Cơ chế, chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
CTTĐT - Chính phủ đã ban hành Nghị định số 180/2025/NĐ-CP, quy định cụ thể về cơ chế, chính sách hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Đây được xem là nền tảng pháp lý quan trọng để huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy đổi mới, phát triển bền vững trong thời đại số.
Cơ chế, chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số có hiệu lưc từ ngày 01/7/2025
Nghị định số 180/2025/NĐ-CP áp dụng cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chính trị, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan trung ương thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban nhân dân các cấp, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào hoạt động đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Lĩnh vực áp dụng hợp tác công tư
Theo Nghị định, hợp tác công tư được ưu tiên triển khai trong các lĩnh vực then chốt như công nghệ cao, công nghệ chiến lược, hạ tầng số, nền tảng số dùng chung, đào tạo nhân lực công nghệ số và các loại hình công nghệ, sản phẩm, dịch vụ khác phù hợp với mục tiêu nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, hạ tầng số được xác định là thành phần thiết yếu để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược hạ tầng số trong từng thời kỳ.
Hình thức hợp tác công tư
Các hình thức hợp tác công tư bao gồm đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết và các hình thức hợp tác khác. Nguyên tắc lựa chọn hình thức hợp tác công tư dựa trên giai đoạn phát triển của công nghệ và mục tiêu sử dụng tài sản công.
Để khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, Nhà nước đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi nổi bật như: Doanh nghiệp được phép tính tới 200% chi phí thực tế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế; đượcáp dụng chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, cùng các ưu đãi đầu tư khác theo quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư và liên quan.
Một điểm tiến bộ của Nghị định là việc thừa nhận quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và sản phẩm công nghệ cho các doanh nghiệp, tổ chức tham gia hợp tác, theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng được áp dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư…
Quyền sở hữu và sử dụng dữ liệu
Nghị định cũng quy định rõ về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng tài sản phát sinh từ hoạt động nghiên cứu, phát triển trong hợp tác công tư được các bên xác định trong hợp đồng dự án hoặc thỏa thuận hợp tác, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và dữ liệu. Cơ quan nhà nước quản lý dữ liệu có trách nhiệm hỗ trợ các bên tham gia hợp đồng dự án hoặc thỏa thuận hợp tác công tư trong việc kết nối, sử dụng dữ liệu.
Cơ chế công khai và giám sát
Hoạt động hợp tác công tư phải tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch và được giám sát định kỳ. Việc công khai thông tin, kiểm tra, giám sát thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quản lý, sử dụng tài sản công.