Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai tháng 12 và cả năm 2024
Lượt xem: 2219

I. Phát triển kinh tế

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản tăng cao, nguyên liệu đầu vào và cước vận chuyển tăng trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi thấp và không ổn định, thời tiết, khí hậu bất thường, đặc biệt là cơn bão số 3 (bão Yagi) gây sạt lở, ngập lụt trên diện rộng đã ảnh hưởng thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp,... Tuy nhiên, tỉnh Lào Cai đã nhanh chóng chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập chung khắc phục hậu quả; đồng thời triển khai tốt các chính sách về phát triển nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy kết quả sản xuất được duy trì và phát triển; sản xuất nông nghiệp thực hiện đúng khung thời vụ; công tác quản lý giống, phân bón được thực hiện tốt; chăn nuôi phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra; diện tích nuôi trồng thủy sản đảm bảo.

a) Trồng trọt:

- Sản xuất lương thực: Tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm ước đạt 322.725 tấn, bằng 98,5% KH và 97,7% CK (Thóc 182.237 tấn, ngô 140.488 tấn).

- Cây trồng tiềm năng: Cây rau diện tích cả năm ước đạt 12.650 ha (rau chuyên canh 2.160 ha, rau đại trà 10.490 ha), bằng 83,4% KH năm 2023. Sản lượng rau năm 2024 dự kiến đạt 169.150 tấn, bằng 94% KH năm 2023; giá trị ước đạt khoảng trên 1.600 tỷ đồng. Cây hoa: Sản lượng đạt khoảng 39 triệu bông các loại và hoa địa lan khoảng trên 100.000 chậu (trong đó có khoảng 30.000 chậu phục vụ Tết Nguyên đán), giá trị ước đạt trên 420 tỷ đồng. Cây trồng vụ Đông: Toàn tỉnh dự kiến sản xuất trên 4.480ha, diện tích trồng lũy kế đến nay 5.160 ha, đạt 90,9% KH giao (5.680ha) và 121,7% so CK (4.240ha).

b) Chăn nuôi:

Đàn vật nuôi phát triển ổn định, các sản phẩm chăn nuôi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Tổng đàn gia súc 600.000 con (đàn trâu 96.600 con, đàn bò 23.900 con, đàn lợn 440.000 con, đàn ngựa 6.300 con, đàn dê 33.200 con), đạt 95,85% KH và bằng 98,26% so với CK; đàn gia cầm chủ yếu (gà, vịt, ngan) 5.050 nghìn con, đạt 97,12% KH và bằng 97,96% so với CK; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 75.600 tấn, đạt 102,16% KH.

Diện tích nuôi trồng thủy sản được duy trì và ổn định. Diện tích mặt nước nuôi ao hồ nhỏ được người dân đưa vào sản xuất năm 2024 ước thực hiện 2.350 ha, đạt 100% KH năm và bằng 102,17% CK; thể tích nuôi cá nước lạnh ước thực hiện 363.000m3, tập trung chủ yếu tại các huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn. Sản lượng thủy sản năm 2024 ước thực hiện 12.700 tấn, đạt 100% KH năm và bằng 103,25% CK; trong đó cá nước ấm 11.500 tấn, cá nước lạnh 1.200 tấn.

c) Lâm nghiệp:

Tình hình sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và phát triển; công tác trồng rừng, chăm sóc và nuôi dưỡng rừng, khai thác, thu nhặt gỗ và lâm sản khác tiếp tục được quan tâm; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường kịp thời.

- Công tác phát triển rừng: Tiếp tục tổ chức quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có 277.865/277.865 ha, đạt 100% KH. Tỷ lệ che phủ rừng đến hết năm 2024 là 59,2%, đạt 100% KH năm. Trồng rừng tập trung 3.938,8 ha; trồng xây canh phân tán được 2.370.565/2.000.000 cây, đạt 118,53% KH và bằng 116,3% so với CK.

- Khai thác lâm sản: Đã hình thành vùng nguyên liệu gỗ tập trung phục vụ chế biến ước đạt 119.000 ha, khai thác gỗ 130.139,6 m3, khai thác lâm sản khác ước đạt 89.025,3 tấn các loại (măng tươi, các loại hạt...), bằng 195% so CK.

- Quản lý, bảo vệ rừng: Các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuần tra canh phòng cháy rừng, chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc khai thác, kinh doanh, vận chuyển, chế biến lâm sản tại các địa bàn trọng điểm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Năm 2024 số vụ cháy rừng là 12 vụ (giảm 3 vụ so với CK), tổng diện tích đám cháy là 125,962 ha.

d) Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới:

Các hình thức sản xuất kinh tế tập thể ngày càng phát triển, hoạt động theo luật, từng bước thích nghi với cơ chế thị trường; các trang trại ngày càng mở rộng về quy mô và tổ chức sản sản xuất theo chuỗi, hợp tác liên kết tiếp tục được nhân rộng. Đến nay, tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh là 323 HTX, tăng 15 HTX so với năm 2023 (trong đó có 216 HTX đang hoạt động; 103 HTX ngừng hoạt động; tạm ngừng hoạt động 04 HTX).

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 02/09 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Lào Cai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019; huyện Bảo Thắng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020). Toàn tỉnh có 62/126 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”; trong đó có 04 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”, 204 thôn kiểu mẫu, 252 thôn nông thôn mới. Hiện nay đang thẩm định, xét công nhận 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Tả Van, Thanh Bình/thị xã Sa Pa; Cam Cọn, Vĩnh Yên/huyện Bảo Yên; Chiềng Ken, Nậm Dạng/huyện Văn Bàn) và 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024 (Phú Nhuận, Xuân Giao, Phong Niên/huyện Bảo Thắng; Tả Phìn/thị xã Sa Pa; Đồng Tuyển, Hợp Thành/thành phố Lào Cai).

đ) Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp, cực đoan và khó lường, gia tăng cả về số lượng và mức độ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Cụ thể đã xảy ra 37 đợt thiên tai, trong đó 5 đợt rét đậm, rét hại, 03 đợt nắng nóng, 29 đợt dông lốc, mưa đá, mưa lớn, sạt lở, lũ quét,… đã gây thiệt hại lớn về mọi lĩnh vực; đặc biệt ảnh hưởng từ hoàn lưu bão số 3. Thiên tai làm 144 người chết, 12 người mất tích, 104 người bị thương. Ước tổng giá trị thiệt hại về kinh tế 7.572 tỷ đồng (trong đó thiệt hại do hoàn lưu bão số 3 gây ra 7.067 tỷ đồng).

2. Sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ bản

a) Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

Trong tháng 12/2024, hoạt động sản xuất công nghiệp tương đối ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhẹ ở lĩnh vực khai thác, chế biến, các đơn vị đang cố gắng đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2024. Tuy nhiên ngành công nghiệp điện, nước sản xuất giảm mạnh do vào đang bước vào mùa khô hạn lưu lượng nước không nhiều. Hệ thống cung cấp điện đảm bảo an toàn, liên tục, ổn định cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt tại tất cả các khu vực trong tỉnh.

Năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì phát triển và đảm bảo là trụ cột quan trọng cho phát triển kinh tế cho tỉnh. Hoạt động sản xuất công nghiệp dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt được một số thành tựu: Có 02 dự án công nghiệp mới được khởi công; cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác.

Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tháng 12/2024 ước đạt 3.676 tỷ đồng. Lũy kế năm 2024 đạt 44.016 tỷ đồng, bằng 84,3% KH và bằng 103,4% so CK năm 2023.

b) Giải ngân vốn đầu tư công:

UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ngay từ đầu năm, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm kích cầu nền kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt kết quả tích cực: Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 theo các Nghị quyết HĐND tỉnh giao 6.216 tỷ đồng; đến ngày 31/12/2024, giá trị giải ngân đạt 5.147/6.216 tỷ đồng, bằng 83% KH.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 12/2024 tỷ lệ giải ngân của tỉnh Lào Cai theo Quyết định giao của Thủ tướng Chính phủ đạt 120,63% KH, đứng nhóm đầu các địa phương trên cả nước (tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt 78,01% KH). Cụ thể: (1) Vốn cân đối ngân sách địa phương 3.483/4.016 tỷ đồng, bằng 86% KH. (2) Vốn NSTW đầu tư theo ngành, lĩnh vực 710/921 tỷ đồng, bằng 77% KH. (3) Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 779/977 tỷ đồng, bằng 80% KH. (4) Vốn kéo dài năm 2023 sang năm 2024: 160/215 tỷ đồng, bằng 75% KH.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 vẫn tiếp tục được thực hiện đến hết ngày 31/01/2025 và ước kết quả giải ngân đến hết năm ngân sách 2024 đạt trên 95% KH.

3. Thương mại, dịch vụ

a) Hoạt động thương mại:

Trong tháng 12/2024, hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động. Các thương nhân trên địa bàn tỉnh đã triển khai dự trữ hàng hóa để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 với mẫu mã bắt mắt, đa dạng, phong phú.

Trong năm 2024, thương mại, dịch vụ là điểm sáng, phục hồi nhanh và tăng trưởng tích cực. Ngay từ đầu năm với chuỗi ngày nghỉ Tết, nghỉ Lễ dài ngày, chuỗi các sự kiện được tổ chức thu hút đông đảo du khách đến với Lào Cai; mặc dù chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, tuy nhiên các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ lưu trú, ăn uống, hoạt động kinh doanh vận tải, du lịch, cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã có nhiều khởi sắc, mở ra cơ hội thuận lợi trong lưu thông hàng hóa cho người dân và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phân phối, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh có sự chuẩn bị tốt với lượng hàng cung ứng nên hàng hoá trên thị trường phong phú, đa dạng. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm được lưu thông thông suốt, giá cả hàng hóa ổn định. Các địa phương đã triển khai nhiều chính sách kích cầu, tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ, hoạt động du lịch với nhiều chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch hấp dẫn.

Hệ thống hạ tầng thương mại khu vực đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, khu vực nông thôn nhiều mô hình thương mại văn minh hình thành đi vào hoạt động, tạo chuyển biến rõ nét trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối quan trọng trong chuỗi cung ứng và lưu thông, hỗ trợ tiêu thụ hàng hoá nông sản cho người dân.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 12 ước đạt 3.522,3 tỷ đồng, tăng 0,78% so với tháng trước, tăng 9,3% so với CK. Cả năm 2024 đạt 42.548,7 tỷ đồng, bằng 109,1% KH, tăng 8,5% so với CK năm trước.

b) Xuất nhập khẩu:

Trong tháng 12/2024, giá trị xuất nhập khẩu, trao đổi, mua bán hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh trong tháng tăng nhẹ so với tháng trước, tăng mạnh so với CK năm 2023 và vẫn giảm mạnh so với các tháng của quý III.

Năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu từng bước được phục hồi, kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế cửa khẩu hoàn thiện. Hoạt động thông quan tại các cửa khẩu được tổ chức đồng bộ, hợp lý, năng lực thông quan được nâng lên, các hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện nhanh chóng, thuận lợi, hoạt động thông suốt trong cả kỳ nghỉ lễ, tết, không xảy ra tình trạng ùn ứ, ách tắc hàng hóa.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu, trao đổi, mua bán hàng hóa qua các cửa khẩu năm 2024 tăng mạnh so với cùng kỳ (tăng ở tất cả các loại hình, đặc biệt là xuất khẩu với lượng sầu riêng xuất khẩu tăng mạnh). Tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, lượng hàng hóa, phương tiện xuất khẩu tăng mạnh (38%) so với CK năm 2023. Số lượng phương tiện thông quan tại cửa khẩu trung bình khoảng 400 - 600 xe/ngày. Tại cửa khẩu quốc tế ga đường sắt, hoạt động thông quan duy trì với 04 - 06 chuyến tàu xuất cảnh, nhập cảnh/ngày, hàng hóa thông quan tại cửa khẩu chủ yếu hàng lưu huỳnh và quặng sắt quá cảnh, nhập khẩu phân bón.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu trong tháng 12/2024 đạt 216,48 triệu USD tăng 11,95% so với tháng 11/2024, tăng 11,29% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế cả năm đạt 3.377,59 triệu USD, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 75,1% so KH.

c) Công tác quản lý thị trường:

Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa không có diễn biến phức tạp, không phát sinh điểm nóng và các vụ việc nổi cộm, các vụ việc vi phạm chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ. Lũy kế từ đầu năm, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra 888 vụ (bằng 76,4% so với CK năm 2023); vi phạm, xử lý 703 vụ (bằng 78,1% CK năm 2023). Tổng giá trị xử lý 12.144 triệu đồng (bằng 99,2% CK năm 2023). Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước 6.108 triệu đồng (bằng 88,6% CK năm 2023, bằng 101% KH).

d) Du lịch:

Năm 2024, Du lịch Lào Cai tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, có nhiều chuyển biến tích cực mang lại hiệu quả thiết thực, giữ vững thương hiệu du lịch Lào Cai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ, đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi), song bằng sự nỗ lực của toàn ngành, du lịch Lào Cai vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá, cụ thể: Tổng lượng khách đến Lào Cai năm 2024 đạt 08 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế hơn 820.000 lượt, khách nội địa hơn 7.180.000 lượt) bằng 94% KH năm, tăng 10% so với CK năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 26.700 tỷ đồng, bằng 98% KH năm, tăng 20% so với CK năm 2023.

Riêng tháng 12/2024 ước đón 645.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế 84.000 lượt, khách nội địa 561.000 lượt), tăng 4,2% với tháng trước (619.170 lượt khách). Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 2.240 tỷ đồng, tăng 6,4% so với tháng trước (2.105 tỷ đồng).

đ) Hoạt động vận tải:

Vận tải hành khách (HK): Tháng 12 ước đạt 1.032 nghìn HK, tăng 7,39% so với CK năm trước; luân chuyển đạt 54.295 nghìn HK.Km, tăng 3,33%. Tính chung cả năm 2024, vận tải HK đạt 12.505 nghìn HK, tăng 3,47% so với năm trước; luân chuyển đạt 667.458 nghìn HK.Km, tăng 1,65%.

Vận tải hàng hóa: Tháng 12 ước đạt 1.631 nghìn tấn, tăng 6,67% so với CK năm trước; luân chuyển đạt 55.830 nghìn tấn.km, tăng 0,48%. Tính chung cả năm 2024, vận tải hàng hóa đạt 17.445 nghìn tấn, tăng 11,06%; luân chuyển đạt 623.954 nghìn tấn.km, tăng 6,11% so với năm 2023.

Doanh thu vận tải: Tổng doanh thu vận tải tháng 12 ước đạt 569,63 tỷ đồng, tăng 16,37% so với CK năm 2023; trong đó: Doanh thu vận tải hành khách đạt 198,26 tỷ đồng, tăng 24,58%; doanh thu vn tải hàng hóa đạt 264,21 tỷ đồng, tăng 10,83%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 107,16 tỷ đồng, tăng 16,54%. Tính chung cả năm 2024, tổng doanh thu vận tải đạt 6.340,18 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2023; trong đó doanh thu vận tải hành khách đạt 2.515,07 tỷ đồng, tăng 10,15%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 2.734,72 tỷ đồng, tăng 12,69%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 1.090,38 tỷ đồng, tăng 0,98%.

4. Tài chính, tín dụng, giá cả thị trường

a) Thu, chi ngân sách:

Tổng thu NSNN năm 2024 đến 31/12/2024 đạt 12.989 tỷ đồng, bằng 141,5% dự toán Trung ương giao, bằng 101,5% dự toán tỉnh giao, bằng 138% CK gồm: Thu nội địa 11.759 tỷ đồng, thu từ xuất nhập khẩu 1.230 tỷ đồng.

b) Hoạt động tín dụng:

Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đến 31/12/2024 ước đạt 51.700 tỷ đồng; tăng 10% so với 31/12/2023, đạt 100% KH tăng trưởng năm 2024.

Doanh số cho vay năm 2024 ước đạt 112.000 tỷ đồng, doanh số thu nợ ước đạt 106.000 tỷ đồng, tăng tương ứng 10,6% và 12,3% so với năm 2023. Tổng dư nợ ước đạt 63.500 tỷ đồng, tăng 11,4% so với 31/12/2023, đạt 101,9% KH tăng trưởng; đầu tư tăng thêm cho nền kinh tế trong năm 2024 trên 6.485 tỷ đồng. Quy mô tín dụng đứng thứ 04/14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc bộ, đứng thứ nhất trong 6 tỉnh Tây Bắc bộ.

Chất lượng tín dụng được đảm bảo: Các ngân hàng trên địa bàn đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp để xử lý, thu hồi nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ dưới 1,3%, tăng 0,46 điểm % so với cuối năm 2023.

c) Chỉ số giá tiêu dùng:

CPI tháng 12 tăng 0,19% so với tháng trước. CPI quý IV/2024 tăng 1,69% so với cùng quý năm trước. Bình quân cả năm 2024 tăng 1,59% so với bình quân năm 2023.

5. Thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế

- Thu hút đầu tư trong nước trên địa bàn được đẩy mạnh, triển khai nhiều cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư. Lũy kế đến thời điểm báo cáo, cấp quyết định chủ trương đầu tư cho tổng số 20 dự án với tổng vốn 5.950 tỷ đồng.

- Thu hút đầu tư nước ngoài: Trong tháng 12, trên địa bàn tỉnh không có dự án FDI mới. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lào Cai có 28 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 727,834 triệu USD.

- Phát triển doanh nghiệp: Trong tháng12 thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký mới cho 52 doanh nghiệp và 08 đơn vị trực thuộc, tổng vốn đăng ký đạt 563 tỷ đồng. Trong năm 2024 thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký mới cho 668 doanh nghiệp và 58 đơn vị trực thuộc, giảm 01% so với CK; tổng vốn đăng ký đạt 6.553 tỷ đồng; đăng ký tạm ngừng hoạt động cho 725 doanh nghiệp, tăng 26,7% so với CK; giải thể 120 doanh nghiệp, tăng 21,2% so với CK; hoạt động trở lại 343 doanh nghiệp, tăng 8,5% so với CK. Lũy kế đến ngày 31/12/2024, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận đăng ký đạt 8.007 doanh nghiệp (tăng 8,1% so với CK) với tổng vốn đăng ký 103.082 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 963 đơn vị trực thuộc (tăng 6,6% so với CK). Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.030 doanh nghiệp.

II. Văn hoá, xã hội

1. Hoạt động giáo dục

Công tác giáo dục được tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các chỉ tiêu kinh tế cơ bản đạt 100% kế hoạch. Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh; xây dựng xã hội học tập. Chất lượng thi học sinh giỏi, thi nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế tiếp tục được duy trì giữ vững và nâng dần chất lượng giải.

Cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được chú trọng đầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, hiện đại hóa. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên từng bước nâng cao chất lượng, tâm huyết và trách nhiệm, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên sáng tạo, đi đầu trong đổi mới, căn bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Công tác xã hội hóa giáo dục và hợp tác, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh đã góp phần quan trọng thực hiện đổi mới giáo dục của Lào Cai.

2. Hoạt động văn hoá thông tin, thể dục thể thao

Các lễ hội văn hóa dân gian dần được tổ chức thường xuyên trên phạm vi lớn, gắn với thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở gắn với việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng xây dựng các danh hiệu văn hoá. Năm 2024, có 165.568/175.986 hộ gia đình đăng ký đạt danh hiệu gia đình văn hoá (chiếm 94,1%); 1.537/1.558 thôn, tổ dân phố đăng ký xây dựng Khu dân cư văn hóa (chiếm 98,7%).

Với mục tiêu phát triển văn hoá vừa là nguồn lực, vừa là cầu nối giới thiệu, quảng bá hình ảnh Lào Cai, công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị di sản văn hoá tiếp tục được quan tâm thực hiện gắn với phát triển du lịch và tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hoá. Đến tháng 9/2024 đã có thêm 01 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (nâng tổng số 41 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia). Phong trào phát triển văn hoá đọc, công tác giáo dục lịch sử tại bảo tàng, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật... tiếp tục được đẩy mạnh, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân.

Chung tay khắc phục hậu quả cơn bão số 3, đã có những hoạt động văn hoá, nghệ thuật được tổ chức trên địa bàn tỉnh thu hút sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo người dân như: Chương trình chính luận nghệ thuật Lời tri ân; Chương trình nghệ thuật Hồi sinh. Các chỉ tiêu cơ bản đều đã và sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch năm.

Hoạt động thể thao: Đã tổ chức thực hiện 25/22 giải thể thao trong tỉnh, đạt 113,6% KH. Tham gia 41/36 giải thể thao toàn quốc, đạt 113,8% KH với 202 huy chương các loại (75 HCV, 57 HCB, 70 HCĐ). Công tác xây dựng và phát triển phong trào thể dục thể thao ở cơ sở tiếp tục được duy trì. Tạo nguồn vận động viên cho tuyến tỉnh cũng như bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc.

3. Y tế, dân số, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng

- Chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp, khắc phục hậu quả tác động của cơn bão số 3; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành trong việc tìm kiếm người bị chết, người mất tích do bão lũ. Phát hiện, điều trị kịp thời cho 136 người bị thương.

- Quản lý chặt chẽ các bệnh lưu hành địa phương như dịch sởi và các ca bệnh truyền nhiễm khác, rải rác trong toàn tỉnh trong năm chủ yếu là các ca bệnh nhóm B, C. Không ghi nhận trường hợp bệnh nhóm A. Các ổ dịch đều được theo dõi, giám sát, cách ly điều trị ổn định. Số tiêm vắc xin dại: 2.704/2.734 tổng số phơi nhiễm dại, trong đó số được tiêm huyết thanh phòng dại 543 ca, tử vong do dại 01 (thị xã Sa Pa). Thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh; tổng số trẻ được tiêm chủng đầy đủ 11.532 (đạt 97,2% KH); tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai 9.721 (đạt 85% KH); tiêm phòng viêm gan B 24h sau sinh 10.475/10.765 (đạt 97,3%); công tác tiêm chủng an toàn, không có tai biến. Duy trì các hoạt động truyền thông nhằm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh tại 99/152 xã, phường, thị trấn.

- Duy trì thường xuyên công tác khám chữa bệnh; đảm bảo chế độ thường trực cấp cứu, phòng chống thiên tai bão lũ, tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm các quy định về tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân trong các cơ sở khám chữa bệnh. Tổng số lượt khám chữa bệnh chung trong năm 2.124.682 lượt; khám chữa bệnh BHYT 820.926 lượt. Công suất sử dụng giường bệnh trong năm 99,60%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2024: 95% (toàn quốc 94,1%).

Năm 2024, số giường bệnh trên vạn dân đạt 45,7 giường, bằng 100% KH, vượt 1,56% mục tiêu Đại hội. Số bác sỹ trên vạn dân đạt 14,5 bác sỹ, bằng 100% KH, 96,67% mục tiêu Đại hội. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể chiều cao trên tuổi (thấp còi) đạt 24,38%, vượt 2,32 điểm % mục tiêu Đại hội. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể cân nặng trên tuổi (nhẹ cân) đạt 12,8%, vượt 0,2 điểm % mục tiêu Đại hội. Đặc biệt chỉ tiêu tuổi thọ trung bình của người dân hết năm 2023 do Tổng cục Thống kê công bố tăng thêm được 1,34 tuổi, từ 70 tuổi/năm 2022 lên 71,34 tuổi/năm 2023 và tiếp tục chiều hướng tăng khi kết thúc năm 2024.

Trong năm xảy ra 06 vụ ngộ độc thực phẩm làm 103 người mắc; tử vong 0 (bình quân 12,9 ca/100.000 dân); các vụ ngộ độc thực phẩm đã được điều tra, xử lý theo quy định.

4. Giải quyết việc làm, đào tạo nghề, an sinh xã hội

- Công tác giải quyết việc làm mới được quan tâm chỉ đạo. Trong tháng 12/2024, đã giải quyết việc làm cho 989 lao động. Lũy kế năm 2024 tạo việc làm cho 17.035 người đạt 117,5% KH năm (tăng 13,1% so với năm 2023).

- Công tác Giáo dục nghề nghiệp được đẩy mạnh: Trong tháng 12/2024, các cơ sở GDNN tuyển sinh và đào tạo được 453 người. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, đã tuyển sinh và đào tạo 12.715/12.000 người, đạt 105,9%KH (trong đó trình độ cao đẳng 1.450 người, trung cấp  3.750 người; trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 7.515 người).

-  Công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em được quan tâm chỉ đạo. Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp, chương trình, đề án về giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Qua đó công tác giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, vệ sinh môi trường, thông tin và truyền thông… Ước hết năm 2024, tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân từ 3,7%, đạt 92,5% KH; tỷ lệ hộ nghèo còn lại 11,24%, đạt 92,5%KH; giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ước đạt 6%, đạt 100% KH.

Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh được tích cực triển khai. Tổng số nhà thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2025 là 11.024 nhà (xây mới 7.743 nhà, sửa chữa 3.281 nhà); đến 31/12/2024 đã triển khai thực hiện trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố là 5.792/7.719 nhà (xây mới 3.757 nhà, sửa chữa 2.035 nhà), đạt 75% KH năm 2024 tỉnh giao và đạt 52,54% Đề án giai đoạn 2024 - 2025 (11.024 nhà); trong đó có 5.006 nhà (xây mới 3.084 nhà; sửa chữa 1.922 nhà) đã xây dựng hoàn thành xong.

- Tình hình tai nạn lao động: Trong tháng 12 xảy ra 01 vụ tai nạn lao động làm 01 người chết. Lũy kế năm 2024 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ tai nạn lao động, trong đó 12 vụ tai nạn lao động làm chết 18 người và bị thương 12 người; 10 vụ tai nạn lao động làm bị thương nặng 10 người (tăng 05 vụ, 09 người chết so với CK năm 2023). Tai nạn chủ yếu do giao thông (06 vụ); thiên tai, bão lũ (02 vụ); 02 vụ làm 02 người chết xảy ra tại khu vực không có quan hệ lao động.

- Tình hình triển khai thực hiện khắc phục thiệt hại nhà ở do bão số 3 trên địa bàn: thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách, huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả sau bão. Tổng số các hộ có nhà ở bị sập, đổ, trôi hoàn toàn hoặc hư hỏng không thể ở được hỗ trợ làm mới là 686 nhà. Hết năm 2024 đã khởi công 662 nhà (đã hoàn thành 496 nhà, đang xây dựng 166 nhà), chưa khởi công 24 nhà.

5. Hoạt động Khoa học - Công nghệ

- Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện 66 đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng khoa học cấp tỉnh và Trung ương; qua kiểm tra, theo dõi các đề tài, dự án triển khai cơ bản đúng tiến độ được duyệt. Các đề tài thuộc các lĩnh vực tập trung nghiên cứu: (1) Nông, lâm nghiệp là ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng các mô hình sản xuất, nhân giống, trồng và sơ chế, chế biến đối với các loài cây dược liệu (Đẳng sâm, Đan sâm, Bạch chỉ, Mộc Hương và Độc hoạt...), cây ăn quả (Lê VH6, Đại táo, Dứa..), cây lâm nghiệp (Quế, Chè Shan cổ thụ…) phù hợp với điều kiện tại tỉnh Lào Cai; (2) Khoa học y dược và khoa học kỹ thuật công nghệ là ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim bẩm sinh; đánh giá tác động cộng hưởng của các công trình thủy điện trên cùng một dòng chảy, đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên du lịch tự nhiên phục vụ phát triển bền vững du lịch tỉnh Lào Cai… các đề tài, dự án được nghiệm thu có kết quả xếp loại đạt trở lên.

- Hoạt động sự nghiệp khoa học và công nghệ của 03 đơn vị sự nghiệp công lập đã từng bước hoạt động có hiệu quả. Riêng hoạt động của Trung tâm kiểm định và kiểm nghiệm hàng hoá thực hiện dịch vụ kiểm định ước đạt doanh thu cả năm 2024 khoảng 4,4 tỷ đồng, bằng 115% so với năm trước. Hoạt động dịch vụ của Trạm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng thực hiện dịch vụ Kiểm định, hiệu chuẩn được 4.500 phương tiện đo các loại. Quản lý tốt 54 cơ sở sử dụng thiết bị x-quang, thiết bị bức xạ, lưu giữ và sử dụng nguồn phóng xạ.

- Công tác quản lý nhà nước về công nghệ được tăng cường đẩy mạnh, đối với các dự án xin điều chỉnh dự án đầu tư về công nghệ, thiết bị được đảm bảo đúng quy định. Tăng cường các biện pháp thúc đẩy hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường, đặc biệt là các hàng hóa như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thiết bị điện, điện tử... được thực hiện tốt. Kịp thời phát hiện cơ sở kinh doanh vi phạm hành chính về nhãn hàng hóa và đã xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

III. Tài nguyên và Môi trường

1. Công tác quản lý đất đai

Công tác quản lý đất đai được tăng cường; thực hiện rà soát các chỉ tiêu sử dụng đất và hoàn thiện tờ trình, hồ sơ kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2021 - 2025) tỉnh Lào Cai; phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Tiếp tục chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh theo đề nghị của UBND các huyện, thị xã, thành phố.

2. Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước

Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước - khí tượng thủy văn được quan tâm, chỉ đạo quản lý. Ban hành tỷ lệ của từng loại khoáng sản nguyên khai có trong tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai chứa nhiều khoáng vật, khoáng chất có ích đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Kế hoạch triển khai khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chương trình hành động số 07/Ctr-UBND ngày 18/3/2024 của UBND tỉnh về quản lý, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025.

Thực hiện cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đúng quy định (cấp 04 giấy phép hoạt động khoáng sản). Hướng dẫn, cấp bản đăng ký VLXDTT trong phạm vi Dự án xây dựng công trình; chỉ đạo thực hiện việc cấp giấy phép VLXDTT trong dự án xây dựng công trình theo quy định tại Điều 65 Luật Khoáng sản nhằm đáp ứng về nhu cầu vật liệu phục vụ thi công các dự án; tăng cường, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn nhằm đảm bảo chấp hành đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật.

Tập trung chỉ đạo triển khai Kế hoạch triển khai quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình trên địa bàn tỉnh Lào Cai, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch và chỉ đạo triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Kế hoạch triển khai đề án hiện đại hóa ngành Khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai. Rà soát, đôn đốc công tác giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cập nhật hệ thống các giấy phép tài nguyên nước trên cơ sở dữ liệu dùng chung của trung ương và địa phương theo đúng quy định; thường xuyên đôn đốc các chủ giấy phép thực hiện đúng các quy định về khai thác, bảo vệ tài nguyên nước; kiểm kê tài nguyên nước tỉnh Lào Cai giai đoạn đến năm 2025; rà soát cập nhật danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp; xây dựng kế hoạch bảo vệ nước dưới đất trên địa bàn tỉnh, khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; triển khai các nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

3. Công tác bảo vệ môi trường

Công tác bảo vệ môi trường được đẩy mạnh. Tập trung triển khai thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Công tác hậu kiểm có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương và các bộ, ngành Trung ương đảm bảo không chồng chéo và không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân đã ngày càng quan tâm đầu tư. Chất thải rắn thông thường (xỉ lò điện, xỉ lò cao, xỉ đồng, gyps thải) tiếp tục được chuyển giao tái chế, tái sử dụng góp phần giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Công tác triển khai phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường trước, trong và sau cơn bão số 3 (Yagi) đã được các cấp, các ngành, địa phương và các doanh nghiệp chú trọng kiểm tra, giám sát, khắc phục nên không để xảy ra sự cố môi trường sau cơn bão.

Chỉ đạo giải quyết hồ sơ TTHC lĩnh vực tài nguyên và môi trường đảm bảo đúng thời gian quy định, giảm tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC chậm muộn trong lĩnh vực đất đai xuống còn dưới 1,5%.

IV. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại và một số hoạt động

1. Quân sự - quốc phòng

Quân sự - quốc phòng tiếp tục được củng cố và giữ vững, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ổn định. Đường biên, mốc giới, cửa khẩu, đoàn ra, đoàn vào được quản lý chặt chẽ; thực hiện tốt công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài.

2. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự

Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn về cơ bản ổn định. Lực lượng công an là nòng cốt đã phối hợp chặt chẽ với các cấp các ngành tích cực, chủ động triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh các địa bàn có tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự; không để xảy ra bị động bất ngờ, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, điểm nóng về an ninh trật tự; bảo vệ tốt nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng, an ninh thông tin, an ninh nông thôn, đô thị. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đẩy mạnh, tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trong năm 2024 (15/12/2023 - 14/12/2024) trên địa bàn tỉnh xảy ra 228 vụ tai nạn, va chạm giao thông làm 70 người chết, 217 người bị thương; so sánh với CK năm 2023 tăng 51 vụ (+29%), tăng 07 người chết (+11%), tăng 08 người bị thương (+04%).

3. Hoạt động đối ngoại

Quan hệ đối ngoại, hợp tác giữa tỉnh Lào Cai với các đối tác trong và nước ngoài vẫn tiếp tục được duy trì, phát triển. Phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức đảm bảo hoạt động Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 8 và các cuộc làm việc với lãnh đạo Đảng và Nhà nước thăm và làm việc tại Lào Cai. Tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ chào Xuân qua biên giới và Liên hoan nhân dân biên giới Việt Nam - Trung Quốc (Lào Cai) năm 2024 tại thành phố Lào Cai và huyện Hà Khẩu.

Tổ chức Đoàn đại biểu của tỉnh thăm và làm việc tại nước ngoài: Đoàn do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đi thăm và làm việc tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; Đoàn đại biểu do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đi thăm và làm việc tại Nhật Bản; Đoàn đại biểu do đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng đoàn thăm, làm việc tại vùng Nouvelle Aquitaine - Cộng hoà Pháp; Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đi thăm và làm việc tại các nước: Cu Ba, Mexico và Cộng hoà Đôminicana; Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai do Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đi thăm, làm việc tại Ấn Độ. Đón tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Triển khai các thủ tục theo quy định để tiến hành ký kết các thỏa thuận quốc tế, bao gồm: Thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Lào Cai, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính quyền nhân dân châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa giai đoạn 2024 - 2028; Thoả thuận giao lưu hợp tác hữu nghị giữa UBND tỉnh Lào Cai và Chính quyền nhân châu Văn Sơn, Trung Quốc. Hoàn thành tốt các chương trình, nội dung để phối hợp tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ tư giữa Bí thư Tỉnh uỷ 05 tỉnh và Phiên họp lần thứ 10 Nhóm Công tác liên hợp giữa các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). .

V. Cải cách hành chính

1. Công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

- Công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định. Trong năm đã kiện toàn 12 cơ quan, đơn vị; thành lập Sở Xây dựng và Sở Giao thông - Vận tải trên cơ sở chia tách Sở Giao thông vận tải - Xây dựng. Phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp cho 54 đầu mối sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp, UBND cấp huyện, tổ chức quỹ, tổ chức hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.

Thực hiện giao tổng số 25.549 chỉ tiêu, cắt giảm 228 chỉ tiêu biên chế so với năm 2023. Thực hiện giao 1.262 chỉ tiêu (tăng 208 chỉ tiêu so với năm 2023) người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp đối với một số đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên theo Nghị định số 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Thực hiện  tinh giản 119 người.

- Việc kiện toàn, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy thực hiện theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đối với các cơ quan, đơn vị (khối chính quyền) trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Đã hoàn thành phê duyệt phương án tổng thể kiện toàn, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy. Theo đó (1) Đối với bộ máy cấp tỉnh, các sở, ban, ngành đơn vị sự nghiệp công lập, quỹ tài chính trực thuộc UBND tỉnh giảm 73 tổ chức, cơ quan, đơn vị; số lượng lãnh đạo giảm 115 người; (2) Đối với bộ máy cấp huyện sau khi kiện toàn giảm 17 phòng chuyên môn, đạt tỷ lệ giảm 16%; giảm 08 đơn vị sự nghiệp công lập; về nhân sự lãnh đạo quản lý cấp trưởng giảm 25 người.

- Công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học, từng bước gắn thẩm quyền tuyển dụng với thẩm quyền quản lý, sử dụng cán bộ, công chức viên chức. UBND tỉnh quy hoạch cán bộ các chức danh diện Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh quản lý nhiệm kỳ 2021 - 2026 và nhiệm kỳ 2026 - 2031; tuyển dụng được 68 công chức, 474 viên chức; tiếp nhận vào làm công chức đối với 51 người; tiếp nhận vào viên chức 04 người. Thực hiện nghiêm các quy định về phân cấp tổ chức, quản lý cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; thực hiện công tác cán bộ đối với 50 lãnh đạo diện tỉnh quản. Đào tạo, bồi dưỡng 7.710 lượt người nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh.

- Công tác cải cách hành chính triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, kịp thời tạo nhiều chuyển biến tích cực. Các chỉ số xếp hạng của tỉnh so với các tỉnh, thành phố trong cả nước được cải thiện: Chỉ số (PAR INDEX) đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2022; Chỉ số SIPAS đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2022; Chỉ số quản trị hành chính công (PAPI) đứng thứ 33/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 19 bậc so với năm 2022; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 đạt 67,38 điểm, thuộc nhóm 30 tỉnh, thành phố đạt chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố, giảm 15 bậc so với năm 2022.

- Công tác rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật được đẩy mạnh; công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh môi trường đầu tư qua nhiều kênh khác nhau như phối hợp với Tạp chí diễn đàn doanh nghiệp thực hiện chương trình tuyên truyền “Lào Cai điểm đến đầu tư”; thiết kế, in ấn tài liệu “Lào Cai lợi thế và động lực phát triển” phục vụ cho công tác xúc tiến trong và ngoài nước bằng các ngôn ngữ Việt, Anh, Hàn, Trung, Nhật... Đặc biệt, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tổ chức thành công chương trình xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tại Nhật Bản.

Xem Báo cáo tại đây:

  • Phim tài liệu: Lào Cai - Yên Bái: Cùng nhau bước đi, chạm tay đến ước mơ
    (19/04/2025)
  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1