Huyện Mường Khương
Lượt xem: 15428
Mường Khương là huyện vùng cao biên giới tỉnh Lào Cai: Phía Bắc và Tây Bắc giáp huyện Mã Quan và Hà Khẩu tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với chiều dài 96 Km, có 2 cửa khẩu quốc gia đất liền là Sín Tẻn và Pha Long; do đó, có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Mường Khương là tên gọi tiếng Việt mới có từ thời Pháp thuộc. Thực tế nhân dân địa phương gọi là Mưng Khangw (tức Mường Gang) theo truyền thuyết dân gian lý thú kể rằng: “Ngày xưa, có một thầy địa lý mang theo túi mật ngựa đi chọn đất đai để sinh cơ lập nghiệp. Đến nơi đây ông bỗng nhìn thấy dưới lớp đất là một biển nước mênh mông, có hai cột sắt ở giữa và bốn cột gang phía ngoài chống đỡ 4 góc làm cho mảnh đất này tồn tại vững chắc. Nên mới đặt tên Mưng Khangw và tồn tại đến nay”. Ở nơi phát hiện này không chỉ được bảo tồn mà hiện nay còn được cấp uỷ, chính quyền huyện tôn tạo xây dựng thành công viên mi-ni có đài phun nước hoa sen tuôn mãi tiêu biểu cho khí phách trường tồn của non nước, con người Mường Khương.

Mường Khương có 14 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đông nhất là dân tộc H'mông.

Bù đắp cho địa hình phức tạp nhiều vực sâu chia cắt, đất canh tác nông nghiệp hạn chế với ba tiểu vùng khí hậu khác nhau không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng Mường Khương có điều kiện phát triển các loại cây ăn quả, cây đặc sản, dược liệu và chăn nuôi đàn gia súc. Do đó kinh tế Mường Khương chủ yếu là thâm canh kết hợp với phát triển cây con như trồng mận hậu, mận tam hoa, lê, mơ, thảo quả, Chè, đậu tương và chăn nuôi trâu, ngựa dê, bò theo hướng sản xuất hàng hoá. Từ thế kỷ XIX, Mường Khương đã có các phiên chợ vùng cao (Mường Khương, Cao Sơn, Pha Long, Bản Lầu) trao đổi hàng hoá, trong đó chợ Chậu (Lùng Vai) đã trở thành trung tâm buôn bán nổi tiếng ở miền Đông châu Thuỷ vĩ.

Đặc biệt, Mường Khương được thiên nhiên và xã hội phú cho những danh lam thắng cảnh kỳ vĩ và truyền thống văn hoá dân tộc, giàu bản sắc còn tồn tại lưu truyền đến ngày nay. Đó là động Hàm Rồng nằm ở xã Tung Chương Phố cách trung tâm huyện lỵ 1,5 km; xung quanh có làng bản, trường học; cánh đồng Tùng Lâu – Na Bủ rộng mênh mông bát ngát là một trong hai vựa thóc lớn nhất huyện; động Hàm Rồng là một quần thể gồm 4 hang khác nhau trong đó có 2 hang chính nối liên hoàn với nhau dài gần 750m. Ngoài suối nước và đàn cá bơi lội tung tăng, trong động có nhiều nhũ đá đẹp nằm trong không gian rộng và thoáng có thể bơi thuyền đi lại nếu tôn tạo đường đi lối lại dễ dàng, từ lâu đã thu hút nhiều đoàn khách đến tham quan vãn cảnh; là hang Lũng Pâu (cùng xãTung Chung Phố) nằm sâu trong lòng dãy núi đá vôi sừng sững. Nơi đây năm 1959 đã phát hiện ra trống đồng Pha Long (thuộc Hêgơ I) nổi tiếng có niên đại cách đây 4000 năm; là hang Nắm Oọc (xã Nấm Lư) với nhiều nhũ đá, tượng bụt kỳ ảo và lễ hội dân gian đặc sắc của người Nùng các thôn bản nơi đây; là Sừ Ma Tủng còn gọi là hang Mười Ngựa (Tả Ngải Chồ) tụ điểm hoạt động của bọn phỉ Châu Quang Lồ khét tiếng, tay sai của thực dân Pháp đã bị quân dân địa phương và các đơn vị bộ đội chủ lực tiêu diệt góp phần giải phóng khu Pha Long năm 1952. Và khu hang động Cao Sơn với những dãy núi chập chùng cao chót vót không chỉ là chứng tích “phơi thây xác giặc” chống bọn phong kiến phương Bắc với huyền thoại “khe diệt Hán” in đậm trong tâm thức nhân dân mà còn là căn cứ hoạt động cách mạng chống Pháp, tiễu phỉ ở Mường Khương, là khu vực phòng thủ an ninh - quốc phòng bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc thời kỳ xây dựng CNXH và thời đại ngày nay.

Mường Khương còn có các lễ hội dân gian như: Hội Cúng rừng cấm bang của người Nùng không chỉ cầu bản, cầu mùa, cầu trời đất thiên nhiên và tổ tiên phù hộ con người có cuộc sống “an khang thịnh vượng” mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và gìn giữ những giá trị thuần phong mỹ tục của dân tộc ở làng quê miền núi; lễ tết 23 tháng 6 người Pa Dí với xôi màu các loại tưởng nhớ tổ tiên đã phù hộ cho họ chiến thắng giặc ngoại xâm, có cuộc sống phồn vinh hạnh phúc như mái nhà che nắng đỡ mưa đã trở thành biểu tượng mũ đội đầu người phụ nữ Pa Dí; lễ tết Mồng Một tháng 7, làm xôi 7 màu là lễ tết cúng trời tưởng nhớ tới công ơn trời đất, thiên nhiên và tổ tiên đã phù hộ cho người Nùng chiến thắng giặc ngoại xâm bảo tồn nòi giống dân tộc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam; và lễ hội Sải Sán (còn gọi là hội leo núi) của đồng bào Hmông (Pha Long) là lễ hội cầu phúc hoặc cầu mệnh, cầu trời phù hộ cho con người mạnh khoẻ, con cháu sinh sôi, tình duyên nên lứa... Trong các lễ hội còn tổ chức nhiều chò trời dân gian, múa khèn và hát đối đáp giao duyên, thực sự là ngày hội văn hoá của dân tộc.

Xuất phát từ vị trí chiến lược quan trọng ở nơi biên cương Tổ quốc, trong những thập kỷ qua nhất là những năm 1996-2000, huyện Mường Khương đã phát huy các tiềm năng kinh tế và văn hoá địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách hợp lý, đạt được nhiều thành tựu quan trọng đưa nhịp độ kinh tế huyện ngày càng tăng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao; bộ mặt kinh tế - xã hội ngày một khởi sắc, xứng đáng với mảnh đất huyền thoại nơi biên cương anh hùng.

  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (20/11/2022)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1