Giao thông
- Đường bộ: Có 4 tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh (4D, 4E,279,70) với tổng chiều dài trên 400km; 8 tuyến tỉnh lộ với gần 300km và gần 1.000km đường liên xã, liên thôn. Hiện, 100% số xã của Lào Cai có đường ô tô đến trung tâm xã, 80% số xã có đường cho xe cơ giới đến tất cả các thôn, bản.
- Đường sắt: Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai dài 296 km, đoạn qua địa phận Lào Cai dài 62 km được nối với đường sắt Trung Quốc, năng lực vận tải khoảng 1 triệu tấn/năm và hàng ngàn lượt khách/ngày đêm. Ngoài ra còn có đường sắt nối từ Phố Lu vào mỏ Apatít Cam Đường và một nhánh từ Xuân Giao đi Nhà máy Tuyển quặng Tằng Loỏng với tổng chiều dài 58 km.
- Đường sông: Đường sông Lào Cai chưa thực sự phát triển mạnh mặc dù trên địa bàn tỉnh có rất nhiều sông lớn như sông Hồng dài 130 km (trong đó nội địa có 75 km và chung biên giới với Trung Quốc khoảng 55 km). Tuy nhiên do có nhiều ghềnh thác chưa được chỉnh trị nên khả năng vận tải còn hạn chế.
Đường hàng không: Chính phủ đã có chủ trương xây dựng sân bay tại Lào Cai trong giai đoạn 2010 – 2015.
Hạ tầng điện: Đến 2010 tỉnh Lào Cai đã đưa điện lưới quốc gia đến 100% xã, phường, thị trấn; 76% số thôn bản được sử dụng điện lưới; 86,2% số hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia.
Từ năm 2006, ngành Điện lực Việt Nam đã hoàn thành đấu nối đường dây 220 KV Yên Bái – Lào Cai – Hà Khẩu (Trung Quốc) để nhập khẩu điện từ Vân Nam (Trung Quốc) với nhu cầu sản lượng khoảng 300MW đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu về điện cho sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư trước mắt cũng như lâu dài.
Hạ tầng nước: Đến 2010, 100% số hộ dân thành thị được sử dụng nước sạch; 75% số hộ nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Toàn tỉnh hiện có 632 công trình thuỷ lợi với 1.050 km kênh mương, đảm bảo nước tưới ổn định cho 96% diện tích được chủ động nước tưới vụ Đông- Xuân, 83% diện tích được chủ động tưới nước vụ Hè - Thu.
Hạ tầng Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin
- Hạ tầng bưu chính: Đến năm 2010 trên địa bàn tỉnh có 220 điểm cung cấp dịch vụ BCVT, trong đó có 126 điểm Bưu điện văn hóa xã, 25 bưu cục, 69 đại lý. Bán kính phục vụ bình quân 3,08 km/điểm phục vụ. Số dân được phục vụ là 2.859 người/điểm phục vụ. 70/164 xã, phường, thị trấn có báo Đảng đến trong ngày. 119/144 xã có điểm truy cập Internet công cộng.
- Hạ tầng viễn thông: Toàn tỉnh có 663 trạm thu phát sóng di động (trạm BTS), phủ sóng di động 100% tới trung tâm các xã. Mạng truyền dẫn cáp quang được đầu tư đến tất cả 9/9 trung tâm huyện. 100% các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông triển khai cung cấp dịch vụ chất lượng cao bằng công nghệ hiện đại. Tổng số máy điện thoại di động và cố định 635.000 máy, mật độ 102 thuê bao/100 dân. Trong đó máy điện thoại cố định có 135.000 máy, mật độ 21,8 thuê bao/100 dân; di động 500.000 máy, mật độ 80,7 thuê bao/100 dân. Toàn tỉnh có 28.255 thuê bao Internet; Trong đó 8.255 thuê bao băng hẹp, 20.000 thuê bao băng rộng; Mật độ Internet 4,6 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ dân số sử dụng Internet là 25%.
- Hạ tầng công nghệ thông tin: Lào Cai đã đã và đang xây dựng được hạ tầng CNTT hiện đại, đồng bộ đáp ứng được yêu cầu phát triển và ứng dụng CNTT của tỉnh với nhiều ứng dụng thiết thực. Các phần mềm phục vụ tác nghiệp, thúc đẩy cải cách hành chính được quan tâm đầu tư và sử dụng. Tỷ lệ thông tin chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện, thành phố được đưa lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh đạt 80%; đã cung cấp 1.155 dịch vụ hành chính công trực tuyến, trong đó mức 1 có 507 dịch vụ, mức 2 có 607 dịch vụ, mức 3 có 43 dịch vụ.
Theo đánh giá xếp hạng trong toàn quốc về mức độ sẵn sàng CNTT, chỉ số ICT index năm 2011, Lào Cai đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố.
Hạ tầng Giáo dục và Đào tạo: Đến năm 2010 toàn tỉnh có 135 trường đạt chuẩn Quốc gia, 7 trường đạt chuẩn mức độ 2. Tổ chức xét tốt nghiệp cấp trung học cơ sở và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đảm bảo theo quy định, tỷ lệ học sinh khối trung học phổ thông đỗ tốt nghiệp đạt 83,4%, khối Trung tâm giáo dục thường xuyên đạt 50,2%. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt trên 99,4%. Chương trình kiên cố hoá trường lớp học và nhà ở giáo viên được tập trung thực hiện, đã khởi công 61/61 công trình với 118 phòng học và 161 phòng ở cho giáo viên.
Hạ tầng y tế: Hệ thống bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện, phòng khám đa khoa khu vực được quan tâm xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và kiên cố hoá. Đến 2010, 100% xã có trạm y tế, 92,3% thôn bản có nhân viên y tế, 75% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế đã nâng cao năng lực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Toàn tỉnh có 4 bệnh viện tuyến tỉnh, 8 bệnh viện tuyến huyện và 36 phòng khám đa khoa khu vực với 2.180 giường điều trị.