Địa điểm chiến thắng Đồn Khau Co được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh
Lượt xem: 7917
CTTĐT - Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết định số 5021/QĐ-UBND xếp hạng di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Đồn Khau Co, thuộc bản Ta Náng, xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.

Đồn Khau Co nằm trên khu vực đèo Khau Co, đỉnh đèo là ranh giới phân chia cung đoạn cuối của dải Hoàng Liên, đèo nằm trên khu rừng Quốc gia Hoàng Liên, thuộc địa phận huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Đỉnh đèo ở độ cao 1.200m so với mặt nước biển, nơi có mây phủ và gió lộng bốn mùa, là ranh giới giữa hai huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai và huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, cả hai huyện trước đây đều thuộc tỉnh Yên Bái. Đường đèo hai phía Văn Bàn và Than Uyên đều rất hiểm trở.

Trong thời Pháp thuộc, sau khi tái chiếm tỉnh Lai Châu và tái chiếm cơ bản vùng Tây Bắc, thực hiện mưu đồ tái chiếm Văn Bàn và mở rộng sang khu vực Việt Bắc, thực dân Pháp tiến hành lập đồn tại khu vực đỉnh đèo Khau Co. Lợi thế các điểm cao tại khu vực đỉnh Đèo để đặt hỏa lực khống chế diện rộng khu vực huyện Văn Bàn và huyện Than Uyên. Đây là Đồn lớn giữ vị trí rất quan trọng để quân Pháp thực hiện mưu đồ tái chiếm Văn Bàn và khống chế, chặn sự tiến quân của ta vào vùng Tây Bắc. Phát hiện mưu đồ của thực dân Pháp, chính quyền Việt Minh huyện Văn Bàn đã tổ chức trận đánh ngay từ ngày đầu chúng tập kết.

Trận đánh Đồn Khau Co diễn ra trên cả một cung đèo Khau Co về phía huyện Văn Bàn, vì vị trí bố phòng của Đồn Khau Co rải khắp trên đoạn đường Đèo và các điểm cao khu vực Đèo.

Di tích “Chiến thắng đồn Khau Co” là một trong những địa điểm diễn ra trận đánh quan trọng, mưu trí, táo bạo trước ngày Bác Hồ phát lệnh toàn Quốc kháng chiến; là nơi ghi dấu sự hy sinh anh dũng của quân và dân Văn Bàn để làm nên những chiến thắng vang dội trong sự nghiệp đấu tranh chống Thực dân Pháp, giải phóng Văn Bàn.

Phỏng vấn Ông Trương Văn Thiêm, sinh năm 1932, người Tày, thôn Minh Chiềng 2, xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, ông Thiêm cho biết: Ông là du kích của địa phương, ông Thiêm cùng với ông Lý Á Xiên - xã đội trưởng và chừng khoảng 50 dân quân của địa phương lên chiếm lợi phẩm của Pháp ở Đồn Khau Co sau khi thực dân Pháp rút quân khỏi đồn Khau Co ở Văn Bàn vào năm 1949. Ông đi theo Lý Á Xiên gỡ mìn mất 2 ngày để cho dân công mang về và còn được ngủ ở khu vực đỉnh đèo nơi Pháp đóng quân 1 đêm. Ông Thiêm kể: Lúc đó Pháp xây hầm đóng quân ở đây, xung quanh được rào bằng dây thép gai và giăng mìn, chỉ huy nằm ở giữa, hầm xếp gỗ, trên không có chòi mà là đất không, người ở dưới để ngăn chặn bộ đội và du kích ta không vào được. Ta thu được rất nhiều chiếm lợi phẩm từ mìn các loại mìn nhảy, mìn hộp, lựu đạn, chăn màn, gạo, cá khô…

Cũng theo Ông Trương Văn Hài, sinh năm 1936, cũng là người Tày thôn Minh Chiềng 2, xã Minh Lương, huyện Văn Bàn. Ông Hài là người trực tiếp đi dân công hỏa tuyến trong thời gian 1 tháng cùng với khoảng 30 người nữa gánh gạo nuôi bộ đội ta đánh Pháp, người đưa ông Hài đi Khau Co là ông Tòng Văn Pò (người ở Minh Lương) áp tải đoàn dân công gánh gạo đi Khau Co nên ông cũng vừa là người trực tiếp tham gia và chứng kiến cảnh tàn bạo, dã man của thực Dân Pháp khi đánh chiếm Văn Bàn, nhưng với dưới sự lãnh đạo của Đảng và tinh thần đấu tranh của nhân dân, trận chiến Khau Co đã giành được thắng lợi to lớn, cho tới ngày 16 tháng 11 năm 1950 Văn Bàn được giải phóng.

Trận đánh Khau Co có ý nghĩa to lớn ngay trong ngày đầu của cuộc kháng chiến nó đã cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng cho quân và dân các dân tộc Văn Bàn. Chiến thắng đồn Khau Co đã trở thành một mốc son chói lọi của quân và dân huyện Văn Bàn bởi nơi đây thực dân Pháp đã bị loại ra khỏi vòng chiến đấu. Lực lượng vũ trang ngày càng lớn mạnh và trưởng thành, đây là niềm tin, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho nhân dân các dân tộc trong huyện trên con đường đấu tranh cách mạng đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi.

Việc xếp hạng di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Đồn Khau Co là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh là cần thiết nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của di tích phục vụ phát triển du lịch tại địa phương, đồng thời là nơi để giáo dục truyền thống về lịch sử cách mạng, văn hóa tốt đẹp, tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi của Tổ Quốc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Văn Bàn xây dựng phương án bảo vệ, quản lý, tu bổ và sử dụng di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Đồn Khau Co theo đúng quy định hiện hành của nhà nước.

Nguyễn Hằng
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (20/11/2022)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1