CTTĐT – Lễ cấp sắc là một
nghi lễ truyền thống và quan trọng bậc nhất trong kho tàng văn hóa của dân tộc
Dao. Lễ cấp sắc của người Dao đỏ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai có sức hấp dẫn
không chỉ đối với chính đồng bào dân tộc nơi đây, mà còn là phong tục thu hút sự
quan tâm của nhiều dân tộc anh em khác sinh sống trên vùng núi cao phía Bắc và
các du khách thập phương.
Theo quan niệm của người
Dao, đàn ông nếu chưa trải qua lễ cấp sắc thì không coi là người trưởng thành. Nghi
lễ dân gian này được lưu truyền từ xa xưa đến nay trong cộng đồng người Dao đỏ ở
Sa Pa, thể hiện khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ tổ chức hằng
năm vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng. Người Dao đỏ có thể tổ chức cấp sắc
cho một đợt tối đa 13 người, nếu ít hơn phải theo số lẻ (theo số lẻ 3, 5, 7. .
.).
Theo tín ngưỡng người Dao, lễ
cấp sắc là một phong tục bắt buộc đối với người đàn ông. Chỉ những người được cấp
sắc mới được coi là người đàn ông trưởng thành, được tham gia vào các công việc
hệ trọng của làng, nếu chưa được cấp sắc thì dù sống tới già vẫn bị coi là chưa
trưởng thành. Còn người đã được cấp sắc dù là trẻ tuổi vẫn được tham gia các
nghi lễ quan trọng của gia đình hay cộng đồng. Người Dao quan niệm, chỉ người
đã thụ lễ mới có đủ tâm, đức để phân biệt lẽ phải trái ở đời, mới có thể trở
thành thầy hữu ích cho cộng đồng, người dân và đặc biệt được công nhận là con
cháu của Bàn Vương - tổ tiên của người Dao.
Lễ
cấp sắc 12 đèn của người Dao đỏ
Nghi thức và nội dung tổ chức Lễ cấp sắc
Để chuẩn bị cho phần nghi lễ,
trước ngày làm lễ cúng, các thầy cúng phải tẩy uể nhà cửa người được cấp sắc,
ngày làm lễ gia chủ phải chọn ngày lành, tháng tốt, chọn thầy cúng tức
chủ lễ, là người có uy tín với người dân
làng bản, am hiểu luật tục, có vai trò điều hành buổi Lễ. Trong Lễ cấp sắc tuân
thủ theo thứ tự huyết thống, người đàn ông có vợ được chọn để cấp sắc trước ở
nhà trưởng họ, người phụ nữ Dao đỏ có chồng làm lễ cấp sắc phải trùm kín đầu
trong chiếc khăn đỏ suốt thời gian diễn ra buổi lễ. Các thanh niên xin được cấp
sắc phải đội mũ trên đầu và mặc trang phục truyền thống dân tộc mình, bởi quan
niệm đó là nơi thần linh trú ngụ trong mỗi người được cấp sắc.
Trong lễ cấp sắc mở đầu thầy
cúng khai đàn đánh một hồi trống mời tổ tiên về dự, báo với tổ tiên biết lý do
buổi lễ, trong Lễ cấp sắc có nhiều các nghi lễ diễn ra ở trong nhà và bên ngoài
nhà. Trong nhà sẽ diễn ra lễ truyền phép thông qua những ghi chép trong sách cổ
của người Dao và các đạo cụ hành lễ như nến, chiếu, dấu ấn, gậy, súc xắc, bọc gạo,...
Lễ cấp sắc có 2 phần lễ
chính là lễ quá tăng (qua đèn) gồm các phần: Trình diện, cấp đèn, hạ đèn, đặt
pháp danh, qua cầu. Phần lễ tẩu Slai (lễ thăng cấp) gồm: lễ lên đèn, ban mũ, lễ
trình diện Ngọc Hoàng, lễ tơ hồng, lễ thăm thiên đình. Cấp sắc có nhiều bậc, tùy
theo cấp bậc mà số lượng quân âm binh được cấp cho chồng, vợ là khác nhau. Bậc
đầu tiên là cấp sắc 3 đèn, chồng được thầy cấp cho 36 quân âm binh, vợ được cấp
24 quân âm binh; bậc cuối cùng là cấp sắc 12 đèn, chồng được cấp 120 quân âm
binh, vợ được cấp 60 quân âm binh. Thời gian lễ thường kéo dài từ 1 đến 5 ngày,
gồm lễ trình diện, gia chủ mỗ lợn, gà đề cúng tổ tiên. Mỗi bậc đều có sự khác
biệt, theo các nghi lễ thể hiện những ý nghĩa lịch sử, văn hóa nhất định.

Một
nghi thức chứa đựng tính linh thiêng của buổi lễ đó là “dẫn” các trò về âm...
Sau khi làm lễ xong và xin âm dương thành công các thầy sẽ dắt các học trò vào
nằm thẳng ngay ngắn rồi đặt một chiếc mặt nạ và một đôi đũa lên mặt. Các thầy
đi 3 vòng quanh trò vừa đi vừa khấn đồng thời bỏ mặt nạ ra. Sau đó thầy cả đến
chỗ nằm của từng học trò, ngậm 1 ngụm nước chè nhỏ rồi phun vào bụng, vỗ vào ngực
rồi đỡ từng người dậy ngồi vào ghế. (Ảnh: Dương Toản)
Đối với đại lễ cấp sắc 12
đèn là cấp bậc cao nhất, họ sử dụng 12 thầy chính và nhiều thầy phụ, mỗi thầy
giữ một nhiệm vụ khác nhau nhưng chung mục đích là truyền lại toàn bộ các phép,
quân binh, đạo đức... của mình cho các học trò. Các học trò phải trải qua một
quá trình tự học, rèn luyện, thông thạo các nghi thức, thủ tục hành lễ cũng như
các bài cúng ghi trong sách Nôm Dao. Người đã được cấp sắc 12 đèn sẽ được cộng
đồng trọng vọng nhất, sẽ trở thành "sư phụ", là thầy cúng cao, đủ uy
tín để đứng ra tổ chức các nghi lễ quan trọng cho bản làng.
Mở đầu là lễ đón thầy “Chíp
sài tía”, đây là nghi lễ thể hiện sự tôn kính của học trò đối với các thầy đến
làm lễ cấp sắc; tiếp đến là lễ trình báo đón tổ tiên, mời thần thánh về chứng
kiến dự lễ cấp sắc: Lễ vật dâng cúng gồm có thịt lợn, rượu và cơm...; lễ trình
diện của những học trò được thụ lễ và nhiều nghi lễ khác được tiến hành theo
trình tự thầy chính đã đặt ra; múa thỉnh mời Ngọc Hoàng xuống chứng kiến; lễ
trình diện tổ tiên; lễ xin treo tranh nhỏ…
Một nghi lễ quan trọng khác
là đón thầy đến thụ lễ, truyền phép, cấp giấy chứng nhận... Trong lễ đón thầy,
hay còn gọi là "lễ rước cha", đón đủ 12 thầy và 6 đồ đệ của thầy, thầy
to nhất được đón trước, lần lượt theo thứ tự đón từ thầy cao đến thấp.
Những
người được cấp sắc 12 đèn phải trải qua một quá trình rèn luyện, thông thạo các
nghi lễ, và các bài cúng ghi trong sách Nôm Dao
Trước đàn lễ, thầy cúng sau
khi khấn sẽ xin âm dương với thần linh để người được cấp sắc chính thức được
công nhận là người đã trưởng thành. Kết thúc phần Lễ, những lời cầu nguyện may
mắn cho người được cấp sắc sẽ được viết ra giấy, gói lại và đốt sau lễ.
Bên cạnh các nghi thức, Lễ cấp
sắc còn diễn ra phần Hội với nhiều loại hình nghệ thuật dân gian biểu đạt các mục
đích tôn giáo, tín ngưỡng thông qua âm nhạc, thánh ca, diễn xướng, nhảy múa,
trình diễn, lễ nghi, các điệu múa dân gian… phản ánh nội dung về lịch sử, văn
hóa, tạo nên một sinh hoạt vui tươi, thu hút sự tham gia sôi nổi người dân các
bản, làng.
Lễ cấp sắc của người Dao đỏ được coi là hoạt động truyền thống và quan trọng
bậc nhất trong kho tàng văn hóa của dân tộc Dao, mang đậm giá trị nhân văn, có
ý nghĩa giáo dục về truyền thống, giúp con người nhận thức đúng đắn về nhân
cách, đạo đức, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, được thể hiện ở các điều
giáo huấn ghi trong sắc cấp cho người thụ lễ, tuyệt đối kỵ làm việc ác, điều xấu.
Nghi lễ giúp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người
Dao đỏ, góp phần tô điểm cho bức tranh văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam
thêm đa dạng và lung linh sắc mầu. Chính vì thế, nghi lễ linh thiêng đậm đà bản
sắc văn hóa dân tộc này cần được gìn giữ và phát huy, đã được Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, ngày
27/12/2012.