Hội đồng Dân tộc khảo sát Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Lào Cai
Tham dự buổi làm việc, về phía Đoàn khảo sát có đồng chí Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng Đoàn cùng đại diện lãnh đạo Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Vụ Dân tộc thuộc Hội đồng Dân tộc.
Tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát, về phía tỉnh Lào Cai có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng điều phối các chương trình MTQG tỉnh; lãnh đạo UBND và phòng, ban chuyên môn các huyện, thị xã, thành phố.
Quang cảnh buổi làm việc.
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Dân tộc và Tôn giáo cho biết hiện nay tỉnh Lào Cai đang triển khai 10 dự án với 12 tiểu dự án, 37 nội dung thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 được giao vốn 4.556.769 triệu đồng; đến nay đã giải ngân được 2.918.152 triệu đồng, đạt 64,1% Kế hoạch.
Sau 03 năm triển khai thực hiện Chương trình đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh giảm qua từng năm. N ăm 2022 là 25.506 hộ, chiếm 24,13% thì đến năm 2024 còn 19.484 hộ, chiếm tỷ lệ 18,3%. Tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào DTTS là 5,83%, đạt 97,2% mục tiêu Trung ương giao (giảm trên 06%). Dần đưa các xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, hiện tại có 07/33 xã thoát diện đặc biệt khó khăn, đạt 21,2% mục tiêu Trung ương giao. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn từng bước được đầu tư nâng cấp, mở rộng; nổi bật là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường lớp học, nhà ở dân cư.
Với việc tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đồng bộ cho địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, năm 2024, tỉnh Lào Cai đạt 23/29 chỉ tiêu. Tuy nhiên quá trình tiếp cận, nghiên cứu, triển khai thực hiện các nội dung Chương trình của đội ngũ cán bộ, công chức triển khai ở các cấp địa phương còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn; tiến độ triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình hàng năm còn chậm; một số chỉ tiêu thực hiện Chương trình chưa đạt. Trong năm 2024 do chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 (Bão Yagi) nên một số nội dung, dự án thành phần không tiếp tục triển khai, phải điều chỉnh, bổ sung, dừng thực hiện...; từ đó ảnh hưởng tới tiến độ, kết quả thực hiện Chương trình.
Đồng chí Nguyễn Xuân Nhẫn, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình.
Lãnh đạo Sở Dân tộc và Tôn giáo báo cáo rõ hơn về khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình MTQG như: Dự án 1 thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; dự án 2 về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; nội dung 1, 2, 3, tiểu dự án 2, dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu, hỗ trợ mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; dự án 4 định mức hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng một số lĩnh vực còn thấp; dự án 5 hệ thống các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp công lập tỉnh có vai trò phát triển nguồn nhân lực nhưng chưa nằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; dự án 7, 8 một số vướng mắc về chuyên môn chưa có hướng dẫn hoặc triển khai từ trung ương…

Tại buổi làm việc, đồng chí Trưởng Đoàn khảo sát đề nghị tỉnh Lào Cai đánh giá tính phù hợp, chưa phù hợp trong việc thực hiện từng chính sách; qua đó thấy được tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; nội dung nào cần lược bỏ, nội dung nào còn khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để tiếp tục thực hiện trong thời gian sắp tới. Các đại biểu huyện, sở, ngành thông tin cụ thể về kết quả thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung Chương trình; hiệu quả trên thực tế đời sống; khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị.
Lãnh đạo UBND huyện Mường Khương, Bảo Thắng báo cáo một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình trên địa bàn.
Lãnh đạo sở, ngành tỉnh đề xuất, kiến nghị một số nội dung với Đoàn khảo sát.
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, các địa phương cho rằng: Chương trình được thiết kế xây dựng để thực hiện trong phạm vi cả nước nên có dự án, nội dung phù hợp với địa phương này nhưng lại khó khăn với địa phương khác. Chương trình triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 nhưng văn bản hướng dẫn ban hành còn chưa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ. Trong quá trình triển khai, có những tiểu dự án hết đối tượng thực hiện nhưng không được phép điều chuyển nguồn vốn; việc sắp xếp dân cư còn gặp vướng mắc về đất đai; nguồn kinh phí hỗ trợ một số mô hình còn ít; phân bổ nguồn vốn đầu tư, vốn sự nghiệp còn muộn…
Đồng thời đề xuất, kiến nghị có hướng dẫn hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị các đối tượng không phải hộ nghèo, hộ cận nghèo; giải quyết vướng mắc về đất đai để thực hiện bố trí, sắp xếp dân cư; ban hành tiêu chí mới về xác định xã khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; sớm xác định đối tượng thực hiện các dự án, tiểu dự án để có thời gian thực hiện, thụ hưởng chính sách; rà soát, sắp xếp, rút gọn số lượng các dự án, tiểu dự án, nội dung đảm bảo thuận lợi cho các địa phương trong quá trình thực hiện; cho phép địa phương điều chuyển nguồn vốn từ dự án không còn đối tượng sang dự án khác, kéo dài nguồn vốn năm 2025 sang năm 2026 để đảm bảo tỷ lệ giải ngân; đề xuất trung ương sớm phân bổ nguồn vốn để địa phương thực hiện, đảm bảo các đối tượng được thụ hưởng đầy đủ chính sách; phân định rõ nhiệm vụ của Trung ương, nhiệm vụ của địa phương trong việc triển khai thực hiện Chương trình; các cơ chế, chính sách trong giai đoạn 2026 - 2030 cần ban hành trước đó để thuận lợi cho các địa phương thực hiện Chương trình…

Đồng chí Đặng Tiến Hùng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trao đổi, giải đáp một số ý kiến của đại biểu tỉnh Lào Cai.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh việc triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương và mong muốn Chương trình tiếp tục được triển khai hiệu quả trong giai đoạn tới. Các ý kiến của Đoàn khảo sát tại buổi làm việc ngày hôm nay, tỉnh Lào Cai trân trọng tiếp thu và sẽ điều chỉnh nội dung, hoàn thiện Báo cáo gửi lại Đoàn khảo sát trong thời gian sớm nhất.
Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương, từ ngày 01/7/2025 sẽ kết thúc hoạt động của cấp huyện, chính quyền chỉ còn 02 cấp tỉnh và cấp xã, trong đó cấp xã sắp xếp, sáp nhập giảm 60 - 70%. Hiện, tỉnh Lào Cai có 151 xã, phường, thị trấn, theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và lấy ý kiến của Nhân dân vừa qua, trên địa bàn tỉnh sắp xếp lại còn 48 xã, giảm hơn 68%. Các xã sáp nhập lần này có thể là xã vùng I, II, III và cả xã với phường nhằm tạo không gian phát triển; đây là vấn đề cần quan tâm trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Trước mắt chưa có hướng dẫn mới, đề xuất các dự án ở xã cũ đang thực hiện chính sách như thế nào thì tiếp tục thực hiện đến hết năm 2025. Sau khi bỏ cấp huyện cần tiếp tục thực hiện việc thanh quyết toán các dự án đảm bảo quy định; đề nghị duy trì 01 bộ phận ở xã chính đảm đương thực hiện việc thanh quyết toán hoặc nếu dự án triển khai trên địa bàn nhiều xã mới thì việc thanh quyết toán có thể do cấp tỉnh thực hiện.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh phát biểu tại buổi làm việc.
Hiện, Lào Cai có 02 huyện triển khai Nghị quyết 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình MTQG là Bắc Hà và Mường Khương. Tuy nhiên từ tháng 7/2025 sẽ bỏ cấp huyện, trong khi hiệu quả thực hiện đạt được rất cao, đề xuất cho các xã thuộc 2 huyện này tiếp tục được thực hiện Nghị quyết 111 cho đến hết năm 2025. Cùng với đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị bổ sung một số thẩm quyền, chức năng cho cấp xã, ví dụ như thu hồi đất, giao đất, xử phạt vi phạm hành chính… việc này cần thực hiện sớm để đảm bảo việc triển khai thực hiện Chương trình được nối tiếp, thống nhất, không ngắt quãng.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng Đoàn ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của tỉnh Lào Cai trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt Chương trình; phát huy sức mạnh của người dân cùng tham gia Chương trình. Đến nay, cơ bản các chỉ tiêu đã đạt, một vài chỉ tiêu chưa đạt do nhiều yếu tố, nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Đồng chí Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc kết luận buổi làm việc.
Đồng chí đề nghị trong thời gian tới cần tập trung xây dựng đánh giá tổng kết Chương trình giai đoạn 2021 - 2025. Sở Dân tộc và Tôn giáo đánh giá lại việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án và 37 nội dung. Các huyện đánh giá tổng kết Chương trình sát thực tiễn, thực chất, rõ số liệu, nhận định, đánh giá phải có cơ sở, chỉ ra những nội dung phù hợp, chưa phù hợp. Những nội dung tỉnh Lào Cai đề xuất tại buổi làm việc hôm nay, Đoàn khảo sát tiếp nhận, đề xuất cấp có thẩm quyền trên tinh thần tiếp tục kéo dài thực hiện Chương trình cho đến hết năm, giai đoạn, không để trống, không để dừng.
Đề nghị tỉnh Lào Cai tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện Chương trình trong tình hình mới; tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia Chương trình; chủ động lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình, trên cơ sở đó đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp…/.