Giai đoạn 2022 - 2030 thực hiện đầu tư 09 điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Ban Quản lý rừng phòng hộ thị xã Sa Pa
Lượt xem: 6
CTTĐT - UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết định số 1366/QĐ-UBND ngày 29/4/2025 phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Ban Quản lý rừng phòng hộ thị xã Sa Pa giai đoạn 2022 - 2030.

Đề án có phạm vi thực hiện trên toàn bộ diện tích gần 15.972 ha do Ban quản lý rừng phòng hộ thị xã Sa Pa được giao, quản lý. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2030 với các chỉ tiêu: Thu hút được ít nhất 05 nhà đầu tư có đủ năng lực thuê môi trường rừng tại các điểm du lịch để thực hiện dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các khu rừng phòng hộ thị xã Sa Pa. Hoàn thành đầu tư phát triển và đưa vào hoạt động, khai thác du lịch tại 03 điểm du lịch.

Trung bình hàng năm thu hút được 50.000 - 100.000 lượt khách du lịch; trong đó số lượng khách quốc tế tối thiểu chiếm 08%, tỷ lệ du khách ở lại lưu trú qua đêm chiếm trên 28%. Doanh thu thu từ hoạt động du lịch đạt ít nhất 780 tỷ đồng; trong đó nguồn thu từ hoạt động cho thuê môi trường rừng đạt ít nhất 780 triệu đồng.

Tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 800 lao động; các lao động được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Các điểm du lịch đạt tiêu chuẩn an toàn và tuân thủ tốt các quy định về bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên; môi trường du lịch, an ninh, an toàn tại các điểm du lịch được kiểm soát.

anh tin bai

Vị trí một số điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Đề án.

Đề án triển khai thực hiện 09 điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên địa bàn các xã, phường của thị xã Sa Pa gồm: (1) Điểm du lịch sinh thái Đồi Thông có diện tích 59,46 ha thuộc phường Hàm Rồng; (2) Điểm du lịch sinh thái Đồi Ly có diện tích 34,29 ha thuộc phường Hàm Rồng; (3) Điểm du lịch sinh thái Suối Để có diện tích 36,6 ha thuộc phường Phan Si Păng; (4) Điểm du lịch sinh thái Suối Hồ có diện tích 89,91 ha thuộc phường Phan Si Păng; (5) Điểm du lịch sinh thái Thác Bạc có diện tích 355,55 ha thuộc phường Ô Quý Hồ; (6) Điểm du lịch sinh thái Đồi Cháy có diện tích 78,99 ha thuộc phường Ô Quý Hồ; (7) Điểm du lịch sinh thái Núi Hàm Rồng có diện tích 74,5 ha thuộc phường Sa Pa; (8) Điểm du lịch sinh thái Mường Hoa có diện tích 97,71 ha thuộc xã Mường Hoa; (9) Điểm du lịch sinh thái Ngũ Chỉ Sơn có diện tích 131,75 ha thuộc xã Ngũ Chỉ Sơn.

Theo đó phát triển các loại hình du lịch: Du lịch sinh thái; Du lịch nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe; Du lịch thể thao mạo hiểm; hoạt đông du lịch sinh thái được liên kết chặt chẽ với các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa - lịch sử. Đồng thời tập trung phát triển các nhóm sản phẩm du lịch chính, tiêu biểu nhất của khu vực rừng phòng hộ thị xã Sa Pa, đề xuất ưu tiên phát triển: Nhóm các sản phẩm du lịch mang tính giáo dục, diễn giải môi trường; Nhóm các sản phẩm mang tính khám phá và trải nghiệm đường rừng; Nhóm các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái; Nhóm sản phẩm du lịch dã ngoại, cắm trại trong rừng; Nhóm các hoạt động du lịch trên không; Nhóm các sản phẩm du lịch gắn với các hoạt động mua sắm đồ lưu niệm và hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản đặc trưng của cộng đồng địa phương; Phát triển các nhóm sản phẩm du lịch bổ trợ.

anh tin bai

Đề án định hướng ưu tiên củng cố và giữ vững thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống.

Đối với phát triển thị trường khách du lịch, Đề án tiếp tục khai thác ổn định thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống tại Tây Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Đức, Anh, Hà Lan), Úc; mở rộng các thị trường tại Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), ASEAN (Bắc Thái Lan và Bắc Lào) và các tỉnh vùng Tây Nam, Trung Quốc. Khuyến khích phát triển thử nghiệm những thị trường mới như Bắc Mỹ, châu Mỹ La tinh, Ấn Độ, Trung Đông, Đông Âu...

Khách nội địa vẫn là thị trường chính, tập trung ưu tiên phát triển các thị trường khách du lịch mục tiêu đến từ Hà Nội, các đô thị trong vùng đồng bằng Sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc; các tỉnh trong vùng Trung du miền núi Bắc Bộ; mở rộng thị trường từ các trung tâm phân phối khách lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện Đề án là 1.990 tỷ đồng từ thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có đủ năng lực tham gia thuê môi trường rừng và ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần cho các nội dung cần thiết.

Thông qua việc triển khai thực hiện Đề án nhằm phát huy chức năng, giá trị đa dụng của rừng phòng hộ đầu nguồn và các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa của người dân trong vùng để thu hút đầu tư, phát triển du lịch thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo nguồn thu bền vững cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của Ban quản lý rừng phòng hộ thị xã Sa Pa./.

Thanh Huyền
  • Phim tài liệu: Lào Cai - Yên Bái: Cùng nhau bước đi, chạm tay đến ước mơ
    (19/04/2025)
  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1