Lào Cai chủ động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 03 chương trình mục tiêu quốc gia
Tham gia Tổ công tác của Đoàn giám sát Quốc hội có các đồng chí là Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Lào Cai cùng đại diện các Vụ: Xã hội, Kinh tế, Dân tộc của Văn phòng Quốc hội.
Tiếp đón và làm việc với Đoàn công tác, về phía tỉnh Lào Cai có đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc tỉnh, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh và cán bộ chuyên môn có liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc.
Phát biểu buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan đánh giá cao công tác chuẩn bị, xây dựng báo cáo của tỉnh Lào Cai phục vụ cho buổi làm việc của Tổ công tác ngày hôm nay. Đồng chí đề nghị tỉnh phân tích kỹ về thực trạng tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là nguyên nhân tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn thấp so với tỷ lệ hộ nghèo; những khó khăn khi thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Chính phủ; đánh giá cụ thể về việc lập dự toán, phân bổ vốn, giao vốn của Trung ương cũng như của tỉnh cho các địa phương; làm rõ vấn đề giao vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình MTQG; cơ chế phân cấp trên địa bàn tỉnh và việc huy động, lồng ghép nguồn lực để thực hiện các chương trình; những vướng mắc khi triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; làm rõ thêm nội dung hỗ trợ, sắp xếp dân cư; những bất cập, khó khăn trong việc thực hiện mô hình Ban Chỉ đạo chương trình MTQG và các văn phòng điều phối khi thực hiện tại địa phương; các giải pháp của địa phương để khắc phục vướng mắc và thúc đẩy triển khai hiệu quả 03 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh…
Lào Cai chủ động triển khai thực hiện 03 chương trình MTQG
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới có dân số khoảng gần 77 vạn người với 25 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 66,2%; địa hình chủ yếu là đồi núi cao, có trên 182 km đường biên tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Tỉnh Lào Cai có 09 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 07 huyện, 01 thị xã, 01 thành phố với 152 đơn vị hành chính cấp xã (127 xã, 09 thị trấn, 16 phường) và 1.568 thôn, bản, tổ dân phố. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai có 138 xã, phường, thị trấn (66 xã, phường, thị trấn đặc biệt khó khăn thuộc khu vực III, 04 xã khu vực II, 68 xã khu vực I, 605 thôn đặc biệt khó khăn). Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân năm 2022 đạt 9,02%, xếp thứ 4/14 tỉnh trong vùng và 26/63 tỉnh, thành phố. Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2022 đạt gần 68.000 tỷ đồng, xếp thứ 4/14 tỉnh trong vùng, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố; GRDP bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 10.389 tỷ đồng;...
Để triển khai thực hiện 03 chương trình MTQG, đồng thời với việc ban hành các văn bản theo yêu cầu của Trung ương; Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã ban hành trên 125 văn bản quy định về cơ chế, chính sách, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn. Trong đó, Tỉnh ủy ban hành 02 Chỉ thị; HĐND tỉnh ban hành 02 Nghị quyết chuyên đề; UBND tỉnh ban hành 01 Đề án, 28 quyết định, 24 kế hoạch, trên 50 công văn, báo cáo, thông báo; các sở, ngành tỉnh ban hành 12 văn bản hướng dẫn.
Đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai báo cáo về tình hình thực hiện 03 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh và trả lời một số nội dung đồng chí Tổ trưởng Tổ công tác đã đề cập. Trong đó nhấn mạnh Lào Cai luôn xác định việc thực hiện 03 chương trình MTQG là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của tỉnh.
Tỉnh Lào Cai đã chủ động thực hiện và hoàn thành công tác kiện toàn tổ chức bộ máy chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); mỗi cấp có 01 Ban Chỉ đạo chung cho cả 03 Chương trình MTQG ở địa phương; kiện toàn lại hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh, cấp huyện đảm bảo số lượng cơ cấu chức danh, nhân sự theo quy định; kiện toàn, thành lập Ban Quản lý dự án cấp xã, Ban Phát triển thôn đảm bảo đủ số lượng cán bộ theo yêu cầu; kiện toàn, phân công nhiệm vụ lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển và mục tiêu nhiệm vụ; UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và dự toán ngân sách năm 2022 thực hiện các chương trình MTQG; phân bổ tổng số cho các cơ quan, đơn vị theo nội dung, dự án thành phần. UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch thực hiện năm 2022 cho từng chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù khác của địa phương, lồng ghép vốn tích hợp chính sách các chương trình MTQG.
Hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện 03 chương trình MTQG đều đạt và vượt kế hoạch giao
Tại thời điểm đầu giai đoạn 2021 - 2025, Lào Cai có 01 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; UBND tỉnh công nhận 57/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; UBND cấp huyện công nhận 134 thôn đạt chuẩn kiểu mẫu, 123 thôn đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 15,15 tiêu chí/xã. Về giảm nghèo bền vững năm 2021, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, tổng số hộ nghèo chiếm 5,31%; tỷ lệ giảm nghèo đạt 2,89%; số hộ cận nghèo chiếm 7,34%. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, số hộ nghèo chiếm 25,19%; số hộ cận nghèo chiếm 12,75%. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai năm 2021 có khoảng 140.864 hộ với 563,5 nghìn người; trong đó có 44.036hộ nghèo, chiếm 31,3%. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 95% hộ dân người DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 95,7% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 100% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt; tỷ lệ che phủ Bảo hiểm y tế bình quân đạt 85,3%;...
Triển khai thực hiện 03 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022 đều đạt và vượt kế hoạch giao như: Tỷ lệ nghèo giảm 5,82%, bằng 129,43% kế hoạch giao (giảm 9.771 hộ nghèo), đứng thứ 8 về giảm nghèo khu vực Trung du miền núi phía Bắc, đạt 43,5% kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Số hộ cận nghèo còn lại chiếm 12,17%, giảm 0,78% (tương đương 1.072 hộ). Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 đạt 7%, vượt 1 điểm % so kế hoạch trung ương giao; 04 xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, vượt 04 xã so với kế hoạch. Trong năm 2022, UBND tỉnh Lào Cai đã công nhận thêm 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn là 62/127 xã; công nhận thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020, lũy kế toàn tỉnh có 04 xã nông thôn mới nâng cao; công nhận thêm 67 thôn nông thôn mới theo bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020 lên 177 thôn kiểu mẫu, 237 thôn nông thôn mới, trong đó có 20 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới thuộc 11 xã đặc biệt khó khăn miền núi và biên giới.
Tổng nguồn lực thực hiện các chương trình MTQG năm 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh Lào Cai là 2.726.299 triệu đồng. Trong đó Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 810.612 triệu đồng; Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới 1.507.622 triệu đồng; Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững 408.065 triệu đồng. Dự kiến huy động nguồn lực thực hiện 03 chương trình MTQG năm 2023 trên địa bàn tỉnh là 3.115.955 triệu đồng.
Tính đến hết ngày 31/01/2023, giải ngân nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương năm 2021 đạt 99,57% kế hoạch trung ương giao; giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương năm 2022 đạt 80,4% kế hoạch giao; số vốn ngân sách trung ương năm 2022 còn lại 228.011 triệu đồng được kéo dài thực hiện sang năm 2023. Ước thực hiện giải ngân số vốn kéo dài còn lại đến 31/12/2023 đạt 100%. Đến ngày 20/3/2023, giải ngân vốn ngân sách trung ương đầu tư thực hiện các chương trình MTQG năm 2023 đạt 7,4% kế hoạch giao; giải ngân vốn sự nghiệp 685 triệu đồng. Ước thực hiện giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2023 và vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 đến ngày 30/6/2023 đạt khoảng 50% kế hoạch vốn giao.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh cũng đã báo cáo với Tổ công tác của Đoàn giám sát Quốc hội về những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện 03 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh như: Một số chỉ tiêu, tiêu chí mới chạm ngưỡng, thậm chí sau đánh giá còn bị rớt chuẩn; một số nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa triển khai thực hiện được trong năm 2022; việc triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn chậm; công tác đào tạo, tập huấn, hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình còn muộn; một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm, chưa đồng bộ, gây lúng túng cho địa phương trong thực hiện các chương trình; việc phân cấp cho HĐND cấp tỉnh, UBND tỉnh ban hành nhiều quy định mới, có những nội dung khá phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ ban hành văn bản của địa phương cũng như việc tổ chức triển khai thực hiện…
Đồng thời kiến nghị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ, bộ, ban, ngành Trung ương một số nội dung về: thông báo mức vốn sự nghiệp dự kiến thực hiện chương trình cả giai đoạn 2021 - 2025; giao vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình MTQG; công trình được áp dụng theo cơ chế đặc thù; sửa đổi, bổ sung Điều 19 Nghị định 27/2022/NĐ-CP; xây dựng và ban hành kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 5 năm chi tiết; các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết chuỗi giá trị; giải quyết các khó khăn khi thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Chính phủ; rà soát hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình MTQG theo hướng đồng bộ, thống nhất, thuận lợi trong việc triển khai thực hiện…
Đồng chí Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tuyên Quang, thành viên Tổ công tác đề nghị tỉnh Lào Cai làm rõ một số vấn đề trong triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG.
Tại buổi làm việc, các thành viên Tổ công tác của Đoàn giám sát Quốc hội đề nghị tỉnh Lào Cai bổ sung, làm rõ một số nội dung, tập trung vào các vấn đề: Bổ sung một số đặc điểm, tình hình về Lào Cai để có cái nhìn tổng thể, đầy đủ hơn về địa bàn triển khai thực hiện các chương trình MTQG; nêu cụ thể từng thành viên cơ quan, đơn vị trong Ban Chỉ đạo của địa phương; những văn bản xin ý kiến bộ, ban, ngành trung ương nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời địa phương; lý do tỉnh phân bổ kế hoạch vốn cho các địa phương rất sớm nhưng cấp huyện phân bổ vốn cho các xã còn chậm, muộn; các giải pháp góp phần giảm tỷ lệ giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; kiểm tra các số liệu trong báo cáo chuyên đề và báo cáo chung đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ; rà soát các tiêu chí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới còn bất cập, vướng mắc, khó thực hiện; đánh giá thêm về phạm vi, mục tiêu, đối tượng của chương trình MTQG; các sở, ban, ngành tỉnh tham mưu thực hiện chương trình MTQG rà soát lại một số nội dung cần điều chỉnh, bổ sung để đề xuất kịp thời với Tổ công tác, báo cáo Quốc hội nghiên cứu, xem xét…

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính trả lời một số vấn đề thành viên Tổ công tác đặt ra tại buổi làm việc; trong đó tập trung vào nội dung phân cấp, phân bổ vốn sự nghiệp cho các cơ quan, đơn vị địa phương, giải pháp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình MTQG…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh tỉnh Lào Cai đã rất chủ động trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 03 chương trình MTQG. Lào Cai có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo; lựa chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm của từng dự án, chương trình MTQG để thực hiện; đồng thời tỉnh đã chủ động trong việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư, vốn sự nghiệp từ rất sớm, kịp thời, góp phần giải quyết, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc.
Các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã rất tâm huyết, quyết liệt, có sự đổi mới trong triển khai thực hiện các chương trình MTQG. Tuy nhiên đồng chí còn băn khoăn, vướng mắc đối với tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh Lào Cai còn rất nhanh, trong khi tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao, giảm chậm; do đó tỉnh cần hết sức quan tâm trong việc đánh giá, đảm bảo đúng thực trạng và có những giải pháp hiệu quả hơn nữa về nội dung giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Đối với việc hỗ trợ phát triển sản xuất cần đặc biệt quan tâm vì đây là một trong những nội dung tác động đến nhiều chỉ tiêu khác, tác động chính đến đời sống của người dân.
Đồng chí Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Tổ trưởng Tổ công tác ghi nhận, đánh giá cao kết quả tỉnh Lào Cai đã làm được trong việc triển khai thực hiện 03 chương trình MTQG.
Đồng chí Tổ trưởng Tổ công tác cũng lưu ý Lào Cai cần quan tâm đến hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong từng chương trình MTQG. Đối với các xã rớt chuẩn tiêu chí, tỉnh cần tiếp tục cần có các giải pháp tổng thể nhằm phấn đấu đạt được mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã đề ra…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan bày tỏ sự ấn tượng trong chuyến công tác, làm việc tại tỉnh Lào Cai và nhận định từ lãnh đạo từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh đều rất thẳng thắn, báo cáo và đề cập cụ thể những vướng mắc, khó khăn, hạn chế giúp cho Tổ công tác nắm bắt đầy đủ, chi tiết các nội dung trong việc thực hiện các chương trình MTQG; đồng thời đề nghị tỉnh tiếp thu ý kiến của các thành viên trong Tổ công tác, bổ sung thêm các nội dung và hoàn thiện Báo cáo gửi về Tổ công tác trước ngày 29/3/2023 để tổng hợp, chuẩn bị tốt nhất cho chương trình giám sát của Quốc hội tại tỉnh Lào Cai trong tháng 6 hoặc tháng 7/2023.
Trước đó, trong buổi sáng ngày 27/3, Tổ công tác của Đoàn giám sát Quốc hội đã đi kiểm tra và làm việc với huyện Bát Xát và 03 xã của huyện (gồm xã Quang Kim, Phìn Ngan, Trịnh Tường) về tình hình triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn./.