CTTĐT- Sáng 7/ 3, UBND tỉnh tổ chức họp, nghe các sở,
ngành, địa phương báo cáo tình hình triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về Hỗ trợ
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017 – 2020,
định hướng đến năm 2025.
Đồng chí Đặng Xuân
Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Tham dự có lãnh đạo Văn
phòng UBND tỉnh; Lãnh đạo các sở ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc
Theo báo cáo tại hội nghị, sau gần 5 tháng triển khai Kế hoạch số
274/KH-UBND, ngày 24/10/2017 của UBND tỉnh Lào Cai về Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp
đổi mới sáng tạo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025,
các đơn vị thành viên được phân công đã và đang tiến hành thực hiện các phần việc
của mình. Trong đó có một số hoạt động đó là: Tỉnh đoàn Lào Cai đã tổ chức Lễ phát động Chương trình “Thanh niên Lào Cai sáng tạo khởi nghiệp, giai đoạn 2018 - 2020 và Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp “Startup ideas” lần thứ nhất. Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lào Cai; Tỉnh đoàn tuyên dương 04 gương thanh niên khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu năm 2017; phát động chương trình Thanh niên Lào Cai sáng tạo khởi nghiệp và cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp “Startup ideas” năm 2018; xây dựng và đang cập nhật thông tin trên chuyên mục “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lào Cai” trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh để tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức cá nhân trong toàn tỉnh;...

Đồng chí Hà Minh Tân , Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công
nghệ báo cáo tại buổi làm việc
Tuy nhiên, sau gần nửa năm thực hiện triển khai hai kế hoạch số 274 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025, trong 6 nhóm nhiệm vụ và 26 nhóm nhiệm vụ trong kế hoạch đề ra, hầu hết tất cả các hoạt động vẫn còn khá trầm lắng, rất cần sự vào cuộc tích cực hơn của các sở, ban, ngành, địa phương để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Đại biểu tham gia thảo luận tại buổi làm việc
Tại cuộc họp, đại
diện các Sở, ban, ngành, địa phương cùng đại diện các doanh nghiệp mong muốn và
đề xuất để thúc đẩy được tinh thần khởi nghiệp một cách thực chất, cần thiết
phải có một hội đồng thẩm định đối với những ý tưởng khả thi trong thực tiễn
cuộc sống. Cùng với đó phải có quỹ khởi nghiệp để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn
và các điều kiện tiếp cận nguồn vốn trong quá trình khởi nghiệp.

Giám đốc doanh nghiệp Huy Long tham gia ý kiến tại buổi
làm việc
Đại diện nhiều
doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh cũng cho rằng cùng với sự hỗ trợ
tích cực của chính quyền địa phương về đầu ra thị trường, việc hỗ trợ của các sở,
ngành khi tiếp cận hoặc phổ biến những chính sách pháp luật kinh doanh cần phải
được thực hiện một cách thường xuyên và trách nhiệm hơn. Đặc biệt cần có
những chính sách sự hỗ trợ về vốn cho những doanh nghiệp mới khởi
nghiệp.

Đồng chí Đặng Xuân Thanh- Phó chủ tịch UBND tỉnh
phát biểu kết luận buổi làm việc
Kết luận buổi làm
việc, đồng chí Đặng Xuân Thanh- Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Việc
phát động phong trào khởi nghiệp là hết sức cần thiết để thúc đẩy
mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng bằng cách tạo điều
kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức. Các ngành cần tăng cường công
tác tập huấn, học hỏi để tích lũy kinh nghiệm trong công tác tư vấn
khởi nghiệp. Về vấn đề nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp, đồng chí Phó
chủ tịch UBND tỉnh cho rằng cần kêu gọi sự vào cuộc của những doanh
nghiệp lớn để hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ mới khởi nghiệp, ưu tiên
những nhóm doanh nghiệp, những ý tưởng khởi nghiệp nhiều nhất. Đẩy mạnh công
tác tuyên truyền những mô hình hay.
Trong thời gian
tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương cần có
sự vào cuộc chung tay một cách tích cực. Tạo lập môi trường thuận lợi để
hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp
có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công
nghệ, mô hình kinh doanh mới, chú trọng cải cách thủ tục hành chính.
Đối với công tác đào tạo, cần phải tập trung,
đầu tư có trọng điểm; thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khởi
nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc hỗ trợ ban đầu từ chính
quyền địa phương như: hỗ trợ tuyên truyền, vận động tinh thần khởi
nghiệp, văn hóa khởi nghiệp cho cộng đồng, hỗ trợ không gian làm việc
cho Hệ sinh thái. Miễn giảm các chi phí về đất đai, thuế cho các
doanh nghiệp khởi nghiệp… Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 4.500 doanh
nghiệp hoạt động và làm ăn có lãi từ 50% trở lên./.
Kiều Chinh