực hiện nuôi nhốt gia súc vào mùa đông.
Việc khai thác, phát huy và nâng cao các di sản văn hoá thành sản phẩm du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Số lượng và chất lượng các di sản văn hoá được cải tiến, nâng cao phục vụ du lịch còn thấp.
Một số nội dung chương trình của đề án như: Chương trình nghiên cứu, tư vấn và thực nghiệm “Mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, mỗi vùng có một loại đặc sản văn hoá trở thành hàng hoá” đã được triển khai nhưng hiệu quả chưa cao.
Các nội dung, danh mục Đề án xin tài trợ từ nguồn đề tài khoa học chưa được đáp ứng, năm 2007 – 2008 chưa có đề tài nào được duyệt
3. Nguyên nhân tồn tại
Về mặt khách quan: việc cải tạo các phong tục tập quán đã tồn tại lâu đời trong đồng bào các dân tộc thiểu số là việc làm khó khăn, phức tạp. Đồng bào vùng cao trình độ hiểu biết hạn chế nên “sức ỳ” còn lớn. Vì vậy, phần lớn người dân vùng cao chưa tự giác, tích cực chủ động tham gia các hoạt động cải tạo phong tục tập quán.
Về mặt chủ quan: Quá trình đánh giá thực trạng, xác định các mục tiêu và xây dựng một số nội dung của Đề án chưa sát với thực tiễn. Một số nội dung Đề án đề ra không khả thi, cụ thể như: tập huấn cơ sở; hướng dẫn từng bước chi tiêu có kế hoạch; phát huy tính tích cực trong đồng bào để khắc phục tính ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước…
Việc phối hợp triển khai các nội dung của Đề án giữa các ngành chưa nhịp nhàng, hiệu quả. Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc cấp tỉnh chậm triển khai nội dung Đề án (Quyết định của tỉnh giao cho Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh chủ trì, nhưng đến tháng 6/2008 mới thành lập Ban điều hành Dự án số 1 - thuộc nội dung đầu tiên). Sự phối hợp, lồng ghép giữa Đề án của tỉnh và Đề án của huyện chưa thống nhất. Một số huyện phê duyệt Đề án trước Đề án của tỉnh, do vậy nội dung triển khai và điểm chỉ đạo chưa thống nhất dẫn đến khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu Đề án trong toàn tỉnh.
Nhận thức về thực hiện nội dung đề án của một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở vùng sâu, vùng xa còn phiến diện, chưa chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thực hiện.
Đội ngũ cán bộ thực hiện Đề án trình độ chuyện môn còn hạn chế, chưa qua đào tạo nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là cán bộ cơ sở.
Việc xây dựng cơ chế chính sách và giải pháp nhằm xã hội hoá việc thực hiện Đề án còn chậm, chưa đồng bộ và đầy đủ.
Nguồn kinh phí dành cho việc thực hiện các nội dung của Đề án chưa tương xứng so với nhu cầu. Trong giai đoạn 2006 – 2008 nguồn kinh phí bố trí mới đạt 81,7% nhu cầu thực tế của Đề án. Trong đó, nguồn vốn cân đối qua ngân sách địa phương chi cho Đề án mới chỉ chiếm 42,5% tổng nguồn vốn để thực hiện Đề án.
V. MỤC TIÊU THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2008 – 2010, trọng tâm là vận động nhân dân các dân tộc cải tạo tập quán lạc hậu
1.1 Tăng cường đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”
1.1.1 Điều chỉnh chỉ tiêu của nội dung xây dựng gia đình văn hoá: Phấn đấu đến năm 2010 có 70% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá (Giảm 10% so với chỉ tiêu của Đề án).
1.1.2 Xây dựng làng văn hoá: Phấn đấu đến năm 2010 có 40% thôn bản và 75% tổ dân phố đạt danh hiệu văn hoá
1.1.3 Xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học văn hoá: Phấn đấu đến năm 2010 có 90% cơ quan, đơn vị, trường học đạt danh hiệu văn hoá
1.1.4 Xây dựng khu dân cư tiên tiến: Phấn đấu đến năm 2010 có 80% khu dân cư tiên tiến
1.1.5 Tăng cường tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ cơ sở: Phấn đấu đến năm 2010 tổ chức được 310 lớp tập huấn với 11.200 lượt cán bộ cơ sở tham gia.
1.2 Cải tạo các tập quán lạc hậu của nhân dân các dân tộc vùng cao:
1.2.1 Nhân rộng mô hình cải tạo tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang ở huyện Bát Xát và Sa Pa, trong đó tập trung khắc phục và hạn chế tình trạng tảo hôn.
1.2.2 Tập chung chỉ đạo cải tạo tập quán thả rông gia súc gắn với vệ sinh môi trường, làm mới và di chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà và chống rét cho gia súc vào mùa đông.
2. Bảo tồn khai thác, phát triển bản sắc văn hoá các dân tộc Lào Cai giai đoạn 2008 – 2010.
2.1. Thực hiện Đề án ngân hàng dữ liệu di sản văn hoá các dân tộc Lào Cai do Bộ Văn hoá Thể thao Và Du Lịch hỗ trợ kinh phí.
2.2. Bảo tồn và xây dựng 6 thôn bản trong toàn tỉnh ở Sa Pa, Bắc Hà, Bảo Yên và Mường Khương thành làng văn hoá du lịch: Làng Tả Van Giáy - Tả Van, làng Nậm Toóng - Bản Hồ, Làng Nậm Cang Dao - Nậm Cang (Sa Pa); Làng Trung Đô - Bảo Nhai (Bắc Hà); Thôn Bản Rịa – Nghĩa Đô (Bảo Yên), làng Văng Leng – Tung Chung Phố (Mường Khương).
2.3. Trùng tu, tôn tạo 02 di tích trọng điểm là Bãi đá cổ Sa Pa và Đền Trung Đô thành các điểm tham quan du lịch.
2.4 Phát huy giá trị các di sản văn hoá mang tính bản địa. xây dựng chương trình “Biến di sản thành tài sản” tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch.
VI. QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Quan điểm chỉ đạo
Việc phát triển văn hoá, cải tạo phong tục tập quán lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài. Vì vậy, không thể nôn nóng, chỉ đạo quá rộng mà cần lựa chọn điểm chỉ đạo cụ thể, từ đó tuyên truyền nhân ra diện rộng.
2. Giải pháp thực hiện
2.1 Giải pháp chung:
a. Giải pháp về công tác chỉ đạo.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng; công tác quản lý của chính quyền các cấp; công tác vận động quần chúng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc thực hiện Đề án.
Rà soát lại các chỉ tiêu của đề án đảm bảo tính khả thi và phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 26 “Về nông nghiệp, nông thôn, nông dân” tại hội nghị lần thứ 7 BCH TW Đảng khóa X.
Chỉ đạo việc thực hiện các nội dung của Đề án “Phát triển văn hoá, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc Lào Cai giai đoạn 2006 -2010” gắn với Đề án “ Phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2006 – 2010”
Chỉ đạo việc triển khai thực hiện đề án theo trình tự từ cấp tỉnh xuống cấp huyện và cấp xã, không chỉ đạo triển khai đồng thời tránh chồng chéo. Đảm bảo mục tiêu, nội dung và địa bàn chỉ đạo điểm trong Đề án của huyện thống nhất với Đề án của tỉnh để thống nhất và tập chung chỉ đạo.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án, nhất là đối với các đơn vị, địa phương chủ trì và là địa bàn thí điểm các nội dung của Đề án.
Hàng năm tiến hành rà soát lại tiêu chí gia đình văn hoá, làng bản văn hoá, các quy ước, hương ước, khảo sát lấy ý kiến cơ sở để điều chỉnh tiêu chí phù hợp.
b. Giải pháp về tuyên truyền
Tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau và đến được các đối tượng nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao hiểu biết còn hạn chế. In sao băng đĩa, xuất bản sách báo về nội dung di sản văn hoá, cải tạo phong tục tập quán lạc hậu cung cấp cho cơ sở nhằm nâng cao mức hưởng thụ giá trị văn hoá, tái tạo giá trị văn hoá mới cho nhân dân, kích thích người dân tự nguyện tham gia sưu tầm, bảo tồn di sản, cải tạo tập quán lạc hậu phục vụ cộng đồng và bản thân
c. Giải pháp về đầu tư nguồn nhân lực
Thành lập phòng Quản lý di sản cấp tỉnh trực thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch làm đầu mối tham mưu cho tỉnh tiếp tục triển khai Đề án và tăng cường quản lý Nhà nước về di sản trên địa bàn.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng hệ thống cán bộ nghiệp vụ và quản lý ở cấp huyện và cơ sở về kiến thức văn hoá các dân tộc. Thường xuyên mở các lớp tập huấn về cải tạo tập quán lạc hậu, sưu tầm, quản lý di sản văn hoá dân tộc cho đội ngũ cán bộ văn hoá, đội ngũ các nghệ nhân, cộng tác viên ở các cơ sở.
d. Giải pháp về huy động nguồn lực
Lồng ghép nhiều chương trình, dự án để tăng hiệu quả đầu tư cho các thôn bản: Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, các dự án nghiên cứu bảo tồn vốn văn hoá: Dự án bảo tồn các điệu múa đồng bào dân tộc, dự án bảo tồn chữ nôm Dao v.v..
Kêu gọi các tổ chức xã hội: Hội văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam, Các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, tư nhân đầu tư, hỗ trợ hoạt động văn hoá.
Huy động sức dân trong việc xây dựng các thiết chế văn hoá cơ sở, trong đó có sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là nhà văn hoá thôn, bản đối với khu vực đô thị, thị trấn và vùng dân cư tương đối ổn định. Khuyến khích mọi người dân, mọi tổ chức tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hoá: Kinh doanh dịch vụ văn hoá, vui chơi giải trí…
Tỉnh bố trí một nguồn kinh phí dự phòng để sử dụng vào việc mua, chi trả công phát hiện các hiện vật có giá trị, hoặc trùng tu, sửa chữa các di tích bị hư hại do lũ lụt, sạt lở đột xuất.
e. Giải pháp về phát triển nghiên cứu khoa học
Tăng cường xây dựng các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó chú trọng các đề tài về cải tạo phong tục, tập quán, bảo tồn và phát huy di sản văn hoá.
g. Giải pháp về cơ chế chính sách
Rà soát các quy chế, cơ chế, chính sách đã ban hành như: Chính sách khuyến khích xã hội hoá hoạt động văn hoá, quy chế quản lý, tổ chức hoạt động nhà văn hoá đảm bảo hiệu quả góp phần thúc đẩy việc thực hiện Đề án.
2.2 Giải pháp cụ thể cải tạo một số phong tục tập quán lạc hậu
Cải tạo phong tục tập quán là một nhiệm vụ phức tạp, cần có các bước tiến hành hợp lý, có sự tham gia tự nguyện của người dân. Giải pháp cụ thể:
Lựa chọn địa bàn chỉ đạo thực hiện là thôn, bản, đối tượng vận động trước hết là trưởng thôn, bản, đại diện mặt trận, chủ hộ gia đình và những người uy tín trong cộng đồng (các nghệ nhân, trưởng dòng họ, bà cô v.v..)
Xây dựng hương ước, quy ước thôn, bản ngắn gọn nội dung chính về cải tạo các tập tục lạc hậu được cả cộng đồng thảo luận, thông qua.
Tuyên truyền tạo thành dư luận của cộng đồng phê phán các tập quán lạc hậu.
Tập huấn mô hình cải tạo phong tục tập quán lạc hậu gắn với từng gia đình, từng tình huống công việc cụ thể: ma chay, cưới xin v.v…
Xây dựng các chế tài xử phạt vừa phù hợp với luật tục, vừa phù hợp với luật pháp.
Tổng kết các mô hình chỉ đạo điểm sau đó mới nhân ra diện rộng./.
Nơi nhận:
- Ban Tuyên giáo TW;
- Văn phòng TW Đảng;
- Bộ VH,TT&DL;
- BCĐ Tây Bắc;
- Các đ/c tỉnh uỷ viên;
- Các Ban Đảng Tỉnh uỷ;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- Các huyện, thành, đảng uỷ TT;
- UBND các huyện, TP;
- Lãnh đạo VPTU;
- Lưu CVTH, NC; VT – VPTU. |
T/M TỈNH UỶ
BÍ THƯ
(đã ký)
Bùi Quang Vinh |