Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024
Lượt xem: 280

I. Phát triển kinh tế

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn

Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn do thiên tai thời tiết diễn biến bất thường; giá vật tư nông nghiệp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nguyên liệu đầu vào và cước vận chuyển tăng trong khi giá bán sản phẩm thấp và không ổn định,... Tuy nhiên với việc thực hiện tốt các chính sách về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh cơ bản duy trì và ổn định, tăng trưởng đạt 3,81% (thấp hơn 1,14% so với 6 tháng đầu năm 2023 (4,95%)), đóng góp 0,6 điểm % vào mức tăng chung. Cụ thể kết quả một số lĩnh vực như sau:

a) Trồng trọt:

- Về tổng thể năng suất và sản lượng cây trồng vẫn được duy trì. Tổng sản lượng lương thực có hạt 6 tháng đầu năm ước đạt 106.101 tấn, bằng 101,7% cùng kỳ (CK) và 32,4% Kế hoạch (KH).

- Các cây trồng chính khác như chè, rau, hoa, dược liệu, cây ăn quả,… phát triển ổn định, diện tích, năng suất, sản lượng đều tăng so với CK. Nhìn chung các sản phẩm dứa, chè, dược liệu… tiêu thụ tốt.

- Công tác chuẩn bị và cung ứng giống cho sản xuất vụ Xuân được chuẩn bị đầy đủ và thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, khung thời vụ; công tác điều tra, dự tính dự báo sâu bệnh hại trên cây trồng được thực hiện thường xuyên, liên tục không để xảy ra thành dịch.

b) Chăn nuôi:

Trong 6 tháng đầu năm bệnh dịch bệnh Lở mồm long móng trâu, bò; bệnh tụ huyết trùng trâu, bò; dịch tả lợn Châu Phi; bệnh dại xảy ra trên địa bàn tỉnh. Nhưng toàn ngành nông nghiệp đã phối hợp tốt với các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh. Do vậy chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định. Ước thực hiện đến hết tháng 6/2024: Tổng đàn gia súc 619.000 con, đạt 98,88% KH và 102,6% CK; đàn gia cầm chủ yếu (gà, ngan, vịt) 5.200 nghìn con, đạt 100% KH và 104% CK. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước thực hiện 39.000 tấn, đạt 52,70% KH và 105,41% CK.

Nuôi trồng thủy sản phát triển cả về diện tích mặt nước, năng suất, sản lượng. Diện tích mặt nước nuôi trong ao hồ nhỏ ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2.300 ha, đạt 97,87% KH; sản lượng thủy sản ước đạt 6.550 tấn, đạt 51,57% KH. Thể tích bể nuôi cá nước lạnh đạt 100.000 m3, sản lượng ước đạt 600 tấn, tập trung ở các địa phương: Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Yên. Công tác sản xuất và cung ứng giống thủy sản (cá hương, cá giống các loại) ước thực hiện 18 triệu con. Sản phẩm nuôi trồng thủy sản của tỉnh đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của tỉnh; cung ứng ra thị trường ngoài tỉnh khoảng 10 - 20%.

c) Lâm nghiệp:

Tình hình sản xuất lâm nghiệp ổn định và phát triển; công tác trồng, chăm sóc rừng được quan tâm. Nhiều hộ gia đình đã có thu nhập bền vững từ rừng, đã tạo thành vùng hàng hóa tập trung. Công tác phát triển rừng: Trồng rừng lũy kế 1.378,2 ha; trong đó trồng mới rừng sản xuất 1.057,2 ha/1.700 ha đạt 62,2% KH; trồng lại rừng đạt 321 ha. Trồng cây xanh phân tán lũy kế 1.092.566/2.000.000 cây, đạt 54,6% KH. Bảo vệ rừng 277.865/277.865 ha (= 100% KH); khoanh nuôi tái sinh 2.7143/2.763 ha. Khai thác gỗ 4.092,3 m3, lũy kế 37.301,4 m3.

Tăng cường kiểm tra bám sát cơ sở, hướng dẫn người dân canh tác nương rẫy an toàn; tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động đặc biệt trong những ngày nắng nóng khô hanh kéo dài. 6 tháng đầu năm phát hiện 96 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; xảy ra 12 vụ cháy rừng, thiệt hại 125,962 ha rừng.

d) Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới:

Chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Đến nay toàn tỉnh có 02/09 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Lào Cai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019; huyện Bảo Thắng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020). Toàn tỉnh có 62/127 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”, trong đó có 04 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”. Số thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi: đến nay có 20/111 thôn, bản được công nhận “Thôn đạt chuẩn nông thôn mới”. Bình quân mỗi xã đạt 10,61 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2025.

đ) Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn:

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, cực đoan, bất thường như rét hại, dông, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn, lũ, sạt lở gây thiệt hại lớn về người, tài sản, hoa màu của nhân dân. Đã xảy ra 26 đợt thiên tai (04 đợt rét đậm, rét hại, 03 nắng nóng, 19 đợt mưa lớn, dông lốc, mưa đá). Ước thiệt hại 83.041 triệu đồng, giảm 176 tỷ đồng so CK. UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Thực hiện việc trực ban phòng chống thiên tai, theo dõi, chuyển các bản tin cảnh báo, dự báo về thời tiết thiên tai đến các địa phương, nắm bắt số liệu thiệt hại do thiên tai gây ra kịp thời, đúng quy định.

2. Sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ bản

a) Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Quý I, giá trị sản xuất công nghiệp giảm nhẹ do nghỉ Tết Nguyên Đán, một số dự án vẫn dừng hoạt động hoặc chậm tiến độ. Sang quý II, tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp dù vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đang trên đà hồi phục, tăng trưởng ở cả 03 lĩnh vực. Các dự án khai thác, tuyển, luyện đồng; sản xuất axit sunfuric, axit photphoric hoạt động ổn định, sản lượng sản xuất và tiêu thụ khá; có 02 dự án mới được khởi công. Giá trị sản suất công nghiệp tháng 6 đạt 4.095,4 tỷ đồng, quý II/2024 ước đạt 11.449 tỷ đồng, tăng 16% so với quý I/2024. Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 21.316,3 tỷ đồng, tăng 7,2% CK năm trước và bằng 40,84% KH năm.

Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được duy trì, phát triển. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp toàn tỉnh tháng 6 ước đạt 416 tỷ đổng; riêng quý II/2024 ước đạt 1.248,1 tỷ đồng, tăng 4,3% so với quý I/2024. Lũy kế ước đạt 2.444,4 tỷ đồng, tăng 7,92% CK năm trước và bằng 49,83% KH năm.

b) Xây dựng cơ bản:

UBND tỉnh đã tập trung triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt nhằm tạo sự thống nhất trong điều hành, là công cụ để phân bổ nguồn lực và huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển. Hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai, Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Lào Cai; Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bảo Yên; Quy hoạch các khu chức năng như khu công nghiệp Võ Lao, khu công nghiệp Cốc Mỳ; khu đô thị hỗn hợp sân bay; các khu vực không gian công cộng, công viên cây xanh... Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm: Hoàn thiện thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư, triển khai xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa; khởi công xây dựng cầu Bản Vược; Các công trình: Hạ tầng kỹ thuật, Trụ sở làm việc các cơ quan hành chính thị xã Sa Pa, Bảo Thắng và Hệ thống các bệnh viện tuyến huyện (Văn Bàn, Bát Xát...), Phân hiệu Đại học Thái Nguyên (giai đoạn 2), Trường Chuyên Lào Cai. Đồng thời, tích cực phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC trong việc thực hiện nâng cấp 4 làn xe đường cao tốc đoạn Yên Bái - Lào Cai; đường sắt kết nối ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc.

Đối với nguồn vốn đầu tư công năm 2024, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỉnh Lào Cai luôn nằm trong nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước, tính đến 31/6/2024, tỷ lệ giải ngân của tỉnh nằm trong nhóm đầu các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Cụ thể: Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 theo các Nghị quyết HĐND tỉnh giao (bao gồm cả vốn năm 2023 được phép kéo dài sang năm 2024): 6.503 tỷ đồng, giảm 01% so với CK (6.560 tỷ đồng). Giá trị giải ngân đến ngày 28/6/2024 đạt 2.501/5.212 tỷ đồng, bằng 48% KH.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến tháng 6/2024, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Lào Cai đạt 54% KH (đứng thứ 3/63 tỉnh, thành theo Quyết định giao của Thủ tướng Chính phủ), nằm trong nhóm đầu các tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước (trung bình cả nước đạt 29,39% KH). Nhiều dự án thuộc các lĩnh vực: Giao thông, Y tế, Giáo dục đã được quan tâm đầu tư, đã có nhiều công trình hoàn thành phát huy hiệu quả khi đưa vào sử dụng.

3. Thương mại, dịch vụ

a) Hoạt động thương mại:

Hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 diễn ra khá sôi động, hàng hoá trên thị trường tỉnh (đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán) phong phú, đa dạng với mẫu mã đẹp. Lượng khách du lịch đến Lào Cai tăng mạnh kéo theo sự gia tăng của các dịch vụ vận tải, lưu trú, ăn uống, lữ hành. Giá cả hàng hóa cơ bản ổn định (kể cả trong những dịp trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn trên diện rộng). Riêng giá lợn hơi ở mức 65.000 - 70.000 đồng/kg, so với đầu năm thì giá lợn hơi đã tăng trên 25%. Công tác dự trữ, lưu thông các mặt hàng xăng dầu được duy trì ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Trong 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu đã được điều chỉnh 26 lần, trong đó: xăng tăng 14 lần, giảm 12 lần; dầu tăng 12 lần và giảm 14 lần.

Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 6 ước đạt 3.680 tỷ đồng; quý II ước đạt 11.068 tỷ đồng, tăng 4% so với quý I/2024. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 20.034 tỷ đồng, tăng 5,5% so với CK năm trước và bằng 55,68% so với KH (được giao tại Nghị quyết 48-NQ/TU).

b) Xuất nhập khẩu:

UBND tỉnh tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm khôi phục và giữ ổn định hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh, do vậy hoạt động thông quan qua các cửa khẩu được đảm bảo diễn ra bình thường. Tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, hoạt động thông quan hàng hóa được đảm bảo diễn ra bình thường, cửa khẩu không xảy ra tình trạng ùn tắc phương tiện chở hàng xuất nhập khẩu, trung bình mỗi ngày có khoảng 370 xe/ngày, trong đó xe xuất khẩu 180 xe/ngày, nhập khẩu 190 xe/ngày (các mặt hàng chủ yếu xuất khẩu gỗ ván bóc, thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, chuối, chôm chôm, xoài, sắn…; nhập khẩu hoa, cây cảnh, rau củ quả tươi, than cốc, phân bón, máy móc thiết bị, bánh kẹo, năng lượng điện… giá trị không cao). Tại cửa khẩu quốc tế ga đường sắt, hoạt động thông quan diễn ra bình thường, hoạt động thông quan diễn duy trì với 06 chuyến tàu xuất cảnh, nhập cảnh/ngày, hàng hóa thông quan tại cửa khẩu trong tháng chủ yếu hàng lưu huỳnh quá cảnh và quặng sắt tái xuất.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu tháng 6 ước đạt 332,63 triệu USD, quý II/2024 ước đạt 1.025 triệu USD; lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.574,5 triệu USD, tăng 64,2% CK năm 2023, đạt 35% KH. 

c) Công tác quản lý thị trường:

Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa không có diễn biến phức tạp, không phát sinh điểm nóng và các vụ việc nổi cộm, các vụ việc vi phạm chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ. Lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên tuần tra, kiểm soát, trao đổi thông tin nên đã kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để xảy ra các vụ việc nổi cộm, tụ điểm phức tạp về buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc… trên địa bàn.

Lũy kế từ đầu năm, lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra và xử lý 375 vụ (tăng 4,2% so CK); tổng giá trị xử lý 8.334 triệu đồng (tăng 69,3% so với CK); tổng số thu nộp ngân sách nhà nước 3.886 triệu đồng (tăng 53,7% so với CK).

d) Du lịch:

Với việc liên tiếp trong năm 2023, Sa Pa được tạp chí du lịch quốc tế Condé Nast Traveler bình chọn là 01 trong 50 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới và năm 2024 Sa Pa được lựa chọn trong Top điểm đến Thịnh hành nhất thế giới của nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor; cùng với sự tập trung đẩy mạnh các hoạt động quảng bá và xây dựng các sản phẩm mới, du lịch Lào Cai tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Lượng khách du lịch trong dịp Tết Nguyên Đán và Kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5 của Lào Cai đều xếp top đầu cả nước. Trong 6 tháng đầu năm, tổng lượt khách đến Lào Cai đạt 4,431 triệu lượt khách, tăng 9% so CK, đạt 52% KH. Tổng thu dịch vụ du lịch ước đạt 14.491 tỷ đồng, tăng 12% so với CK, đạt 53% KH.    

đ) Hoạt động vận tải:

Vận tải hành khách (HK): Tháng 6 ước đạt 1.132 nghìn HK, tăng 11,99% so với CK; luân chuyển đạt 60.377 nghìn HK.Km, tăng 4,53%. Tính chung 6 tháng đầu năm năm 2024, vận tải HK đạt 6.502 nghìn HK, tăng 2,73% so với CK năm trước; luân chuyển đạt 349.049 nghìn HK.Km, tăng 1,93%.

Vận tải hàng hóa: Tháng 6 ước đạt 1.488 nghìn tấn, tăng 14,02% so với CK năm trước; luân chuyển đạt 54.102 nghìn tấn.km, tăng 7,62%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, vận tải hàng hóa đạt 8.734 nghìn tấn, tăng 18,83% so với CK; luân chuyển đạt 313.450 nghìn tấn.km, tăng 13,55%.

Doanh thu vận tải: Tổng doanh thu vận tải tháng 6 ước đạt 578,11 tỷ đồng, tăng 15,6% so với CK 2023; trong đó doanh thu vận tải hành khách đạt 244,61 tỷ đồng, doanh thu vận tải hàng hóa đạt 237,63 tỷ đồng, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 95,87 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu vận tải đạt 3.225,1 tỷ đồng, tăng 9,58% so với CK; trong đó doanh thu vận tải hành khách đạt 1.332,88 tỷ đồng, doanh thu vận tải hàng hóa đạt 1.373,38 tỷ đồng, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 518,85 tỷ đồng.

4. Tài chính, tín dụng, giá cả thị trường

a) Thu, chi ngân sách:

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh đến hết ngày 30/6/2024 đạt 4.706 tỷ đồng, bằng 51,3% dự toán Trung ương giao, bằng 36,8% dự toán UBND tỉnh giao tại Quyết định số 3399/QĐ-UBND ngày 12/12/2023, bằng 137,5% so với CK năm trước, cụ thể:

- Thu nội địa đạt 4.089 tỷ đồng, bằng 50,3% dự toán Trung ương giao, bằng 38,9% dự toán tỉnh giao, bằng 137,4% so với cùng kỳ năm trước gồm:

+ Thu từ thuế, phí và thu khác đạt 2.986 tỷ đồng, bằng 53,2% dự toán Trung ương giao, bằng 41,5% dự toán tỉnh giao, bằng 109% so với CK năm trước.

+ Thu tiền sử dụng đất đạt 1.103 tỷ đồng, bằng 43,8% dự toán Trung ương giao, bằng 33,4% dự toán tỉnh giao, bằng 464,5% so với CK năm trước.

- Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 617 tỷ đồng, bằng 58,7% dự toán Trung ương giao, bằng 26,8% dự toán tỉnh giao, bằng 138% so với CK năm trước.

Tổng thu ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm đạt 17.172 tỷ đồng, bằng 104,5% dự toán Trung ương giao, bằng 91,9% dự toán tỉnh giao, bằng 117,2% so với CK năm trước.

Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm đạt 11.231 tỷ đồng, bằng 66,2% dự toán Trung ương giao, bằng 59,9% dự toán tỉnh giao, bằng 117,6% so với CK năm trước.

b) Hoạt động tín dụng:

Ước đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn huy động tại địa bàn ước đạt 48.215 tỷ đồng, tăng 2.065 tỷ đồng (+4,5%) so với 31/12/2023, đáp ứng được khoảng 82,7% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn. Doanh số cho vay 6 tháng 2024 ước đạt 51.077 tỷ đồng, tăng 8,7%, doanh số thu nợ ước đạt 47.877 tỷ đồng, tăng 8,7% so với CK.

Tổng dư nợ cho vay đạt 58.800 tỷ đồng, tăng 5,75% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ đảm bảo an toàn, ở mức dưới 1%.

c) Chỉ số giá tiêu dùng:

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 1,59% so với bình quân CK năm 2023.

5. Thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế

a) Thu hút đầu tư trong nước:

Thu hút đầu tư trong nước trên địa bàn được đẩy mạnh, triển khai nhiều cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, tuy nhiên kết quả chưa đạt được như kỳ vọng. Trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 9 dự án đầu tư trong nước (chủ yếu lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng) với tổng vốn 2.988,6 tỷ đồng và điều chỉnh tăng tổng vốn của 02 dự án 2.614 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư các dự án ngoài ngân sách là 5.601,6 tỷ đồng gấp gần 50 lần tổng mức đầu tư thu hút được so với 6 tháng đầu năm 2023 (6 tháng đầu năm 2023, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án với tổng vốn 114,89 tỷ đồng).

b) Thu hút đầu tư nước ngoài:

Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh không có dự án FDI mới. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lào Cai có 28  dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 730,377 triệu USD; các dự án còn hiệu lực cơ bản hoàn thành giải ngân nên không có vốn giải ngân trong 6 tháng đầu năm; tổng doanh thu đạt 76 triệu USD, bằng 104% so CK; số lao động đạt 2.970 người, bằng 101,5% so CK; số nộp ngân sách nhà nước đạt 4,5 triệu USD, bằng 104,6% so CK.

c) Phát triển doanh nghiệp:

Lũy kế từ đầu năm đến nay, thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký mới cho 316 doanh nghiệp và 24 đơn vị trực thuộc, giảm 6,5% so với CK; tổng vốn đăng ký đạt 2.167 tỷ đồng; đăng ký tạm ngừng hoạt động cho 536 doanh nghiệp, tăng 35,8% so CK; giải thể 40 doanh nghiệp, giảm 9,1% so với CK; hoạt động trở lại 189 doanh nghiệp, tăng 1,6% so với CK.

Lũy kế đến ngày 21/6/2024, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận đăng ký đạt 7.655 doanh nghiệp (tăng 9,3% so với CK) với tổng vốn đăng ký 98.610 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 927 đơn vị trực thuộc (tăng 5,5% so với CK). Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.998 doanh nghiệp.

II. Văn hoá, xã hội

1. Hoạt động giáo dục

Thực hiện các chỉ tiêu của ngành giáo dục đạt kế hoạch giao: Huy động trẻ nhà trẻ đạt 32%; huy động trẻ mẫu giáo đạt 98,5% (riêng mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,9%); huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,43%; học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học học lên lớp 6 đạt 99,7%; huy động trẻ 6 - 14 tuổi đạt 99,7%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT, GDTX và học nghề các trình độ đạt 92%. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đến nay đã có 403 trường, đạt 67,2% (đạt 98,8% mục tiêu Nghị quyết).

Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được duy trì vững chắc ở 100% xã, phường, thị trấn. Quy mô, mạng lưới trường lớp tiếp tục được rà soát, sắp xếp lại theo hướng: giảm, xóa, gộp điểm trường, giảm lớp, giảm học sinh ở điểm trường lẻ, tăng số học sinh ở trường chính, tăng số học sinh tối đa theo quy định/lớp để tập trung đầu tư; gắn sắp xếp trường, lớp với thực hiện tinh, giản biên chế, đáp ứng tốt nhu cầu học học tập của Nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả giáo dục tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ và toàn diện, vững chắc ở tất cả các cấp học; công tác bồi dưỡng, phát hiện học sinh giỏi, học sinh năng khiếu và nghiên cứu khoa học, tiếp tục đạt kết quả cao ở các cuộc thi.

Cơ sở vật chất trường, lớp học, tiếp tục được chú trọng đầu tư và từng bước được tăng cường theo hướng kiên cố hoá, hiện đại hóa và chuẩn hóa; nhiều trường vùng cao có cơ sở vật chất tốt, cảnh quan đẹp, hoạt động giáo dục sôi nổi, chất lượng. Công tác lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục có nhiều đổi mới mạnh mẽ, tương đối sâu sắc và tỏ rõ quyết tâm cao trong quá trình thực hiện. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua được lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Tỉnh ủy, Bộ Giáo dục và Đào tạo và được ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện có hiệu quả.

Công tác xã hội hóa tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp và Nhân dân đồng tình ủng hộ. Công tác hợp tác và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nhận thức hội nhập được nâng lên, các hoạt động giao lưu với các cơ sở nước ngoài, đẩy mạnh dạy, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, chất lượng giáo dục toàn diện.

2. Hoạt động văn hoá thông tin, thể dục thể thao

a) Lĩnh vực văn hoá:

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, gia đình trong tỉnh được quan tâm tổ chức thường xuyên với quy mô phù hợp, tạo dấu ấn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, cổ vũ tinh thần người dân hăng say tập luyện thể dục thể thao, các giá trị chuẩn mực tốt đẹp của gia đình được gìn giữ, phát huy, đóng góp tích cực, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tổ chức tốt và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được đẩy mạnh. Triển khai thực hiện tu bổ và triển khai lập hồ sơ xếp hạng các di tích, danh thắng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, nhằm phát huy hiệu quả các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể tạo ra các sản phẩm du lịch, điểm tham quan, trải nghiệm, khám phá, góp phần phát du lịch bền vững.

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thông qua việc triển khai xây dựng Kế hoạch Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Lào Cai hằng năm. Các hoạt động phục vụ văn hóa cơ sở tiếp tục quan tâm. Các đội tuyên truyền lưu động ước thực hiện được 535/975 buổi, đạt 54,9% KH, vượt 1,9% so CK.

b) Hoạt động thể thao:

Hoạt động thể thao được tổ chức đúng kế hoạch, sôi nổi và rộng khắp với chất lượng chuyên môn cao, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia tập luyện thể dục thể thao, góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc người Lào Cai. Số người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt khoảng 36,5%; số hộ gia đình thể thao đạt trên 21%; khoảng trên 1.000 câu lạc bộ thể dục thể thao (trong đó có trên 300 CLB hoạt động nhiều môn)…

Trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức được 13/22 giải, bằng 59,1% KH giao. Đăng cai tổ chức thành công 02/04 giải thể thao toàn quốc: Giải xe đạp địa hình cự ly ngắn Cup các Câu lạc bộ Quốc gia và Giải vô địch các lứa tuổi trẻ vật cổ điển, vật tự do Quốc gia. 02 giải đã quy tụ trên 25 đoàn cán bộ, huấn luyện viên và 1.000 vận động viên đến từ các tỉnh, thành, ngành trong cả nước. Thông qua việc tổ chức giải nhằm nhân rộng và cổ vũ cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; kiểm tra, đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn của lực lượng trọng tài, cán bộ quản lý, công tác tổ chức thi đấu và phát triển phong trào tập luyện của các tỉnh, thành, ngành trên cả nước; quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch và con người Lào Cai thân thiện, giàu lòng mến khách đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Hoạt động thể thao thành tích cao được chú trọng. Tiếp tục duy trì đào tạo đối với 240 vận động viên (30 vận động viên đội tuyển cấp tỉnh, 75 vận động viên đội tuyển trẻ, 135 vận động viên đội tuyển năng khiếu cấp tỉnh).

3. Y tế, dân số, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng

- Công tác khám chữa bệnh được duy trì thường xuyên, đảm bảo chế độ thường trực cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân. Tổng số khám chữa bệnh chung 745.76; trong đó số khám chữa bệnh BHYT 320.994; công suất sử dụng giường bệnh toàn tỉnh đạt 90,55%. Cơ bản các đơn vị y tế hiện nay đã đáp ứng đủ nhu cầu thuốc điều trị thiết yếu tại đơn vị.

- Quản lý chặt chẽ các bệnh truyền nhiễm lưu hành địa phương, một số bệnh như tiêu chảy, quai bị... xảy ra rải rác tại các huyện, thị xã, thành phố được giám sát phát hiện, điều trị kịp thời; tiếp tục truyền thông, phát hiện, quản lý chặt chẽ dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm số ca mắc 31, tử vong 0 (lũy kế 189.259 ca mắc, tử vong 40). Hiện nay, bệnh Covid thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B theo Quyết định số 3896/QĐ-BYT ngày 19/10/2023 của Bộ Y tế.

- Công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em được triển khai an toàn, không có tai biến xảy ra. Duy trì truyền thông nhằm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh tại 99/152 xã, phường, thị trấn.

- Duy trì tốt các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, thẩm định, cấp chứng nhận cho cơ sở kinh doanh về đảm bảo an toàn thực phẩm. Xảy ra 04 vụ ngộ độc thực phẩm, số người mắc 20, tử vong 01 (2,5 ca mắc/100.000 dân).

- Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã được quan tâm đầu tư cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân trên địa bàn.

4. Giải quyết việc làm, đào tạo nghề, an sinh xã hội

- Công tác giảm nghèo bền vững được quan tâm đẩy mạnh triển khai theo các Đề án, Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về giảm nghèo như Đề án số 10-ĐA/TU về giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025, Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 19/5/2021 về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó tập trung vào giải quyết các nhóm tiêu chí nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, nhà  ở, vệ sinh môi trường, thông tin và truyền thông.

- An sinh xã hội được đảm bảo, triển khai có hiệu quả các hoạt động, tổ chức chăm lo, trợ giúp các đối tượng chính sách (người có công với cách mạng, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng yếu thế khác) được đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đầy đủ với tinh thần không để người dân nào không có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện quản lý trên 25.000 hồ sơ người có công với cách mạng, trong đó có 3.030 người có công, thân nhân người có công với cách mạng hưởng hàng tháng trên địa bàn theo quy định. Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP hàng tháng cho 23.290 đối tượng.

- Công tác giải quyết việc làm mới có nhiều chuyển biến tích cực. Lũy kế thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 giải quyết việc làm cho 9.239/14.495 lao động, đạt 63,7% so với chỉ tiêu KH năm (tăng 619 lao động so với CK năm 2023), trong đó 1.986/3.200 lao động được vay vốn giải quyết việc làm đạt 62,1% KH năm.

- Công tác Giáo dục nghề nghiệp được đẩy mạnh: Trong tháng 6, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tuyển sinh 1.656 người. Luỹ kế 6 tháng đầu năm đào tạo được 4.807 người, đạt 40% KH. Từ đó nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 68,2%/ mục tiêu Đại hội 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 30%/ mục tiêu Đại hội 32%.

5. Hoạt động Khoa học - Công nghệ

Công tác quản lý công nghệ, chuyển giao công nghệ được thực hiện đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Các đề tài, dự án đã bám sát những vấn đề căn bản, cấp thiết, lĩnh vực phù hợp với đặc thù, thế mạnh của tỉnh. Các kết quả nghiên cứu đã góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho việc đề ra chủ trương, chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quản lý, kiểm tra theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện 62 đề tài, dự án (gồm 50 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; 10 dự án chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của tỉnh; 02 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi Trung ương ủy quyền địa phương quản lý). Phối hợp quản lý các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi theo yêu cầu của Văn phòng các chương trình của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Quản lý tốt 54 cơ sở sử dụng thiết bị Xquang, thiết bị bức xạ, lưu giữ và sử dụng nguồn phóng xạ; công tác quản lý nhà nước về công nghệ được tăng cường đẩy mạnh, đối với các dự án xin điều chỉnh dự án đầu tư về công nghệ, thiết bị được đảm bảo đúng quy định. Tăng cường các biện pháp thúc đẩy hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường, đặc biệt là các hàng hóa như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thiết bị điện, điện tử... được thực hiện tốt. Hoạt động kiểm định, kiểm nghiệm đáp ứng được nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

III. Tài nguyên và Môi trường

Công tác quản lý đất đai được tăng cường: Hoàn thành, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của 8/9 huyện, thị xã, thành phố và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện của 8/9 huyện, thị xã, thành phố.

Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước được chú trọng, thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời các vụ việc khai thác khoáng sản trái phép. Trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh cấp 01 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; gia hạn, điều chỉnh 03 giấy phép khai thác; Cấp 05 giấy phép thăm dò, khai thác vật liệu xây dựng thông thường; phê duyệt trữ lượng 05 điểm mỏ khoáng sản; thu hồi 1 Giấy phép khai thác khoáng; Phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền trúng đấu giá đối với 01 mỏ khoáng sản; cấp 02 Bản xác nhận đăng ký khai thác cát, sỏi nằm trong diện tích dự án Công trình thuỷ điện. Cấp 02 Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; phê duyệt 04 hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết thi hành trên địa bàn tỉnh.

Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm. Tỷ lệ chất thải nguy hại được tiêu hủy, xử lý đạt 89%. Tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt 27%. Tỷ lệ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đạt 65%. Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực đô thị đều được các đơn vị dịch vụ công ích thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định; tiếp tục duy trì các bãi rác đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo đảm bảo hợp vệ sinh môi trường. Tỷ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, xử lý đạt  80%.

IV. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại và một số hoạt động

1. Quân sự - quốc phòng

Quân sự - quốc phòng tiếp tục được củng cố và giữ vững, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ổn định. Đường biên, mốc giới, cửa khẩu, đoàn ra, đoàn vào được quản lý chặt chẽ; thực hiện tốt công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài.

2. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự

Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn về cơ bản ổn định. Lực lượng công an là nòng cốt đã phối hợp chặt chẽ với các cấp các ngành tích cực, chủ động triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh các địa bàn có tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự, không để xảy ra bị động bất ngờ, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, điểm nóng về an ninh trật tự; bảo vệ tốt nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng, an ninh thông tin, an ninh nông thôn, đô thị.

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đẩy mạnh, tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong tháng, xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông đường bộ, chết 4 người, bị thương 18 người. Luỹ kế 6 tháng đầu năm xảy ra 113 vụ tai nạn giao thông, chết 43 người, bị thương 96 người (tăng 33 vụ, tăng 12 người chết, giảm 01 người bị thương so với CK năm 2023). Trong đó đường bộ xảy ra 110 vụ, chết 40 người, bị thương 96 người; đường sắt xảy ra 3 vụ, 3 người chết.

3. Hoạt động đối ngoại

Quan hệ đối ngoại, hợp tác giữa tỉnh Lào Cai với các đối tác trong và nước ngoài vẫn tiếp tục được duy trì, phát triển. Phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức đảm bảo hoạt động Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 8 và các cuộc làm việc với lãnh đạo Đảng và Nhà nước thăm và làm việc tại Lào Cai.

Tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với 03 địa phương cấp tỉnh là tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), vùng Nouvelle Aquitaine (Pháp) và tỉnh Brest (Belarus) theo thỏa thuận hợp tác đã ký kết. Triển khai ký kết và thực hiện 06 thỏa thuận quốc tế cấp sở, ngành, địa phương với các đối tác nước ngoài.

Tổ chức Đoàn đại biểu của tỉnh thăm và làm việc tại nước ngoài: Đoàn do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đi thăm và làm việc tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; Đoàn đại biểu do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đi thăm và làm việc tại Nhật Bản; Đoàn đại biểu do đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn thăm, làm việc tại vùng Nouvelle Aquitaine - Cộng hoà Pháp.

Tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ chào Xuân qua biên giới và Liên hoan nhân dân biên giới Việt Nam - Trung Quốc (Lào Cai) năm 2024 tại thành phố Lào Cai và huyện Hà Khẩu. Đón tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Triển khai các thủ tục theo quy định để tiến hành ký kết các thoả thuận quốc tế, bao gồm: Thoả thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Lào Cai, nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính quyền nhân dân châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa giai đoạn 2024 - 2028; Thoả thuận giao lưu hợp tác hữu nghị giữa UBND tỉnh Lào Cai và Chính quyền nhân châu Văn Sơn, Trung Quốc. Phối hợp tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ tư giữa Bí thư Tỉnh uỷ 05 tỉnh và Phiên họp lần thứ 10 Nhóm Công tác liên hợp giữa các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức tại Vân Nam trong tháng 6/2024.

Thực hiện tốt các nghi thức ngoại giao như: Chuyển Thư, điện mừng, thiệp mừng của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tới lãnh đạo các địa phương của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); tổ chức đoàn đi chúc Tết Đại sứ quán Trung Quốc và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội; tổ chức đón tiếp chu đáo Đoàn đại sứ của các nước tại Việt Nam (gồm Thái Lan, Ô-xtrây-li-a, Lào, Ấn Độ, Trung Quốc). Tổ chức thăm và làm việc với các tỉnh: Phú Thọ, Lai Châu, Yên Bái, Thái Bình, Đồng Nai, Tây Ninh ...

V. Xây dựng chính quyền, Cải cách hành chính

Tiếp tục triển khai sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo hướng hiệu lực, hiệu quả đảm bảo đúng quy định. Kết quả trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh kiện toàn 06 cơ quan, đơn vị; thành lập Sở Xây dựng và Sở Giao thông - Vận tải trên cơ sở chia tách Sở Giao thông vận tải và Xây dựng. Đồng thời UBND tỉnh ban hành Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Thanh tra thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp cho 52 sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp, UBND cấp huyện, tổ chức quỹ, tổ chức hội được đảng và nhà nước giao nhiệm vụ (bao gồm các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, UBND cấp xã) trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương; đảm bảo công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Việc quản lý, giao và sử dụng chỉ tiêu biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước (viên chức) trong đơn vị sự nghiệp công lập, chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP khối chính quyền tỉnh Lào Cai được thực hiện nghiêm túc theo các quy định của pháp luật và phù hợp với lộ trình cắt giảm biên chế tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị. Theo đó, UBND tỉnh thực hiện giao tổng số 24.159 chỉ tiêu, cắt giảm 228 chỉ tiêu biên chế công chức, viên chức so với năm 2023. Giao 1.242 chỉ tiêu (tăng 188 chỉ tiêu so với năm 2023) người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp đối với một số đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên theo Nghị định 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Thực hiện tinh giản biên chế 52 người theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Công tác rà soát quy hoạch cán bộ, quản lý, tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt; thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 24 cán bộ, quản lý diện tỉnh quản; ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm. Thực hiện quy trình tuyển dụng 468 viên chức đảm bảo đúng quy định; tiếp nhận vào làm công chức, viên chức đối với 08 người.

Các chỉ số xếp hạng của tỉnh so với các tỉnh, thành phố trong cả nước được cải thiện: Chỉ số PAR INDEX của tỉnh Lào Cai đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố với tổng số điểm đạt được là 58,85 điểm, tăng 4 bậc so với năm 2022 (năm 2022 xếp thứ 11); Chỉ số SIPAS năm 2023, tỉnh Lào Cai đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố với tổng số điểm đạt được là 31,75% điểm, tăng 3 bậc so với năm 2022 (năm 2022 xếp thứ 9); Chỉ số PAPI tỉnh Lào Cai năm 2023 đạt 42,11 điểm, xếp vị thứ 33/61 tỉnh, thành phố, tăng 1,71 điểm - tăng 19 bậc so với năm 2022 (năm 2022 xếp thứ 52); Chỉ số PCI năm 2023, tỉnh Lào Cai đạt 67,38 điểm, thuộc nhóm 30 tỉnh, thành phố đạt chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố, giảm 15 bậc so với năm 2022 (11/63).

VI. Hoạt động chuyển đổi số

Hoạt động chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Phát triển hạ tầng số, hạ tầng viễn thông phủ sóng di động đến 100% trung tâm các xã, 99,4% đến trung tâm thôn, tổ dân phố. 87,2% thôn, tổ dân phố có hạ tầng cáp quang phục vụ truy cập Internet. Duy trì phát sóng mạng di động 5G tại 05 điểm trên địa bàn thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa.

Hoàn thành tích hợp, kết nối Kho dữ liệu giấy tờ cá nhân dịch vụ công của tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia; tích hợp kết nối hệ thống Dịch vụ công của tỉnh với Hệ thống chứng thực chữ ký cộng đồng NEAC. Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) duy trì khai thác sử dụng, triển khai tích hợp 18 ứng dụng, kết nối liên thông với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, tài chính, tư pháp, xây dựng, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội,…

Phát triển chính quyền số ngày một sâu, rộng hướng về cơ sở phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong toàn hệ thống chính trị: Tỷ lệ hồ sơ công việc trong các cơ quan hành chính nhà nước được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng là 95,66%; trong đó cấp tỉnh 98%, cấp huyện 90,23%, cấp xã 97,86%. Tích hợp 1.258/1.797 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia đạt 70%. Thực hiện đảm bảo 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến từ 50% trở lên.

Từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số: 100% bệnh viện đã triển khai phần mềm hồ sơ bệnh án điện tử; trên 95% dân số trên địa bàn tỉnh có hồ sơ sức khỏe điện tử. Trên 71% dân số trên 14 tuổi có định danh điện tử mức độ 2. 100% trường phổ thông đã bổ sung nội dung phổ biến về chuyển đổi số, kiến thức mới về công nghệ để học sinh được tiếp cận. 100% bệnh viện, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Triển khai phát triển thương mại điện tử và đưa 186/205 sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc hữu của tỉnh (đạt tỷ lệ 90,7%) lên các sàn thương mại điện tử.

Xem Báo cáo tại đây:

Tải về

 

Tải về

  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1