Lào Cai ban hành Phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2025
Lượt xem: 34
CTTĐT - Trong thời gian 10 năm (2014 - 2024) trở lại đây, kết hợp với nhận định diễn biến thời tiết năm 2025, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có thể xảy ra 09 loại hình thiên tai. Trong đó Bão và áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất, rét hại là loại hình thiên tai xảy ra nhiều nhất gây thiệt hại lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; Phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2025 vừa được UBND tỉnh Lào Cai ban hành tại Quyết định số 1419/QĐ-UBND ngày 06/5/2025.

Lào Cai chịu ảnh hưởng của thiên tai cao nhất đến cấp độ 3

Tỉnh Lào Cai chịu ảnh hưởng của 19/22 loại hình thiên tai. Theo nhận định diễn biến thời tiết năm 2025, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có thể xảy ra 09 loại hình thiên tai: Bão và áp thấp nhiệt đới; mưa lớn; lũ, ngập lụt; lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; rét hại, sương muối; lốc, sét, mưa đá; nắng nóng; hạn hán; sương mù.

Trong năm 2025, cấp độ rủi ro thiên tai có khả năng ảnh hưởng đến tỉnh Lào Cai cao nhất là cấp 3 đối với 5/9 loại hình thiên tai: Bão và áp thấp nhiệt đới; lũ, ngập lụt; lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; nắng nóng; rét hại, sương muốI và cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 2 đối với 4/9 loại hình thiên tai: Mưa lớn; hạn hán; sương mù; lốc, sét, mưa đá.

Số đợt ấp thấp nhiệt đới trung bình từ 5 - 7 đợt/năm 2025 trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó các khu vực vùng thấp như thành phố Lào Cai, Bảo Yên, Bảo Thắng và một phần huyện Bát Xát, Văn Bàn thường chịu ảnh hưởng, thiệt hại nhiều hơn so với các huyện, thị xã khác.

Số đợt mưa lớn xảy ra trung bình từ 7 - 8 đợt/năm; lượng mưa từ 100 - 200 mm trong 24 giờ kéo dài từ 2 - 5 ngày. Phạm vi ảnh hưởng trên địa bàn toàn tỉnh; các địa phương thường chịu ảnh hưởng nhiều nhất là huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai, một số xã vùng thấp huyện Bát Xát, Mường Khương

Số đợt lũ xuất hiện trên địa bàn tỉnh trung bình từ 08 - 09 đợt/sông, suối/năm; lượng mưa  trên 100 mm/đợt hoặc mưa cục bộ tạo dòng chảy lớn. Phạm vi ảnh hưởng trên địa bàn toàn tỉnh; lũ tập trung nhiều nhất ở các huyện, thị xã: Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Văn Bàn, Bát Xát, Mường Khương, Bảo Yên. Đối với ngập lụt thường xảy ra ở các huyện vùng thấp: Bảo Yên, Bảo Thắng, thành phố Lào Cai và một số xã vùng thấp huyện Bát Xát.

anh tin bai

Sạt lở đất tại huyện Bắc Hà năm 2024.

Theo kết quả thống kê tổng hợp, hiện nay toàn tỉnh có 314 điểm sạt lở đất trên 50 m3; 53 điểm có nguy cơ sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên 50 m3. Trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện: Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà và một số xã vùng cao huyện Bát Xát, Văn Bàn, thị xã Sa Pa.

Rét hại, sương muối xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh với 5 - 6 đợt/năm; thường xảy ra vào các tháng chính đông (tháng 12 năm trước đến tháng 01 và tháng 02 năm sau).

Số đợt xuất hiện bình quân Lốc 12 - 13 trận/năm; Sét 25 - 30 trận/năm (thường đi kèm với mưa và dông lốc); Mưa đá 8 - 10 trận/năm (thường kèm theo gió mạnh). Phạm vi ảnh hưởng của Lốc, Sét, Mưa đá trên địa bàn toàn tỉnh; tập trung chủ yếu ở các huyện: Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà và một phần huyện Bát Xát, thị xã Sa Pa.

Mùa hè năm 2025 được dự báo có khoảng 6 - 7 đợt nắng nóng xảy ra trên diện rộng, xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Hạn hán xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ 2 - 3 đợt/năm; tập trung ở các huyện Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà và các xã vùng núi cao huyện Bát Xát. Sương mù xuất hiện trên địa bàn toàn tỉnh từ 8 - 9 đợt/năm.

Ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi do thiên tai năm 2025

Ứng phó với thiên tai cấp độ 1

Ngay sau khi nhận được bản tin của Đài Khí tượng thuỷ văn hoặc văn bản chỉ đạo hoặc thông tin của Sở Nông nghiệp và Môi trường; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cấp huyện, cấp xã; UBND tỉnh, cấp huyện, cấp xã tùy theo tính chất, mức độ, loại hình thiên tai để áp dụng các biện pháp ứng phó và huy động khẩn cấp nguồn lực cho phù hợp.

Tùy theo tính chất, loại hình thiên tai; Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết ứng phó với thiên tai cho phù hợp, tối đa không quá 30%. Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp xã thông báo kịp thời đến khoảng 47.302 nhà ở; 4.662 nhà ở đang sinh sống trong khu vực thiên tai nguy hiểm; 39 dự án sắp xếp dân cư thiên tai tập trung/2.597 hộ; đặc biệt quan tâm 20.411 hộ nghèo, 18.058 hộ cận nghèo. Có các biện pháp cụ thể để ứng phó với 769 điểm có nguy cơ xảy ra thiên tai.

Ứng phó với thiên tai cấp độ 2

Ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo hoặc thông tin của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; tùy theo tính chất, mức độ, loại hình thiên tai để áp dụng các biện pháp ứng phó và huy động nguồn lực cho phù hợp.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ huy, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai ứng phó với thiên tai. Huy động tối đa dưới 60% cán bộ, chiến sĩ và các phương tiện kỹ thuật hiện có để ứng phó với thiên tại cấp độ 2.

Các công ty, doanh nghiệp, người dân huy động dưới 60% phương tiện cơ giới; dưới 60% lực lượng hiện có, đặc biệt khu vực bị thiên tai được huy động dưới 70% lực lượng hiện có cùng với 70% các trang thiết bị để ứng phó với thiên tai.

Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội với tinh thần “Tự mình bảo vệ mình và tự cứu lấy mình”.    

Ứng phó với thiên tai cấp độ 3

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố huy động tổng lực mọi nguồn lực để ứng phó với sự cố, thiên tai. Thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo các lực lượng tổ chức ứng phó.

Cấp huyện, cấp xã huy động tối đa mọi nguồn lực và phối hợp với các lực lượng chi viện từ bên ngoài để ứng phó với thiên tai. Các huyện, xã lân cận khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng chi viện, giúp đỡ các địa phương ứng phó với thiên tai.

 Tùy theo tính chất, loại hình thiên tai, mức độ, phạm vi ảnh hưởng; Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cho phù hợp.

Xem Phương án tại đây:

Tải về

Thanh Huyền
  • Phim tài liệu: Lào Cai - Yên Bái: Cùng nhau bước đi, chạm tay đến ước mơ
    (19/04/2025)
  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1