
Thực hiện nghi lễ rước kiệu, rước lễ tại Lễ hội
Lễ hội đền Cô Ba gồm có 2 phần là phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, sau khi thực hiện nghi lễ rước kiệu, rước lễ là thực hiện nghi lễ tế truyền thống của Đền, tấu sớ, dâng hương.
Thực hiện nghi lễ tế truyền thống tại Lễ hội
Trong phần hội, các đại biểu và du khách được thưởng thức những tiết mục văn nghệ do những diễn viên không chuyên trên địa bàn xã Phú Nhuận biểu diễn. Sau các tiết mục văn nghệ chào mừng, các đại biểu và du khách được ôn lại truyền thống lích sử của đền.
Đền Cô Ba tọa lạc trên gò đồi cao, lưng tựa núi, cửa đền hướng ra dòng suối Nhù trong xanh, êm đềm tạo nên phong cảnh hữu tình nên thơ, là một địa điểm lý tưởng để du khách thăm quan cầu vọng.
Đền cô ba, từ lâu đã được biết đến là một ngôi đền cổ do Nhân dân lập lên để thờ phụng cô Ba, một nhân vật trong đạo Mẫu Tứ Phủ ở Việt Nam, đền đã tồn tại hàng trăm năm.
Đền được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2018, ngày nay, người dân ở xã Phú Nhuận vẫn tương truyền sự tích về cô Ba. Chuyện kể rằng, vùng đất này năm xưa có nàng công chúa xinh đẹp tuyệt trần, lại hay giúp đỡ dân lành. Nàng rất thạo việc sông nước nên thường dạy Nhân dân trong vùng cách đi lại trên sông và đánh bắt thủy sản ở sông suối, vì thế mà nàng được Nhân dân trong vùng hết sức yêu mến, kính trọng. Sau khi nàng công chúa mất, người dân lập đền thờ phụng. Từ đó, đền Cô Ba trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng, gắn với đời sống tín ngưỡng của nhân dân các dân tộc xã Phú Nhuận và các địa phương lân cận. Ngôi đền đã được trùng tu khang trang và trở thành điểm đến đang ngày càng thu hút đông du khách thập phương đến thăm quan, hành hương và chiêm bái, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế du lịch cũng như nêu cao tính giáo dục truyền thống địa phương.


Đông đảo người dân, du khách tham gia môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian tại Lễ hội
Cùng với đó, tại phần hội, người dân và du khách được tham gia các môn thể thao dân tộc truyền thống và trò chơi dân gian như: Đẩy gậy, kéo co, bịt mắt bắt vịt, đi cầu cạn, đánh mắc lẹ của dân tộc Tày, đánh bóng, đánh yến… thu hút đông đảo Nhân dân và du khách cùng tham gia.
Lễ hội Đền Cô Ba là dịp để Nhân dân tiếp tục kế thừa phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp của cha ông để lại, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, gắn với phát triển kinh tế du lịch, đáp ứng nhu cầu tâm linh của Nhân dân và du khách thập phương./.