Đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước
CTTĐT - Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện hỏa tốc số 478/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang
bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các
nhiệm vụ, giải pháp đề ra; theo các Nghị quyết, Quyết định Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ đã ban hành liên quan đến doanh nghiệp nhà nước từ năm 2021 đến nay và
trong cả giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần
triển khai thực hiện ngay 04 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó khẩn trương rà soát,
hoàn thiện Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025
theo đúng chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, quy định của pháp luật
và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày
31/5/2022. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển
doanh nghiệp đôn đốc các bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty
thực hiện nghiêm túc các kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại
doanh nghiệp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý nghiêm các trường hợp làm chậm,
vi phạm quy định. Tổng kết tình hình thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới doanh
nghiệp nhà nước, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời rà soát, kiến
nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Tiêu chí phân loại doanh nghiệp
Nhà nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội và các cơ chế,
chính sách liên quan để thúc đẩy mạnh mẽ công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn
Nhà nước tại doanh nghiệp.
Trước đó vào tháng
3/2022, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà
nước và sau đó ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022.
Về yêu cầu đối với Bộ Tài chính, Thủ tướng
Chính phủ giao Bộ chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh
nghiệp đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố xây dựng, phê
duyệt, triển khai Đề án cơ cấu lại của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước,
doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời tiếp tục rà soát, trình
cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn
nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Nghị định số
126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày
30/11/2020 và các văn bản pháp luật khác có liên quan để khắc phục vướng mắc,
khó khăn phát sinh trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh
nghiệp, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn. Trên cơ sở phương án đề xuất của
các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và ý kiến của UBND cấp tỉnh (nơi có
nhà, đất), kịp thời phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất của
các doanh nghiệp cấp I thuộc Trung ương quản lý và nhà, đất của doanh nghiệp cấp
I thuộc địa phương quản lý trên địa bàn địa phương khác theo thẩm quyền và quy
định của pháp luật. Đôn đốc các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương
lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp thuộc Trung ương quản
lý và doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý trên địa bàn địa phương khác theo
quy định.
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường cần
tiến hành rà soát, nghiên cứu, sửa đổi các quy định về đất đai trong cổ phần
hóa, thoái vốn để có hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc kịp thời đề xuất, báo cáo cấp
có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ các vướng
mắc, khó khăn trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp
Nhà nước.
Các cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện
6 nhiệm vụ, nội dung; trước hết là thực hiện hiện nghiêm túc Nghị quyết
68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ, Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày
2/7/2021 và Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng
với đó triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thuộc
phạm vi quản lý theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả và
thu hồi cao nhất phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ngoài ra chỉ đạo các tập
đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản
lý rà soát, đánh giá kết quả thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp; xây dựng, phê
duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại
doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 để tổ chức thực hiện ngay. Khẩn trương lập
phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất gửi Bộ Tài chính (đối với doanh nghiệp cấp I)
hoặc gửi lấy ý kiến UBND cấp tỉnh (nơi có nhà, đất) đối với doanh nghiệp cấp
II, cấp III; trên cơ sở đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu kịp thời phê duyệt
phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp cấp II, III thuộc phạm
vi quản lý theo thẩm quyền quy định. Xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm
quy định về cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Xác định rõ trách
nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong công tác
sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện
các nhiệm vụ, công việc liên quan; coi việc thực hiện nhiệm vụ và kết quả thực
hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước là một
tiêu chí đánh giá các cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân liên quan.
UBND cấp tỉnh khẩn trương có ý kiến về
phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp khi các bộ,
ngành và UBND cấp tỉnh gửi lấy ý kiến; khẩn trương phê duyệt phương án sắp xếp
lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý theo thẩm quyền
và quy định của pháp luật; chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh
nghiệp./.