Rà soát, góp ý 02 dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Dự họp tại điểm cầu Trung ương có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, đơn vị: Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Hội An toàn giao thông Việt Nam.
Đại biểu tại điểm cầu Trung ương.
Tham dự cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), các phòng liên quan thuộc Sở Giao thông vận tải.
Các đại biểu dự họp tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nhiều nội dung mới, bao quát, liên quan đến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, phương thức giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông… Vì vậy trong quá trình xây dựng các Nghị định còn nhiều ý kiến khác nhau cần phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện để các Nghị định khả thi khi được ban hành; tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đáp ứng tốt nhất cho công tác quản lý đối với từng lĩnh vực, tăng cường tính minh bạch, công bằng cho người dân, doanh nghiệp thực hiện.
Để hoàn thiện các Nghị định theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cùng nghiên cứu, giải trình, làm rõ những nội dung còn có ý kiến khác nhau, làm rõ cơ sở pháp lý, thực tiễn… sau đó tiếp thu, bổ sung để hoàn thiện dự thảo các Nghị định để sớm trình Chính phủ theo đúng quy trình, quy định.
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung tham gia ý kiến đối với dự thảo 02 Nghị định gồm: (1) Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; (2) Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đối với dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, các đại biểu tập trung tham gia góp ý vào các nội dung, điều, khoản liên quan đến việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, phân biệt cồn nội sinh và cồn do bia rượu để tránh việc xử phạt nhầm; trừ điểm trên giấy phép lái xe của người vi phạm; xử phạt người lái xe và chủ phương tiện; xử phạt xe quá khổ, quá tải; xe chở học sinh; công khai danh tính và hình ảnh người vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng…
Đại biểu các địa phương tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị định.
Đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đại biểu các bộ, ngành Trung ương và địa phương cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị định và tham gia ý kiến tập trung vào các nội dung về việc: giáo dục kiến thức, kỹ năng an toàn giao thông, đào tạo, sát hạch lái xe, cấp chứng chỉ cho học sinh; quy định về thiết bị giám sát hành trình các đơn vị kinh doanh vận tải, việc kết nối dữ liệu; vận tốc di chuyển trên các làn của tuyến đường cao tốc; phương tiện tham gia giao thông trong các khu du lịch; việc cắm biển báo giao thông, đèn tín hiệu trên các tuyến đường; trách nhiệm hướng dẫn kỹ năng lái xe cho học sinh tại các cơ sở giáo dục…
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Bộ Công an (cơ quan chủ trì xây dựng Nghị định) nhấn mạnh thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành liên quan để xây dựng nội dung dự thảo 02 Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời cũng giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu liên quan đến việc giấy chứng nhận cấp cho học sinh; phân loại phương tiện giao thông; phạm vi hoạt động… Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với Bô Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp… rà soát, hoàn thiện dự thảo 02 Nghị định để trình Chính phủ ban hành theo quy định, đảm bảo yêu cầu tiến độ.
Dự thảo 02 Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được đưa ra bàn bạc, trao đổi, tham gia ý kiến tại cuộc họp đều là các Nghị định có tác động lớn đến đời sống người dân, doanh nghiệp. Do đó Bộ Công an cần tiếp thu đầy đủ những ý kiến xác đáng của các đại biểu; rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị định trên tinh thần dễ hiểu, hiểu đúng, chính xác và rõ việc, rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành, đơn vị để trình Chính phủ theo quy định; đảm bảo khi Nghị định được ban hành sẽ đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao./.