Nghề làm ngói của người Pa Dí ở Mường Khương
Lượt xem: 9515
Từ xa xưa, người Pa Dí trên vùng đất Cao Sơn (Mường Khương) đã rất nổi tiếng với nghề làm ngói đất nung. Làm ngói đất nung không chỉ đáp ứng nhu cầu làm nhà của các gia đình người dân Pa Dí mà còn trở thành một sản phẩm hàng hóa được nhiều dân tộc trong vùng ưa chuộng.

Theo những người già trong làng kể lại, trước đây nghề làm ngói của người Pa Dí phát triển rất mạnh ở một số làng bản như: Lũng Pâu, Dì Thàng, Cốc Mù của xã Tung Chung Phố; thôn Sa Pả 9, 10, 11 của thị trấn Mường Khương. Vào lúc nông nhàn, sau khi các gia đình đã thu hoạch xong, đây cũng là khoảng thời gian mùa khô, các hộ gia đình làm nghề lại tất bật với công việc sửa sang dụng cụ, sửa lại lò để chuẩn bị cho một mùa nghề mới.

 

Công đoạn làm đất, tạo khuôn.

Sản phẩm ngói âm dương của người Pa Dí được làm theo phương thức thủ công là chính, nhưng đã đạt đến trình độ kỹ thuật cao từ cách chọn đất, nhào nặn và trộn các loại đất, kỹ thuật nung đốt, bởi vậy mà các sản phẩm ngói của người Pa Dí làm ra có độ bền cao, màu đỏ thẫm, đặc biệt là có độ phẳng và khít rất cao. Kỹ thuật có được phần lớn dựa trên những kinh nghiệm mà những người thợ đúc kết được và truyền lại cho các thế hệ sau. Để tạo chất lượng cho sản phẩm có độ bền, dẻo, không bị vênh thì ngay từ khâu chọn đất phải được người thợ chú trọng, lựa chọn rất kỹ, bởi nguyên liệu luôn có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của sản phẩm nên họ phải chọn những loại đất có độ dẻo cao. Người Pa Dí thường sử dụng loại đất đồi màu đỏ hoặc nâu sẫm, không lẫn sỏi, đá, sau đó mang về băm nhỏ, ngâm nước qua đêm cho ngấu rồi dùng trâu quần nhuyễn. Đất được đắp thành đống tròn, ủ cho thật dẻo trước khi tạo hình ngói. Để tạo hình dáng cho viên ngói, người Pa Dí sử dụng loại khuôn gỗ "goa thung" hình trụ cao gấp đôi viên ngói và đường kính khoảng 40 cm. Khuôn gỗ được đặt lên một chiếc bàn xoay do người thợ tự chế tạo. Khác với làm gạch, làm ngói rất coi trọng khâu nhào nguyên liệu, đất phải được nhào nhiều cho thật nhuyễn, sau đó đắp ủ thành từng đống nhỏ, khi nào đóng, họ xẻ từng ít ra nhào lại rồi đắp thành một khối hình chữ nhật, có chiều rộng vừa với chiều cao của khuôn gỗ, chiều dài thì tùy ý. Khi làm ngói, người thợ dùng một loại kéo do mình tự chế tác, cắt đất thành những lớp mỏng có độ dày bằng nhau, sau đó mang cuốn vòng quanh vòng khuôn rồi đặt lên bàn xoay cho đất thật mịn. Sau khi ra khuôn, sản phẩm ngói mộc sẽ có kiểu dáng là một hình trụ tròn, họ đem phơi khô rồi dùng tay tách ra thành từng viên. Mỗi lần ra khuôn sẽ tạo được tám viên ngói mộc, sau đó xếp thành từng hàng để chuẩn bị cho vào lò nung.

Ra khuôn và phơi ngói mộc.

Lò nung là một khâu rất quan trọng trong quy trình sản xuất ngói của người Pa Dí, họ thường chọn những khu vực có địa hình cao ráo, thuận tiện cho việc vận chuyển ngói vào lò. Sau đó, họ dùng búa chim, cuốc khoét sâu vào trong qủa đồi tạo thành một chiếc lò nung hình vòm, có chiều rộng từ 3 - 5 m, chiều cao từ 5 - 6 mét. Phía trước là cửa ra vào, phía trên đỉnh khoét một lỗ tròn để thông hơi trong quá trình nung. Bên trong lò, làm thành các rãnh bằng đất để đưa củi vào, khi nung hơi lửa bén theo các rãnh lên. Cửa lò thường được làm theo hướng gió để thuận lợi trong quá trình đốt. Với cách làm âm nằm trong quả đồi nên khi nung lò sẽ luôn đạt được mức nhiệt độ cao cố định, đây là cách nung các loại đất gốm mà các dân tộc vùng cao hay làm. Trước đây, người Pa Dí thường sử dụng củi than gỗ để nung ngói, họ chọn những loại gỗ tốt, chẻ hoặc cắt ra thành từng khúc ngắn để làm củi đốt. Trong thời gian nung ngói, người thợ luôn phải túc trực bên lò để điều chỉnh ngọn lửa và nhiệt độ sao cho vừa đủ với từng giai đoạn, nếu để lửa cháy to, nhiệt độ trong lò cao sẽ làm cho ngói bị phồng, vênh, bởi vậy, người thợ luôn phải điều chỉnh lửa cháy sao cho vừa đủ để đảm bảo sản phẩm ra lò đạt chất lượng tốt nhất. Những người đốt lò thường là những người thợ đã dạn dày kinh nghiệm, nắm được đặc tính của đất và nhìn vào ngọn lửa là đoán được nhiệt độ trong lò để có sự điều chỉnh phù hợp. Quá trình nung đốt diễn ra suốt ba ngày, ba đêm liên tục, sau đó dùng gạch hoặc đất trát kín cửa lò lại, để một thời gian cho lò nguội rồi ra lò.

 

Đưa ngói vào lò nung.

Trước đây, người Pa Dí thường sử dụng loại nguyên liệu ngói âm dương do mình tự làm để lợp mái nhà, loại ngói này rất bền và mát. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, nghề làm ngói của người Pa Dí cũng như một số ngành nghề thủ công truyền thống khác của đồng bào vùng cao như: nghề dệt vải thổ cẩm, nghề thêu, chạm khắc bạc... đang có nguy cơ mai một. Do phần lớn các ngành nghề đều làm theo phương thức thủ công, với quy mô nhỏ lẻ, có chi phí giá thành cao dẫn tới các sản phẩm thủ công truyền thống sản xuất ra không cạnh tranh được với các sản phẩm được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp. Bởi vậy, mà nghề làm ngói của người Pa Dí ở đây ngày càng bị co hẹp và đến nay chỉ còn lại trong những ký ức của người già và trên những dấu ấn rêu phong của những nền lò nung trước đây còn sót lại. Những người đã gắn bó với nghề cũng cố giữ lại một số dụng cụ để nhắc nhở con cháu về nghề truyền thống của ông cha với một niềm hi vọng một ngày nào đó, vốn nghề truyền thống này lại được khôi phục và phát triển trở lại.

  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (20/11/2022)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1