Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2024
I. Phát triển kinh tế
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tính quý III/2024 tăng 7,53%; dự ước 9 tháng năm 2024 tăng 7,71% so với cùng kỳ năm 2023 (xếp thứ 7/14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc và xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cao hơn mức tăng 5,68% của quý III/2023.
Trong mức tăng chung 7,71% của 9 tháng năm 2024: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,37%, đóng góp 0,33% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,48%, đóng góp 3,66% (Công nghiệp tăng 11,3%, đóng góp 3,01%; xây dựng tăng 7,82%, đóng góp 0,64%); khu vực dịch vụ tăng 7,85%, đóng góp 3,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,79%, đóng góp 0,47% vào mức tăng chung. Cụ thể từng lĩnh vực như sau:
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn
Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2024 cơ bản ổn định; công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thuỷ sản được thực hiện tốt không để dịch bệnh lớn xảy ra; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được tăng cường,... Tuy nhiên, trong sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp và các yếu tố tác động của thị thường.
a) Trồng trọt:
- Cây lương thực chính:
+ Cây lúa: Tổng diện tích gieo trồng cả năm ước 34.062ha, bằng 100,1% KH và 100,3% CK. Năng suất ước trên 55 tạ/ha, sản lượng ước đạt 190.097 tấn. Tuy nhiên do hoàn lưu cơn bão số 3, diện tích lúa thiệt hại trên 30% khoảng 2.042,3ha, sản lượng dự kiến giảm 9.016 tấn. Tổng sản lượng lúa cả năm giảm còn 181.081 tấn, bằng 95,3% KH và 95,6% CK. Năng suất cả năm đạt 53,2 tạ/ha, bằng 95,3% CK.
+ Cây ngô: Tổng diện tích thực hiện cả năm ước đạt 32.855,6ha, bằng 107,3% KH và 93,5% CK. Năng suất ước cả năm đạt 42 tạ/ha, sản lượng cả năm ước đạt 137.463 tấn. Tuy nhiên do hoàn lưu cơn bão số 3, diện tích ngô thiệt hại trên 30% khoảng 530ha, sản lượng dự kiến giảm 2.100 tấn. Tổng sản lượng giảm còn 135.363 tấn. Vụ Đông toàn tỉnh dự kiến vận động Nhân dân gieo trồng thêm 600ha bù đắp sản lượng thiệt hại, nâng tổng diện tích ngô cả năm lên 33.455,6ha, sản lượng dự kiến đạt khoảng 2.550 tấn, nâng tổng sản lượng ngô cả năm dự kiến đạt 137.913 tấn, bằng 100,3% KH và 98% CK. Năng suất cả năm đạt 42 tạ/ha, bằng 105,8% CK.
- Cây ăn quả ôn đới: Ước 9 tháng diện tích đạt 4.507,3ha, bằng 107,4% CK. Sản lượng thu hoạch 9 tháng và cả năm đạt 11.000 tấn, bằng 105,3% CK. Tổng giá trị ước đạt trên 330 tỷ đồng.
- Cây rau các loại: Diện tích thực hiện 9 tháng ước đạt 11.270ha. Sản lượng ước đạt 117.281 tấn, bằng 100,6% CK. Giá trị đạt khoảng 1.100 tỷ đồng.
- Cây chè: Các địa phương đang tích cực chỉ đạo Nhân dân chuẩn bị đất trồng chè, thời vụ tốt nhất xong trước 30/10/2024. Sản lượng luỹ kế ước đạt 46.100 tấn, bằng 126,3% CK và 90% KH, giá thu mua chè bình quân trên 8.000 đồng/kg. Giá trị ước đạt trên 360 tỷ đồng.
b) Chăn nuôi:
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra; các sản phẩm chăn nuôi (thịt, cá, trứng,...) đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Ước thực hiện đến hết 30/9/2024: Tổng đàn gia súc 624.000 con, đạt 99,68% KH và 102,75% CK; tổng đàn gia cầm 5.350 nghìn con, đạt 102,88% KH và 104,9% CK; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 58.100 tấn, đạt 78,51%KH và 105,64% CK. Tổng sản lượng thịt hơi các loại 58.100 tấn, đạt 78,51% KH và 105,6% CK.
Diện tích nuôi trồng thủy sản trên ao hồ nhỏ đạt 2.350 ha, bằng 100% KH và 103,07% CK; Sản lượng thủy sản đạt 9.650 tấn, bằng 75,98% KH và 103,76% CK. Sản phẩm chăn nuôi, thủy sản được tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh, một phần xuất bán đi thành phố Hà Nội và tỉnh Yên Bái, Vĩnh Phúc, Lai Châu, Phú Thọ, Thanh Hóa...
c) Lâm nghiệp:
Tình hình sản xuất lâm nghiệp 9 tháng năm 2024 cơ bản ổn định và phát triển; công tác trồng, chăm sóc rừng được quan tâm. Trồng rừng trong tháng ước đạt 870,6 ha, lũy kế 9 tháng đạt 2.488,7 ha (trong đó trồng mới rừng sản xuất đạt 1.318,3 ha, bằng 77,6% KH và trồng lại rừng 1.170,4 ha). Trồng cây xanh phân tán đạt 2.370.565 cây, bằng 118,5% KH. Bảo vệ rừng đạt 277.865, bằng 100% KH. Khoanh nuôi tái sinh đạt 2.714/2.763 ha, bằng 98,2% KH. Khai thác gỗ trong tháng đạt 41.809,3m3 gỗ; lũy kế 88.429,6m3; khai thác lâm sản khác lũy kế đạt 84.883,1 tấn (măng tươi và các loại hạt...).
Trong tháng không xảy ra cháy rừng. Lũy kế số vụ cháy rừng từ đầu năm đến nay là 12 vụ cháy rừng, tổng diện tích đám cháy là 125,962ha (36,35ha rừng, 55,91ha cây trồng chưa thành rừng và 33,7 ha thảm cỏ, cây bụi).
d) Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới:
Chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã làm được 1.111 nhà tiêu hợp vệ sinh, 512 chuồng trại gia súc hợp vệ sinh, 37 mô hình nhà sạch vườn đẹp, 37,1km đường hoa, 26,09km đường điện nông thôn mới, xóa 1.255 nhà tạm; đã thi công 530,955km, trong đó bê tông xi măng 301,905km, cấp phối 118,7km, mở mới 95,6km, 14,75km người dân tự thực hiện cứng hóa đường trục thôn, ngõ xóm và liên gia.
đ) Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn:
Trong tháng 9, trên địa bàn tỉnh xảy ra 03 đợt mưa lớn, đặc biệt là cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây sạt lở, lũ quét, lũ ống trên diện rộng gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Luỹ kế 9 tháng đầu năm xảy ra 36 đợt thiên tai, giá trị thiệt hại ước tính khoảng 7.047,558 tỷ đồng, gấp 6,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với hạn hán, mưa lớn, dông, lốc, sét, sạt lở xảy ra trên địa bàn tỉnh và kiểm tra thiệt hại tại các địa phương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị nạn, hộ bị mất nhà cửa, hộ nghèo, khó khăn; chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả đợt thiên tai vừa qua, sớm ổn định lại đời sống cho người dân, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai.
2. Sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ bản
a) Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:
Trong tháng 9/2024, do ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi và hoàn lưu sau bão, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề ở cả 03 lĩnh vực khai thác, chế biến và điện nước. Tuy nhiên nhìn chung, tình hình sản xuất công nghiệp trong 9 tháng đầu năm vẫn đạt được nhiều kết quả nhất định. Các dự án sản xuất phân bón, phốt pho vàng, axit sunfuric, axit photphoric hoạt động ổn định, sản lượng sản xuất và tiêu thụ đều cao hơn tháng trước. Bên cạnh đó, năm 2024 có mưa nhiều, khí hậu thời tiết khá thuận lợi cho các đơn vị sản xuất điện năng. Hệ thống cung cấp điện đảm bảo an toàn, liên tục, ổn định cho sản xuất, sinh hoạt tại tất cả các khu vực trong tỉnh.
Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tháng 9/2024 ước đạt 3.362 tỷ đồng (giá so sánh), giảm 17% so với tháng 8/2024. Lũy kế 9 tháng đầu năm, ước đạt 32.751 tỷ đồng, tăng 2,7% CK, bằng 62,7% KH. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 3.633 tỷ đồng, bằng 60,5% KH.
b) Xây dựng cơ bản:
UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ngay từ đầu năm, và coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm kích cầu nền kinh tế. Tính đến ngày 27/9/2024, giá trị giải ngân của tỉnh đạt 2.957/6.503 tỷ đồng, bằng 42% KH (tăng 3% tương ứng 423 tỷ đồng so với tháng 8/2024). Trong đó: (1) Vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 49% KH; (2) Vốn ngân sách trung ương đầu tư theo ngành, lĩnh vực đạt 32% KH; (3) Vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 40% KH; (4) Vốn kéo dài năm 2023 sang năm 2024 đạt 53% KH.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Lào Cai theo Quyết định giao của Thủ tướng Chính phủ ước đến hết ngày 30/9/2024 đạt 75,3% KH (đứng thứ 6/63 tỉnh thành, trong khi tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước đạt 47,3% KH, tỷ lệ giải ngân trung bình của 63 tỉnh thành đạt 46,3% KH).
3. Thương mại, dịch vụ
a) Hoạt động thương mại:
Hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2024 diễn ra khá sôi động. Các doanh nghiệp phân phối, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh có sự chuẩn bị tốt với lượng hàng cung ứng nên hàng hoá trên thị trường tỉnh Lào Cai phong phú, đa dạng. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm được lưu thông thông suốt, giá cả hàng hóa ổn định. Các địa phương triển khai nhiều chính sách kích cầu, tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ, hoạt động du lịch với nhiều chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên doanh thu các ngành dịch vụ trong tháng 9/2024 giảm mạnh.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 9 ước đạt 3.200 tỷ đồng, bằng 85,3% so với tháng trước, bằng 94,1% CK. Lũy kế 9 tháng đầu năm ước đạt 32.100 tỷ đồng, bằng 82,3% KH, tăng 11,3% CK.
b) Xuất nhập khẩu:
Hoạt động thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu từ đầu năm đến nay diễn ra khá thuận lợi (hoạt động thông suốt trong cả kỳ nghỉ lễ, Tết), không xảy ra tình trạng ùn ứ, ách tắc hàng hóa. Tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, lượng hàng hóa, phương tiện xuất khẩu tăng mạnh. Số lượng phương tiện thông quan tại cửa khẩu trung bình khoảng 500 - 600 xe/ngày Tại cửa khẩu quốc tế ga đường sắt, hoạt động thông quan duy trì với 04 - 06 chuyến tàu xuất cảnh, nhập cảnh/ngày, hàng hóa thông quan tại cửa khẩu chủ yếu hàng lưu huỳnh và quặng sắt quá cảnh, nhập khẩu phân bón.
Tuy nhiên trong tháng 9/2024 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 Yagi, theo đề nghị của phía Trung Quốc thực hiện ngừng thông quan xuất nhập khẩu và xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu nên giá trị xuất nhập khẩu, trao đổi, mua bán hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh trong tháng ước giảm nhẹ so với tháng trước, tuy nhiên vẫn tăng mạnh so với CK năm 2023.
Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu tháng 9 ước đạt 405,34 triệu USD, giảm 7,8% so với tháng 8, tăng 80,62% CK. Lũy kế 9 tháng ước đạt 2.745,07 triệu USD, bằng 61% KH, tăng 77,5% CK.
c) Công tác quản lý thị trường:
Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa không có diễn biến phức tạp, không phát sinh điểm nóng và các vụ việc nổi cộm. UBND tỉnh đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát, nắm bắt tình hình thị trường, địa bàn và tình hình dịch bệnh, phối hợp với các lực lượng chức năng, trao đổi thông tin trong công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trong tháng 9/2024, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra 101 vụ; số vụ vi phạm, xử lý 73 vụ; tổng giá trị xử lý 957 triệu đồng; tổng số thu nộp ngân sách nhà nước 533 triệu đồng. Lũy kế tổng số vụ kiểm tra 800 vụ; số vụ vi phạm, xử lý 634 vụ; tổng giá trị xử lý 11.200 triệu đồng; tổng số thu nộp ngân sách nhà nước 5.552 triệu đồng.
d) Du lịch:
Du lịch Lào Cai trong 9 tháng giữ được đà tăng trưởng ổn định, cùng với đó công tác quản lý nhà nước, công tác truyền thông quảng bá điểm đến du lịch được quan tâm, duy trì triển khai dưới nhiều hình thức, phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách, do vậy lượng khách du lịch đến Lào Cai tăng cao hơn so với CK năm 2023. Cụ thể: Tổng lượng khách đến Lào Cai 9 tháng năm 2024 đạt 6.350.483 lượt khách (trong đó khách quốc tế 612.192 lượt, khách nội địa 5.738.291 lượt) bằng 74,71% KH, tăng 4,59% CK. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 20.950 tỷ đồng, bằng 77,02% KH, tăng 12,86% CK.
đ) Hoạt động vận tải:
Công tác đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa lũ: Đối với cơn bão số 3 và ảnh hưởng của hoàn lưu bão, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chủ động huy động toàn bộ công chức, viên chức, các đơn vị trong toàn ngành tham gia ứng cứu sự cố về thiên tai trên các tuyến đường trên địa bàn. Đối với các tuyến Quốc lộ đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Cục đường bộ Việt Nam đề nghị công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo nhằm khắc phục hậu quả thiên tai do cơn bão số 3. Đối với các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường xã, ngành giao thông đã thành lập tổ công tác phối với các địa phương kiểm tra, rà soát và triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai, tập trung xử lý các điểm sạt lở, ách tắc giao thông, phấn đấu đến đầu tháng 10/2024 phải thông toàn bộ các tuyến đường.
Vận tải hành khách (HK): Tháng 9 ước đạt 860 nghìn HK, tăng 0,43% CK; luân chuyển đạt 45.162 nghìn HK.km, tăng 0,14%. Ước thực hiện quý III/2024, vận tải HK đạt 3.097 nghìn HK, tăng 3,96% CK; luân chuyển đạt 166.149 nghìn HK.km, tăng 1,26%. Tính chung 9 tháng năm 2024, vận tải HK đạt 9.601 nghìn HK, tăng 3,14% CK; luân chuyển đạt 516.170 nghìn HK.km, tăng 1,9%. Về hoạt động vận tải hành khách kết quả đạt chưa như kỳ vọng, do hoạt động vận tải hành khách bằng cáp treo tạm ngừng hoạt động 01 tháng đầu năm để bảo trì và trong tháng 9 ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên lượng khách tham quan, du lịch giảm mạnh.
Vận tải hàng hóa: Tháng 9 ước đạt 1.257 nghìn tấn, giảm 9,31% CK; luân chuyển đạt 44.698 nghìn tấn.km, giảm 11,35%. Quý III đạt 4.222 nghìn tấn, tăng 8,17%; luân chuyển đạt 151.969 nghìn tấn.km, tăng 1,99%. Tính chung 9 tháng năm 2024, vận tải hàng hóa đạt 12.959 nghìn tấn, tăng 15,16% CK; luân chuyển đạt 465.456 nghìn tấn.km, tăng 9,5% CK.
Doanh thu vận tải: Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 9 ước đạt 415,21 tỷ đồng, giảm 2,6% CK. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng doanh thu ước đạt 4.795,95 tỷ đồng, tăng 9,73% CK.
4. Tài chính, tín dụng, giá cả thị trường
a) Thu, chi ngân sách:
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh lũy kế đến hết tháng 9/2024 ước đạt 7.339 tỷ đồng, bằng 80% dự toán Trung ương giao, bằng 57,4% dự toán UBND tỉnh giao, bằng 143,6% CK.
Tổng thu ngân sách địa phương lũy kế đến hết tháng 9/2024 ước đạt 21.802 tỷ đồng, bằng 132,7% dự toán Trung ương giao, bằng 116,6% dự toán tỉnh giao và bằng 118,5% CK.
Tổng chi ngân sách địa phương lũy kế đến hết tháng 9/2024 ước đạt 14.723 tỷ đồng, bằng 86,8% dự toán Trung ương giao, bằng 78,6% dự toán tỉnh giao và bằng 115,4% CK.
b) Hoạt động tín dụng:
Tổng nguồn vốn huy động tại địa bàn ước đến 30/9/2024 đạt 49.200 tỷ đồng, tăng 2.072 tỷ đồng (+4,4%) so với 31/12/2023, cân đối được 82% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn.
Doanh số cho vay quý III/2024 ước đạt 27.400 tỷ đồng; doanh số thu nợ ước đạt 26.130 tỷ đồng, tăng tương ứng là 6,1% và 9,4% so với quý III/2023. Tổng dư nợ cho vay đến 30/9/2024 ước đạt 60.600 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cuối năm 2023. Chất lượng tín dụng được đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ ở mức dưới 1%.
c) Chỉ số giá tiêu dùng:
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 giảm 0,32% so với tháng trước và tăng 1,14% so với cùng tháng năm trước. CPI bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 1,56% so với bình quân CK năm 2023.
5. Thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế
Thu hút đầu tư trong nước: Thu hút đầu tư trên địa bàn được đẩy mạnh, triển khai nhiều cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, tuy nhiên kết quả chưa đạt được như kỳ vọng. Trong 9 tháng đầu năm, UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án đầu tư trong nước (chủ yếu lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng, thuỷ điện) với tổng vốn 6.203,6 tỷ đồng, tăng 9,5% tổng mức đầu tư thu hút được so với 9 tháng đầu năm 2023 (9 tháng đầu năm 2023 đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án với tổng vốn 5.663 tỷ đồng).
Thu hút đầu tư nước ngoài: Lũy kế đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lào Cai có 28 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 734,834 triệu USD. Trong 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu các dự án FDI trên địa bàn tỉnh năm 2024 tổng doanh thu đạt 24,2 triệu USD, bằng 29,8% CK; tổng giá trị xuất khẩu đạt 0,017 triệu USD; tổng giá trị nhập khẩu đạt 0,312 triệu USD; số lao động đạt 2.995 người, bằng 102% CK; số nộp ngân sách nhà nước đạt 4,9 triệu USD bằng 94,3% CK. Lương bình quân của người lao động trong các dự án FDI đạt 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Phát triển doanh nghiệp: Tính từ đầu năm đến ngày 27/9/2024, thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký mới cho 491 doanh nghiệp và 38 đơn vị trực thuộc, giảm 3,6% so với CK; tổng vốn đăng ký đạt 4.582 tỷ đồng; đăng ký tạm ngừng hoạt động cho 626 doanh nghiệp, tăng 31,2% so với CK; giải thể 80 doanh nghiệp, tăng 17,6% so với CK; hoạt động trở lại 260 doanh nghiệp, tăng 1,1% so với CK. Lũy kế đến ngày 27/9/2024, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận đăng ký đạt 7.830 doanh nghiệp (tăng 9,3% so với CK) với tổng vốn đăng ký 101.112 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 937 đơn vị trực thuộc (tăng 5,8% so với CK). Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.985 doanh nghiệp.
II. Văn hoá, xã hội
1. Hoạt động giáo dục
Trong 9 tháng đầu năm năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo tham mưu tốt trong công tác quản lý nhà nước. Đặc biệt là công tác tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia và tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; tổ chức tốt công tác tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia công tác thi; tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao chất lượng dạy học; chỉ đạo các đơn vị trường học tổ chức các hoạt động hè thiết thực bổ ích; tuyên truyền, cảnh báo đảm bảo an toàn trong sinh hoạt, đặc biệt là phòng tránh đuối nước cho học sinh trong dịp nghỉ hè; làm tốt công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp; tổ chức thành công hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025; làm tốt công tác chuẩn bị cho năm học mới, chỉ đạo tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 - 2025 và “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”.
Trong tháng 9/2024, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 (Yagi) nhiều trường và điểm trường trên địa bàn tỉnh bị sạt lở, ngập lụt nặng đã ảnh hưởng đến việc dạy và học. Tính đến ngày 30/9/2024, toàn tỉnh có 149 điểm trường, điểm trường học bị ảnh hưởng, thiệt hại. Tuy nhiên, toàn ngành đã khắc phục, triển khai dạy và học trở lại ở toàn bộ các trường trên địa bàn.
2. Hoạt động văn hoá thông tin, thể dục thể thao
a) Lĩnh vực văn hoá:
Tập trung tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ chào mừng các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh; công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được chú trọng; các hoạt động phục vụ văn hóa cơ sở tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện.
Trong tháng, các đội tuyên truyền lưu động thực hiện tuyên truyền 55 buổi, lũy kế thực hiện 640 buổi, bằng 65,6% KH; trong đó phục vụ vùng sâu, vùng xa 50 buổi, lũy kế thực hiện 523 buổi, bằng 76,3% KH. Thực hiện chiếu phim lưu động 16 buổi, lũy kế thực hiện 76 buổi, bằng 76% KH.
Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp: Thực hiện tập luyện, xây dựng 9 tiết mục mới, bằng 60% KH; phục vụ cơ sở, nhiệm vụ chính trị 60 buổi, bằng 85,7% KH.
b) Lĩnh vực thể dục thể thao:
Công tác tổ chức các hoạt động thể dục thể thao duy trì tốt, sôi nổi và rộng khắp. Trong tháng, tổ chức các 01 giải thể thao cấp tỉnh, lũy kế tổ chức thực hiện 19 giải, đạt 86,3% KH. Đăng cai tổ chức 01 giải quốc gia: Vô địch taekwondo các câu lạc bộ quốc gia năm 2024; lũy kế tổ chức 03 giải, đạt 75% KH. Tham gia 05 giải thể thao toàn quốc: Vô địch xe đạp đường trường và địa hình quốc gia đạt 12 HCV, 06 HCB, 01 HCĐ; Vô địch taekwondo các lứa tuổi trẻ quốc gia đạt 01 HCV, 01 HCB, 04 HCĐ; Vô địch bóng bàn các cây vợt xuất sắc trẻ thiếu niên nhi đồng quốc gia; Vô địch taekwondo các câu lạc bộ quốc gia; Vô địch boxing quốc gia; lũy kế tham gia 33 giải thể thao thành tích cao, đạt 103% KH, đạt 96 huy chương các loại (50 HCV, 24 HCB, 22 HCĐ).
3. Y tế, dân số, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng
- Quản lý chặt chẽ các dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh lưu hành địa phương; phát hiện sớm, khống chế dịch bệnh kịp thời, không để lan rộng.
- Thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh; tổng số trẻ được tiêm chủng đầy đủ 1.211 trẻ, lũy kế 8.096 trẻ, đạt 69,6% KH; tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai 959 phụ nữ, lũy kế 6.836 phụ nữ, đạt 58,7% KH; tiêm phòng viêm gan B 24h sau sinh 847 trẻ, lũy kế 7.282 trẻ, đạt 95,8% KH; công tác tiêm chủng an toàn, không có tai biến.
- Duy trì thường xuyên công tác khám chữa bệnh (KCB), đảm bảo chế độ thường trực cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm các quy định về tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ Nhân dân trong các cơ sở KCB. Thường xuyên hội chuẩn, KCB từ xa với các bệnh viện tuyến trên. Tổng số lần khám bệnh, khám kiểm tra sức khoẻ trong tháng đạt 152.545 lượt, lũy kế 9 tháng 1.512.887 lượt. Tổng số lần KCB BHYT đạt 67.363 lượt, lũy kế 9 tháng 604.213 lượt. Công suất sử dụng giường bệnh toàn tỉnh 9 tháng đạt 98,1%KH; trong đó Bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đạt 98,67% KH; các PKĐKKV đạt 92,4% KH.
- Duy trì tốt các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, thẩm định, cấp chứng nhận cho cơ sở kinh doanh về đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên trong tháng xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm tại xã La Pan Tẩn, huyện Mường Khương làm 03 bệnh nhân nhập viện.
- Trong tháng 9/2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế chủ động triển khai các hoạt động phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập úng do cơn bão số 3 và hoàn lưu của bão gây ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai; kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngành y tế; ban hành các văn bản chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 3. Thành lập 12 đội cấp cứu điều trị cơ động tại tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh và 09 Bệnh viện Đa khoa các huyện, thị xã, thành phố). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thành lập 02 đội cơ động, mỗi đội gồm 07 thành viên để hỗ trợ cơ sở công tác phòng, chống dịch bệnh. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thành lập 02 đội giám sát, mỗi đội 03 người thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho cơ sở công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. 152 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh đều đã thành lập tổ cấp cứu cơ động, trực tiếp phối hợp với các lực lượng tại địa phương tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn.
4. Giải quyết việc làm, đào tạo nghề, an sinh xã hội
Công tác giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực. Thông qua các giải pháp nhằm giải quyết việc làm, trong tháng 9 giải quyết việc làm cho 470 lao động, trong đó 208 lao động được hỗ trợ tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm. Lũy kế 9 tháng tạo việc làm cho 12.321 người, đạt 85% KH và tăng 6,2% CK, trong đó 2.817 lao động được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm.
Công tác Giáo dục nghề nghiệp được đẩy mạnh. Kết quả trong tháng 9, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh được 2.210 người. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, đã tuyển sinh và đào tạo 9.804 người, bằng 81,7% KH, tăng 6% CK. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 68,2%, bằng 99,1% KH, tăng 0,7% CK; trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ ước đạt 30%, bằng 96,8% KH, tăng 0,8% CK.
Công tác giảm nghèo bền vững được quan tâm. Đẩy mạnh triển khai theo các Đề án, Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về giảm nghèo như Đề án số 10-ĐA/TU về giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025, Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 19/5/2021 về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó tập trung vào giải quyết các nhóm tiêu chí nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành như: Chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý. Nhìn chung các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ, đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội luôn được đảm bảo.
5. Hoạt động Khoa học - Công nghệ
Công tác quản lý công nghệ, chuyển giao công nghệ được thực hiện đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Quản lý theo dõi, kiểm tra đánh giá, nghiệm thu đối với 54 đề tài, dự án gồm: 01 Dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi Trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý; 46 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh; 07 dự án chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi Trung ương quản lý. Tổ chức nghiệm thu 02 dự án thuộc chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học và công nghệ.
Theo dõi, đôn đốc quản lý tiến độ 17 dự án sở hữu trí tuệ. Tổ chức thành công Hội thảo hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh. Quản lý các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ; công tác quản lý nhà nước về công nghệ được tăng cường đẩy mạnh, đối với các dự án xin điều chỉnh dự án đầu tư về công nghệ, thiết bị được đảm bảo đúng quy định. Tăng cường các biện pháp thúc đẩy hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường, đặc biệt là các hàng hóa như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thiết bị điện, điện tử... được thực hiện tốt. Hoạt động kiểm định, kiểm nghiệm đáp ứng được nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
III. Tài nguyên và Môi trường
1. Công tác quản lý đất đai
Công tác quản lý đất đai được tăng cường. Hoàn thành, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện của 9/9 huyện, thị xã, thành phố; hoàn thành lập kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Triển khai lập kế hoạch sử dụng đất năm 2025 cấp huyện theo quy định của Luật Đất đai.
2. Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước
Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước được chú trọng. Thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời các vụ việc khai thác khoáng sản trái phép. Trong tháng, lĩnh vực khoáng sản tiếp nhận, cấp 04 giấy phép khai thác khoáng sản, 03 giấy phép thăm dò khoáng sản, gia hạn 01 giấy phép khai thác khoáng sản, thu hồi 01 giấy phép khai thác khoáng sản; lĩnh vực tài nguyên nước tiếp nhận, cấp 02 giấy phép khai thác tài nguyên nước.
Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm. Tiếp nhận, thẩm định phê duyệt báo cáo ĐTM với 18 dự án; phê duyệt đóng cửa mỏ khai thác khoáng sản đối với 09 đề án. Tiếp nhận, thẩm định 38 hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường.
IV. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại và một số hoạt động
1. Quân sự - quốc phòng
Tiếp tục được củng cố và giữ vững, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ổn định. Đường biên, mốc giới, cửa khẩu, đoàn ra, đoàn vào được quản lý chặt chẽ; thực hiện tốt công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài.
2. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự
Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn về cơ bản ổn định. Lực lượng công an là nòng cốt đã phối hợp chặt chẽ với các cấp các ngành tích cực, chủ động triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh các địa bàn có tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự, không để xảy ra bị động bất ngờ, không để xảy ra các vụ việc phức tạp. Lũy kế đến ngày 20/9/2024, toàn tỉnh xảy ra 150 vụ tai nạn giao thông làm 58 người chết, 122 người bị thương. So sánh với CK năm 2023 toàn tỉnh tăng 16 vụ (+11,9%); tăng 06 người chết (+11,5%); giảm 34 người bị thương (-21,79%).
3. Hoạt động đối ngoại
Tăng cường tình hữu nghị với các địa phương có quan hệ truyền thống như tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp), tỉnh Brest (Belarus) và mở rộng quan hệ đối ngoại với các đối tác nước ngoài khác như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào... Đẩy mạnh giao lưu hợp tác với các địa phương trong cả nước như tổ chức thăm và làm việc với các tỉnh: Phú Thọ, Lai Châu, Yên Bái, Thái Bình, Đồng Nai, Tây Ninh...
V. Xây dựng chính quyền, Cải cách hành chính
- Công tác tổ chức bộ máy: Tiếp tục triển khai sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo hướng hiệu lực, hiệu quả đảm bảo đúng quy định. Kết quả trong 9 tháng đã kiện toàn 12 cơ quan, đơn vị giảm 13 đơn vị trường học; chuyển giao Chi cục và các đơn vị thuộc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng về thuộc Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai; sửa đổi các Quyết định liên quan đến công tác tổ chức bộ máy của một số đơn vị do chia tách Sở Giao thông vận tải - Xây dựng để thành lập Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng. Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Thanh tra thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Công tác quản lý biên chế: Trong 9 tháng thực hiện giao tổng số 24.287 chỉ tiêu, giảm 86 chỉ tiêu biên chế công chức, viên chức, hợp đồng lao động so với năm 2023; giao 1.262 chỉ tiêu (tăng 188 chỉ tiêu so với năm 2023) người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp đối với một số đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.
- Công tác cán bộ: Trong 9 tháng thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giao nhiệm vụ phụ trách, điều động đối với 50 cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý; tiếp tục hoàn thiện quy trình sắp xếp, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với 09 chức danh; bổ nhiệm 02 chức danh Kế toán trưởng, 01 chức danh Trưởng Ban Kiểm soát.
- Công tác tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức: Trong 9 tháng tuyển dụng được 68 công chức, 474 viên chức; tiếp nhận vào làm công chức đối với 51 người; tiếp nhận vào viên chức 04 người.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng: Trong 9 tháng, tổng số công chức, viên chức được cử đi đào tạo là 107 người; bồi dưỡng theo ngạch và vị trí việc làm 608 người; bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới cho chức danh Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy xã, phường, thị trấn 95 người; bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ 115 người; bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số 158 người.
- Công tác cải cách hành chính: Được tăng cường và đẩy mạnh, cụ thể: Chỉ số PAR INDEX của tỉnh đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2022; Chỉ số SIPAS năm 2023 của tỉnh đứng thứ 6/63 tỉnh, tăng 3 bậc so với năm 2022; Chỉ số PAPI của tỉnh năm 2023 xếp vị thứ 33/61 tỉnh, thành phố, tăng 19 bậc so với năm 2022.
- Công tác chuyển đổi số: Hoạt động chuyển đổi số không ngừng được thúc đẩy. 100% các cơ quan cấp tỉnh, huyện duy trì hệ thống mạng LAN đạt chuẩn, kết nối Internet và thiết bị đầu cuối phục vụ công việc. Các huyện, thị xã, thành phố duy trì việc triển khai hệ thống phòng họp trực tuyến 3 cấp. Triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, gửi nhận văn bản điện tử 4 cấp. Tỷ lệ hồ sơ công việc trong các cơ quan hành chính nhà nước được xử lý trên môi trường mạng là 93,67%; trong đó cấp tỉnh 98%, cấp huyện 87%, cấp xã 96%. Tích hợp 1.252/1.797 TTHC cung cấp DVCTT qua Cổng dịch vụ Quốc gia, đạt 70%, đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến toàn trình: Tỷ lệ hồ sơ nhận trực tuyến đạt 41,12%.
- Công tác truyền thông: Tập trung thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, thông tin đối ngoại, tiếp tục đổi mới phương thức sản xuất chương trình phát thanh truyền hình, quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí, định hướng các cơ quan báo chí truyền thông đảm bảo đúng định hướng, tuyên truyền toàn diện, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; theo dõi, nắm bắt kịp thời thông tin trên báo chí, trên mạng xã hội. Đặc biệt, đã thành lập Trung tâm chỉ huy Phòng thủ dân sự ngành Thông tin và Truyền thông, hoạt động 24/24 giờ để chỉ đạo, điều phối các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông xử lý các sự cố do Cơn bão số 3 gây ra, theo dõi sát tình hình diễn biến của cơn bão, kịp thời báo cáo tình hình ảnh hưởng thiệt hại.
Xem Báo cáo tại đây:
Tải về
Tải về