Tăng cường quản lý các dự án khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 96
CTTĐT - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ký ban hành văn bản số 3306/UBND-KT ngày 21/6/2024 giao các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý các dự án khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Tại văn bản, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ:

Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Rà soát tổng thể các dự án trong lĩnh vực khoáng sản về đầu tư để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đồng thời kiên quyết xử lý hoặc thu hồi các dự án triển khai không đúng chấp thuận chủ trương đầu tư, vi phạm các quy định về đầu tư; tăng cường thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ và đột xuất theo quy định. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp triển khai, thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và cơ quan, đơn vị liên quan rà soát kỹ lưỡng việc chấm dứt hoạt động đầu tư, thu hồi dự án đầu tư đối với các dự án đã tổ chức khai thác mà vẫn còn khoáng sản đảm bảo đúng quy định, phù hợp với thực tiễn quản lý Nhà nước đối với từng loại khoáng sản. Quá trình triển khai phải dự báo, xem xét đến giải pháp quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Tiếp tục nâng cao công tác thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của các dự án hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó thẩm định làm rõ tiến độ, năng lực, kinh nghiệm, tài chính, công nghệ để thực hiện các dự án khai thác, chế biến khoáng sản một cách hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định.

Sở Công Thương: Tiếp tục rà soát các khó khăn vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch khoáng sản của Trung ương, địa phương (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng) so với các Quy hoạch khác liên quan (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ phát triển rừng, quy hoạch đô thị, quy hoạch năng lượng...) để đảm bảo đồng bộ, thống nhất, kịp thời và phù hợp với thực tế địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm theo quy định đối với các vi phạm trong khai thác, chế biến, tiêu thụ khoáng sản.

Sở Xây dựng: Rà soát các khó khăn vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng của Trung ương, địa phương so với các Quy hoạch khác liên quan (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ phát triển rừng, quy hoạch đô thị, quy hoạch năng lượng...) để đảm bảo đồng bộ, thống nhất và phù hợp với quy định pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm theo quy định đối với các vi phạm trong khai thác, chế biến, tiêu thụ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tích cực tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp có công nghệ xử lý chất thải Gyps làm vật liệu xây dựng theo chỉ dẫn của Bộ Xây dựng. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đẩy mạnh việc nghiên cứu, cải tiến, ứng dụng khoa học, công nghệ mới trong khai thác, chế biến khoáng sản để nâng cao hiệu quả, an toàn của dự án, tránh lãng phí tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường:

Về công tác quản lý đất đai đối với các dự án khoáng sản: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về đất đai và chỉ đạo khắc phục ngay những tồn tại hạn chế về đất đai đã được chỉ ra tại các kết luận thanh tra, kiểm tra gắn với tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng đất đai trong hoạt động khoáng sản.

Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng: Chủ động nghiên cứu, tổ chức làm việc chuyên đề với các chủ đầu tư, các địa phương và các cơ quan liên quan để tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện và phân loại các tồn tại, vướng mắc để đề xuất cơ chế, giải pháp khắc phục, giải quyết theo quy định. Chủ động nghiên cứu kỹ lượng quy định của Luật Đất đai năm 2024 để có kế hoạch tổ chức thực hiện kịp thời.

Về việc cấp phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền: Tiếp tục rà soát nội dung các giấy phép khoáng sản do tỉnh cấp để quản lý hoạt động của các điểm mỏ theo đúng giấy phép; không để phát sinh tình trạng khai thác vượt công suất sai quy định, khai thác ngoài phạm vi cấp phép.

Phối hợp rà soát các Giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp để kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phát sinh trên địa bàn; thống nhất phương án quản lý, sử dụng quặng apatit loại IV xen kẹp, quặng sắt deluvi.

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ khoáng sản thuộc thẩm quyền của tỉnh. Chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn nguyên, đóng cửa mỏ đối với các mỏ đã đủ điều kiện, đồng thời báo cáo, trình cấp có thẩm quyền đưa ra khỏi quy hoạch để tạo điều kiện cho việc khai thác, sử dụng quỹ đất. Tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc cấp phép hoặc gia hạn khai thác mỏ Quý Xa khi được đề nghị.

Đối với các dự án khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, đá, sỏi, sét…): Chủ trì, rà soát kỹ về quy trình, trình tự, thủ tục hành chính trong việc cấp phép, khai thác, chế biến, tiêu thụ, công tác đấu giá, chuyển nhượng dự án, giá bán… kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về khai thác, quản lý sử dụng đất, khai báo, kê khai sản lượng khoáng sản khai thác không đúng thực tế... Đồng thời, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đưa vào khai thác đối với các dự án đã đảm bảo thủ tục pháp lý để đáp ứng nguồn cung vật liệu cho hoạt động xây dựng trên địa bàn.

Về công tác bảo vệ môi trường: Đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đóng cửa mỏ, hoàn nguyên môi trường đối với các mỏ đã hết hạn giấy phép để bàn giao đất cho địa phương quản lý. Tính toán kỹ lưỡng việc đóng cửa mỏ đối với các mỏ khoáng sản còn trữ lượng hoặc vẫn được đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác giai đoạn sau. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại các điểm mỏ, khu công nghiệp, nhà máy chế biến khoáng sản để tránh xảy ra các sự cố về môi trường.

Sở Tài chính: Tăng cường công tác quản lý giá vật liệu xây dựng trên địa bàn nhằm bảo đảm phù hợp theo quy định, tránh thất thu ngân sách nhà nước.

Cục Thuế tỉnh: Kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, tiêu thụ sử dụng khoáng sản phụ đi kèm khoáng sản chính (như đá, sỏi đi kèm cát; vàng, bạc đi kèm đồng…) để tránh thất thu ngân sách nhà nước. Đôn đốc việc thu nộp ngân sách nhà nước đối với các đơn vị hoạt động khoáng sản, đồng thời có các giải pháp linh hoạt để doanh nghiệp có đủ điều kiện, khả năng nộp ngân sách. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kê khai nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhất là đối với khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường.

UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động quản lý các dự án khoáng sản tại địa phương theo thẩm quyền. Thực hiện quản lý chặt chẽ các điểm mỏ khoáng sản sau thu hồi, đóng cửa mỏ. Đề xuất Quy hoạch sử dụng đất đối với các dự án khoáng sản hết hạn giấy phép đã được đóng cửa mỏ, hoàn nguyên môi trường theo quy định.

Chủ động, thường xuyên phối hợp với Nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình, dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất; bổ sung, cập nhật, hoàn thiện các quy hoạch đối với các điểm mỏ làm VLXDTT để Nhà đầu tư chủ động triển khai các thủ tục pháp lý của dự án.

Đối với các dự án khai thác, chế biến quặng đồng: Giao UBND thành phố Lào Cai, UBND huyện Bát Xát chủ động phối hợp với Chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thành công tác bồi thường GPMB toàn bộ phạm vi mỏ đồng Sin Quyền, giai đoạn 2 mỏ đồng Tả Phời. Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án và an toàn hồ, đập thải tại các mỏ đồng Sin Quyền và Tả Phời.

Tổ chức bảo vệ và tăng cường công tác quản lý chặt chẽ khoáng sản chưa khai thác theo các quy định của Luật Khoáng sản và Quyết định số 2426/QĐUBND ngày 06/10/2023 của UBND tỉnh phê duyệt Phương án quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đặc biệt là đối với các khu vực có mỏ đất hiếm trên một số địa bàn như: Mỏ đất hiếm Mường Hum thuộc huyện Bát Xát và thị xã Sa Pa; Mỏ đất hiếm Bến Đền thuộc huyện Bảo Thắng và thành phố Lào Cai; Mỏ đất hiếm Tân An, huyện Văn Bàn; Khu vực dự trữ đất hiếm vỏ phong hoá Cam Cọn - Tân Thượng thuộc huyện Bảo Yên và huyện Văn Bàn.

Chủ động tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường từ các lòng sông, suối của các đơn vị khai thác trên địa bàn. Kịp thời phát hiện ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, khai thác ngoài phạm vi được cấp phép và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền. Có các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản./.

CTTĐT
  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1