Tài nguyên
Lượt xem: 12159
Tài nguyên đất Lào Cai có diện tích tự nhiên rộng 638.389 ha, độ phì nhiêu cao, rất màu mỡ, đa dạng bao gồm 10 nhóm đất với 30 loại đất chính, phù hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau, gồm đất phù sa, đất lầy, đất đen, đất đỏ vàng, đất mùn vàng đỏ, đất mùn alit trên núi, đất mùn thô trên núi, đất đỏ vàng bị biến đổi do trồng lúa, đất xói mòn mạnh trơ sỏi đá và đất dốc tụ.

Đặc điểm khí hậu xứ lạnh kết hợp với diện tích đất nông, lâm nghiệp dồi dào là lợi thế cho Lào Cai phát triển các loại nông sản đặc sản xứ lạnh có giá trị kinh tế cao như: rau, hoa, quả, dược liệu, thủy sản.v.v...  

Tình hình sử dụng đất tỉnh Lào Cai

Chỉ tiêu

2000

2005

2008

D/tích (ha)

 (%)

D/tích (ha)

(%)

D/tích (ha)

 (%)

Tổng diện tích

626.492

100

636.333

100

638.389

100

I. Nhóm đất nông nghiệp

286.323

45,70

352.883

55,46

385.585

60,40

1. Diện tích đất nông nghiệp

61.616

9,83

70.689

11,11

70.758

11,08

2. Diện tích đất lâm nghiệp

224.707

35,87

282.194

44,35

314.827

49,32

II. Nhóm đất phi N.nghiệp

13.060

2,08

29.62

4,65

32.826

5,14

1. Đất ở

2.722

0,43

3.217

0,51

3.437

0,54

2. Đất chuyên dùng

10.338

1,65

26.403

4,15

29.389

4,60

III. Nhóm đất ch­­ưa sử dụng

327.109

52,21

253.830

39,89

219.978

34,46

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Lào Cai, 2009

Lào Cai có hệ thống sông, suối được phân bố khá đều với 2 con sông lớn chảy qua là sông Hồng và sông Chảy. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hàng nghìn sông, suối, trong đó có 107 sông, suối dài từ 10 km trở lên.

Sông Hồng không những có vai trò quan trọng trong phát triển giao thương bằng đường thuỷ giữa Lào Cai - đầu mối của Việt Nam với Vân Nam - đầu mối quan trọng của miền Tây (Trung Quốc), mà nó còn tạo ra tiềm năng phát triển du lịch đường sông. Với lợi thế có cửa khẩu trên sông Hồng cho phép Lào Cai đảm nhận các hoạt động dịch vụ xuất nhập cảnh khách du lịch sông Hồng. Tuy nhiên, trong những năm qua sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố nằm trong lưu vực với Lào Cai chưa chặt chẽ và hiệu quả nên tiềm năng du lịch trên sông Hồng  chưa được khai thác, phát triển.

Hệ thống sông, suối dày với địa hình dốc tạo ra lợi thế cho Lào Cai trong phát triển thuỷ điện nhỏ và vừa. Theo quy hoạch phát triển công nghiệp, đến năm 2020, Lào Cai có trên 110 điểm có thể xây dựng thuỷ điện với tổng công suất lên đến 1.100 MW.

Nguồn nước ngầm của tỉnh khá dồi dào, trữ lượng ước tính 30 triệu m3, trữ lượng động khoảng 4.448 triệu m3 với chất lượng khá tốt. Ngoài ra, Lào Cai còn có bốn nguồn nước khoáng, nước nóng có nhiệt độ khoảng 400C và nguồn nước siêu nhạt (Sa Pa), hiện chưa được khai thác, sử dụng. Đây sẽ là tiềm năng lớn để phát triển du lịch.

Tài nguyên rừng

Lào Cai có diện tích rừng là 286.044,35 ha, chiếm 44,97% diện tích tự nhiên toàn tỉnh và chiếm 2,36% diện tích rừng cả nước; trong đó, diện tích rừng tự nhiên: 235.170,35 ha và 50.847 ha rừng trồng.

Thực vật rừng phong phú cả về số lượng loài và tính đa dạng, điển hình của thực vật. Riêng khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên đã thống kê có 2.847 loài thực vật thuộc 1.064 chi, 229 họ, 6 ngành, trong đó có nhiều loại quý hiếm như: Lát Hoa, Thiết Sam, Đinh, Nghiến, Pơ Mu, v.v... Động vật rừng có 442 loài chim, thú, bò sát, v.v.... trong đó, thú có 84 loài thuộc 28 họ, 9 bộ; chim có 251 loài thuộc 41 họ, 14 bộ; bò sát có 73 loài thuộc 12 họ.

Diện tích rừng lớn, thảm thực vật phong phú và sự đa dạng các loại động vật là lợi thế của tỉnh trong phát triển công nghiệp khai thác, chế biến lâm sản; du lịch.

Tài nguyên khoáng sản

Lào Cai là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, trữ lượng lớn và có tính đại diện về chủng loại của cả nước. Đến nay đã phát hiện được 150 mỏ và điểm mỏ với trên 30 loại khoáng sản, trong đó có một số mỏ khoáng sản đã được thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng như: mỏ Apatit với trữ lượng 2,5 tỷ tấn, mỏ sắt Quý Xa trữ lượng 124 triệu tấn, mỏ đồng Sinh Quyền trữ lượng 53 triệu tấn, mỏ Molipden Ô Quy Hồ trữ lượng 15,4 nghìn tấn, cụ thể:

- Quặng sắt: Phân bố ở Quý Xa bên bờ phải sông Hồng (xã Sơn Thuỷ, huyện Văn Bàn) có trữ lượng địa chất: 120 triệu tấn, trữ lượng khai thác: 98 triệu tấn, hàm lượng sắt trong quặng là 53%.

Hiện trạng cơ sở hạ tầng ngoài mỏ không thuận lợi đòi hỏi vốn đầu tư lớn, mặt khác năng lực vận chuyển của tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai còn hạn chế (không quá 500 ngàn tấn/ngày mỗi chiều) làm hạn chế hiệu quả và quy mô khai thác mỏ. Nếu sử dụng quặng trong nước mỏ nằm quá xa khu gang thép Thái Nguyên thì chi phí vận chuyển lớn.

- Quặng đồng: Lào Cai có 2 mỏ đồng là Sinh Quyền và Tả Phời. Mỏ đồng Sinh Quyền (dài 60 km từ suối Lũng Pô tới TP. Lào Cai) có trữ lượng địa chất: 53,5 triệu tấn, hàm lượng đồng trong quặng trung bình 1,03%. Đây là mỏ đa kim, ngoài đồng còn thu hồi được: vàng (trữ lượng: 34,7 tấn); đất hiếm (trữ lượng: 333.134 tấn); lưu huỳnh (trữ lượng: 843.100 tấn); bạc (trữ lượng: 25 tấn). Đây là mỏ đồng lớn nhất ở Việt Nam, có thể khai thác lộ thiên.

-  Apatit: Nguồn cung cấp nguyên liệu duy nhất cho công nghiệp sản xuất phân lân. Hiện tại, giá thành quặng còn cao do chi phí trong tuyển quặng lớn, đòi hỏi công nghiệp khai thác, tuyển quặng apatit cần nhiều đổi mới. 

-  Đá vôi và sét xi măng: Trữ lượng khoảng 2 triệu tấn dùng làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Sản phẩm xi măng này chất lượng không cao.

-  Sét gạch, ngói: Mỏ sét (Giang Đông) với trữ lượng 1,5 triệu tấn đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy gạch, ngói. Các mỏ sét đều nằm lộ thiên, khai thác dễ dàng.

-  Caolin: Mỏ cao lin Sơn Mãn trữ lượng khoảng 400 ngàn tấn, dùng cho công nghiệp sản xuất sứ dân dụng. Trong những năm tới cần đưa công nghệ tuyển hiện đại để tận dụng phụ gia cho công nghiệp giấy.

-  Fenspat: Đã phát hiện một số mỏ nhỏ cách thành phố Lào Cai khoảng 8 km trữ lượng: 5 triệu tấn, dùng làm men sứ, thuỷ tinh. 

Ngoài ra, Lào Cai còn có một số mỏ quặng có giá trị kinh tế cao như quặng Đôlomit (mỏ Cốc San) dùng làm vật liệu chịu lửa mác thấp, làm phụ gia cho luyện kim đen; quặng Grafit: mỏ Nậm Thi có trữ lượng khoảng 10 triệu tấn, hàm lượng các bon nghèo 8-20%, dùng làm bôi trơn, đúc, làm ruột bút chì.

Như vậy, Lào Cai có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, quý hiếm với trữ lượng lớn. Đây là sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Lào Cai phát triển các ngành công nghiệp như: Luyện kim, hoá chất, phân bón, vật liệu xây dựng, v.v….Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của tỉnh còn chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên năng suất và hiệu quả trong khai thác, chế biến khoáng sản chưa cao. Mặt khác, sự phát triển ngành công nghiệp này có giới hạn và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, trong khi Lào Cai có lợi thế rất lớn về phát triển du lịch (Sa Pa). Điều này đặt ra cho tỉnh cần có cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu tác động của công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đến môi trường sinh thái.

Tài nguyên du lịch-văn hóa

Lào Cai sở hữu tài nguyên du lịch và các giá trị nhân văn quý giá bậc nhất của vùng TDMNBB và cả nước. Khu du lịch nghỉ mát Sa Pa - một trong 21 trọng điểm du lịch của Việt Nam. Sa Pa nằm ở độ cao trung bình từ 1.200 - 1.800m, khí hậu mát mẻ quanh năm, có phong cảnh rừng cây, núi đá, thác nước và là nơi hội tụ nhiều hoạt động văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao như chợ tình Sa Pa... Đỉnh núi Phan Xi Păng - nóc nhà của Đông Dương với dãy Hoàng Liên Sơn và Vườn quốc gia Hoàng Liên rất hấp dẫn đối với cả các nhà nghiên cứu khoa học và khách du lịch.

Có 25 nhóm ngành dân tộc cùng chung sống hoà thuận, Lào Cai là tỉnh rất phong phú về bản sắc văn hoá, truyền thống lịch sử, di sản văn hoá,... Các dân tộc Tày, Dao, Giáy có hàng nghìn bản sách cổ bằng chữ Nôm. Đặc biệt, Sa Pa có bãi đá cổ trải rộng 8km² với gần 200 khối đá được chạm khắc những hoa văn kỳ lạ trên đá với nhiều hình dạng: bậc thang, hình người, con đường, chữ viết v.v. có những rãnh tròn khá giống biểu tượng mặt trời, có hình nam nữ giao phối - biểu tượng sự sinh sôi, và rất nhiều những vạch kẻ lạ mắt. Ngoài ra, Lào Cai còn có nhiều di tích nổi tiếng như đền Bảo Hà, đền Thượng, kiến trúc nhà Hoàng A Tưởng,... Không chỉ nhiều di sản vật thể và phi vật thể, Lào Cai còn sở hữu một kho tàng văn học dân gian đồ sộ đến nay vẫn chưa được khám phá hết.

Ngoài ra, Lào Cai còn có nhiều địa danh lịch sử, hang động tự nhiên và các vùng sinh thái với các đặc sản nông, lâm sản như mận Bắc Hà, rau ôn đới, thảo dược, cá Hồi (Phần Lan), cá Tầm (Nga)....Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai cũng là một trong những lợi thế của tỉnh trong việc kết hợp phát triển du lịch với thương mại, tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Có thể đánh giá, Lào Cai hội tụ khá đủ các tài nguyên về du lịch và nhân văn để phát triển hầu hết các sản phẩm của ngành du lịch như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch tham quan nghiên cứu, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội chợ, du lịch leo núi, v.v…

  • Phim tài liệu: Lào Cai - Yên Bái: Cùng nhau bước đi, chạm tay đến ước mơ
    (19/04/2025)
  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1