Bão số 3 và hoàn lưu bão gây thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo, Thủ trưởng các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, lãnh đạo UBND, sở, ngành, địa phương của 26 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu bão.
Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Nguyễn Trọng Hài, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương.
Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và tinh thần của Nhân dân. Hậu quả và những ảnh hưởng của cơn bão là hết sức nặng nề. Ngày 17/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143-NQ/CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Gần đây nhất vào ngày 27/9/2024 đã ban hành Công điện số 100/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ.
Với tinh thần “Tất cả vì Nhân dân, tất cả vì sự phát triển đất nước”, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung vào các nội dung chính: Công tác chỉ đạo, lãnh đạo đã trúng, đã đúng chưa; công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai đã kịp thời, chủ động chưa; những việc đã làm được, làm tốt; chỉ rõ những việc làm chưa tốt, tồn tại, hạn chế, khó khăn; rút ra các bài học kinh nghiệm và đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu nhanh chóng ổn định tình hình đời sống Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2024; là tiền đề triển khai thực hiện các mục tiêu năm 2025.
Các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Lào Cai theo dõi phóng sự về cơn bão số 3 và hoàn lưu bão.
Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh, dị thường, có sức tàn phá rất lớn với 6 đặc điểm chưa có tiền lệ: (1) Cường độ bão tăng rất nhanh, trong 48 giờ cường độ bão tăng 8 cấp; (2) Duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài và là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền; (3) Thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài 12 giờ; (4) Hoàn lưu bão gây mưa lớn toàn Bắc Bộ và Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố); (5) Khu vực Bắc Bộ xuất hiện lũ lớn, đặc biệt lớn diện rộng, trong đó lũ lịch sử xuất hiện trên 07 tuyến sông; (6) Mưa lớn kéo dài, gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh Miền núi và Trung du Bắc Bộ, nhất là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng,…
Do bị tác động dồn dập trong thời đoạn rất ngắn của các loại hình thiên tai cực đoan, đặc biệt là sạt lở đất, lũ quét đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương. Theo số liệu cập nhật đến ngày 27/9, bão số 3 và hoàn lưu bão làm 344 người chết, mất tích, 1.976 người bị thương; 281.966 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 112.034 nhà bị ngập. Cùng với các thiệt hại khác về sản xuất nông nghiệp, hệ thống điện, thông tin liên lạc, hạ tầng y tế, giáo dục, sự cố đê điều, thủy lợi, giao thông… Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng; hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, đánh giá và cập nhật thống kê thiệt hại.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội đã báo cáo những mặt được, những khó khăn, hạn chế, những vấn đề cần rút kinh nghiệm về công tác dự báo, cảnh báo bão số 3 và mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét sau bão; kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão theo Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ; công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, khôi phục sản xuất kinh doanh thuộc ngành, lĩnh vực, trên địa bàn đến nay. Công tác cảnh báo, dự báo còn hạn chế, nhất là đối với việc dự báo lượng mưa lớn trên 200mm; chưa dự báo được việc lũ lên nhanh tại các sông với mực nước vượt đỉnh lũ lịch sử và các chỉ số cực đoan, bất thường; dự báo chi tiết sạt lở đến từng thôn, bản chưa triển khai thực hiện được…
Tại Lào Cai, theo số liệu cập nhật đến ngày 27/9/2024, Bão số 3 và hoàn lưu bão đã làm 151 người chết, mất tích, 86 người bị thương; gần 13.600 nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi, hư hỏng công trình phụ trợ, nằm trong khu vực nguy hiểm phải di chuyển; trên 7.624 ha lúa, hoa màu, thủy sản và các loại cây trồng khác bị thiệt hại; nhiều công trình giao thông, y tế, văn hoá, giáo dục, điện, viễn thông, thủy lợi… bị hư hỏng. Ước thiệt hại về kinh tế ban đầu khoảng 6.848 tỷ đồng.
Đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cho biết trước diễn biến của cơn bão số 3, địa phương đã bám sát tình hình thực tế, chỉ đạo của Trung ương, Đảng, Chính phủ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, khẩn trương triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do bão gây ra với tinh thần “khẩn trương, quyết tâm cao nhất, hạn chế tối đa mức độ thiệt hại”. Tuy nhiên đây là cơn bão lịch sử, chưa từng có tiền lệ trên địa bàn tỉnh Lào Cai với sức tàn phá rất lớn; ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống Nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện nay Lào Cai đang tiếp tục công tác tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; khắc phục thiệt hại về nhà ở; rà soát thiệt hại về hạ tầng cơ sở trường học, giao thông…; khôi phục sản xuất, tập trung chuyển đổi cây trồng; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dịch vụ, xây dựng cơ bản về thủ tục, thuế phí; phối hợp rà soát đề xuất giãn, hoãn, khoanh nợ vốn vay; dừng, hoãn các cuộc thanh tra, kiểm tra, diễn tập; phân khai nguồn lực của Thủ tướng Chính phủ và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ địa phương.
Qua ảnh hưởng, thiệt hại do cơn bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra, Lào Cai nhận thấy còn một số hạn chế và rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên và tìm kiếm cứu nạn như: Công tác dự báo, cảnh báo tại một số địa bàn chưa chuẩn xác; khả năng chống chịu, thích ứng chưa tốt đối với địa bàn vùng cao, miền núi; phản ứng trong việc chống đỡ của nhiều nơi còn lúng túng, chưa tốt; phương tiện, trang thiết bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tối đa về kinh phí cho các tỉnh để khẩn trương khắc phục thiệt hại. Chính phủ xem xét, sớm có cơ chế đầu tư công đặc biệt cho các tỉnh, thành bị ảnh hưởng thiên tai; trong đó ưu tiên cấp bách là hỗ trợ về nhà ở cho người dân. Cho phép các địa phương bị thiệt hại điều chỉnh lại cách thức bố trí, giải ngân vốn đầu tư công; trong đó có nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia để các địa phương có nguồn lực khắc phục hậu quả bão lũ, tăng cường khả năng thích ứng với thiên tai của các công trình hạ tầng. Nâng cao chất lượng dự tính, dự báo, cảnh báo thiên tai. Xem xét, hỗ trợ một số giống cây trồng cho tỉnh Lào Cai từ nguồn dự trữ Quốc gia để khôi phục sản xuất bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Các trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ cần chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận Hội nghị.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương đã bám sát tình hình thực tế, quyết liệt, chủ động, cụ thể, kịp thời, từ sớm, từ xa; đã huy động lực lượng toàn dân, toàn xã hội thực hiện công tác ứng phó, phòng, chống thiên tại, cứu nạn cứu hộ, khắc phục hậu quả bão lũ. Cơn bão số 3 có cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản; qua đây chúng ta thấy được tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tương thân tương ái, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”… được thể hiện rất rõ.
Bên cạnh những việc đã làm được, có những việc còn hạn chế, tồn tại với cả nguyên nhân chủ quan, khách quan trong công tác phòng, chống thiên tại của các cấp, các ngành, địa phương. Qua đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra 05 bài học kinh nghiệm: (1) Công tác dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm, từ xa. (2) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phải bám sát tình hình thực tế, quyết liệt, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, có trọng tâm, trọng điểm, tất cả vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc, của Nhân dân. (3) Đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản của Nhân dân, doanh nghiệp, Nhà nước lên trước hết, huy động các nguồn lực, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. (4) Tính chủ động, tích cực của các bộ, ban, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chỉ đạo của cấp trên để triển khai thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả. (5) Coi trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kỹ năng phòng chống, khắc phục bão lũ.
Thủ tướng Chính phủ cũng biểu dương một số tỉnh, thành phố: Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng đã rất chủ động, nỗ lực, kịp thời, nhanh chóng trong triển khai công tác ứng phó, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng chí yêu cầu các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, địa phương thời gian tới cần bám sát, tích cực triển khai hiệu quả các nội dung tại Nghị quyết số 143-NQ/CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát; Công điện số 100/CĐ-TTg tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ…/.