Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa
Lượt xem: 331
CTTĐT - Để chủ động tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên các tuyến đường thủy, đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão 2024; Chủ tịch UBND tỉnh vừa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa tại văn bản số 4627/UBND-XD ngày 22/8/2024.

Sở Giao thông vận tải

Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện thủ tục đăng ký phương tiện thủy nội địa tham gia hoạt động khai thác, nạo vét cát, sỏi trên đường thủy; đồng thời, phối hợp Chi cục Đăng kiểm số 1 - Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn đăng kiểm phương tiện thủy nội địa có gắn máy móc, thiết bị hút cát, sỏi; hướng dẫn việc thực hiện quy định lắp đặt, quản lý, vận hành thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi.

Chỉ đạo Thanh tra giao thông thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về hoạt động đường thủy nội địa thuộc phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật nhằm chấn chỉnh khắc phục ngay các vấn đề tồn tại phát sinh, phòng ngừa xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa; trong đó tập trung xử lý nghiêm các vi phạm chở quá số người quy định, người điều khiển phương tiện thủy không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp, đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện không đảm bảo điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, không trang bị đủ áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh… để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Chỉ đạo các đơn vị quản lý tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường thủy trong mùa mưa bão, tập trung xây dựng phương án điều tiết bảo đảm ATGT đường thủy ở những vị trí tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao, đặc biệt là các công trình vượt sông, xử lý kịp thời các yếu tố gây mất an toàn và phòng ngừa tai nạn giữa phương tiện thủy với các công trình vượt sông.

Phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các vị trí nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục đảm bảo ATGT cho các phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa. Chuẩn bị các phương án chống lũ, chống sạt lở đường gây ách tắc giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt - an toàn trong mùa mưa bão.

Công an tỉnh

Chỉ đạo lực lượng Cảng sát giao thông tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm các phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm; các hành vi khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trái phép trên các tuyến đường thủy nội địa. Kiên quyết đình chỉ hoạt động của các bến bãi không đủ điều kiện hoạt động.

Chỉ đạo, hướng dẫn Công an cấp huyện, cấp xã thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn quản lý, chủ động xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn đường thủy tại những nơi có mật độ người tham gia giao thông đường thủy cao. Điều tra, thống kê, cung cấp dữ liệu về giao thông đường thủy nội địa (bến thủy, luồng, phương tiện, người điều khiển phương tiện…) trên địa bàn để lập hồ sơ quản lý, theo dõi.

Tăng cường hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Duy trì và nhân rộng các mô hình có hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần bảo đảm TTATGT đường thủy.

Rà soát, lập hồ sơ và tổ chức ký cam kết với các chủ bến đò và người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm quy định khi đưa phương tiện vào hoạt động phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện an toàn và thực hiện các biện pháp phòng chống đuối nước về TTATGT đường thủy nội địa đến từng hộ dân cư, thôn bản trên địa bàn, tập trung vào các đối tượng trực tiếp tham gia giao thông đường thủy như học sinh các trường học ven sông, thuyền viên, người lái phương tiện, người làm ăn sinh sống trên sông.

Sở Giáo dục và Đào tạo

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật Giao thông đường thủy nội địa trong các nhà trường; vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phối hợp trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em như: Tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí, tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về phòng, chống đuối nước; hướng dẫn, giáo dục những kỹ năng cơ bản như: Bơi, sơ cấp cứu, xử lý các tình huống dưới nước…

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thường xuyên nhắc nhở học sinh khi tham gia phương tiện giao thông đường thủy phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo đảm ATGT đường thủy như: Mặc áo phao, sử dụng cặp phao cứu sinh, thiết bị nổi; không lên đò, thuyền khi không đảm bảo an toàn, không có thiết bị cứu sinh hoặc đã chở quá số người quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã, Sở Giao thông vận tải quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi, khoáng sản khác trên sông, hồ có liên quan đến luồng và hành lang bảo vệ luồng, bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ môi trường trên đường thủy nội địa, bến thủy nội địa.

Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh phối hợp ngăn chặn, giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nếu tái phạm tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy phép.

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lào Cai và các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền pháp luật về TTATGT đường thuỷ đến từng địa bàn dân cư dọc các tuyến đường thủy, các trường học ven sông với hình thức, nội dung phong phú. Xây dựng các chuyên mục, phóng sự phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, phương tiện truyền thông về pháp luật ATGT đường thủy và kỹ năng xử lý các tình huống cho chủ phương tiện và người tham gia giao thông đường thuỷ.

Ban An toàn giao thông tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức hướng dẫn các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, thuyền viên, người tham gia giao thông về kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, công tác cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, trẻ em khi xảy ra sự cố bất ngờ hoặc tai nạn giao thông đường thủy.

Hỗ trợ trang thiết bị cứu sinh cho các phương tiện chở khách ngang sông, các thiết bị cứu sinh cho các đơn vị, địa phương nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Qua đó làm chuyển biến nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông đường thủy, góp phần đảm bảo TTATGT đường thuỷ nội địa, xây dựng và hình thành văn hoá giao thông đường thuỷ trong cộng đồng.

Đề nghị Trạm Quản lý đường thuỷ nội địa Lào Cai, Bảo Hà phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, Thanh tra giao thông và chính quyền địa phương kiểm tra việc chấp hành quy định về hoạt động đường thuỷ nội địa thuộc phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; khai thác bến thuỷ nội địa quá phạm vi, thay đổi kích thước bến thuỷ nội địa khi chưa được cho phép…

UBND các huyện, thành phố, thị xã

Chỉ đạo các phòng, ban liên quan, Công an cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn (nơi có đường thủy nội địa) tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các phương tiện thuỷ nội địa, thuyền dân sinh trên địa bàn, không để phát sinh các bến đò chở khách tự phát; khuyến cáo người dân hạn chế lưu thông trên đường thuỷ trong điều kiện thời tiết xấu, mực nước dâng cao để đề phòng và ngăn chặn tai nạn có thể xảy ra. Bảo đảm người đi thuyền, đò có đủ áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh. Gắn trách nhiệm lãnh đạo địa phương nếu để xảy ra tai nạn đường thủy trên địa bàn quản lý do bến hoặc phương tiện chở khách không đủ các điều kiện an toàn theo quy định.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường thuỷ nội địa, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, hệ thống loa phát thanh cơ sở); tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ dân cư, thôn bản trên địa bàn, tập trung vào các đối tượng trực tiếp tham gia giao thông đường thuỷ như: học sinh các trường ven sông, thuyền viên, người lái phương tiện, người làm ăn sịnh sống tại các địa phương có sông, hồ, đập, các điểm tham quan, du lịch vui chơi giải trí…

Có trách nhiệm đảm bảo TTATGT đối với bến và phương tiện chở khách ngang sông, các phương tiện nhỏ của gia đình hoạt động trên địa bàn. Đặc biệt chú ý đến công tác phòng, chống tai nạn đuối nước học sinh, trẻ em; triển khai các giải pháp phòng ngừa tai nạn, thương tích mùa mưa bão.

Chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Trạm quản lý đường thuỷ nội địa Lào Cai - Bảo Hà thường xuyên kiểm tra hoạt động giao thông vận tải trên đường thuỷ nội địa, nhất là hoạt động vận tải khách nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết đình chỉ các bến, phương tiện và người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện hoạt động, phương tiện chở quá tải, quá số người quy định, người đi đò không sử dụng thiết bị cứu sinh…

Rà soát tổng hợp báo cáo nhu cầu học cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện thuỷ nội địa tại địa phương để có phương án đào tạo và phân loại các phương tiện giao thông thuỷ nội địa trên địa bàn quản lý./.

CTTĐT
  • Phim tài liệu: Lào Cai - Yên Bái: Cùng nhau bước đi, chạm tay đến ước mơ
    (19/04/2025)
  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1