Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI: Chất vấn và trả lời chất vấn 02 lĩnh vực tài nguyên môi trường, nông nghiệp
Đại biểu tổ HĐND tỉnh tại thị xã Sa Pa, huyện Mường Khương, huyện Bắc Hà, huyện Bảo Yên đã chất vấn đối với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về 02 lĩnh vực tài nguyên môi trường và nông nghiệp; tập trung vào các nội dung: quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh; xác định giá đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất; xây dựng nông thôn mới; vật liệu xây dựng thông thường; công tác giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phát triển sản xuất lâm nghiệp, hỗ trợ trồng rừng…
Khan hiếm vật liệu xây dựng cục bộ trong thời gian qua
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Ngô Quyền, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bảo Yên chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Đại biểu đề nghị đồng chí cho biết nguyên nhân khiến tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng cục bộ trong thời gian qua và với tư cách là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo ngành tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh những giải pháp gì để thực hiện việc ưu tiên sử dụng vật liệu tại chỗ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Ngô Quyền, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hồ Cao Khải thông tin: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 48 giấy phép khai thác (mỏ) đá, cát, đất sét làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực, với tổng công suất đạt khoảng 2.204.111 m3/năm. Tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng cục bộ trong thời gian có một số nguyên nhân như: Các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh được phê duyệt và triển khai thực hiện nhiều hơn so với các năm trước; trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp phép, lấy ý kiến của các sở, ngành, địa phương có nhiều trường hợp các mỏ trùng hoặc có liên quan đến khu vực cấm hoạt động khoáng sản; các địa phương chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo sát sao trong việc rà soát, đề xuất các mỏ để đưa vào kế hoạch đấu giá; nguồn cát, sỏi tự nhiên đang khan hiếm; một số mỏ đã được cấp giấy phép chưa đi vào hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng; một số điểm khai thác cát, sỏi nằm trong lòng hồ thủy điện, khi tích nước dâng cao nên rất khó khăn cho việc hút cát hoặc bắt buộc phải tạm dừng khai thác…
Nhằm đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ cung cấp cho các dự án, xây dựng công trình trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, bổ sung toàn bộ các mỏ vật liệu vào quy hoạch tỉnh. Chủ trì thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo đúng quy định. Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; tham mưu ban hành kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản và tổ chức thực hiện đấu giá theo quy định. Tính đến hết năm 2022, UBND tỉnh Lào Cai đã thực hiện đấu giá thành công được 25 điểm mỏ cho 24 tổ chức cá nhân; năm 2023 đã tổ chức đấu giá thành công 05 mỏ vật liệu xây dựng thông thường…
Để thực hiện việc sử dụng vật liệu tại chỗ nhằm đảm bảo nguồn cung vật liệu phục vụ thi công các dự án công trình, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn về quy định và trình tự, thủ tục liên quan đến việc đăng ký khai thác, cấp giấy phép khai thác vật liệu xây dựng thông thường (gồm cả đất san lấp) trong phạm vi, diện tích dự án công trình. Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ, Quốc hội giải quyết, sửa đổi các quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho công tác cấp phép vật liệu xây dựng thông thường.
Đại biểu Ngô Quyền, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bảo Yên chất vấn.
“Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh” chậm tiến độ
Chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Ngô Quyền cho biết theo Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai; UBND thành phố Lào Cai được chọn thí điểm thực hiện xong công tác rà soát ranh giới, cắm mốc, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất của Ban quản lý rừng phòng hộ trước ngày 31/12/2022, các địa phương còn lại sẽ hoàn thành Đề án trong năm 2024. Mặc dù mục tiêu, giải pháp của Đề án đã được xác định rất rõ ràng, song việc triển khai thực hiện Đề án tại các huyện, thị xã, thành phố đều rất chậm,… Đề nghị Giám đốc Sở với trách nhiệm là cơ quan thường trực cho biết nguyên nhân, lý do Đề án triển khai chậm; Đề án có khả năng hoàn thành đúng tiến độ trong năm 2024 và giải pháp để đảm bảo dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ?
Trả lời chất vấn, đồng chí Hồ Cao Khải cho biết Đề án sau khi được UBND tỉnh phê duyệt đến nay tiến độ còn chậm so với yêu cầu do một số nguyên nhân chủ yếu như: Dự án có được triển khai theo hình thức đầu tư công trong khi các Chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện; Lịch sử việc giao đất lâm nghiệp trước đây không có sơ đồ, bản đồ có tọa độ; ranh giới, diện tích sử dụng đất không được xác định trên thực địa dẫn đến diện tích đất được giao và diện tích đất thực tế quản lý của các tổ chức có sự sai lệch. Một số đơn vị được giao quản lý, sử dụng đất chưa chủ động rà soát, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, chưa quản lý chặt chẽ quỹ đất được giao. Ranh giới, diện tích đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất do các tổ chức được giao quản lý có diện tích rất lớn; trong khi ranh giới diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân lại nhỏ lẻ, manh mún nằm đan xen với đất của các tổ chức, dẫn đến việc chồng chéo, vướng mắc. Hiện nay một số đơn vị (chủ đầu tư, đơn vị sử dụng đất) vẫn chưa xác định đúng trách nhiệm của mình. Một số huyện được giao tự chủ kinh phí còn gặp khó khăn để tổ chức thực hiện.
Qua theo dõi tổng hợp kết quả, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ của Đề án đúng tiến độ trong năm 2024 là khó khả thi; các cấp, các ngành cần phải có quyết tâm cao và quyết liệt triển khai thực hiện mới có khả năng hoàn thành. Đồng chí cũng đưa ra một số giải pháp đối với các sở, ban, ngành tỉnh và HĐND, UBND cấp huyện trong thời gian tới để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án.
Đồng chí Hồ Cao Khải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn.
Xác định giá đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất
Đại biểu Hà Tất Định, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bắc Hà đặt 02 câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Trong đó đề nghị cho ý kiến và có hướng dẫn về việc xác định giá đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất (theo Điểm g, Khoản 2, Điều 118, Luật Đất đai 2013) để huyện Bắc Hà, các địa phương trong tỉnh thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Đề nghị có hướng dẫn cụ thể đối với 03 vấn đề: (1) Việc UBND huyện Bắc Hà bố trí tái định cư đối với dự án lựa chọn nhà đầu tư tại dự án Đường vành đai 2 có đúng theo quy định hay không. Nếu đúng theo quy định thì nhà đầu tư có phải chi trả nguồn vốn để xây dựng, hay chỉ bố trí tái định cư và tiền hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu hay không? (2) Trường hợp nhà đầu tư phải xây dựng, bố trí bổ sung quỹ đất tái định cư ngay tại dự án thì quy trình lập phương án, khu vực bố trí giao tái định cư, giao đất có thu tiền sử dụng đất được thực hiện như thế nào? Số suất tái định cư tăng thêm có được tính bổ sung vào phương án đền bù hỗ trợ tái định cư đã phê duyệt theo phương án đã chấp thuận đầu tư hay không; hay nhà đầu tư phải tự bù đắp chi phí không được tính cân đối vào dự án.

Đại biểu Hà Tất Định, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bắc Hà chất vấn.
Điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Hà Tất Định, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bắc Hà bằng văn bản và đăng tải đầy đủ nội dung này trên Cổng thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường để người dân được biết.
Giải quyết tồn tại, bất cập công tác giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Đại biểu Vù A Giàng, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thị xã Sa Pa cho biết trên địa bàn thị xã Sa Pa qua kiểm tra, phát hiện nhiều khu vực đã được đo vẽ, phê duyệt bản đồ địa chính theo dự án tổng thể, nhưng ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất trong bản đồ khác so với thực tế, cá biệt có nhiều thửa đất chưa cấp quyền sử dụng đất nhưng người dân đang sử dụng dẫn đến khi triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính để chỉnh lý bản đồ; ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án và kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho người dân. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có giải pháp như thế nào để giải quyết những tồn tại, bất cập trong thời gian tới?
Đại biểu Vù A Giàng, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thị xã Sa Pa chất vấn.
Qua rà soát, thị xã Sa Pa còn khoảng 647.338 thửa đất do 17.553 hộ gia đình, cá nhân đang quản lý sử dụng. Trong đó khoảng 385.399 thửa đất do 10.944 hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng chưa thực hiện việc đăng ký đất đai. Để hoàn thành công tác cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thị xã Sa Pa cũng như trên địa bàn toàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 287/KH-UBND ngày 30/6/2023. Trong đó xây dựng lộ trình thực hiện đến năm 2025 sẽ thực hiện xong việc đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đưa ra 05 giải pháp cụ thể trong thời gian tới nhằm giải quyết những tồn tại, bất cập đại biểu Vù A Giàng đã đề cập.
Diện tích đất giao cho các Ban quản lý rừng phòng hộ chồng lấn với đất sản xuất của người dân
Đại biểu Thào Thị Lan, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Mường Khương chất vấn: Theo Nghị quyết số 10-NQ/TU về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần chuyển đổi khoảng 13.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, đất đồi rừng kém hiệu quả sang trồng mới các cây trồng chủ lực. Tuy nhiên đến hết năm 2023 việc chuyển đổi đất tại các huyện gần như không thực hiện được do vướng mắc về hồ sơ đất đai. Đặc biệt tiến độ thực hiện Quyết định số 86/QĐ-UBND ngày 14/01/2022 của UBND tỉnh rất chậm vì hồ sơ giao đất, giao rừng trước đây không chính xác. Tại huyện Mường Khương có nhiều diện tích đất người dân đang sử dụng dự kiến để trồng cây chè, cây chuối nhưng thuộc quy hoạch đất rừng hoặc chồng lấn với đất đã giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ. Đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết trách nhiệm của ngành trong việc để tồn tại diện tích đất giao cho các Ban quản lý rừng phòng hộ trùng lấn với đất sản xuất của người dân trong thời gian qua? Ngành có giải pháp gì để thực hiện kế hoạch chuyển đổi đất rừng kém hiệu quả sang trồng cây chủ lực theo kế hoạch của tỉnh?

Đại biểu Thào Thị Lan, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Mường Khương chất vấn.
Trả lời chất vấn của đại biểu Thào Thị Lan, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Căn cứ hệ thống bản đồ địa chính, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Khương tổ chức rà soát, cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý rừng phòng hộ bằng phương pháp giao nhanh, không thực hiện đo đạc địa chính. Do hệ thống bản đồ này có độ chính xác không cao, diện tích đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ rất lớn, không được đo đạc địa chính nên khi giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban quản lý rừng phòng hộ vẫn có đất của các hộ gia đình, cá nhân sử dụng manh mún, nhỏ lẻ xen kẽ. Đồng thời do việc quản lý sử dụng đất của Ban quản lý rừng phòng hộ không tốt nên không biết ranh giới sử dụng đất trên thực địa, bị lấn chiếm sử dụng dẫn đến tranh chấp, vướng mắc chưa được giải quyết. Để khắc phục vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3200/QĐ-UBND ngày 14/7/2017 phê duyệt Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh. Mục tiêu là để rà soát, cắm mốc đo đạc bản đồ địa chính đất của Ban quản lý rừng phòng hộ, tuy nhiên do điều kiện ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, UBND tỉnh chưa bố trí được kinh phí để tổ chức thực hiện kịp thời. Ngày 14/01/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 86/QĐ-UBND điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 3200/QĐ-UBND ngày 14/7/2017.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường Khương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt cho thấy việc lập quy hoạch, kế hoạch sử đất hàng năm (chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang các loại cây trồng khác) là trách nhiệm của UBND huyện Mường Khương triển khai thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với UBND huyện Mường Khương triển khai lập kế hoạch sử dụng đất kịp thời, phù hợp với thực tế để khai thác sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả nhất. Đề nghị UBND huyện Mường Khương phối hợp với các ngành Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có các giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả.
Chất vấn về xây dựng nông thôn mới; phát triển sản xuất lâm nghiệp
Đại biểu Lý Thị Hào, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bắc Hà đề nghi với trách nhiệm là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ủy viên Thường trực, điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đồng chí sẽ có những giải pháp như thế nào để hoàn thành mục tiêu duy trì và phấn đấu các xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025? Quan điểm của đồng chí về 02 nội dung: Điều chỉnh giảm mục tiêu phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới để phù hợp sự thay đổi của của Bộ tiêu chí, khả năng thực hiện của các xã, đồng thời đảm bảo kết quả xây dựng nông thôn mới phản ánh đúng thực chất; có cơ chế, chính sách hỗ trợ duy trì, củng cố các tiêu chí tại các xã duy trì và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Trường hợp những kiến nghị này phù hợp và khả thi thì đồng chí sẽ có giải pháp tham mưu, chỉ đạo như thế nào để các địa phương thực hiện?
Đại biểu Lý Thị Hào, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bắc Hà chất vấn.
Đại biểu Tráng Thị Sinh, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Mường Khương cho biết chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, huyện Mường Khương được UBND tỉnh giao trồng mới 350 ha rừng sản xuất. Tuy nhiên thực tế do thời tiết khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng của vùng nên cây lâm nghiệp rất chậm phát triển, chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất hiện nay 10 triệu đồng/ha là thấp hơn chính sách hỗ trợ các loại cây chủ lực khác trên địa bàn tỉnh, giá trị kinh tế từ rừng cũng không cao hơn so với các loại cây như chè, chuối, dứa, các loại cây ăn quả. Vì vậy rất khó để vận động người dân trồng rừng, huyện Mường Khương không thể hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng năm 2023 đã được giao.
Đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trách nhiệm của ngành trong việc tham mưu giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm cho các huyện, thị xã, thành phố trong trường hợp địa phương không thể hoàn thành kế hoạch. Quan điểm của ngành trong việc tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ trồng rừng tại địa bàn có nguy cơ sa mạc hóa cao như huyện Mường Khương, Si Ma Cai.
Đại biểu Tráng Thị Sinh, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Mường Khương chất vấn.
Trả lời chất vấn của đại biểu Lý Thị Hào, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đỗ Văn Duy cho biết: Căn cứ vào thực tế triển khai thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp, các nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh và đề nghị của các huyện, thị xã, thành phố về điều chỉnh giảm các mục tiêu xây dựng nông thôn mới; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong đó đề xuất giảm chỉ tiêu “Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới từ 74% (94 xã) xuống còn 67% (84 xã), giảm 7% (10 xã)”.
Về đề xuất cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đảm bảo tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt tối thiểu 10%; đồng chí Giám đốc Sở cho biết đây là chỉ tiêu mới trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2025, do đó các xã cần triển khai thực hiện để duy trì mức độ đạt chuẩn đối với tiêu chí 17 về Môi trường và An toàn thực phẩm. Hiện nay UBND tỉnh đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát hiện trạng và nhu cầu đầu tư theo quy định của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2025 để có kế hoạch chi tiết duy trì 19/19 tiêu chí ở 62 xã đã đạt chuẩn. Đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đã được phân bổ nguồn vốn lồng ghép từ Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc huyện Bắc Hà chủ động ứng trước kinh phí địa phương và huy động xã hội hoá để thực hiện các dự án trên địa bàn huyện là nội dung thiết thực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng. Vì vậy, đề nghị UBND huyện Bắc Hà tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ các dự án huyện dự kiến ứng trước kinh phí. Căn cứ nhu cầu hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương về chính sách hỗ trợ. Sau khi được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở sẽ phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải và Xây dựng tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và HĐND tỉnh.

Đồng chí Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn.
Trả lời chất vấn của đại biểu Tráng Thị Sinh, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Mường Khương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng việc giao chỉ tiêu kế hoạch hằng năm được thực hiện theo quy trình xây dựng kế hoạch chung toàn tỉnh trên cơ sở mục tiêu chung của toàn tỉnh và đăng ký của các huyện, thị xã, thành phố. Hằng năm Sở đều ban hành văn bản hướng dẫn gửi các địa phương và đề nghị đăng ký chỉ tiêu kế hoạch của địa phương, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung. Đồng thời trước khi tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua vào kỳ họp cuối năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đều tổ chức họp thống nhất chỉ tiêu với các huyện, sở, ngành; huyện Mường Khương đã thống nhất các chỉ tiêu kế hoạch dự kiến giao (năm 2023 huyện đã đăng ký trồng mới 350 ha rừng). Sau khi được HĐND tỉnh thông qua và UBND tỉnh có quyết định giao kế hoạch, các địa phương tổ chức triển khai, đề ra các giải pháp để thực hiện đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Do đó, việc không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trước hết thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Trong trường hợp không thể hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch với lý do khách quan, bất khả kháng thì cần phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị với tỉnh để điều chỉnh kế hoạch vào kỳ họp HĐND tỉnh giữa năm.
Lào Cai là tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách nên các chính sách về lâm nghiệp, về hỗ trợ trồng rừng thực hiện theo chính sách của Trung ương ban hành. Theo quy định hiện hành của Trung ương thì mức hỗ trợ trồng rừng sản xuất là từ 5 - 10 triệu đồng/ha, mức cụ thể do tỉnh quyết định. Tại Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 18/10/2022 của HĐND tỉnh ban hành quy định một số nội dung, mức chi thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã quy định mức hỗ trợ trồng rừng sản xuất là 10 triệu đồng/ha. Như vậy, tỉnh Lào Cai đã áp dụng mức hỗ trợ cao nhất theo chính sách Trung ương quy định, với mức hỗ trợ này đủ đảm bảo để người dân chi trả kinh phí đầu tư ban đầu cho trồng 01 ha rừng (cây giống, phân bón, một phần nhân công). Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về chính sách về khuyến khích phát triển lâm nghiệp; sau khi Chính phủ ban hành Nghị định mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện theo quy định của chính sách mới.

Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng nội dung trả lời chất vấn của lãnh đạo các sở, ngành tỉnh trong buổi chiều nay đã cơ bản giải đáp các ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh tại 04 huyện, thị xã nhưng chưa thể đáp ứng hết được mong muốn của các đại biểu. Do đó đề nghị các đồng chí lãnh đạo sở, ngành tỉnh tiếp tục nghiên cứu, tìm ra các giải pháp toàn diện, căn cơ hơn nữa để hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…/.