Lào Cai tham gia Hội nghị góp ý dự thảo Nghị định phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại
CTTĐT - Chiều ngày 27/5/2025, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến các địa phương đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ về phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại (Nghị định).
Đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Tham dự Hội nghị còn có các phòng, ban, vụ, cục của Bộ Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Nguyễn Thành Sinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh: Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Nông nghiệp và Môi trường; lãnh đạo, chuyên viên các phòng, ban liên quan của Sở Công Thương.
Đại biểu dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.
Việc xây dựng, ban hành Nghị định nhằm đẩy mạnh việc đề xuất phân cấp, phân quyền theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đảm bảo các quy định thẩm quyền của chính quyền địa phương trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp; cụ thể hóa nguyên tắc: chính quyền địa phương chủ động quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát tối đa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành trong giai đoạn 2019 - 2023, đồng thời cập nhật toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn từ 2024 đến tháng 5/2025. Kết quả, Bộ Công Thương đã rà soát 685 văn bản quy phạm pháp luật từ cấp Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của Bộ trưởng. Qua rà soát có 109 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền quản lý nhà nước của các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan Trung ương (Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ) và địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã).
Trong quá trình soạn thảo, xây dựng Nghị định của Chính phủ; Bộ Công Thương tiếp tục rà soát các nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn; dự kiến tổng số nhiệm vụ phân quyền, phân cấp cho địa phương là 208/401 nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã đề xuất phân quyền, phân cấp từ Trung ương xuống chính quyền địa phương chiếm tỷ lệ 52% tổng số nhiệm vụ cần phân quyền, phân cấp.
Đại diện Bộ Công Thương trình bày cơ sở pháp lý, quá trình xây dựng và bố cục, nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định (Ảnh chụp màn hình).
Về bố cục, nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định, đại diện Bộ Công Thương cho biết phạm vi điều chỉnh của Nghị định là quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại được quy định tại Luật, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cần điều chỉnh để thực hiện phân quyền, phân cấp.
Dự thảo Nghị định gồm 25 Chương, 63 Điều điều chỉnh việc phân quyền, phân cấp 23 lĩnh vực quản lý nhà nước có sự thay đổi về thẩm quyền gồm các lĩnh vực: Dầu khí; hoá chất; xúc tiến thương mại; kinh doanh xăng dầu; kinh doanh khí; kinh doanh, sản xuất thuốc lá và thuốc lá; chợ; vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; an toàn điện; an toàn vệ sinh lao động; thương mại, xuất nhập khẩu và hoạt động của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm hàng hoá; điện lực; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thương mại điện tử; tiết kiệm năng lượng và hiệu quả; khuyến công; kinh doanh khoáng sản; công nghiệp hỗ trợ; ô tô…
Theo dự thảo xây dựng, Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 và hết hiệu lực kể từ ngày 01/3/2027 trừ trường hợp Bộ, cơ quan ngang Bộ báo cáo Chính phủ đề xuất và được Quốc hội quyết định kéo dài thời gian áp dụng toàn bộ hoặc một phần Nghị định;…
Tham gia ý kiến tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo một số UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị định do Bộ Công Thương xây dựng trình Chính phủ. Đồng thời đề xuất bổ sung phân quyền, phân cấp và chưa phân cấp cho UBND cấp tỉnh một số nội dung liên quan đến việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa; giấy phép xuất nhập khẩu; ứng phó sự cố hoá chất; hoạt động phân phối, buôn bán điện…
Hội nghị trực tuyến đến các tỉnh, thành phố (Ảnh chụp màn hình).
Tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị định, đồng chí Nguyễn Thành Sinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết sau khi nghiên cứu dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị định, tỉnh Lào Cai cơ bản nhất trí với các nội dung phân cấp một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương. Đề ghị bổ sung phân cấp thực hiện một số nhiệm vụ thuộc lĩnh vực công thương khi không còn chính quyền cấp huyện như dự thảo lần 1; hoàn thiện đầy đủ trình tự, thủ tục đối với các nhiệm vụ được phân cấp cho UBND cấp tỉnh để tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ.
Đồng chí Nguyễn Thành Sinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị định.
Đối với các nội dung phân cấp cho UBND cấp tỉnh: Đề xuất chưa phân cấp cho UBND cấp tỉnh phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất vì đội ngũ cán bộ chuyên môn về lĩnh vực hoá chất tại địa phương còn rất hạn chế. Đề nghị không phân cấp nhiệm vụ chỉ đạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về phát triển và quản lý chợ cho UBND cấp tỉnh do Bộ Công Thương có trường đào tạo nghiệp vụ và cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về nội dung này. Đề nghị chưa phân cấp cho UBND cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh phương án bảo vệ đập, hồ chứa thuỷ điện quan trọng đặc biệt vì khả năng chuyên môn của các địa phương chưa tổ chức thực hiện được.
Đồng thời đề nghị bổ sung phân cấp cho UBND cấp tỉnh: Xác nhận hoặc không xác nhận việc thương nhân có trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh tổ chức cho thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ, triển lãm tại nước ngoài; cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn trên địa bàn tỉnh để thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; cấp phép quá cảnh đối với hàng hoá thuộc danh mục cấp xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu, cấm kinh doanh, điều tiết hàng hoá tạm nhập tái xuất không hiệu quả. Đề nghị quy định rõ phân cấp cho địa phương nào cấp giấy phép hoạt động phân phối, bán buôn điện, bán lẻ điện có phạm vi hoạt động trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên. Cần nêu rõ trường hợp đặc biệt trong xử lý thuốc lá giả, thuốc lá nhập để việc thực hiện thống nhất, thuận tiện… Đối với các nội dung khác trong dự thảo Nghị định, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham gia góp ý bằng văn bản gửi về Bộ Công Thương trong thời gian sớm nhất.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết trong thời gian ngắn, Hội nghị đã nhận được 10 ý kiến tham gia góp ý của các địa phương vào dự thảo Nghị định phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Đối với đề xuất phân cấp, phân quyền đến cấp xã, Vụ Pháp chế của Bộ Công Thương vừa thông tin với địa phương tại Hội nghị và chúng tôi sẽ nghiên cứu làm rõ phạm vi điều chỉnh của Nghị định này. Đối với đề xuất liên quan đến việc bổ sung, phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực cụ thể; Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm trên tinh thần kiến nghi Chính phủ phân cấp, phân quyền triệt để, tối đa cho địa phương. Cùng với đó mong muốn được trao đổi thêm các vấn đề liên quan về nguồn lực, cách thức triển khai để giúp cho các địa phương thực hiện một cách nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả nhất.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu kết luận Hội nghị (Ảnh chụp màn hình).
Đồng chí Thứ trưởng khẳng định Bộ Công Thương sẽ cố gắng tiếp thu tối đa ý kiến của các tỉnh, thành phố để hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ. Sau Hội nghị ngày hôm nay, đề nghị các địa phương tham gia góp ý bằng văn bản gửi về Bộ Công Thương chậm nhất trước ngày 29/5/2025 để tổng hợp, hoàn thiện; gửi Bộ Tư pháp thẩm định, sớm trình Chính phủ ban hành đảm bảo thời hạn quy định.
Tuy một số nội dung thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại sẽ được phân cấp, phân quyền cho địa phương và trong thời gian đầu có thể gặp lúng túng, vướng mắc nhất định nhưng Bộ Công Thương cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các địa phương để tiếp tục thực hiện việc phân cấp, phân quyền đảm bảo hiệu lực, hiệu quả./.