Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới
Lượt xem: 1088
CTTĐT - Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới (BĐG) và vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN), thời gian qua, tỉnh Lào Cai tập trung nâng cao năng lực thực hiện công tác BĐG; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG và VSTBPN; lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng văn bản, tổ chức hoạt động, triển khai thực hiện các mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
anh tin bai

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai tặng quà cho nữ đại biểu tiêu biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động về BĐG và VSTBPN giai đoạn 2016-2020.

Triển khai đồng bộ

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, công tác quản lý nhà nước về BĐG trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện ở nhiều khía cạnh. Bên cạnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về công tác BĐG, các sở, ban, ngành và địa phương còn chú trọng tham mưu, lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng văn bản, hoạt động chuyên môn; triển khai mô hình, tổ chức các hội thảo chuyên đề về BĐG… Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về việc thực hiện pháp luật BĐG được tích cực triển khai; công tác thống kê số liệu và báo cáo về tình hình thực hiện BĐG tại địa phương cũng được quan tâm. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về BĐG.

Trong những năm qua, để triển khai có hiệu quả công tác BĐG, tỉnh Lào Cai luôn quan tâm đến sự phát triển của đội ngũ cán bộ nữ, ghi nhận tiềm năng to lớn và sự đóng góp của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Vai trò, vị trí, cơ hội phát huy năng lực giữa nữ cán bộ, công chức, viên chức so với nam cán bộ, công chức, viên chức trong quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng tại cơ quan, tổ chức của nhà nước được tỉnh Lào Cai thể hiện thông qua các kế hoạch theo từng giai đoạn.

Việc giới thiệu nhân sự cấp ủy được đặc biệt quan tâm, lựa chọn đúng, đủ những nhân tố mới có đức, có tài, có triển vọng lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ trẻ tuổi, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số để tham gia cấp ủy. Quy hoạch đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm được các ngành, các cấp công khai dân chủ, minh bạch và đúng quy trình; trong đó đặc biệt quan tâm đến phát triển, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ vào những vị trí chủ chốt; đặc biệt quan tâm đối với đội ngũ cán bộ nữ phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và nhất là về chất lượng; tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đều tăng so với nhiệm kỳ 2016-2020 ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 33,93%, cấp huyện là 34,38%, cấp xã là 32,7%. Nhiệm kỳ 2021-2026 tỷ lệ này được nâng lên tương ứng là 38,18%, 41,95% và 37,22%. Đồng thời Nhiệm ký 2020-2025, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã lần lượt là: 14%; 18,93%; 26,54%. Khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm được thu hẹp, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao.

Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về BĐG được tăng cường nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cộng tác viên trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tổ chức trên 100 lớp tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ công tác bình đẳng giới cho trên 6.000 lượt cán bộ công chức, viên chức, người lao động từ cấp tỉnh đến cấp xã, các cộng tác viên, tình nguyện viên; 475 lớp tập huấn bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ công tác hội cho 25.300 lượt cán bộ Hội phụ nữ cơ sở, cán bộ hội chuyên trách, ủy viên Ban Chấp hành Hội cơ sở; 17 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho gần 700 lượt nữ ứng cử viên HĐND các cấp.

Các đơn vị chức năng trong tỉnh đã tổ chức tập huấn hướng dẫn triển khai các mô hình câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình; câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các xã trong tỉnh; tổ chức tập huấn triển khai hoạt động “Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” tại 05 xã/05 huyện. Đến nay toàn tỉnh đã có 112 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình với 560 câu lạc bộ và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình tại 40 xã, phường, thị trấn và 450 thôn, bản, tổ dân phố; tuyên truyền trên cụm loa truyền thanh, sinh hoạt thôn, bản về nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền nội dung bình đẳng giới và Luật Bình đẳng giới. Đây là lực lượng tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản có liên quan đến công tác BĐG đến từng huyện, xã, thôn, bản.

Hơn nữa, công tác phối hợp liên ngành trong triển khai chính sách, pháp luật về BĐG đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, góp phần quan trọng đảm bảo các quy định tại Luật Bình đẳng giới và các văn bản, chính sách pháp luật khác có liên quan được thực thi và đi vào đời sống của nhân dân. Trong đó ngành Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan Thường trực đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu trình UBND cùng cấp ban hành các chương trình, kế hoạch về công tác bình đẳng giới, kế hoạch thực hiện các mục tiêu Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn và hàng năm.

Việc thực hiện lồng ghép vấn đề BĐG, đánh giá tác động về giới trong quá trình xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân và quyết định của Ủy ban nhân dân được chú trọng. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ, Ngành Trung ương về BĐG, tỉnh Lào Cai đã thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân và quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong giai đoạn 2007-2022, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều Nghị quyết và Quyết định để đảm bảo quyền lợi của nhân dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, đặc biệt là đối với người dân thuộc hộ nghèo, ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào d ân tộc thiểu số, trên nguyên tắc BĐG như: Nghị quyết về chính sách hỗ trợ dinh dưỡng cho người nghèo tỉnh Lào Cai mắc bệnh phải điều trị nội trú và phụ nữ sinh con tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập; Nghị quyết về ban hành Quy định chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ công tác theo nguyện vọng để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2019-2020;...

Đồng thời, nằng năm cơ quan quản lý nhà nước về BĐG đã chủ động phối hợp với các ngành thực hiện kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình BĐG ở các ngành, đơn vị, địa phương. Giai đoạn từ 01/7/2007 đến hết năm 2022, đã thực hiện gần 80 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 483 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh, trong đó có lồng ghép nội dung thực hiện Luật Bình đẳng giới. Qua thanh tra, kiểm tra thấy rằng các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương đã thực hiện tốt chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực BĐG trên địa bàn, thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới...

anh tin bai

Lễ ra mắt Tổ truyền thông cộng đồng thay đổi khuôn mẫu giới trong gia đình tại xã Thanh Bình (huyện Sa Pa) năm 2022.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả

Trong những năm qua công tác về bình đẳng giới đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm cả về nhận thức và hành động, từ chủ trương, chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về BĐG trên địa bàn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc: quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế ở địa phương; sự thay đổi về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tác động tiêu cực của đại dịch Covid -19 (giai đoạn 2020-2022) làm nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm của một bộ phận dân cư, trong đó có phụ nữ, nhất là phụ nữ khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ lao động trong các dịch vụ, thương mại, du lịch; tư tưởng mang tính định kiến về giới vẫn tồn tại; việc lồng ghép mục tiêu BĐG với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa rõ nét; việc lồng ghép công tác BĐG với các hoạt động chuyên môn của một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chỉ tiêu cụ thể. Công tác thông tin, báo cáo về BĐG chưa kịp thời; số liệu thống kê, báo cáo còn thiếu sự tách biệt về giới; công tác tổng hợp, báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu còn khó khăn...

Do đó, để đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới ở địa phương, thiết nghĩ thời gian tới các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung triển khai một số giải pháp chính như sau:

Thứ nhất, Tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo và triển khai công tác bình đẳng giới, trong đó chú trọng công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng, triển khai và thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách về bình đẳng giới.

Thứ hai, Tiếp tục thực hiện nghiêm việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới cấp tỉnh cần nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ bình đẳng giới và phát triển phụ nữ; chính sách khuyến khích và ưu tiên trong đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng cho phụ nữ nói chung, nữ dân tộc thiểu số nói riêng. Hướng dẫn các địa phương thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động, xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thứ ba, Tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, dự án,... cho cán bộ phụ trách công tác pháp chế và xây dựng chính sách, pháp luật. Tập huấn kiến thức về giới, bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ thanh tra, tư pháp, cán bộ phụ trách công tác bình đẳng giới và thành viên Ban vì sự tiến bộ phụ nữ của các bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Thứ tư, Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về bình đẳng giới thuộc phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý; kịp thời xác minh, báo cáo những vấn đề, vụ việc đột xuất liên quan đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân các cấp để phối hợp giải quyết.

Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực hợp pháp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để tăng tính bền vững, hiệu quả trong thực hiện công tác bình đẳng giới. Đồng thời thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tổ chức khen thưởng, biểu dương kịp thời các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới./

Hồng Minh
Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
  • Phim tài liệu: Lào Cai - Yên Bái: Cùng nhau bước đi, chạm tay đến ước mơ
    (19/04/2025)
  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1