Đề xuất thành lập mới các KCN
Về loại hình KCN, để đảm bảo phát triển bền vững, đề nghị các địa phương có đjnh hướng cụ thể số lượng các KCN phát triển theo loại hình KCN mới (KCN hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, KCN chuyên ngành…); hướng dẫn và đồng hành cùng nhà đầu tư hạ tầng KCN trong việc đề xuất các dự án KCN loại hình mới, hướng đến cân bằng các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả phát triển của các KCN, nhất là địa phương đang có nhiều KCN phát triển theo loại hình KCN thu hút đầu tư đa ngành.
Gắn việc thành lập KCN với việc nâng cao hiệu quả phát triển KCN (ảnh minh họa).
Để đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác thẩm định, trong quá trình có ý kiến thẩm định lưu ý các nội dung sau:
(1) Chỉ tiêu đất KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện đầu tư xây dựng các KCN đến năm 2025 là 152m8 nghìn ha, năm 2030 là 210,93 nghìn ha. Văn bản thẩm định của UBND cấp tỉnh phải khẳng định và nêu rõ sự phù hợp của diện tích đề xuất thực hiện các dự án KCN với các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan được cấp có thẩm quyền phân bổ; đảm bảo tổng diện tích đất của các dự án KCN trên địa bàn phù hợp chỉ tiêu đất KCN trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2025, năm 2030 đã được cấp có thẩm quyền phân bổ cho địa phương, tránh phân bổ dàn trải chỉ tiêu đất KCN; có kế hoạch cụ thể đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng ngoài hàng rào KCN, chương trình đào tạo nguồn nhân lực để đảm bảo cho hoạt động của các KCN.
(2) Chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa cần lưu ý: Có ý kiến thẩm định theo quy định của pháp luật về đầu tư và đảm bảo tuân thủ chỉ tiêu đất trồng lúa được chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Rà soát và có ý kiến về hồ sơ, điều kiện và thực hiện các thủ tục về chuyển đổi đất trồng lúa theo quy định của pháp luật về trồng trọt, đất đai, đất trồng lúa. Đối với các dự án KCN phải chuyển đổi mục đích sử dụng đối với diện tích đất trồng lúa lớn thì cần đánh giá kỹ về an ninh lương thực, việc đào tạo lại, chuyển đổi nghề của người dân bị thu hồi đất và ảnh hưởng đến các diện tích đất trồng lúa khu vực xung quanh để phân kỳ đầu tư phù hợp theo quy định của pháp luật về KCN.
(3) Đối với các dự án KCN có diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, cần có ý kiến thẩm định cụ thể theo quy định của về đầu tư và đảm bảo tuân thù chỉ tiêu đất rừng được phép chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Rà soát việc đáp ứng điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và chủ động thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp để đồng bộ với thủ tục trình chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
(4) Rà soát, hướng dẫn nhà đầu tư đề xuất dự án KCN đáp ứng các điều kiện đầu tư hạ tầng KCN theo quy định của pháp luật về KCN; lưu ý nội dung phân kỳ đầu tư và thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo từng giai đoạn đối với các KCN đề xuất sử dụng quy mô, diện tích đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa lớn. Rà soát, đánh giá năng lực của nhà đầu tư để đảm bảo việc đáp ứng điều kiện giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Có ý kiến thẩm định cụ thể, rõ ràng về loại tài sản công, đề xuất hình thức xử lý đối với tài sản công theo quy định pháp luật đối với các dự án KCN có tài sản do cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước quản lý, sử dụng trong khu vực thực hiện dự án.
Thực hiện các dự án KCN
Để sớm đưa các KCN đã được thành lập vào hoạt động và đảm bảo quỹ đất để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm trên địa bàn và khu vực lân cận; đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo:
Tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại Điều 70 Luật Đầu tư, Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ. Xử lý kiên quyết các trường hợp chậm tiến độ do nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư.
Thực hiện phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý các KCN, Khu kinh tế theo quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong thực hiện thủ tục hành chính đối với dự án KCN… và rút ngắn thời gian xem xét chấp thuận đối với các thủ tục hành chính.
Đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng KCN phải đồng thời với đảm bảo chất lượng kết cấu hạ tầng KCN. Trong đó lưu ý việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của các KCN trên địa bàn.
Thu hút đầu tư vào các KCN
Thu hút đầu tư theo hướng phát triển các cụm liên kết ngành và hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong KCN; đẩy nhanh việc chuyển đổi và xây dựng mới các KCN sinh thái, phát triển các loại hình KCN mới.
Kiểm soát việc thu hút đầu tư vào các KCN; trong đó gắn với thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động thu hút các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên, các dự án công nghệ hiện đại, có cam kết chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường, phát triển chuỗi cung ứng, nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; hạn chế việc thu hút các dự án đầu tư sử dụng nhiều nước, hóa chất, năng lượng, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, giá trị gia tăng thấp.
Hiện nay trên địa bàn cả nước có 425 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 130,7 nghìn ha. Trong đó có 299 KCN đã đi vào hoạt động với 92 nghìn ha và 126 KCN đang trong quá trình xây dựng. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt 51,3 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,5%.
|