14/02/2024
Từng bừng Lễ hội xuống đồng của đồng bào dân tộc tày xã Phú Nhuận
Lượt xem: 1171
Ngày 14/2/2024 (tức ngày mùng 5 tết Giáp Thìn), xã Phú Nhuận tưng bừng tổ chức Lễ hội xuống đồng, đây là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày nơi đây. Dự buổi lễ có Đồng chí Nguyễn Quang Uý - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, cùng lãnh đạo một số phòng ban, cơ quan trên địa bàn huyện.
Quảng cảnh Lễ hội
Đồng bào dân tộc Tày ở xã Phú Nhuận vẫn còn bảo tồn được nhiều phong tục, lễ hội truyền thống tốt đẹp được thể hiện trong kho tàng di sản văn hóa, trong đó phải kể tới lễ hội “lồng tồng” hay còn gọi là hội xuống đồng được tổ chức vào đầu xuân hằng năm. Theo truyền thống vào ngày mùng 5 tháng Giêng hằng năm, người dân lại tổ chức Lễ hội Xuống đồng để cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhà nhà yên vui no ấm…


Mở đầu lễ hội là lễ rước đất, rước nước. Đoàn rước đi từ khi trời chưa rõ mặt người (ảnh trên). Kiệu rước được trang trí sặc sỡ nhiều màu theo biểu tượng âm dương, ngũ hành. Đi đầu đoàn rước là thầy mo - người được dân làng giao trách nhiệm là sứ giả để giao tiếp với thần linh, trên tay cầm cây nêu - biểu tượng của sự sinh sôi, nảy nở. Đi sau là đoàn rước lễ vật, gồm thủ lợn, gà luộc, xôi bảy màu, bánh chưng, hoa quả... Đội chiêng, trống đi hai bên thầy mo nổi chiêng, trống để thầy mo giao tiếp với thần linh. Khi đoàn rước đến địa điểm làm lễ, đội nhạc lễ nổi ba hồi trống, chiêng, tiếp đó thầy mo thực hiện nghi lễ cúng.
Thầy khấn và xin phép thần linh nơi mở hội để xua đuổi ma quỷ, điều không may mắn, ban phát điều an lành, mùa màng bội thu trong năm mới cho dân bản
Sau phần lễ, phần hội diễn ra với các tiết mục dân ca, dân vũ đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tày, Dao. Tiếp đó, đã diễn ra phần thi chăm sóc chè Xuân để khởi đầu 1 mùa màng bôi thu, no ấm (ảnh trên). Các trò chơi dân gian, như ném còn, kéo co, bắn nỏ, đánh yến... cũng diễn ra sôi động, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Lễ hội Lồng Tồng của đồng bào Tày được tổ chức đều đặn hằng năm nhằm cổ vũ nhân dân tích cực thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất chất lượng nông sản, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống. Đồng thời, lễ hội đã trở thành điểm nhấn văn hoá hấp dẫn dịp đầu xuân thu hút nhân dân và du khách tới tham gia, trải nghiệm, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Thanh Nga-Linh Ngân