Lào Cai ban hành Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Lào Cai năm 2023
Lượt xem: 1158
CTTĐT – Nhằm tiếp tục triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp các doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; vừa qua, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 331/KH-UBND ngày 30/9/2022 hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2023.

Hỗ trợ 03 nhóm đối tượng

Theo Kế hoạch của UBND tỉnh Lào Cai, năm 2023 thực hiện hỗ trợ 03 nhóm đối tượng gồm: (1) Doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ. (2) Hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi thành doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. (3) Các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Có 05 nguyên tắc thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó đảm bảo DNNVV nộp hồ sơ trước được hỗ trợ trước; DNNVV do phụ nữ làm chủ, sử dụng nhiều lao động nữ và là doanh nghiệp xã hội theo quy định của pháp luật được hỗ trợ trước. Trường hợp DNNVV đồng thời đáp ứng điều kiện của các mức hỗ trợ khác nhau trong cùng một nội dung hỗ trợ theo quy định của Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan thì doanh nghiệp được lựa chọn một mức hỗ trợ có lợi nhất...

Năm 2023, Lào Cai sẽ triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ tối đa cho DNNVV trên địa bàn tỉnh (ảnh minh họa).

Triển khai 11 nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tiếp nối năm 2022, trong năm 2023 Lào Cai sẽ triển khai thực hiện 11 nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ các DNNVV trên địa bàn tỉnh gồm: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật; Hỗ trợ tiếp cận vốn, tín dụng; Hỗ trợ thuế, kế toán; Hỗ trợ mặt bằng sản xuất; Hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; Hỗ trợ mở rộng thị trường; Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chủ động xây dựng các giải pháp tăng cường huy động nguồn vốn trong và ngoài địa bàn để mở rộng tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp,… bảo đảm tất cả các doanh nghiệp có đủ điều kiện có nhu cầu về vốn đều được vay vốn ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, nhất là đối với DNNVV nhằm khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh.

Tham mưu quy chế tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng phát triển trên địa bàn tỉnh. Triển khai công tác hướng dẫn chế độ kế toán đơn giản cho DNNVV; các chính sách phí, lệ phí đối với DNNVV theo quy định; giảm mức thu đóng góp từ khai thác khoảng sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19; điều chỉnh mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh;…

Thông qua Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia tạo điều kiện cho các DNNVV vay vốn khi có các đề tài nghiên cứu ứng dụng khả thi, có ứng dụng thực tiễn sản xuất cao. Tạo điều kiện cho các DNNVV vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai để đầu tư, xây dựng các hệ thống xử lý chất thải, cải tiến công nghệ sản xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chủ động kết nối với Quỹ phát triển DNNVV (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhằm tăng cường cho vay, tài trợ đối với các DNNVV, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị của tỉnh.

Tư vấn, hướng dẫn miễn phí cho DNNVV các thủ tục hành chính thuế nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kê khai, nộp thuế theo đúng quy định. Thực hiện chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, sử dụng hóa đơn thuế điện tử,… nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tổ chức tập huấn và đối thoại với người nộp thuế về các chính sách thuế mới;…

Bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất đai của các DNNVV trong các khu công nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thống kê và thu hồi đất không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích để tạo quỹ đất cho các DNNVV thuê. Các huyện, thị xã, thành phố bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp cho DNNVV; khu chế biến nông, lâm, thủy sản tập trung cho DNNVV phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến  nông, lâm sản, thủy sản, dược liệu. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, xử lý chất thải, mua thiết bị cho các dự án đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến: Hỗ trợ 60% kinh phí đầu tư nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án (đối với cơ sở chế biến nông sản); hỗ trợ 70% kinh phí đầu tư nhưng không quá 02 tỷ đồng/dự án (đối với cơ sở bảo quản nông sản); hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư, không quá 01 tỷ đồng/01 cơ sở (đối với cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ); hỗ trợ 60% kinh phí đầu tư, nhưng không quá 02 tỷ đồng/dự án (đối với cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ);…

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực công nghệ

Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực công nghệ thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, tìm kiếm, giải mã, chuyển giao công nghệ; xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ phát triển tài sản trí tuệ, truy xuất nguồn gốc và đo lường, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế về hỗ trợ thông tin Khoa học và Công nghệ, sở hữu trí tuệ để các DNNVV có thể tiếp cận một cách có hiệu quả nguồn thông tin sáng chế phục vụ nhu cầu sản xuất và đổi mới công nghệ. Triển khai các dự án đầu tư hỗ trợ DNNVV thông qua xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng có sẵn, mua sắm, lắp đặt trang thiết bị, máy móc, phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm, hệ thống công nghệ thông tin cho cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung. Thực hiện chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, hướng dẫn các DNNVV tham gia các chợ công nghệ thiết bị, sàn giao dịch công nghệ trong nước. Triển khai hỗ trợ tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp về quy trình sản xuất kinh doanh, quy trình quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ, trình diễn kỹ thuật, thiết kế và sản xuất bao bì sản phẩm. Đề xuất hình thành các Vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về chuyển giao công nghệ, sản xuất chế biến sản phẩm nghề truyền thống và các đặc sản địa phương; khởi sự kinh doanh, phát triến thương hiệu sản phẩm. Thành lập Mô hình “Vườn ươm thanh niên khởi nghiệp” tỉnh Lào Cai; xây dựng cơ sở dữ liệu về ý tưởng khởi nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Hỗ trợ mở rộng thị trường

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua tổ chức, phối hợp tổ chức: Hội chợ hàng hóa xuất nhập khẩu Lào Cai năm 2023; hoạt động giao thương với doanh nghiệp Trung Quốc theo nhóm ngành hàng xuất khẩu hoặc khu vực (04 lần/năm); Hội nghị quốc tế ngành hàng xuất khẩu, giao thương; Hội chợ hàng Công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc; Hội chợ kết hợp tham gia Hội nghị kết nối cung cầu tại các địa phương trong nước; Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt - Trung; Hội chợ Kinh tế Thương mại Biên giới Trung - Việt;…

Thường xuyên cập nhật thông tin giá cả, thị trường; tạo điều kiện tốt nhất cho DNNVV tham gia liên kết sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của địa phương, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Tiếp tục xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; tăng cường quảng bá các sản phẩm an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thiết lập cửa hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Lào Cai mở tài khoản, quảng bá và bán hàng trên các Sàn Thương mại điện tử lớn trong nước…

Tăng cường đối thoại, nắm bắt tình hình sản xuất, tiêu thụ, hoạt động của các DNNVV trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; kịp thời tháo gỡ, không để xảy ra tình trạng đứt gãy sản xuất, đảm bảo cung ứng, tiêu thụ, đặc biệt là lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thực hiện chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm.

Hỗ trợ thông tin, tư vấn, pháp lý và phát triển nguồn nhân lực DNNVV

Công khai thông tin về các chính sách hỗ trợ cho DNNVV tại các trang web, cổng thông tin điện tử của tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng,… đảm bảo dễ dàng tiếp cận. Chú trọng thực hiện các nội dung xây dựng chính sách về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; phổ biến, xây dựng, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; tọa đàm/đối thoại, bồi dưỡng kiến thức, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp;… Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thông tin, giải pháp hữu ích nhằm tăng kỹ năng thương mại điện tử và phát triển tư duy số hóa thành công thông qua chương trình “Đồng lòng, cùng tiến”.

Tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý về thành lập doanh nghiệp và các nội dung thay đổi đăng ký doanh nghiệp cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu; tăng cường tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử;… Tổ chức các khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp,… và các lớp tập huấn về pháp luật cạnh tranh, thương mại điện tử, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm cho các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nghiên cứu phát triển thị trường trong và ngoài nước, kỹ năng bán hàng trên các trang thương mại điện tử,… Hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động trong các DNNVV theo nhu cầu của doanh nghiệp và quy định của pháp luật.

Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho DNNVV (ảnh: LCĐT).

Hướng dẫn, giải quyết các tranh chấp pháp lý của doanh nghiệp; tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm, góp phần tạo môi trường kinh doanh, đầu tư công bằng, lành mạnh cho các DNNVV.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị

Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tư vấn, hỗ trợ thủ tục đăng ký ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định. Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp; hỗ trợ miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại cơ quan đăng ký kinh doanh, miễn phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia; hướng dẫn các doanh nghiệp đến cơ quan có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục có liên quan đến cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động, giấy phép hoạt động các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính thuế, chế độ kế toán và triển khai cơ chế hỗ trợ miễn lệ phí môn bài cho DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Đẩy mạnh triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số cho các DNNVV giai đoạn 2022 - 2025. Thực hiện hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo về sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới; công nghệ; đào tạo, huấn luyện chuyên sâu; thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo;…

Khuyến khích và hỗ trợ DNNVV đầu tư phát triển sản xuất đối với 06 ngành hàng chủ lực và 02 lĩnh vực bao gồm: Cây chè; cây dược liệu; cây chuối; cây dứa; chăn nuôi lợn; cây Quế, cây Hồi và lâm sản ngoài gỗ; phát triển sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng; sản phẩm tiềm năng của địa phương. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân trong sản xuất, chế biến nông, lâm sản theo chuỗi giá trị; hỗ trợ xúc tiến thương mại, đa dạng hóa sản phẩm; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tại các địa phương, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Xác định cụ thể danh sách các DNNVV trên địa bàn tỉnh có tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến để tư vấn, hướng dẫn thụ hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định. Triển khai thực hiện hỗ trợ nâng cao năng lực liên kết sản xuất và kinh doanh; hỗ trợ thông tin, phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường; hỗ trợ tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng;…/.

CTTĐT
Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (20/11/2022)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1