Thực trạng ngành chăn nuôi của tỉnh và giải pháp phát triển bền vững
Lượt xem: 2933
CTTĐT - Năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng, tác động của thời tiết, khí hậu cực đoan, một số dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đến ngành chăn nuôi của cả nước nói chung và của tỉnh Lào Cai nói riêng, song chăn nuôi của tỉnh Lào Cai vẫn phát triển ổn định. Các sản phẩm chăn nuôi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân với giá cả phù hợp.
anh tin bai

Nông dân huyện Bảo Thắng đã đầu tư chăn nuôi gà trống cựa bán vào dịp Tết Nguyên Đán 2023.

Theo báo cáo đánh giá của Cục Thống kê tỉnh, năm 2022, sản xuất chăn nuôi của tỉnh được duy trì tốt, phần đa các đối tượng vật nuôi đều tăng trưởng và phát triển. Đàn lợn 371.200 con tăng 2,24 % so với năm 2021; Đàn gia cầm 5.184,90 nghìn con, tăng 7,46 % so với năm trước; Đàn đại gia súc được duy trì tương đối ổn định. Phương thức chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh chủ yếu vẫn là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ. Toàn tỉnh hiện có 87.115 hộ chăn nuôi, các giống gia súc, gia cầm chăn nuôi trong nông hộ chủ yếu là giống bản địa. Thức ăn dùng chăn nuôi chủ yếu sử dụng sản phẩm sẵn có tại địa phương, người dân tự sản xuất. Số trang trại chăn nuôi đủ điều kiện, tiêu chí mới đạt 269/485 trang trại. 10 cơ sở chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Bảo Thắng, Bắc Hà; 03 chuỗi sản phẩm chăn nuôi đang phát triển tốt. Giống lợn, gà nuôi tại các trang trại, cơ sở chăn nuôi công nghiệp, tập trung là giống nhập ngoại, giống lai, nuôi bằng thức ăn công nghiệp nên sinh trưởng và phát triển nhanh, cho năng xuất cao. 

Từ đầu năm 2023 đến nay, xu hướng các sản phẩm chăn nuôi rớt giá mạnh, nguy cơ người chăn nuôi thua lỗ, để trống chuồng thời gian tới cao. Nguyên nhân của tình trạng này là do: Giữa năm 2022, sau khi dịch bệnh Covid - 19 được khống chế, mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường, du lịch mở cửa trở lại nên giá gà tăng cao, lợi nhuận lớn, người chăn nuôi ồ ạt chuyển sang chăn nuôi gia cầm với số lượng lớn. Do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu phi, dịch Covid – 19, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi không tiêu thụ được sản phẩm nên chuyển sang thuê địa điểm, thuê nuôi gia công với số lượng lớn; Làn sóng đầu tư của các Doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực vốn mạnh, giá nhân công thấp, công nghệ hiện đại, quy mô chăn nuôi lớn vào ngành chăn nuôi tại Việt Nam ồ ạt... Vì vậy đã điều tiết giá sản phẩm chăn nuôi tại thị trường trong nước, nhất là giá thịt lợn và thịt gia cầm. Mặt khác, việc tham gia, hội nhập sâu, rộng vào các hiệp định thương mại nên các sản phẩm chăn nuôi trong nước phải cạnh tranh với hàng nông sản nhập khẩu; nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phần lớn được nhập từ nước ngoài, giá thành cao…; Sau Tết nguyên đán sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh.

anh tin bai

Mô hình nuôi lợn của anh Lý Vần Vảng thôn Kin Chu Phìn 1 xã Nậm Pung, huyện Bát Xát cho thu nhập cao

Trước thực trạng trên, thiết nghĩ, về trước mắt: Người chăn nuôi nông hộ sử dụng thức ăn hiện có để phối trộn làm thức ăn cho vật nuôi nhằm giảm giá thành sản xuất; Chủ động sản xuất con giống đảm bảo về chất lượng, an toàn dịch bệnh, phù hợp với điều kiện chăn nuôi nông hộ để duy trì đầu đàn, phát triển kinh tế hộ;

Các địa phương quan tâm, tập trung chỉ đạo để xây dựng các cơ sở giết mổ tại địa phương mình theo Kế hoạch UBND tỉnh đã ban hành để giảm thiểu các khâu trung gian trong chuỗi liên kết nhằm giảm giá sản phẩm, kích cầu tiêu dùng;

Cơ quan chuyên ngành, chính quyền các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn tuyên truyền, định hướng, hướng dẫn người chăn nuôi xây dựng chuỗi liên kết từng tổ nhóm cùng sở thích, cùng chia sẻ, xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất chăn nuôi bài bản, đồng bộ, thích ứng cao.

Tuy nhiên, để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững, cơ quan chuyên môn cần triển khai các giải pháp căn cơ, như: Người chăn nuôi sản xuất theo định hướng, tín hiệu của thị trường; Tích hợp, hoàn thiện, cụ thể hóa chủ trương, chính sách: Các cấp ủy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại ngành chăn nuôi công nghiệp theo hướng hiện đại đối với các khu vực vùng thấp; chăn nuôi giống bản địa an toàn sinh học có lợi thế ở vùng cao thực sự bền vững nhằm tăng giá trị sản phẩm, phù hợp với xu thế, thị hiếu người tiêu dùng với mỗi đối tượng là người dân, khách du lịch và một phần sản phẩm xuất bán ra ngoài địa bàn tỉnh; Hoàn thiện chính sách, thể chế, hướng dẫn về môi trường pháp lý, đẩy mạnh thu hút, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, hỗ trợ phát triển, nâng cao chuỗi giá trị ngành chăn nuôi.

Tổ chức hỗ trợ chuỗi giá trị sản xuất ngành chăn nuôi: Chuỗi chăn nuôi cần thiết lập chuỗi liên kết cung ứng từ đầu vào đến các khâu thu mua, giết mổ, sơ chế, chế biến, lưu thông và tiêu thụ. Trong đó vai trò của các cơ quan nhà nước là chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn và gắn kết các bên liên quan.

Rà soát và thực hiện đảm bảo về khu vực không được phép chăn nuôi được quy định theo Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND ngày 8/12/2021 của Hội động nhân dân tỉnh Lào Cai.

Phổ biến, hỗ trợ, thúc đẩy hội nhập quốc tế ngành chăn nuôi: Trên cơ sở các Hiệp định thương mại tự do liên quan lĩnh vực chăn nuôi mà Việt Nam đã ký kết với các nước để có định hướng về chính sách, xu hướng phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh phù hợp trong thời gian tới.

Để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững, tạo công ăn việc làm ổn định và ngành hàng mang lại hiệu kinh tế chính đối với người chăn nuôi thì việc thực hiện đông bộ các giải pháp nêu trên về ngắn hạn và dài hơi là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn cần sự vào cuộc mạnh mẽ của mỗi người dân, các cấp, các ngành…

Phạm Văn Quảng
Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (20/11/2022)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1