Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa có Kết luận số 126 về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025. Trong Kết luận, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp xã; định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; đề xuất chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, quy định của Đảng có liên quan, báo cáo Bộ chính trị trong quý III/2025.
Việc sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ liên quan đến các tiêu chí diện tích, dân số của các địa phương. Cụ thể, theo Nghị quyết số 1211/2016/ UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 27/2022/ UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính thì tiêu chuẩn của các tỉnh miền núi, vùng cao từ 900.000 người trở lên, diện tích từ 8.000 km2 trở lên; tỉnh các vùng, miền khác từ 1,4 triệu người trở lên, diện tích từ 5.000 km2 trở lên.
Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 9 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất là 1 thành phố hoặc 1 thị xã.
Về tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương: Dân số từ 1 triệu người trở lên, diện tích từ 1.500 km2 trở lên. Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 9 đơn vị trở lên. Tỉ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên, trong đó có ít nhất là hai quận; đã được công nhận là đô thị loại đặc biệt hoặc loại I hoặc khu vực dự kiến thành lập TP trực thuộc trung ương đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại đặc biệt hoặc loại I...
Ngoài hai đô thị đặc biệt TP.HCM có diện tích (2.061 km2), Hà Nội (3.358,6 km2), dưới đây là 33 địa phương có diện tích dưới 5.000 km2.
Tỉnh Vĩnh Phúc 1.235,2 km2, Bắc Ninh 822,7 km2, Hải Dương 1.668,2 km2, tỉnh Hưng Yên 930,2 km2, TP Hải Phòng 1.561,8 km2, tỉnh Thái Bình 1.586,4 km2, tỉnh Hà Nam 860,5 km2, tỉnh Nam Định 1.668,5 km2, tỉnh Ninh Bình 1.386,8 km2, Thái Nguyên 3.526,6 km2, Bắc Kạn 4.860 km2, Bắc Giang 3.895,6 km2, Phú Thọ 3.534,6 km2, Hòa Bình 4.590 km2
Quảng Trị 4.621,7 km2, TP Huế 4.902,4 km2, Ninh Thuận 3.353,3 km2, Bình Dương 2694,6 km2, Bà Rịa - Vũng Tàu 1.980,8 km2, Long An 4.490 km2, Tiền Giang 2.510,6 km2, Bến Tre 2.394,6 km2, Trà Vinh 2.358,2 km2, tỉnh Vĩnh Long 1.525 km2, Đồng Tháp 3.383,8 km2, An Giang 3.536,7 km2, TP Cần Thơ 1.409 km2
Thành phố Đà Nẵng 1.284,9 km2, Hậu Giang 1.621,8 km2, Tiền Giang 2.510 km2, Bạc Liêu 2.669 km2, Sóc Trăng 3.311,8 km2, Hòa Bình 4.591 km2.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, cả nước có 19 tỉnh với quy mô dân số nhỏ, dưới 1 triệu người; 37 tỉnh có dân số từ 1 đến 2 triệu người; 7 tỉnh có dân số trên 2 triệu người.
Riêng Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố có quy mô dân số lớn nhất, tương ứng là 8.685.607 người và 9.521.886 người. Chênh lệch về dân số giữa địa phương đông dân nhất cả nước (TP.HCM) và địa phương ít dân số nhất cả nước (Bắc Kạn) là trên 29 lần (dân số của Bắc Kạn là 328.609 người)...