UBND tỉnh Lào Cai làm việc với Công ty Cổ phần Dược phẩm Thái Minh
Lượt xem: 908
CTTĐT - Chiều ngày 15/5/2024, UBND tỉnh Lào Cai đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Dược phẩm Thái Minh trao đổi về đề xuất triển khai thực hiện “Dự án Trung tâm nghiên cứu nuôi trồng cây dược liệu và bảo tồn đa dạng sinh vật học Việt Nam” trên địa bàn tỉnh.

Tiếp và làm việc với Công ty Cổ phần Dược phẩm Thái Minh (Thái Minh Pharma) có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Y tế, Công Thương, Tài chính; lãnh đạo Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh; Trung tâm Giống Nông nghiệp Lào Cai; lãnh đạo UBND các huyện Văn Bàn, Bắc Hà, Bát Xát, thị xã Sa Pa.

Về phía Thái Minh Pharma có ông Phạm Hữu Khánh, Tổng Giám đốc Công ty cùng đại diện lãnh đạo các phòng, ban liên quan.

anh tin bai

Quang cảnh buổi làm việc.

Thái Minh Pharma chính thức đi vào hoạt động ngày 15/2/2012; là công ty sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dược liệu, nguyên liệu dược liệu, các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, thực phẩm chức năng, dinh dưỡng, dược mỹ phẩm… từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên trong nước. Đến tháng 4/2024, Thái Minh Pharma đã phát triển hơn 10 sản phẩm dẫn đầu thị trường, xây dựng được hệ thống phân phối chuyên nghiệp trên cả nước với 20.000 điểm bán; một số sản phẩm đã có mặt ở thị trường Mỹ, châu Âu. Thái Minh Pharma là thành viên chủ chốt trong mạng lưới phức hợp Liên minh và quan hệ đối tác chiến lược dược phẩm Việt Nam; hiện có 02 viện nghiên cứu, 06 nhà máy ứng dụng công nghệ cao và 01 vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO.

Thái Minh Pharma đề xuất triển khai thực hiện “Dự án Trung tâm nghiên cứu nuôi trồng cây dược liệu và bảo tồn đa dạng sinh vật học Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Lào Cai nhằm xây dựng nghiên cứu quy trình chọn lọc giống nhằm phát triển nguồn gen, cây giống dược liệu bằng các công nghệ mới nhất; xây dựng các vùng nghiên cứu nuôi trồng cây dược liệu bảo tồn đa dạng sinh vật học để có được các sản phẩm dược liệu chất lượng cao, bảo tồn được một số cây trồng quý hiếm của tỉnh; phát triển chuỗi giá trị và cung ứng nguyên vật liệu từ các chiết xuất thiên nhiên sử dụng trong ngành sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm với quy mô đầu tư vùng trồng từ 20 - 40 ha tại tỉnh Lào Cai để trồng dược liệu, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái và bảo tồn các loại dược liệu quý hiếm của Việt Nam đạt tiêu chuẩn OGANIC, GACP-WHO, VIETGAP.

Lào Cai có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất cây dược liệu, là 01 trong 08 vùng trọng điểm về sản xuất cây dược liệu trên cả nước. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 850 loài cây thuốc trong tổng số 3.948 loài thực vật có công dụng làm thuốc; 78 loài có tiềm năng khai thác; 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn; nhiều loài quý hiếm có giá trị y dược rất cao. Đến hết năm 2023, tổng diện tích cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt 4.105 ha gồm: Cây dược liệu hàng năm 890 ha (atiso, đương quy, cát cánh, chùa dù, tía tô, cỏ ngọt…) và cây dược liệu lâu năm 3.215 ha (sa nhân tím, chè dây, giảo cổ lam, hồi, đại bi, khôi nhung...). Tổng sản lượng thu hoạch 19.000 tấn, giá trị đạt trên 400 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 157 ha/11 loại cây dược liệu trồng đã được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt GACP; 01 cơ sở chế biến theo quy mô công nghiệp của Công ty Traphaco Sa Pa và nhiều cơ sở chế biến quy mô nhỏ.

anh tin bai

Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 28/6/2021 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó xác định cây dược liệu là loại cây trồng chủ lực của tỉnh cần tập trung ưu tiên phát triển. Khi doanh nghiệp đã quyết định đầu tư trở thành đối tác của tỉnh thì cần phải có một chiến lược lâu dài về phát triển cây dược liệu. Các địa phương và người dân Lào Cai sẵn sàng vào cuộc để trồng, sản xuất, chế biến dược liệu. Nếu Công ty quyết tâm triển khai thực hiện dự án thì tỉnh Lào Cai sẽ có sự hỗ trợ tối đa, làm sao để thúc đẩy ngành dược liệu thực sự phát triển, tạo ra các sản phẩm dược liệu chất lượng, giá trị cao. Lào Cai có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển dược liệu như thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình, kết nối giao thông thuận tiện và đã có một số doanh nghiệp đến đầu tư trong lĩnh vực này. Đồng chí Chủ tịch đề nghị Thái Minh Pharma trình bày cụ thể mong muốn của đơn vị đối với địa phương và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, các huyện, thị xã sẽ làm rõ thêm các nội dung liên quan đến dự án cũng như đề xuất của Công ty.

Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh nhấn mạnh Lào Cai có rất nhiều lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu… để đầu tư phát triển cây dược liệu. Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng đây cũng là thời điểm vô cùng thuận lợi để Công ty đầu tư vào tỉnh khi Luật Đất đai năm 2024 sắp có hiệu lực; nhiều vướng mắc liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng sẽ được giải quyết, góp phần quan trọng trong việc bố trí quỹ đất để triển khai thực hiện nhiều dự án lớn. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc quan trọng đầu tiên Thái Minh Pharma cần phải làm là phối hợp với 04 địa phương có nhiều tiềm năng phát triển dược liệu (Bát Xát, Văn Bàn, Bắc Hà, Sa Pa) khảo sát, bố trí quỹ đất cho dự án; sau khi hoàn thành nội dung này, Sở sẽ phối hợp với Công ty và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện trình tự thủ tục dự án đầu tư… Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh mong muốn Thái Minh Pharma sẽ tiếp tục kế thừa, phát triển các loại dược liệu đã có trên địa bàn tỉnh; đồng thời đầu tư tập trung vào 01 loại cây dược liệu chủ lực, từ đó nhân rộng diện tích, tăng sản lượng, chế biến các sản phẩm dược liệu chấtt lượng để phân phối, tiêu thụ trên cả nước.

anh tin bai

Lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh trao đổi các nội dung liên quan đến phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Qua nắm bắt tình hình thực tế, các huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bắc Hà, thị xã Sa Pa là 04 địa phương có điều kiện, khả năng để phát triển xây dựng vùng nguyên liệu dược liệu. Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã đã thông tin cụ thể về tình hình nuôi trồng, sản xuất, chế biến, tiêu thụ dược liệu trên địa bàn; đồng thời đề cập đến một số loại cây dược liệu là thế mạnh, đang được trồng nhiều tại các địa phương như Cát cánh, Đương quy, Hoàng Sin Cô, Atiso… Các đồng chí cho rằng làm nông nghiệp đã khó nhưng làm dược liệu còn khó hơn rất nhiều lần; đòi hỏi trình độ cao, nguồn kinh phí lớn... Đối với Sa Pa, địa phương định hướng phát triển dược liệu tại 03 khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao thuộc xã Ngũ Chỉ Sơn, Tả Van với diện tích quy hoạch lớn. Hiện trên địa bàn thị xã đã có cơ sở chế biến dược liệu nhưng chưa nhiều, do đó mong muốn thu hút nhà đầu tư có kinh nghiệm, có tâm, uy tín, tiềm lực tài chính đến địa phương để đầu tư vào lĩnh vực này. Huyện Bát Xát có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển dược liệu và mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp lớn để phát triển cây dược liệu, góp phần nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho người dân.

anh tin bai

Lãnh đạo UBND thị xã Sa Pa, các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Văn Bàn sẵn sàng phối hợp với Thái Minh Pharma trong việc khảo sát, lựa chọn địa điểm phù hợp triển khai thực hiện Dự án.

Đối với Bắc Hà, lãnh đạo UBND huyện cho biết hiện nay các loại cây dược liệu trồng trên địa bàn chủ yếu là Cát cánh, Đương quy, Atiso và sản lượng thu hoạch hằng năm khá lớn. Đặc điểm về địa hình, đất đai của huyện hiện nay chưa đảm bảo để xây dựng trung tâm nghiên cứu, làm xưởng sơ chế, chế biến, sản xuất giống với quy mô diện tích lớn. Tuy nhiên huyện rất mong muốn Công ty sẽ hợp tác với địa phương trong việc tiêu thụ các sản phẩm dược liệu và lựa chọn trồng một số loại cây dược liệu phù hợp trên địa bàn, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất cho Công ty. Huyện Văn Bàn có diện tích rừng lớn; có nhiều tiềm năng để phát triển dược liệu; thời gian qua đã có một số nhà đầu tư đến địa phương để khảo sát, ký kết hợp tác sản xuất cây dược liệu. Hiện nay Nhân dân chủ yếu thu hái, trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu như Sâm, Đương quy, Xuyên khung, Tam thất, Nghệ vàng, Hà Thủ Ô... tuy nhiên huyện còn vướng mắc về khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm dược liệu.

anh tin bai

Lãnh đạo Thái Minh Pharma mong muốn tỉnh Lào Cai tạo điều kiện thuận lợi để Công ty đầu tư phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Đại diện lãnh đạo Thái Minh Pharma cho biết Công ty luôn mong muốn tinh chế được các sản phẩm dược liệu theo chiều sâu, đem lại giá trị cao. Đối với đề xuất lần này, Công ty mong muốn lựa chọn được địa điểm thuận lợi về thời tiết, khí hậu, giao thông, thổ nhưỡng… để triển khai thực hiện Dự án đem lại hiệu quả cao nhất. Tại buổi làm việc ngày hôm nay, đề nghị lãnh đạo tỉnh Lào Cai giao cho các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp với Công ty nghiên cứu quỹ đất phù hợp để đầu tư vùng trồng lớn dược liệu; sau đó Công ty sẽ tổng hợp, đánh giá để đưa ra phương hướng tiếp theo.

anh tin bai

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết Lào Cai sẵn sàng phối hợp với Công ty để triển khai thực hiện Dự án trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết: Khí hậu đa dạng, thổ nhưỡng phù hợp với phát triển dược liệu, người dân Lào Cai có kinh nghiệm trong trồng, chế biến dược liệu... do đó tỉnh mong muốn thu hút các nhà đầu tư có năng lực về công nghệ, hiểu biết về thị trường, tiềm lực tài chính để xây dựng các dự án phát triển công nghệ nuôi trồng, chế biến, chiết xuất, tinh chế dược liệu tại địa phương. Đồng chí cũng đề nghị Công ty sẽ đầu tư cơ sở chế biến sâu trên địa bàn tỉnh để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị cao, tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan cùng Công ty tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng thực tế tại các địa phương để lựa chọn được địa điểm phù hợp, đảm bảo mục đích, nhu cầu của Công ty. Đồng thời Công ty cần lên phương án cụ thể, chi tiết để đi thực tế, sau đó sẽ triển khai các bước tiếp theo…/.

Thanh Huyền
Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
  • Phim tài liệu: Lào Cai - Yên Bái: Cùng nhau bước đi, chạm tay đến ước mơ
    (19/04/2025)
  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1