Tỉnh Lào Cai tham dự Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia
Lượt xem: 137
CTTĐT - Chiều 24/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia đã chủ trì Phiên họp Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia lần thứ nhất về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Đồng chủ trì có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Phiên họp được truyền hình trực tuyến đến UBND các tỉnh, thành phố và kết nối trực tuyến đến các xã, phường, đặc khu trong cả nước.
anh tin bai
 
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.

Tại điểm cầu tỉnh Lào Cai, đồng chí Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh dự Hội nghị.

Hội nghị đã nghe công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Phòng thủ quốc gia (Ban Chỉ đạo) trên cơ sở tổ chức lại Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn. Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban chỉ đạo; Các Phó trưởng ban gồm: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (Phó Trưởng Ban thường trực); Bộ trưởng Quốc phòng - Đại tướng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Công an - Đại tướng Lương Tam Quang; Quyền Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng; Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo thay mặt Tổng Bí thư Tô Lâm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân, gia đình có người thiệt mạng, mất tích trong vụ chìm tàu Vịnh Xanh 58 và do mưa bão, lũ lụt cũng như những mất mát, thiệt hại to lớn về tài sản của bà con tỉnh Nghệ An những ngày qua.

Năm 2024, tại Việt Nam thiên tai xảy ra rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình trên khắp các vùng miền trên cả nước, trong đó một số loại hình thiên tai lớn, diện rộng với 10 trận bão, 240 trận mưa lớn, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất, 278 trận dông lốc, sét, mưa đá, 472 trận động đất, 4 đợt rét hại, 19 đợt gió mạnh trên biển, 17 đợt nắng nóng,… đã làm 519 người chết, mất tích; gây thiệt hại lớn về người và tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 91.622 tỷ đồng. Từ đầu năm 2025 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường… đã làm 114 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 553 tỷ đồng.

Trước diễn biến thiên tai cực đoan, khốc liệt, cả hệ thống chính trị, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương, các lực lượng vào cuộc và phát huy tốt phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt là sự chủ động của người dân và các cấp chính quyền cơ sở. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện quyết liệt từ sớm, từ xa với phương châm chỉ đạo “chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất”; công tác khắc phục hậu quả được thực hiện với tinh thần đại đoàn kết, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tương thân, tương ái.

4 kinh nghiệm của tỉnh Lào Cai trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Năm 2024, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra 58 đợt thiên tai; đã làm chết 200 người, 12 người mất tích, 152 người bị thương, 47.600 nhà ở bị ảnh hưởng và thiệt hại; nhiều ha lúa, mạ, hoa màu, rau màu, cây ăn quả, hàng trăm nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; rất nhiều các công trình cơ sở vật chất bị hư hỏng. Ước tổng giá trị thiệt hại về kinh tế trên 13.300 tỷ đồng.

Riêng trong 7 tháng đầu năm 2025, thiên tai đã làm chết 6 người, 4 người bị thương, 1.151 nhà ở bị ảnh hưởng và thiệt hại, ước tổng giá trị thiệt hại về kinh tế: 25,84 tỷ đồng.

Trước diễn biến khó lường của thiên tai, tỉnh Lào Cai đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

anh tin bai
 
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phát biểu tại Phiên họp.

Phát biểu tại Phiên họp, đồng chí Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã chia sẻ những kinh nghiệm của tỉnh trong việc ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai đó là: (1) Nhanh chóng tiếp cận hiện trường nhằm đưa máy móc thiết bị vào vùng bị ảnh hưởng để kịp thời đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, đảm bảo thông tin liên lạc xuyên suốt để phục vụ tìm kiếm cứu nạn, phục vụ xây dựng khu tái định cư và đảm bảo cuộc sống người dân. (2) Thăm hỏi động viên các gia đình có người chết, mất tích, bị thương; thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội; đảm bảo lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân bị thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất; (3) Bố trí chỗ ở tạm thời để người dân ổn định cuộc sống trước mắt; lựa chọn vị trí san lấp mặt bằng để xây dựng khu tái định cư lâu dài cho các hộ dân ổn định lâu dài; (4) Khôi phục sinh kế cho người dân, ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp như: hỗ trợ giống, cây, con, phân bón giúp người dân sớm khôi phục sản suất, ổn định cuộc sống; làm việc với các ngân hàng nhằn gia hạn nợ cho khách vay thiệt hại vì bão…

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cũng đề xuất Chính phủ sớm chỉ đạo xây dựng nâng cao độ chính xác của bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để giúp các địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí khu dân cư an toàn, thực hiện công tác phòng chống thiên tai được chủ động, kịp thời, hiệu quả; Hỗ trợ trang thiết bị, phần mềm quan trắc, cảnh báo sớm thiên tai và điều hành hồ chứa tự động. Tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho cán bộ phòng chống thiên tai cấp xã và cán bộ vận hành hồ chứa.

anh tin bai

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, tần suất và thiệt hại gia tăng dù chưa vào chính vụ. Do đó, công tác ứng phó và khắc phục hậu quả tại địa phương cần chủ động, linh hoạt hơn để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện nguyên tắc “3 phải” trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: Phòng ngừa từ sớm, từ xa; ứng phó bình tĩnh, kịp thời, hiệu quả; khắc phục toàn diện, huy động sức dân. Cần chủ động tích trữ nguồn lực, đảm bảo cung ứng nhu yếu phẩm, không để thiếu hụt hay phát sinh dịch bệnh trong và sau thiên tai.

Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân di dời đến nơi an toàn, tránh tâm lý chủ quan gây thiệt hại về người. Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phòng thủ dân sự. Việc xả lũ phải tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, không để xảy ra vỡ đập, vỡ đê. Đồng thời, tiếp tục củng cố hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng, đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân trong và sau thiên tai.

 

 

          

Thanh Thuỷ
Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
  • Phim tài liệu: Lào Cai - Yên Bái: Cùng nhau bước đi, chạm tay đến ước mơ
    (19/04/2025)
  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1