Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường các bon và hàm ý chính sách với Việt Nam”
Lượt xem: 708
CTTĐT - Chiều ngày 23/11/2023, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCED) phối hợp tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường các-bon và hàm ý chính sách với Việt Nam” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Dự tại điểm cầu trung ương có lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ban, ngành và một số địa phương; Đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện OECD; các học giả, chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

anh tin bai

Đại biểu tại điểm cầu trung ương.

Tham dự Hội thảo tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có ông Hoàng Quốc Khánh, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở: Ngoại vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội.

anh tin bai

Các đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của việc tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường các bon và hàm ý chính sách với Việt Nam”. Việc phát triển thị trường các-bon là chìa khóa để thúc đẩy Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu; Việt Nam ngày càng quan tâm đến vấn đề này với cam kết mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế về nền kinh tế “zero” khí thải nhà kính vào năm 2050 tại COP26. Đây là lĩnh vực rất mới với Việt Nam và Hội thảo ngày hôm nay là cơ hội kết nối, nguồn thông tin hữu ích để các bộ, ngành Trung ương, địa phương học tập, tham khảo kinh nghiệm của các tổ chức, đối tác, chuyên gia quốc tế nhằm sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong việc phát triển thị trường các-bon và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác bền vững trong tương lai. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận 04 nội dung chính: Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và vận hành thị trường các-bon; đánh giá tác động của việc đẩy nhanh định giá các-bon hiện nay, phương thức quản lý Nhà nước của Chính phủ, mô hình hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp; kiến nghị các biện pháp đối với Việt Nam về xây dựng khuôn khổ pháp lý, vận hành sàn giao dịch các-bon và tính bao trùm, tương đồng trong quá trình phát triển thị trường các-bon; đề xuất các cơ chế hợp tác tín chỉ các-bon, thúc đẩy xây dựng các dự án…

anh tin bai

Ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu dẫn đề tại Hội thảo, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để đạt được mục tiêu cam kết giảm phát thải khí nhà kính theo đóng góp do quốc gia tự quyết định đến năm 2030 và mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực như năng lượng, giao thông vận tải, nông nghiệp, quản lý chất thải, công nghiệp, lâm nghiệp… Lộ trình phát triển thị trường các-bon trong nước được đề xuất trên cơ sở lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và chia ra 02 giai đoạn: Giai đoạn từ nay đến hết năm 2027 tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025;… Giai đoạn từ năm 2028 tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon các nước trong khu vực và thế giới.

anh tin bai

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu dẫn đề về “Định hướng phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam”.

Trong thời gian qua, Việt Nam có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ và trao đổi trên thị trường các-bon thế giới. Việt Nam là 01 trong 04 nước có dự án “theo cơ chế phát triển sạch” (CDM) đăng ký nhiều nhất, sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và đứng thứ 9/80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ. Đồng chí cho rằng Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển cả thị trường các-bon tự nguyện và thị trường các-bon bắt buộc; đồng thời đề cập đến 03 thách thức đối với việc phát triển thị trường các-bon của Việt Nam như người dân, tổ chức, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về tín chỉ các-bon; các quy định kỹ thuật, điều kiện hạ tầng phục vụ tổ chức vận hành thị trường các-bon và năng lực của các cơ quan, đơn vị chuyên môn, tổ chức tư vấn kỹ thuật chưa đầy đủ để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng, yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế…

anh tin bai

Các chuyên gia kinh tế cao cấp OECD trình bày về “Bối cảnh quốc tế và tiềm năng của Việt Nam trong phát triển thị trường các-bon”

Hội thảo diễn ra 02 phiên thảo luận về các nội dung: “Xây dựng thị trường các-bon và bảo đảm quá trình chuyển đổi công bằng” và “Tăng cường hợp tác quốc tế thúc đẩy xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam”.

anh tin bai

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển OECD điều phối phiên thảo luận.

Tại phiên thảo luận thứ nhất, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyên gia Hà Lan, BCG, EIB, WB… tập trung trao đổi về những nhân tố tác động đến quá trình hình thành và phát triển thị trường các-bon (kinh tế, xã hội, môi trường, lao động…); kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng thị trường các-bon; (iii) Giải pháp nhằm bảo đảm tính bao trùm, công bằng trong quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển thị trường các-bon.

anh tin bai

Các đại biểu trao đổi trong phiên thảo luận thứ nhất.

Trong phiên thảo luận thứ hai, đại diện Bộ Tài chính, chuyên gia Đại học Quốc gia Úc, Hàn Quốc, Indonesia, ADB, Công ty Nông nghiệp xanh… tập trung trao đổi về cách tiếp cận đa chiều trong quá trình xây dựng thị trường các-bon; vai trò của Nhà nước trong thúc đẩy hợp tác công - tư trong quá trình xây dựng và phát triển thị trường các-bon; cơ hội, thách thức và giải pháp thúc đẩy hợp tác quốc tế về thị trường các-bon.

anh tin bai

Đại sứ Julien Guerrier, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam phát biểu kết luận Hội thảo.

Kết luận Hội thảo, Đại sứ Julien Guerrier, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam nhấn mạnh tiềm năng trong mối quan hệ hợp tác giữa liên minh EU và Việt Nam trong việc phát triển thị trường các-bon. Hội thảo đã được lắng nghe về lộ trình, thách thức, cơ hội trong tiến trình phát triển thị trường các-bon của Việt Nam cũng như những ý kiến đóng góp, chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm hữu ích của các chuyên gia, diễn giả, tổ chức, đối tác. Cần có những chính sách tạo thuận lợi cho việc thiết lập thị trường các-bon, thúc đẩy sáng tạo, hỗ trợ phát triển các mục tiêu bền vững khác. Mục tiêu đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta sẽ cùng nỗ lực, cố gắng vì lợi ích của Việt Nam, của châu lục và toàn thế giới. Liên minh châu Âu và các nước thành viên, các định chế tài chính công cam kết sẽ là đối tác chặt chẽ của Việt Nam trên hành trình này./.

Thanh Huyền
  • Phim tài liệu: Lào Cai - Yên Bái: Cùng nhau bước đi, chạm tay đến ước mơ
    (19/04/2025)
  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1