Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình
Lượt xem: 72
CTTĐT - Theo kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lào Cai, các đơn vị liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện các quy định về cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại địa phương. Đối tượng thụ hưởng là nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chú trọng vị thành niên, thanh niên, người lao động tại khu công nghiệp.

Đưa dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến với người dân

Theo Sở Y tế tỉnh, để bảo đảm đầy đủ, đa dạng, kịp thời, an toàn, thuận tiện và có chất lượng các dịch vụ KHHGĐ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, góp phần thực hiện thành công Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, ngành y tế - dân số tỉnh tham mưu UBND ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND, ngày 5/5/2021 về thực hiện chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ; tham mưu Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ công tác dân số  - KHHGĐ giai đoạn từ 2016 đến nay; trong đó có nội dung hỗ trợ về chi thực hiện dịch vụ KHHGĐ và triển khai chiến dịch cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe/KHHGĐ tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

anh tin bai

Cán bộ y tế tuyên truyền các biện pháp KHHGĐ ở các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh. 

Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Lào Cai –Trương Thị Thanh Vân cho biết: “Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của tỉnh vẫn còn cao, nhu cầu cung ứng các dịch vụ về KHHGĐ là rất lớn. Do đó, hàng năm, ngành Y tế triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực thông qua các chiến dịch, mô hình, đề án nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ. Trong đó, chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ và nâng cao chất lượng DS tại vùng mức sinh thấp và mức sinh thay thế đóng vai trò quan trọng trong việc đưa các dịch vụ KHHGĐ chất lượng đến với người dân”.

Thông qua chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động, lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ tại các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Lào Cai đã được đội dịch vụ lưu động cung cấp dịch vụ các gói KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân. Kết quả, giai đoạn 2020-2024, tại các xã đặc biệt khó khăn đã thực hiện được 180 ca triệt sản, trên 25 nghìn người đặt dụng cụ tử cung, gần 13,8 nghìn người tiêm thuốc tránh thai, trên 58 nghìn người uống thuốc tránh thai, gần 14,5 nghìnngười dùng bao cao su; số phụ nữ được cung cấp gói khám phụ khoa trong chiến dịch đạt trên 114 lượt người.

Hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ luôn được chú trọng triển khai đồng bộ nhằm giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số. Kết quả số lượng người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch, cụ thể, con số ngày năm 2020 48.211/39.000 người, đạt 123,6% thì đến  năm 2024 có 54.904/41.500 người , đạt 132,3%.

Chú trọng truyền thông

Để đạt được mục tiêu huy động các cấp, các ngành, các đoàn thể tăng cường truyền thông vận động hỗ trợ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản nâng cao chất dân số, nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh góp phần đạt chỉ tiêu kế hoạch công tác dân số, KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số; thời gian qua, Chi cục Dân số tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể, nòng cốt là đội ngũ làm công tác dân số đã nỗ lực thực hiện chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ, nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Lào Cai.

anh tin bai

Chi cục DS tỉnh tuyên truyền cho HSSV Trường Cao đẳng Lào Cai về kiến thức chăm sóc SKSS và giáo dục giới tính.

Công tác tuyên truyền được thực hiện qua hệ thống loa, đài, các buổi nói chuyện chuyên đề. Đặc biệt, mạng lưới cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em phủ kín các khu phố và luôn nhiệt tình tư vấn người dân các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, vận động người dân sinh đủ 2 con và dừng lại để nuôi, dạy tốt.

Ngày Tránh thai thế giới (26/9) hàng năm như một chiến dịch giúp người dân, đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên/thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ nâng cao nhận thức trong việc quan hệ tình dục an toàn, chủ động áp dụng các biện pháp tránh thai cũng như KHHGĐ vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.

Bên cạnh đó, ngành Y tế đã phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tích hợp các nội dung giáo dục về chăm sóc sức khỏe sinh sản; tuyên truyền hiểu biết đầy đủ về giáo dục giới tính, bình đẳng giới, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; hậu quả của tảo hôn, vị thành niên sinh con vào các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông và các hoạt động ngoại khóa, các buổi tuyên truyền tai các cơ sở giáo dục THCS, THPT trên địa bàn tỉnh; phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình học sinh, các lực lượng chức năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục; phát hiện xử lý kịp thời các vấn đề về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống có liên quan đến học sinh. Cụ thể, giai đoạn 2020 – 2024, toàn tỉnh đã truyền thông được 287 buổi cho 322 nghìn lượt học sinh  tại các trường trung học cơ sơ và trung học phổ thông.

Thực tế cho thấy, cùng với việc triển khai thực hiện truyền thông và mở rộng cung ứng phương tiện tránh thai (PTTT) hàng hóa xã hội hóa tại khu công nghiệp của thành phố Lào Cai và Tằng Loỏng của huyện Bảo Thắng; đội ngũ viên chức dân số huyện, xã tích cực truyền thông, tư vấn về PTTT xã hội hóa qua zalo, facebook,...

Với nhiều giải pháp thiết thực, Lào Cai đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong việc cải thiện hệ thống cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Theo đó, tổng tỷ suất sinh duy trì trong khoảng từ 2,43 con/phụ nữ đến 2,48 con/phụ nữ trong các năm từ 2018 đến 2022, tăng lên 2,73 con/phụ nữ năm 2023, năm 2024 giảm xuống 2,55 con/phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (15-49 tuổi) đang sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại tăng đều qua các năm, từ 66,53% năm 2018 lên 70,81% năm 2024  (bình quân mỗi năm tăng 0,71%).

Đầu tư vào công tác KHHGĐ chính là đầu tư quan trọng nhằm cải thiện sức khỏe, thực hiện các quyền của phụ nữ và các cặp vợ chồng. Thời gian tới, ngành Y tế phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi hành vi của người dân, đặc biệt là truyền thông qua mạng xã hội. Phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ và đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực thực hiện chương trình, đổi mới phương thức cung cấp, đưa dịch vụ tới tận người dân, qua đó góp phần cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn toàn tỉnh./.

Hồng Minh
Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
  • Phim tài liệu: Lào Cai - Yên Bái: Cùng nhau bước đi, chạm tay đến ước mơ
    (19/04/2025)
  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1