CTTĐT - Ủy ban nhân dân tỉnh Lào
Cai vừa ban hành Quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Đền Mẫu,
xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát; Đền Ngòi Bo, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng và Đền
Đồng Ân, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng.
Theo đó, ba di tích Đền Mẫu,
thuộc thôn Phố Mới I, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát; Đền Ngòi Bo, thuộc thôn
Thái Bo, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng và Đền Đồng Ân, thuộc thôn Quyết Tâm, xã
Thái Niên, huyện Bảo Thắng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng là di tích lịch
sử - văn hóa cấp tỉnh lần lượt tại các Quyết định số 4455/QĐ-UBND ngày
12/12/2016; Quyết định số 4516/QĐ-UBND và Quyết định 4529/QĐ-UBND ngày
16/12/2016.
Đền Mẫu tọa lạc tại thôn
Phố Mới I, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát từ lâu đã nổi tiếng là di tích lịch sử
văn hóa linh thiêng. Ngôi Đền nằm án ngữ khu vực đầu nguồn Sông Hồng từ ngã ba
Lũng Pô, cách cột mốc biên giới số 94 (2) khoảng 30m. Chính vị trí đó đã tạo
cho ngôi Đền một vị thế, vai trò hết sức quan trọng về an ninh quốc phòng, chủ
quyền biên giới của Việt Nam.
Đền Mẫu là nơi thờ vọng
Thánh Mẫu Thượng Ngàn hay còn gọi là Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, là một trong tứ vị
Thánh Mẫu cai quản các miền khác nhau. Mẫu Thượng Ngàn cai quản miền rừng núi,
là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số. Trong đạo tứ phủ, Mẫu Thượng
Ngàn là người có công to lớn trong việc cung cấp nguồn của cải, trị vì thiên
tai, giúp đỡ con người nơi núi rừng biên ải. Kiến trúc ngôi Đền được thiết kế
theo kiểu 3 gian, 2 mái vòm, phía trên được lợp ngói đỏ. Gian chính giữa là
Cung Công đồng, sát phía sau Cung Công Đồng hệ thống tượng bài trí theo trục
ngang gồm có 3 pho tượng: Chính giữa có vị trí cao nhất là tượng thờ Thánh Mẫu
ngồi giữa, mình khoác áo màu xanh, đầu đội mũ xanh, tượng trưng cho uy quyền
tuyệt đối nơi miền sơn cước. Ngày lễ chính của đền là ngày mùng 10/3 âm lịch
(giỗ mẹ), ngoài ra vào ngày 20 hoặc ngày 22/8 âm lịch (mở tiệc giỗ cha), lễ Đền
còn tổ chức vào hai dịp thường niên đầu năm và cuối năm.
Đền Đồng Ân nằm về phía
Tây Nam thôn Quyết Tâm, đây là trung tâm một thung lũng rất rộng, phía Bắc,
Đông, Tây đều có núi thấp bao bọc. Đền Đồng Ân là tên gọi có từ xưa với ý nghĩa
là nhân dân đồng lòng biết ơn vị tướng Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn, người
đã có công trong cuộc chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm Nguyên - Mông. Ngoài ra, đền
còn được người dân địa phương biết đến với tên gọi khác là đền Mi do trước đây
gắn với tên gọi của địa danh thôn Mi. Đền là nơi thờ tự của Đức thánh ông Trần
triều – Trần Hưng Đạo.
Trải qua thăng trầm biến động
lịch sử gắn với mảnh đất Bảo Thắng anh hùng qua nhiều thế kỷ, đến nay, Đền vẫn
tọa lạc trên cánh đồng thuộc thôn Quyết Tâm, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng. Với
vị trí chiến lược nằm ven sông Hồng, thuộc cửa quan Bảo Thắng xưa kia, ngôi đền
vừa là cột mốc văn hóa tâm linh đánh dấu chủ quyền lãnh thổ vùng biên ải vừa là
một trong những nơi hoạt động cách mạng bí mật của quân dân Bảo Thắng trong các
thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Các ngày lễ lớn của Đền được tổ chức giống
với các đền thờ Đức ông Trần Triều khác, vào ngày 01/4 âm lịch - Lễ vào hè; ngày 8/4 âm lịch - Lễ tắm Phật; ngày
24/6 âm lịch - Quan lớn Bơ phủ; ngày 01/7 âm lịch - Lễ ra hè; ngày 20/8 âm lịch
- Tiệc Cha (Ngày hóa của Hưng Đạo Đại Vương –Trần Quốc Tuấn); tổ chức vào hai dịp
thường niên đầu năm vào ngày 15/01 âm lịch - Tết Thượng Nguyên và cuối năm ngày
15/12 âm lịch - Cúng Tất niên.
Đền Ngòi Bo thuộc thôn Thái
Bo, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tọa lạc tại nơi hợp lưu của dòng sông Hồng và
suối Ngòi Bo, với tổng diện tích 6.053.6m2, trong đó, phần xây dựng
các công trình hiện tại của đền là 550m2. Đền Ngòi Bo là điểm thờ vọng của Đức
Thánh Tản hay còn gọi Tản Viên Sơn Thánh, là một trong 4 vị được tôn vinh là
Thánh Bất Tử - Tứ Bất Tử. Đền là di tích lịch sử văn hóa gắn liền với đời sống
tâm linh của cộng đồng các dân tộc huyện Bảo Thắng nói riêng, du khách thập
phương nói chung. Ngôi đền là nơi chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử,
nơi đây là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, vùng đất hội tụ
nhiều di tích lịch sử văn hóa, các công trình tín ngưỡng như: Đền Đồng Ân, Đền
Ngòi Bo và khu căn cứ cách mạng Soi Cờ Soi Giá, di tích chiến thắng đồn Phố Lu…
Đền Ngòi Bo là một trong những điểm, tuyến du lịch trọng điểm của huyện Bảo Thắng,
góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế du lịch của địa phương và của tỉnh.
Ngày lễ Đức Thánh Tản được
tổ chức vào ngày 11 tháng giêng và 11/7 âm lịch. Ngoài ra, các ngày lễ lớn khác
của Đền như: Lễ vào hạ, có lễ mặn và lễ ngọt là lễ cầu cho nhân dân mạnh khỏe,
không phát sinh bệnh tật vào ngày 4/4 âm lịch; lễ Tiệc giỗ Đức Thánh Trần ngày
16/8 âm lịch; lễ tiệc Cô ngày 12/9 âm lịch; lễ quan Hoàng Mười ngày 9/10 âm lịch;
lễ Tiệc Mẫu Thoải ngày 12/2 âm lịch…
Ủy ban nhân dân tỉnh giao
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Bát Xát, UBND huyện Bảo Thắng xây dựng
phương án bảo vệ, quản lý, tu bổ và sử dụng di tích lịch sử Đền Mẫu, Đền Ngòi
Bo, Đền Đồng Ân theo đúng quy định hiện hành của nhà nước.
Lệ Hằng