Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025
Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành và thành viên Ban chỉ đạo Trung ương.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh, chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.
Theo báo cáo tại hội nghị, thời gian qua, các cấp chính quyền đã chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Trung ương đã ban hành hàng loạt văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình; kiện toàn hệ thống Ban chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương. 100% tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo và kiện toàn bộ máy; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn với hàng trăm nghìn lượt người tham gia. Công tác giám sát được thực hiện chặt chẽ, Ban chỉ đạo phân công thành viên theo dõi địa bàn; đã xây dựng phần mềm quản lý, giám sát liên thông với hệ thống giám sát đầu tư công. Các chương trình đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn khoảng cách với một số mục tiêu đề ra, đặc biệt ở cấp huyện và tỉnh.
Về chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới: đến tháng 3/2025 đã có 77,9% xã đạt chuẩn nông thôn mới (gần đạt chỉ tiêu 80%); 39,2% xã đạt nông thôn mới nâng cao (vượt gấp đôi năm 2021); 9,95% xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu (tăng hơn 10 lần so với năm 2021); 47,6% huyện đạt chuẩn nông thôn mới (tiệm cận chỉ tiêu 50%); 6 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (mục tiêu là 15 tỉnh).
Tổng vốn ngân sách Trung ương phân bổ giai đoạn 2021-2025 là 41.179 tỷ đồng. Đến năm 2024, tỷ lệ giải ngân đạt 75% kế hoạch vốn. Tổng nguồn lực huy động phát triển nông thôn đạt hơn 3 triệu tỷ đồng (vốn tín dụng chiếm 73,3%, vốn doanh nghiệp và cộng đồng chiếm 10,2%).
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 1,93% (đạt chỉ tiêu giảm 1-1,5%/năm). Hộ nghèo tại các huyện nghèo còn 24,86%, hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 12,55%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi giảm còn 26,43% (vượt chỉ tiêu 34%). Hỗ trợ kết nối việc làm cho gần 125 nghìn lao động nghèo, vượt kế hoạch tối thiểu 100 nghìn người. Triển khai hơn 9.300 mô hình sinh kế (vượt xa mục tiêu 1.000 mô hình). Tổng vốn ngân sách Trung ương phân bổ giai đoạn 2021-2025 là 44.607,6 tỷ đồng. Đến 2024, tỷ lệ giải ngân đạt 79% kế hoạch. Huy động thêm 8.103,76 tỷ đồng để thực hiện chương trình.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, đồng thời kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Đối với tỉnh Lào Cai, trong thời gian qua, Lào Cai đã tiến hành kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia ở cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã). Tỉnh đã thành lập các văn phòng điều phối và ban quản lý dự án, đảm bảo tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả. Việc phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị cũng được thực hiện chặt chẽ, nhằm hỗ trợ các xã thực hiện các tiêu chí và dự án thuộc chương trình.
Tỷ lệ hộ nghèo trong cộng đồng dân tộc thiểu số đã giảm 5,95%, đạt 99,2% so với mục tiêu đề ra. Đặc biệt, 7 trong số 33 xã đã ra khỏi danh sách địa bàn đặc biệt khó khăn, cho thấy nỗ lực mạnh mẽ của tỉnh trong việc cải thiện đời sống cho người dân.
Tỉnh Lào Cai đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại 100% huyện. Tính đến nay, có 64 trong số 75 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 85,3% so với mục tiêu. Tuy nhiên, việc duy trì các tiêu chí đạt chuẩn vẫn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là khi thực hiện theo bộ tiêu chí mới cao hơn. Tỷ lệ hộ nghèo còn lại của tỉnh là 11,24%, giảm 3,7% so với kế hoạch Trung ương giao. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt 97,5 triệu đồng/năm, trong khi thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 47,29 triệu đồng/người/năm, cho thấy sự gia tăng đáng kể trong chất lượng cuộc sống của người dân.
Tổng nguồn lực dự kiến thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 là 6.429.629 triệu đồng. Đến nay, ngân sách Trung ương đã phân bổ cho tỉnh 5.687.841 triệu đồng, trong đó Lào Cai đã phân bổ 100% kế hoạch vốn giao năm 2025. Việc huy động vốn và quản lý tài chính cho các chương trình đã được thực hiện một cách công khai và minh bạch.
Phát biểu kết luận cuộc họp, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Mai Văn Chính ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà các ban, bộ, ngành ở Trung ương và các tỉnh, thành phố đã đạt được trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua. Đồng chí Phó Thủ tướng yêu cầu: Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp các đề xuất đã nêu để sớm trình Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương đặc biệt ưu tiên nhiệm vụ thống nhất các phương án tháo gỡ khó khăn về phân bổ, giải ngân vốn theo kế hoạch, ưu tiên nguồn vốn bố trí hỗ trợ các gia đình chính sách, đối tượng xã hội; các ngành liên quan tiến hành xây dựng phương án tích hợp 2 chương trình xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững thành một chương trình thực hiện giai đoạn 2026-2030 vì địa bàn thực hiện, đối tượng hỗ trợ và nội dung thực hiện 2 chương trình có nhiều tương đồng cùng với việc thực hiện chủ trương của Trung ương về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, các địa phương phải khẩn trương hoàn tất tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Các bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng lại các tiêu chí hỗ trợ, phân bổ vốn cho thực hiện chương trình xây dựng nôgn thôn mới bảo đảm hợp lý, phù hợp với thực tế sáp nhập các đơn vị hành chính. Đồng thời, sau sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ căn cứ theo phân cấp phân bổ các nhiệm vụ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia một cách hợp lý, đúng quy định nhất. Giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia tích hợp 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 cần ưu tiên hoàn thành trước ngày 15/4/2025.
Các địa phương cần có sự phân công, chủ động sớm các phần việc ngay từ trước khi được phân bổ nguồn vốn để bảo đảm tiến độ giải ngân thực hiện nhanh nhất. Công tác kiểm tra, giám sát cần được tăng cường hơn tại tất cả các cấp, ngành, địa phương nhằm quyết liệt tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia./.
Thảo Châu