Công nhận điểm du lịch Di tích lịch sử văn hóa Đền Cô, xã Tân An, huyện Văn Bàn
Lượt xem: 1380
CTTĐT - Ngày 29/5/2023, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 1271/QĐ-UBND công nhận Di tích lịch sử văn hóa Đền Cô, xã Tân An, huyện Văn Bàn là điểm du lịch.

Tọa lạc tại thôn Tân An 2, xã Tân An, huyện Văn Bàn, Đền Cô nằm ở một vị trí đắc địa với phía sau, bên tả là núi và khu dân cư giáp với Quốc lộ 279; phía trước và bên hữu là dòng sông Hồng uốn khúc đỏ nặng phù sa. Bên kia bờ sông Hồng đối diện là Di tích Lịch sử văn hóa Đền Bảo Hà.

anh tin bai

Cổng ngoài Đền Cô Tân An (ảnh: LCĐT)

Đường đi đến Đền Cô Tân An rất thuận lợi, địa hình bằng phẳng, Nhân dân và du khách tham quan, vãn cảnh có thể đi bằng đường bộ, đường thủy, đường sắt với nhiều phương tiện khác nhau: tàu hỏa, ô tô, xe máy,… Đi bằng đường bộ, du khách có thể đi ô tô, xe máy từ Hà Nội theo Quốc lộ 2 qua Việt Trì - Yên Bái đến Quốc lộ 70 đi tiếp khoảng 100km là tới trung tâm thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên, Lào Cai); từ đấy du khách rẽ trái theo Quốc lộ 279 khoảng 25km là tới Đền Cô Tân An. Nếu đi cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Km 209 rẽ đi đường 279, từ nút rẽ vào đường 279, đi thêm 2km nữa hướng về xã Tân An là đến Đền Cô. Đi bằng tàu hỏa, du khách có thể lên tàu tại các nhà ga chính đến ga Bảo Hà; sau đó đi tiếp từ ga Bảo Hà khoảng 1km nữa là tới Đền Cô Tân An.

Đền Cô thờ Thượng Ngàn Công Chúa, dân gian thường gọi là Mẫu Thượng ngàn. Ngôi đền đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho các triều đại xưa đã có công bảo vệ biên cương tại trấn Bảo Hà, vị trí chiến lược quan trọng chống giặc ngoại xâm. Trải qua bao thăng trầm lịch sử và biến động của thiên nhiên, đặc biệt là trận lũ kinh hoàng năm 1971, ngôi Đền đã bị cuốn trôi. Thể theo nguyện vọng của Nhân dân và du khách thập phương; được sự quan tâm của chính quyền và các ngành chức năng, ngôi Đền đã được dựng lại khang trang hơn ở vị trí đất lịch sử linh thiêng xưa.

Đền Cô được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Đinh với đầu tiên là nhà Đại bái, tiếp đến là nhà thờ chính và gian hậu cung. Lễ hội Đền Cô tổ chức vào ngày 17 tháng Giêng hằng năm và cũng là ngày lễ tế Đền được tổ chức một cách quy mô, trang trọng theo nghi thức trong lễ tế của Mẫu Thượng ngàn. Lễ hội còn có chương trình văn nghệ, các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đu quay… đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là dịp để nhân dân địa phương và du khách đến dâng hương cho Công Chúa Thượng Ngàn - Bà chúa Mẫu cai quản núi rừng biên ải và các vị thần, thánh thờ trong Đền đã bảo hộ cho Nhân dân chống thiên tai, địch họa và luôn phù hộ cho “Thiên hạ thái bình - Quốc thái, dân an - Phong đăng hòa cốc”.

anh tin bai

Rước kiệu từ Đền Cô sang Đền Bảo Hà (ảnh: LCĐT)

Giống như nhiều ngôi đền khác, Đền Cô cũng có Lễ đầu năm (ngày 10 tháng Giêng); Lễ vào hạ (ngày 10 tháng 4 âm lịch); Lễ ra hè (ngày 02 tháng 7 âm lịch); Lễ cuối năm (ngày 02 tháng Chạp). Ngoài ra, Đền thường tổ chức cho các vị được thờ trong Đền như: Lễ quan Trần Triều - ngày 20 tháng 8; ngày lễ chính Đền Bảo Hà - ngày 17 tháng 7; ngày giỗ của quan Tuần Tranh - ngày 25 tháng 5; ngày giỗ quan Tam Phủ - ngày 24 tháng 6; ngày giỗ Cô Bơ - ngày 12 tháng 6; ngày giỗ Cô - ngày 24 tháng 4 (tính theo âm lịch).

Việc tổ chức lễ hội Đền Cô là hoạt động cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa hai di tích Đền Bảo Hà, huyện Bảo Yên và Đền Cô, huyện Văn Bàn ở hai bờ sông Hồng. Ngoài những ngày lễ, mỗi ngày Đền Cô thu hút khoảng 300 - 400 lượt khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Với những giá trị độc đáo, Đền Cô, xã Tân An đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia theo Quyết định số 3743/QĐ-BVHTTDL ngày 28/10/2016 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Di tích Đền Cô xã Tân An trở thành điểm du lịch sẽ triển khai thực hiện hiệu quả với nhiều chương trình kết nối nội vùng như: Thành phố Lào Cai - Bảo Yên - Văn Bàn (tuyến du lịch tâm linh); Sa Pa - Bảo Thắng - Bảo Yên - Văn Bàn; Bảo Thắng - Bảo Yên - Văn Bàn; Văn Bàn - Bảo Thắng - Sa Pa và các chương trình du lịch liên vùng như: Đền Bảo Hà - Đền Cô - Bảo Thắng - Đền Mẫu - Đền Thượng - Thành phố Lào Cai; Thành phố Lào Cai - Văn Bàn - Bảo Yên - Nghĩa Đô - Hà Giang - Hà Nội; Văn Bàn - Bảo Yên - Hà Giang (tuyến Quốc lộ 279, Quốc lộ 2); Văn Bàn - Than Uyên - Tam Đường - Sa Pa.

Đền Cô được phê duyệt Quy hoạch mở rộng đền, đầu tư thêm các hạng mục: bãi đỗ xe, đất tập kết rác thải, đất xây dựng bể chứa xử lý nước thải và đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật khác. Nơi đây có hệ thống thông tin liên lạc thuận lợi; lắp đặt wifi miễn phí, bao phủ toàn bộ diện tích của di tích; có đầy đủ các biển chỉ dẫn để phục vụ du khách thập phương; có dịch vụ ăn uống, mua sắm và các dịch vụ bổ trợ khác; đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.

Theo Quyết định của UBND tỉnh, các sở, ngành: Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Tài Nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải - Xây dựng, Công an tỉnh, UBND huyện Văn Bàn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức quản lý, khai thác và phát triển điểm du lịch Di tích lịch sử văn hóa Đền Cô theo đúng quy định pháp luật.

Xem văn bản tại đây:

Tải về

Thanh Huyền
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (20/11/2022)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1