Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai tháng 12 và cả năm 2022
Lượt xem: 4693

I. Phát triển kinh tế

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn

Năm 2022, giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản tăng cao, nguyên liệu đầu vào và cước vận chuyển tăng trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi thấp và không ổn định... tuy nhiên, với việc thực hiện tốt các chính sách về phát triển nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh; sản xuất nông nghiệp thực hiện đúng khung thời vụ; công tác quản lý giống, phân bón được thực hiện tốt; chăn nuôi phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra; diện tích nuôi trồng thủy sản được duy trì; công tác trồng rừng đảm bảo kế hoạch. Cụ thể tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 trên địa bàn tỉnh như sau:

a) Trồng trọt:

- Sản xuất lương thực được mùa, tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 338.606 tấn, bằng 101,8% KH, bằng 100,5% CK, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong tỉnh và một phần cung cấp thị trường ngoài tỉnh. Cụ thể:

+ Cây lúa: Tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm 33.529 ha, bằng 101,1% so KH; năng suất ước 56 tạ/ha; sản lượng ước 187.780 tấn, bằng 102,1% KH.

+ Cây Ngô: Tổng diện tích thực hiện 34.105 ha, bằng 100,1% KH; năng suất ước 44,2 tạ/ha (CK 42,2 tạ/ha); sản lượng ước 150.826 tấn, bằng 101,4% KH.

- Các cây trồng chủ lực hàng hóa theo Nghị quyết 10-NQ/TU, cây trồng tiềm năng được quan tâm chỉ đạo phát triển, diện tích, sản lượng đạt kế hoạch đề ra, giá trị từng bước nâng lên. Cây dược liệu: Tổng diện tích duy trì và trồng mới năm 2022 đạt 3.549 ha; sản lượng ước đạt 18.161 tấn; giá trị thu nhập bình quân cả năm khoảng 100 - 110 triệu đồng/ha. Cây ăn quả ôn đới: Diện tích trồng cây ăn quả ôn đới 3.571,5 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 1.709,6 ha; sản lượng thu hoạch đạt 6.720 tấn. Cây rau: Diện tích rau cả năm 15.175 ha, bằng 101,2% KH; sản lượng ước 180.000 tấn. Cây trồng vụ Đông: Diện tích trồng đạt 4.710 ha, đạt 110,1% KH. Hiện nay, người dân đang tiếp tục gieo trồng các loại rau ngắn ngày phục vụ nhu cầu thời điểm trong và sau Tết nguyên đán; một số loại rau màu trồng sớm đã và đang cho thu hoạch với diện tích khoảng 1.160 ha, sản lượng ước đạt 15.150 tấn.

b) Chăn nuôi - Thủy sản:

- Chăn nuôi đại gia súc và gia cầm phát triển tương đối ổn định. Sản phẩm chăn nuôi đã đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, một phần xuất bán ra ngoài tỉnh. Tổng đàn gia súc ước đạt 601.500 con, đạt 96,24% KH, bằng 105,38% so với CK; tổng đàn gia cầm chủ yếu (gà, vịt, ngan) 5.060 nghìn con, đạt 101,2% so KH, bằng 102,74% so với CK; sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 69.500 tấn bằng 106,92% KH, bằng 105,63% so với CK.

- Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được quan tâm tập trung chỉ đạo, khoanh vùng dập dịch hạn chế thấp nhất thiệt hại; thực hiện các giải pháp quyết liệt ngăn chặn và chống dịch tích cực đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, dại chó.

- Thủy sản duy trì tốt cả về diện tích mặt nước, năng suất, sản lượng. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản tại ao, hồ nhỏ được người dân đưa vào sản xuất ước đạt 2.275 ha bằng 101% KH, bằng 104,1% so CK; thể tích nuôi cá nước lạnh ước thực hiện 75.000m3 (chủ yếu tại Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn), sản lượng thủy sản các loại ước đạt 11.805 tấn, bằng 105,4% KH, bằng 123,1% so CK.

c) Lâm nghiệp:

Kinh tế lâm nghiệp có sự chuyển biến tích cực, thu nhập từ rừng được tăng lên; công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được tăng cường. Tổ chức thường trực 24/24h trong những ngày thời tiết khô hanh kéo dài, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nhằm chủ động trong công tác ứng cứu, chữa cháy rừng để hạn chế thấp nhất nếu có xảy ra cháy rừng. Từ đầu năm đến nay không xảy ra cháy rừng. Hết năm 2022, tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,7%; diện tích bảo vệ rừng 276.525 ha, hoàn thành KH.

Lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, rừng được quản lý bảo vệ tốt, chất lượng rừng ngày càng tăng: Cả năm trồng được 8.075,84 ha rừng, trong đó cây Quế trồng được 5.695,7 ha nâng tổng diện tích Quế toàn tỉnh đạt 55.700 ha; khoanh nuôi tái sinh 4.400 ha. Trồng cây xanh phân tán đạt 2.065.738 cây, bằng 103,29% KH; trong đó trồng rừng sản xuất 6.760 ha, đạt 124% so với KH, bằng 90,13% CK.

d) Phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới:

- Phát triển nông thôn: Trong năm 2022, toàn tỉnh thành lập mới là 27 hợp tác xã (HTX), nông nghiệp, giải thể 01 HTX, nâng tổng số HTX trên địa bàn toàn tỉnh là 273 HTX, tăng 26 HTX so với năm 2021 (trong đó có 187 HTX đang hoạt động, 86 HTX ngừng hoạt động); 121 tổ hợp tác nông nghiệp theo tiêu chí quy định tại Nghị định 77/2019/NĐ-CP; tổng số trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT là 168 trang trại, tăng 24 trang trại so với năm 2021; có 17 nghề truyền thống, 10 làng nghề, 20 làng nghề truyền thống. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, trong năm đã tổ chức 02 đợt đánh giá, xếp hạng và công nhận mới 50 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm OCOP lên 170 sản phẩm (trong đó có 27 sản phẩm 4 sao, 143 sản phẩm 3 sao).

- Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã có 62/127 xã duy trì và công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 01 xã so với năm 2021); 04 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao (tăng 02 xã so với năm 2021); thành phố Lào Cai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Bảo Thắng đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Bình quân đạt 15,73 tiêu chí/xã; toàn tỉnh công nhận được 237 thôn kiểu mẫu, 177 thôn nông thôn mới.

đ) Sắp xếp dân cư, thủy lợi, phòng chống thiên tai:

Sắp xếp dân cư: Phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố theo dõi tình hình dân di cư tự do và thực hiện sắp xếp dân cư năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh. Lũy kế đến nay các huyện, thị xã, thành phố đã sắp xếp được 177 hộ. Trong năm không có tình trạng dân di cư tự do.

Chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán; nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai được chú trọng; chủ động kiểm tra, rà soát, di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đảm bảo an toàn; chỉ đạo các huyện, thành phố triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với hạn hán, mưa lớn, dông, lốc, sét, sạt lở xảy ra trên địa bàn tỉnh và kiểm tra thiệt hại tại các địa phương. Thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, xen kẽ giữa những ngày nắng nóng là các đợt mưa dông, lốc, sét xảy ra rải rác ở các nơi trên địa bàn tỉnh gây thiệt hại về nhà ở, hoa màu của Nhân dân; ước thiệt hại trên 125,5 tỷ đồng, tăng 52,5 tỷ đồng so CK.

e) Công tác quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản được triển khai tích cực, đáp ứng được yêu cầu sản xuất trong tình hình mới. Duy trì, mở rộng diện tích các cây trồng chuối, dứa, chè, dược liệu đã được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ.

g) Công tác xúc tiến đầu tư, chế biến - thương mại, chuyển đổi số trong nông nghiệp được quan tâm, đẩy mạnh tích cực triển khai thực hiện. Đã thu hút được nhiều dự án đầu tư vào phát triển sản xuất, chế biến nông lâm sản; có 101 doanh nghiệp/HTX tham gia với 322 sản phẩm được gắn mã QR-Code trên sản phẩm; có 161 doanh nghiệp/HTX/cơ sở với 237 dòng sản phẩm tham gia tương tác, giới thiệu quảng bá các sản phẩm trên Hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; cập nhật thông tin 125 chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận trên Hệ thống thông tin quản lý.

2. Sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ bản

a) Sản xuất công nghiệp:

Sản xuất công nghiệp tương đối ổn định, một số khó khăn của các dự án lớn (luyện gang thép, DAP, apatit) đang được tháo gỡ, một số dự án khai thác apatit đang đẩy nhanh tiến độ triển khai giảm áp lực thiếu nguyên liệu cho địa phương. Một số dự án công nghiệp mới đi vào sản xuất ổn định (luyện đồng Bản Qua, thêu may xuất khẩu, một số nhà máy thủy điện)…

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng đều ở cả 3 lĩnh vực là khai thác, chế biến chế tạo và điện nước. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 12 ước đạt 3.607,8 tỷ đồng, bằng 98,4% so với tháng trước, bằng 122,3% so với CK 2021. Lũy kế năm 2022 ước đạt 46.069,3 tỷ đồng, bằng 100,15% KH, tăng 11,8% so CK năm 2021.

Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tháng 12 ước đạt 340 tỷ đồng, bằng 100% so với tháng trước, bằng 111,6% so với CK 2021. Lũy kế năm 2022 ước đạt 3.984,82 tỷ đồng, bằng 107,7% so với KH, tăng 18,8% so cùng kì năm 2021.

b) Xây dựng cơ bản:

- Hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng bởi giá xăng dầu không ổn định và giá vật liệu tăng cao, tuy nhiên nhiều hạng mục công trình sử dụng vốn nhà nước cũng như của các doanh nghiệp, dân cư vẫn được triển khai thực hiện. Các quy hoạch trọng điểm như: Quy hoạch chung xây dựng Khu đô thị du lịch Sa Pa, Quy hoạch phân khu Khu du lịch Y Tý, Quy hoạch chung hai bên dọc sông Hồng... tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thực hiện. Đồng thời, tập trung đôn đốc, tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm: dự án Cảng hàng không Sa Pa, Cầu biên giới qua sông Hồng tại xã Bản Vược và hạ tầng kết nối (phần hạ tầng kết nối); hoàn thành, đưa nút giao cao tốc Phố Lu vào vận hành khai thác; khởi công một số dự án như: Cầu Phú Thịnh, Tỉnh lộ 156 đoạn Kim Thành - Ngòi Phát; cải tạo, nâng cấp tuyến đường kết nối từ cầu Làng Giàng đến QL70. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn cả năm đạt 45.000 tỷ đồng, bằng 100% KH, tăng 12,4% so CK.

- Giải ngân vốn đầu tư công được triển khai quyết liệt, đồng thời chủ động trong việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện các quyết định, nghị quyết giao vốn của Quốc hội, Chính phủ, HĐND, UBND tỉnh đã tổ chức giao vốn cho các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư đảm bảo theo đúng các quy định. Mặt khác tiếp tục thực hiện chủ trương sớm giải ngân vốn đầu tư công từ các tháng đầu năm để kích cầu nền kinh tế do ảnh hưởng bởi đại dịch, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị ban hành kế hoạch giải ngân chi tiết cho cho từng dự án, trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; trường hợp kết quả giải ngân đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan năm 2022. Kết quả cụ thể: Kế hoạch vốn năm 2022 theo Quyết định số 2048/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ 4.836 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2022, giá trị giải ngân đạt 4.739 tỷ đồng bằng 98% KH. Như vậy, tỉnh Lào Cai đã hoàn thành công tác giải ngân xây dựng cơ bản theo yêu cầu tại Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chỉnh phủ ngày 15/9/2022 (đạt 95 - 100% KH).

3. Thương mại, dịch vụ

a) Hoạt động thương mại:

Trong năm 2022, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát tốt nên hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ được khôi phục và có mức tăng trưởng khá. Thời điểm tháng 2 đến tháng 4, dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, tác động đến sức mua trên thị trường giảm so CK các năm trước. Từ đầu tháng 5 đến nay, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, thị trường có nhiều dấu hiệu khả quan. Bên cạnh đó, Trung tâm Thương mại Go! Lào Cai bắt đầu đi vào hoạt động kể từ ngày 15/4/2022 nên đã thu hút lượng lớn khách đến tham quan, mua sắm, các dịch vụ ăn uống và dịch vụ vui chơi giải trí tăng mạnh. Đồng thời, trong 2 dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5 và Quốc khánh 02/9 kéo dài, lượng khách đến tham quan và du lịch trên địa bàn tỉnh tăng mạnh so với CK năm trước, kéo theo các dịch vụ ăn uống, lưu trú, nhà hàng, khách sạn tăng theo. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của đời sống và Nhân dân trong tỉnh, giá cả hàng hóa ổn định, không có hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 12 ước đạt 2.889,3 tỷ đồng, bằng 96,7% so với tháng trước, tăng 12,9% so với CK năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2022 ước đạt 32.054 tỷ đồng, tăng 4,4% so KH được giao, tăng 15,9% so với CK năm trước.

Cơ sở hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư phát triển và ngày càng được mở rộng: trên địa bàn tỉnh hiện có 72 chợ, 09 siêu thị, 02 trung tâm thương mại, 91 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 290 cửa hàng kinh doanh LPG, 06 thương nhân bán buôn sản phẩm rượu và 07 thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá đang hoạt động… Cơ sở hạ tầng thương mại đã đáp ứng tốt nhu cầu đời sống, sản xuất của nhân dân trong tỉnh.

b) Hoạt động xuất nhập khẩu:

Xuất nhập khẩu là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh nên kết quả đạt được khá khiêm tốn. Tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, hoạt động thông quan hàng hóa gặp nhiều khó khăn do phía Trung Quốc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hoạt động thông quan nhiều thời điểm bị gián đoạn, có khi ngừng thông quan trong thời gian dài (từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 4). Đến thời điểm hiện tại, tuy phía Trung Quốc đã nới lỏng phòng, chống dịch hơn nhưng hoạt động thông quan hàng hóa vẫn chưa khôi phục như thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Các cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh hoạt động thông quan hàng hóa vẫn hạn chế, chỉ phát sinh hoạt động xuất kinh doanh qua cửa khẩu phụ Bản Vược và cửa khẩu Mường Khương nhưng giá trị không đáng kể. Hoạt động thông quan tại Cửa khẩu quốc tế đường sắt vẫn diễn ra bình thường, hàng hóa thông quan chủ yếu là: phốt pho vàng, than cốc và quá cảnh mặt hàng lưu huỳnh, tái xuất quặng sắt. Ngày 11/10/2022, mặt hàng sầu riêng lần đầu tiên thông quan xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Đây là mặt hàng trái cây có giá trị rất cao, hiện tại Trung Quốc đang là thị trường có nhu cầu nhập khẩu sầu riêng rất lớn, mở ra cơ hội nâng cao nhanh kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu trong tháng 12 ước đạt 223,98 triệu USD, tăng 28,45% so với tháng 11/2022, giảm 6,83% so với CK 2021. Luỹ kế hết năm 2022 ước đạt 2.228,60 triệu USD, giảm 36,38% so với CK 2021, đạt 50,65% so KH.

c) Công tác quản lý thị trường:

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh không có diễn biến phức tạp, không phát sinh điểm nóng, vụ việc nổi cộm. Lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường công tác giám sát, thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát, nắm tình hình thị trường, địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng công an trong việc trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm. Qua đó đã kịp thời bắt giữ, xử lý nhiều vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm... Hàng hóa vi phạm chủ yếu là thực phẩm (thực phẩm đông lạnh, thực phẩm chế biến sẵn), bánh kẹo, dược liệu, quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, đồ gia dụng...

Năm 2022, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 1.427 vụ (tăng 3,9% so với CK 2021); số vụ vi phạm 928 vụ (tăng 106,7% so với CK 2021); tổng giá trị xử lý 9.073 triệu đồng; tổng số thu nộp ngân sách nhà nước 5.173 triệu đồng, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 3.902 triệu đồng, trị giá hàng bán thanh lý 1.271 triệu đồng.

d) Du lịch:

Vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, du lịch Lào Cai có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 (lượng khách du lịch trong dịp Tết nguyên đán và Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 01/5, 02/9 của Lào Cai đều xếp top đầu cả nước). Đặc biệt, sau khi Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn, UBND tỉnh đã tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 254/KH-UBND ngày 28/9/2020 về phát triển sản phẩm du lịch Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, thu hút khách chi tiêu cao và khách trở lại nhiều lần. Với việc thực hiện nhiều các sản phẩm du lịch đặc trưng mang thương hiệu riêng của địa phương như: Tái hiện Chợ tình Sa Pa; Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà năm 2022; Lễ hội Tình yêu và Hoa hồng năm 2022; Sa Pa: Thổ cẩm và Hoa năm 2022; 08 sản phẩm du lịch thể thao kết hợp nhiều loại phương tiện như: đi bộ, xe đạp, ô tô, cano, kayak, chạy bộ, cưỡi ngựa tại Bắc Hà; Festival Tinh hoa Tây Bắc với chủ đề “Kết nối khát vọng xanh”, sản phẩm du lịch thể thao mới: Giải “Triathlon 2022” tại Bắc Hà,… đã đưa Lào Cai trở thành điểm đến ưa thích của du khách sau đại dịch Covid-19.

Lượng khách tới Lào Cai tháng 12 ước đạt 440.459 lượt khách (trong đó khách quốc tế 20.412 lượt, khách nội địa 420.047 lượt), tăng 49,5% so với tháng 11. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 1.582 tỷ đồng, tăng 44,9% so với tháng trước. Lũy kế năm 2022 lượng khách đến Lào Cai ước đạt 4.642.000 lượt khách, bằng 116% so với KH năm, gấp 3,3 lần so với CK năm 2021; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 16,380 tỷ đồng, bằng 108% so với KH năm, gấp 3,7 lần so với CK năm 2021.

đ) Hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách:

Năm 2022, tỉnh Lào Cai thực hiện với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ hiệu quả trong phòng, chống dịch cũng như phát triển kinh tế; các đơn vị kinh doanh vận tải đã đi vào hoạt động tương đối ổn định; đặc biệt là hoạt động cáp treo Fansipan hoạt động có nhiều khởi sắc nên hoạt động kinh doanh vận tải đạt mức tăng khá so với năm trước. Vận tải hành khách (HK): Tháng 12 ước đạt 920 nghìn HK, tăng 100,17% so với CK năm trước; tính chung cả năm 2022 đạt 8.016 nghìn HK, tăng 48,23% so với năm trước. Vận tải hàng hóa: Tháng 12 ước đạt 1.205 nghìn tấn, tăng 25,45% so với CK năm trước; tính chung cả năm 2022 vận tải hàng hóa đạt 12.103 nghìn tấn, tăng 18,96%. Doanh thu vận tải: Tổng doanh thu vận tải tháng 12 ước đạt 438,31 tỷ đồng, tăng 48,96% so với CK 2021. Tính cả năm 2022, tổng doanh thu vận tải đạt 4.189,40 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2021; trong đó doanh thu vận tải hành khách đạt 1.095,22 tỷ đồng, doanh thu vận tải hàng hóa đạt 2.104,13 tỷ đồng, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 990,04 tỷ đồng.

e) Dịch vụ bưu chính, viễn thông:

Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ bưu chính, chuyển phát; 223 điểm phục vụ bưu chính; bán kính phục vụ bình quân 3,02 km/điểm phục vụ; 128 điểm Bưu điện - Văn hóa xã (trong đó 76 điểm cung cấp đa dịch vụ); 112 tuyến đường thư đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển phát, đảm bảo an toàn mạng bưu chính và an ninh thông tin, tham gia hỗ trợ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. 05 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet; các doanh nghiệp đã đầu tư mạng lưới hạ tầng viễn thông, Internet. Hạ tầng mạng viễn thông phủ sóng di động đến 100% trung tâm các xã, 96,7% thôn. Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang kết nối và cung cấp dịch vụ đến 100% trung tâm cấp huyện, xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, 79,3% đến thôn.

4. Tài chính, tín dụng, giá cả thị trường

a) Thu, chi ngân sách:

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh đến hết ngày 31/12/2022 đạt 10.389 tỷ đồng, bằng 139,8% dự toán Trung ương giao, bằng 103,9% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 104,4% so với CK năm 2021. Tổng thu ngân sách địa phương đến hết ngày 31/12/2022 đạt 20.829 tỷ đồng, bằng 168,4% dự toán Trung ương giao, bằng 103,6% dự toán điều chỉnh, bằng 117,3% so với CK năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương lũy kế đạt 17.994 tỷ đồng, bằng 153% dự toán Trung ương giao, bằng 88,6% dự toán điều chỉnh và bằng 101,5% CK năm trước.

b) Hoạt động tín dụng:

Tổng nguồn vốn tín dụng đến ngày 31/12/2022 ước đạt 55.600 tỷ đồng, trong đó huy động tại địa bàn ước đạt 40.000 tỷ đồng, tăng 4.396 tỷ đồng (+12,3%) so với cuối năm 2021. Nguồn vốn vay Trung ương, ngoài địa bàn, nguồn vốn khác ước đạt: 15.600 tỷ đồng, giảm 4.852 tỷ đồng (-23,7%) so với 31/12/2021. Doanh số cho vay tháng 12 ước đạt 7.000 tỷ đồng, lũy kế cả năm đạt 83.000 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2021. Dư nợ đến ngày 31/12/2022 ước đạt 49.500 tỷ đồng, giảm 4,5% so với 31/12/2021. Tỷ lệ nợ xấu đến ngày 31/12/2022 ước 1,1%, giảm 3,95 điểm phần trăm so với 31/12/2021.

c) Chỉ số giá tiêu dùng:

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 giảm 0,50% so tháng trước, tăng 3,40% so với cùng tháng năm trước. CPI bình quân 12 tháng năm 2022 tăng 2,85% so với bình quân CK năm 2021.

5. Thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế

a) Thu hút dự án đầu tư:

- Về thu hút FDI: Lũy kế đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lào Cai có 27 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 685,818 triệu USD; các dự án FDI trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung trên các lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến, du lịch - dịch vụ... Trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lào Cai không có Dự án FDI cấp mới. Về chấm dứt hoạt động/giải thể dự án FDI: có 02 dự án FDI chấm dứt hoạt động là Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến quế tại Lào Cai do Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà là chủ đầu tư; Dự án Xuất nhập khẩu hàng may mặc do Công ty TNHH Nexus Technologies and Cable (Hàn Quốc) là chủ đầu tư.

- Về dự án đầu tư trong nước: Năm 2022, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho 21 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 5.927 tỷ đồng. Trong đó, một số dự án lớn như: Dự án xây dựng nhà ở thương mại (bao gồm nhà ở liền kề và chung cư cao tầng), phường Kim Tân, thành phố Lào Cai (tổng vốn 847 tỷ đồng); Dự án nhà máy sản xuất chế biến quế hữu cơ Bảo Thắng (tổng vốn 411 tỷ đồng); Dự án xây dựng nhà máy may Hồ Gươm - Chi nhánh Bảo Thắng (tổng vốn 110 tỷ đồng); Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Bát Xát (tổng vốn 435 tỷ đồng); Đầu tư xây dựng công trình khai thác quặng Apatit khai trường 19b (tổng vốn 266 tỷ đồng)...

b) Các thành phần kinh tế:

- Kinh tế tư nhân: Trong tháng 12/2022, thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 52 doanh nghiệp và 03 đơn vị trực thuộc, vốn đăng ký đạt 435 tỷ đồng; tạm ngừng hoạt động 30 doanh nghiệp; giải thể 11 doanh nghiệp; hoạt động trở lại 25 doanh nghiệp. Lũy kế từ đầu năm đến nay, thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký mới cho 656 doanh nghiệp và 62 đơn vị trực thuộc, tăng 8,2% so với CK; tổng vốn đăng ký đạt 6.580 tỷ đồng; tạm ngừng hoạt động 467 doanh nghiệp, tăng 31,5% so CK; giải thể 80 doanh nghiệp, tăng 25% so với CK; hoạt động trở lại 321 doanh nghiệp, tăng 19,8% so CK.

- Kinh tế tập thể: Năm 2022, các thành phần kinh tế tập thể đã dần bước vào quỹ đạo phục hồi chung của tỉnh; hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX dần ổn định và phát triển. Ước đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 7.654 tổ hợp tác, tăng 3,3% so CK với 114.810 thành viên tham gia và 465 HTX với 7.200 thành viên. Doanh thu bình quân của HTX năm 2022 ước đạt 1.283 triệu đồng/năm; lãi bình quân HTX năm 2022 ước đạt 148 triệu đồng/năm. Mặc dù có đóng góp quan trọng vào GRDP nhưng tốc độ tăng trưởng của khu vực HTX còn thấp; vai trò lớn nhất của khu vực HTX là đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế thành viên (chủ yếu khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình). Trong năm 2022 không thành lập mới Liên hiệp HTX; lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 02 Liên hiệp HTX (trong đó: 01 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 01 Liên hiệp HTX phi nông nghiệp).

- Kinh tế nhà nước: Hiện nay, tỉnh Lào Cai quản lý 05 doanh nghiệp nhà nước; trong đó 03 Công ty TNHH Một thành viên 100% vốn nhà nước; 02 Công ty Cổ phần có vốn nhà nước. Thực hiện Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã có Báo cáo số 607/BC-UBND ngày 29/10/2021 về Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lào Cai đối với 03 doanh nghiệp. Hiện đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định. Đối với Kế hoạch sắp xếp lại Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên và Văn Bàn, UBND tỉnh giao các đơn vị liên quan tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

II. Văn hoá, xã hội

1. Hoạt động giáo dục

Công tác giáo dục được quan tâm chỉ đạo, đạt được những kết quả quan trọng góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cụ thể:

- Quy mô giáo dục - đào tạo, mạng lưới trường lớp tiếp tục được rà soát và quy hoạch vừa đáp ứng được yêu cầu trước mắt vừa đáp ứng được chiến lược lâu dài. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tiếp tục được quan tâm đầu tư và ngày càng khẳng định được hệ thống trường này là trụ cột giáo dục vùng cao; là trung tâm văn hóa để nâng cao trình độ, dân trí; nơi tạo nguồn nhân lực cho vùng cao, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Lào Cai.

- Chủ động, tích cực triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới: đảm bảo cơ sở vật chất thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên; thực hiện biên soạn chương trình giáo dục địa phương; lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp với giáo dục Lào Cai...

- Chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng có bước tiến bộ vững chắc; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, tỷ lệ người lớn biết chữ được nâng lên; giáo dục dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực; phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu đạt kết quả cao; các trường học đạt chuẩn Quốc gia tiếp tục khẳng định được chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả giáo dục/khẳng định được hiệu quả đầu tư cho giáo dục.

- Cơ sở vật chất trường, lớp học được chú trọng đầu tư theo hướng kiên cố hoá, hiện đại hóa và chuẩn hóa; nhiều trường vùng cao có cơ sở vật chất tốt, cảnh quan đẹp, hoạt động giáo dục sôi nổi, có chất lượng. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên được tăng cường về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng, tâm huyết và trách nhiệm; căn bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng Nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và thực hiện; đến nay có 390 trường, đạt 64,78% (tăng 14 trường, tăng 2,28% so với năm 2021).

- Công tác xã hội hóa giáo dục và hợp tác, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh đã góp phần quan trọng thực hiện đổi mới giáo dục của Lào Cai.

2. Hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục thể thao

- Lĩnh vực văn hoá: Trong năm 2022, dịch bệnh covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhờ đó mà các hoạt động văn hóa, thể thao, gia đình dần sôi động trở lại. Tập trung tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ chào mừng các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được chú trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được đẩy mạnh. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thông qua việc triển khai xây dựng Kế hoạch Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Lào Cai hằng năm. Các hoạt động phục vụ văn hóa cơ sở tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện: Các đội tuyên truyền lưu động ước thực hiện được 975/975 buổi, đạt 100% KH; hoạt động thư viện: thực hiện cấp 4.785/4.700 thẻ, đạt 101,8% KH giao. Tổ chức biểu diễn hoạt động chuyên nghiệp 70 buổi phục vụ các sự kiện trong, ngoài tỉnh, sự kiện chính trị, cũng như phục vụ tại cơ sở, đạt 100% KH.

 - Hoạt động thể thao: Công tác tổ chức các hoạt động thể dục thể thao trong tỉnh đã được khôi phục trở lại, sôi nổi và rộng khắp. Số người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt khoảng 36%; số hộ gia đình thể thao đạt trên 20,8%; khoảng trên 1.100 câu lạc bộ thể dục thể thao (trong đó có trên 300 câu lạc bộ hoạt động nhiều môn)… Chú trọng hoạt động thể thao thành tích cao. Thể thao thành tích cao được quan tâm đầu tư, đạt kết quả cao. Tiếp tục duy trì đào tạo đối với 240 vận động viên (30 vận động viên đội tuyển cấp tỉnh, 75 vận động viên đội tuyển trẻ, 135 vận động viên đội tuyển năng khiếu cấp tỉnh).

Thể thao Lào Cai đã có những thành tích nổi bật và đáng tự hào tại các đấu trường quốc tế: Các vận động viên đã xuất sắc giành được 04 huy chương tại 02 giải đấu quan trọng tiền SEA GAMES 31: Giải vô địch Taekwondo Đông Nam Á lần thứ 15 năm 2022; Giải vô địch cờ vua trẻ Đông Nam Á các nhóm tuổi 8, 10, 12, 14, 16, 18. Đặc biệt, tại SEA GAMES 31, thể thao Lào Cai đã góp phần vào thành tích chung của Đoàn thể thao Việt Nam với 01 Huy chương Vàng của vận động viên Hoàng Thị Duyên. Ngoài việc bảo vệ thành công tấm Huy chương Vàng SEA GAMES môn cử tạ ở hạng cân 59kg, Hoàng Thị Duyên cũng đã phá kỷ lục SEA GAMES ở nội dung cử giật với thành tích 96kg, thiết lập kỷ lục SEA GAMES mới ở nội dung này. Tại Giải Vô địch cử tạ thanh thiếu niên và trẻ châu Á tổ chức tại Tashkent - Uzbekistan, vận động viên Hoàng Kim Lụa và Quàng Thị Tâm đã giành 05 Huy chương Vàng. Vận động viên Phạm Như Ý đứng vị trí thứ 8 tại Giải cờ vua thiếu nhi thế giới 2022, giải 3 tại Cờ vua trẻ Châu Á 2022, lọt vào TOP 100 các kỳ thủ nữ của Việt Nam (Phạm Như Ý đứng thứ 91/100).

3. Y tế, dân số, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng

- Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19: Chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Tiếp tục thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19: Đến ngày 31/12/2022, tổng liều vắc xin đã tiếp nhận: 2.368.664 liều, tổng liều vắc xin đã tiêm: 2.330.811 mũi, trong đó: Đối tượng từ 18 tuổi trở lên được tiêm 2 mũi: 480.746 người (đạt 99,35%); mũi 3: 417.813 người (chiếm 97,04% người đủ điều kiện); mũi 4: 227.817 (chiếm 98,31% người đủ điều kiện tiêm). Đối tượng từ 12 - 17 tuổi được tiêm 2 mũi: 85.325 người, chiếm 98,12% tổng số trẻ. Tỷ lệ tiêm mũi 2/số trẻ đủ điều kiện tiêm là: 98,71%. Đối tượng từ 5 - 11 tuổi được tiêm mũi 1: 116.933 (chiếm 97,42% tổng số trẻ có mặt); tiêm mũi 2: 103.792 trẻ (chiếm 86,47% số trẻ có mặt).

- Quản lý chặt chẽ các bệnh truyền nhiễm lưu hành địa phương, một số bệnh như tiêu chảy, quai bị... xảy ra rải rác tại các huyện, thị xã, thành phố được giám sát phát hiện, điều trị kịp thời. Công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai đúng kế hoạch, an toàn, không có tai biến xảy ra. Duy trì truyền thông nhằm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh tại 99/152 xã, phường, thị trấn. 

- Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm: Duy trì tốt các hoạt động tuyên truyền về bảo đảm an toàn thực phẩm, duy trì thường xuyên các hoạt động kiểm tra, thẩm định, cấp chứng nhận cho cơ sở kinh doanh. Tính đến hết tháng 12, toàn tỉnh đã kiểm tra đối với 7.158/7.462 cơ sở đạt (chiếm 95,9%) đạt 114% KH, xử lý hành chính: 188 cơ sở; cấp 414 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trong năm xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm làm 18 người mắc (2,4 ca/100.000 dân).

- Công tác khám chữa bệnh được duy trì thường xuyên, đảm bảo chế độ thường trực cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân. Tổng số khám chữa bệnh chung: 2.220.317, khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế: 768.309, công suất sử dụng giường bệnh: 91,42%. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ cho Nhân dân; giá thuốc trên địa bàn tỉnh ổn định.

4. Giải quyết việc làm, đào tạo nghề, an sinh xã hội

- Công tác giải quyết việc làm mới: Sau khi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, công tác giải quyết việc làm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tháng 12/2022, giải quyết việc làm cho 336 lao động, trong đó có 95 lao động được vay vốn Quỹ quốc gia việc làm. Lũy kế năm 2022 giải quyết việc làm cho 15.223/13.000 KH, đạt 117,1% KH. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì dưới 1,2%.

- Công tác giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh, đạt KH đã đề ra: Tháng 12/2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh và đào tạo được 792 người. Lũy kế năm 2022 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo mới, bồi dưỡng lại cho 12.600/11.000 người, đạt 114,5% KH năm. Lũy kế đến hết năm 2022 đào tạo mới, bồi dưỡng đạt 46,73% KH 5 năm. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,7%, đạt 34% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ 27% năm 2021 lên 28,1% vào năm 2022 (tăng 1,1%), đạt 87,5% mục tiêu Nghị quyết giao.

- Công tác giảm nghèo bền vững được quan tâm, chú trọng, trong đó trọng điểm là triển khai các dự án thành phần Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Qua đó, cơ bản các hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, vệ sinh môi trường, thông tin và truyền thông… Kết quả:

+ Hộ nghèo: Số hộ nghèo còn lại 34.584 hộ/178.583 hộ trên địa bàn, chiếm 19,37%; tỷ lệ nghèo giảm 5,82%, bằng 129,43% KH giao, tương ứng giảm 9.771 hộ nghèo, đứng thứ 8 về giảm nghèo khu vực trung du miền núi phía Bắc, đạt 43,5% KH 5 năm 2021 - 2025.

+ Hộ cận nghèo: Hộ cận nghèo còn lại 21.732 hộ/178.583 hộ chiếm tỷ lệ 12,17% so với tổng số hộ trên địa bàn, giảm 0,78% tương đương 1.072 hộ so năm 2021.

- Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng. Kết quả:

+ Hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng liên quan đến dịch Covid-19: Đã có 1.069 đối tượng được hỗ trợ với kinh phí 738,155 triệu đồng, chính sách này có hiệu lực đến hết 31/01/2023.

+ Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Đã có 516 người lao động được hỗ trợ với kinh phí 594 triệu đồng.

- Công tác bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em tiếp tục được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, chỉ đạo sát sao: Thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP hàng tháng cho 21.011 đối tượng; chăm sóc nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho 101 đối tượng. Các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động rà soát và hỗ trợ cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu hỗ trợ lương thực trong dịp Tết Nguyên đán, dịp giáp hạt cho 897 lượt hộ, 3.864 lượt khẩu 59.240 kg, kinh phí thực hiện 888,6 triệu đồng.

5. Hoạt động Khoa học - Công nghệ

Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện 35 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; 07 dự án chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của tỉnh, 04 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi Trung ương ủy quyền địa phương quản lý. Phối hợp quản lý 07 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi, chương trình Tây Bắc theo yêu cầu của Văn phòng các chương trình của Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong đó: Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu tập trung thực hiện chương trình phát triển dược liệu, chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, chương trình xây dựng Nông thôn mới; Lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn (văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục) và các lĩnh vực khác (công nghiệp,..) tập trung xây dựng những luận cứ khoa học cho việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách, mục tiêu và các giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố và giữ vững an ninh, quốc phòng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động sở hữu trí tuệ, sáng kiến được tích cực triển khai thực hiện và đạt được kết quả tốt. Trong năm theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện 12 dự án sở hữu trí tuệ, trong đó tập trung vào xây dựng các nhãn hiệu sản phẩm làm tăng giá trị kinh tế cho các địa phương như: Sản phẩm tinh dầu sả Bảo Yên, bò vàng Mường Khương, lợn đen bản địa Văn Bàn, hồng không hạt Bảo Hà, nhãn hiệu chứng nhận rau an toàn Bảo Thắng, cốm Bắc Hà, bánh chưng đen Bắc Hà, cá nước lạnh Văn Bàn, thanh long ruột đỏ Bảo Yên, chuối ngự Hồng Cam và quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý Thẩm Dương cho 3 sản phẩm gạo nếp Khẩu Tan Đón của huyện Văn Bàn. 

Công tác quản lý công nghệ, chuyển giao công nghệ đi vào chiều sâu, bước đầu hình thành một môi trường công nghệ lành mạnh, hiệu quả; công tác thẩm định công nghệ các dự án đầu tư được quản lý chặt chẽ, giúp cho cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát được các vấn đề liên quan đến công nghệ và chuyển giao công nghệ, đảm bảo ngăn chặn ô nhiễm môi trường, giúp cảnh báo cho doanh nghiệp những rủi ro liên quan đến dự án đầu tư để có hướng đầu tư mới mang lại hiệu quả tốt hơn.

III. Tài nguyên và Môi trường

Thực hiện đạt 100% KH đối với công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính đối với các loại đất sản xuất nông nghiệp, đất ở và đất phi nông nghiệp; kế hoạch giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các dự án có liên quan đến khoáng sản, thủy điện, nông nghiệp đạt 70% KH; cho 52 tổ chức thuê đất, đạt 115,6% KH; thu hồi đất của 41 tổ chức, đạt 136,7% KH; chuyển mục đích sử dụng đất cho 05 tổ chức, đạt 33,3% KH. Hoàn thành và vận hành trên hệ thống phần mềm VPDIS của 94 xã thuộc dự án Tăng cường quản lý đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (dự án VILG), góp phần không nhỏ trong việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh. Tham mưu hoàn thiện các văn bản, chỉ thị nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính và công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Điều chỉnh, hoàn thiện phương án giá đất để thực hiện thu hồi đất, tái định cư và đấu giá quyền sử dụng đất cho các dự án. Tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân được đẩy mạnh.

Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước được chú trọng, thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời các vụ việc khai thác khoáng sản trái phép; thẩm định 06 hồ sơ thăm dò khai thác khoáng sản, 03 hồ sơ trữ lượng khoáng sản và 03 Giấy phép khai thác khoáng sản...; cấp 03 Giấy phép khai thác sử dụng nước mặt; cấp 05 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; gia hạn 02 giấy phép khai thác cát; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với 02 mỏ đá và 02 công trình thủy điện. Phê duyệt báo cáo ĐTM 27 dự án, 14 đề án đóng cửa mỏ khai thác khoáng sản.

Công tác quản lý, bảo vệ môi trường được quan tâm, thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra giám sát môi trường, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các điểm nóng về môi trường. Duy trì hoạt động quan trắc, giám sát thường xuyên việc phát sinh lượng khí thải, nước thải, việc lắp đặt thiết bị quan trắc tự động liên tục của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp.

IV. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục ổn định, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, quan hệ đối ngoại được mở rộng.

1. Quốc phòng tiếp tục được củng cố và giữ vững, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ổn định. Đường biên, mốc giới, cửa khẩu, đoàn ra, đoàn vào được quản lý chặt chẽ; thực hiện tốt công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài. Tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Lào Cai năm 2022 an toàn, hiệu quả, đạt kết quả cao (xếp loại Xuất sắc).

2. An ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội: Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn về cơ bản ổn định. Lực lượng công an là nòng cốt đã phối hợp chặt chẽ với các cấp các ngành tích cực, chủ động triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh các địa bàn có tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự, không để xảy ra bị động bất ngờ, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, điểm nóng về an ninh trật tự; bảo vệ tốt nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng, an ninh thông tin, an ninh nông thôn, đô thị. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đẩy mạnh, tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

3. Hoạt động đối ngoại: Tăng cường tình hữu nghị với các địa phương có quan hệ truyền thống như tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) và nghiên cứu mở rộng quan hệ đối ngoại với các địa phương, vùng lãnh thổ nước ngoài khác của Belarus, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Lào, Campuchia… Tổ chức ký kết các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với cơ quan Trung ương, với các tỉnh bạn, tổ chức nước ngoài; chủ động làm việc với nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược lớn trong và ngoài nước để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Năm 2022, tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các tổ chức như: Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Công ty Cổ phần FPT, Truyền hình Quốc hội, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế quốc dân…; ký kết biên bản thỏa thuận, biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp tổ chức quốc tế (Công ty Daeji P&I Hàn Quốc, một số tổ chức phi chính phủ tài trợ dự án cho tỉnh). Triển khai các nội dung hợp tác đã ký kết giữa tỉnh Lào Cai với Vùng Nouvelle Aquitaine (Pháp) trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch,… Tổ chức đón tiếp và làm việc với 09 Đoàn Đại sứ quán của các nước tại Việt Nam (bao gồm: Israel, Ấn Độ, Australia, Cu ba, Thái Lan, Belarus, Hàn Quốc, Lào, EU).

V. Xây dựng chính quyền, Cải cách hành chính

- Trong năm 2022,UBND tỉnh thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy đảm bảo tinh thần chỉ đạo của Trung ương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể đã xin chủ trương kiện toàn 05 cơ quan hành chính; thành lập 02 cơ quan, đơn vị; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức đối với 09 tổ chức hành chính; tổ chức lại 35 đơn vị sự nghiệp công lập; đánh giá tình hình hoạt động của các mô hình thí điểm tổ chức bộ máy trên địa bàn tỉnh để chấm dứt hoạt động của 02 mô hình không hiệu quả, kéo dài hoạt động của 01 mô hình, thực hiện mới 01 mô hình).

- Giao chỉ tiêu biên chế công chức, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nướcnăm 2022 và hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP và Nghị định 161/2018/NĐ-CP với tổng số 24.580 chỉ tiêu. Thực hiện công tác cán bộ đối với 38 lãnh đạo diện tỉnh quản; ban hành hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch cán bộ theo Hướng dẫn số 03-HD/TU ngày 28/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai, theo đó tham mưu thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ diện tỉnh quản lý năm 2022.

- Thực hiện công tác quản lý, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức đúng quy định, đã ban hành kế hoạch tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập 2022; tổ chức thi nâng ngạch công chức cán sự lên chuyên viên và tương đương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng III năm 2022 (305 thí sinh); triển khai thực hiện Kết luận số 27-KL/TW ngày 21/02/2022 của Ban Bí thư về xử lý sai phạm trong công tác cán bộ theo Kết luận số 48-KL/TW ngày 26/4/2019 và Kết luận số 71-KL/TW ngày 24/03/2020 theo đúng quy định (629 người); phê duyệt chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo cho 340 người.

- Về thực hiện chế độ chính sách, tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức đúng quy định; thực hiện tinh giản biên chế đối với 138 cán bộ, công chức, viên chức.

- Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đã ban hành kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh năm 2022; đồng thời hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện. Trong năm UBND tỉnh cử 111 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo trình độ chuyên môn; tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và tiêu chuẩn vị trí việc làm cho 379 công chức, viên chức; bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số cho 259 người; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo chức danh cho 695 cán bộ, công chức cấp xã; bồi dưỡng văn hóa công vụ cho 401 người.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính phục vụ các hoạt động chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

- Công tác rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật được đẩy mạnh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm. UBND tỉnh đã cho ra mắt và đưa vào vận hành Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Lào Cai. Đây là cổng thông tin đầu tiên trong toàn quốc có sự tương tác trực tiếp, hiệu quả giữa doanh nghiệp với chính quyền trong hoạt động đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Lào Cai một cách công khai, minh bạch, nhằm phục vụ chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh Lào Cai; số hóa quy trình xúc tiến đầu tư các dự án tại tỉnh Lào Cai; tối ưu hóa việc theo dõi quá trình chấp thuận đầu tư của các Doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

- PCI năm 2021 của Lào Cai xếp hạng 25/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 64,93 điểm, tăng 2,68 điểm so với năm 2020. Chỉ số Cải cách hành chính tỉnh Lào Cai năm 2021 là 88,44 điểm, đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 03 bậc so với năm 2020.

Xem văn bản tại đây:

Tải về

  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (20/11/2022)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1