9 tháng đầu năm 2023, tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm
Lượt xem: 1077
CTTĐT - Đây là một trong những nội dung đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề cập tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý III và phương hướng, nhiệm vụ quý IV năm 2023” do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức sáng ngày 10/10.

Dự Hội nghị tại điểm cầu trung ương có các đồng chí thành viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; đại diện Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hội An toàn giao thông Việt Nam và các Vụ, Cục, cơ quan đầu mối của các bộ, ngành có lãnh đạo là Ủy viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

anh tin bai

Hội nghị truyền hình trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố.

Tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh Lào Cai có đồng chí Nguyễn Trọng Hài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh; các đồng chí thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh; lãnh đạo Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh và lãnh đạo một số phòng, ban của Sở Giao thông vận tải - Xây dựng.

anh tin bai

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã đạt một số kết quả nhất định. Tai nạn giao thông trên cả nước đã giảm nhưng chưa bền vững; gần đây tại một số tỉnh, thành như Đồng Nai, Hà Giang… đã xảy ra các vụ tai nạn giao thông thương tâm làm nhiều người tử vong. Đồng chí đề nghị các bộ, ngành trung ương và các địa phương nhìn thẳng vào những điểm còn hạn chế, tồn tại, phân tích chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất mô hình, giải pháp mang tính khả thi, hiệu quả để học tập, nhân rộng trên cả nước, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trong thời gian tới. Bộ trưởng lưu ý Hội nghị tập trung thảo luận 2 vấn đề đang gây bức xúc thời gian qua: Một là hoạt động đảm bảo TTATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; hai là hiện tượng thanh thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô, xe gắn máy gây tai nạn giao thông ở một số địa phương.

Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết trong 9 tháng đầu năm 2023 kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, nhu cầu đi lại tăng, đồng thời tập trung nhiều đợt cao điểm như: dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội Xuân, Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ 30/4 - 01/5, Quốc khánh 02/9 đã tạo áp lực lớn lên công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong 9 tháng đầu năm 2023 về cơ bản được bảo đảm.

anh tin bai

Đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia báo cáo công tác bảo đảm TTATGT 09 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp quý IV năm 2023 (Ảnh chụp màn hình).

Xử lý vi phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Bộ Công an đã chỉ đạo Cảnh sát giao thông, Công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT, tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông. Đường bộ tập trung xử lý vi phạm theo 05 nhóm chuyên đề: (1)“Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”; (2) “Kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, nhất là xe chở học sinh, công nhân viên, xe hợp đồng; phương tiện vận tải hàng hóa, xe chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm”; (3) “Cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ”; (4) “Vi phạm tốc độ”; (5) “Sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện”. Các chuyên đề trên được thực hiện thường xuyên, quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông đường sắt, đường thủy nội địa. Bộ Giao thông vận tải đã triển khai 07 nội dung thanh tra, kiểm tra về các lĩnh vực liên quan đến bảo đảm TTATGT; 02 Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân, đảm bảo TTATGT trong dịp cao điểm.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý trên 2,5 triệu trường hợp vi phạm TTATGT; phạt tiền hơn 4.800 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn gần 485.000 trường hợp, tạm giữ hơn 770.000 phương tiện các loại. So với cùng kỳ năm 2022, xử lý vi phạm tăng 20,35%, tiền phạt tăng 69,92%. Các Cục quản lý chuyên ngành và Thanh tra các Sở Giao thông vận tải đã thực hiện gần 60.000 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính hơn 36.000 vụ với số tiền xử phạt trên 215 tỷ đồng; xử lý thu hồi phù hiệu đối với 22.875 phương tiện vi phạm tốc độ từ 05 lần/1.000km trở lên; thực hiện chấn chỉnh, nhắc nhở gần 470.000 phương tiện vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe, không truyền dữ liệu.

Cả nước có gần 80 triệu xe ô tô, mô tô

9 tháng đầu năm 2023, toàn quốc đăng ký mới 266.266 xe ô tô và 1.686.575 xe mô tô nâng tổng số xe đã đăng ký tính đến ngày 14/8/2023 là hơn 6,1 triệu ô tô, gần 73,5 triệu mô tô. Cả nước hiện có 289 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 361 cơ sở đào tạo lái xe ô tô; 57/63 tỉnh, thành phố có trung tâm sát hạch lái xe ô tô với tổng cộng 148 Trung tâm. Đến nay, cả nước đã cấp trên 10,7 triệu giấy phép lái xe ô tô và gần 50,9 triệu giấy phép lái xe mô tô.

Hiện cả nước có 269/288 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động với 440/509 dây chuyền kiểm định, chiếm khoảng 86,4% năng lực kiểm định toàn hệ thống. Trong 9 tháng đầu năm 2023, các đơn vị đăng kiểm đã kiểm định được gần 4 triệu lượt phương tiện đường bộ. Đến nay tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm đã được giải quyết, đáp ứng được nhu cầu đăng kiểm phương tiện của người dân, doanh nghiệp. Đường sắt đã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường 2.808 phương tiện. Đường thủy nội địa đã kiểm tra giám sát kỹ thuật 22.620 phương tiện. Hàng hải thực hiện kiểm tra giám sát kỹ thuật tàu biển đang khai thác 1.132 lượt tàu…

Tổ chức vận hành khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó đặc biệt chú ý công tác xử lý điểm đen, điểm mất an toàn giao thông. Đối với lĩnh vực đường bộ, đã xử lý xong 13/43 điểm đen và 15/74 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên hệ thống quốc lộ. Về lĩnh vực đường sắt, đã phối hợp cùng địa phương thực hiện rào thu hẹp tại 1.358/1.820 vị trí (đạt 74,6%); cắm biển “CHÚ Ý TẦU HỎA” tại 3.013/3.352 vị trí (đạt 89,88%); tổ chức cảnh giới an toàn giao thông tại 356/590 vị trí giao cắt (60,33%); hiện trên các tuyến đường sắt còn tồn tại 05 điểm đen, 1.087 điểm tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra tai nạn.

9 tháng đầu năm 2023, tai nạn giao thông cả nước giảm 02 tiêu chí

9 tháng đầu năm 2023 (tính từ ngày 15/12/2022 đến 14/9/2023) cả nước xảy ra 8.335 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.765 người, bị thương 5.802 người. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 90 vụ (-1,07%), giảm 60 người chết (-1,24%), tăng 216 người bị thương (+3,87%). Có 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 13 địa phương giảm trên 20% số người chết; 29 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2022, trong đó 09 tỉnh tăng trên 40%: Phú Thọ, Nam Định, Kon Tum, Long An, Thái Bình, Đồng Nai, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Ùn, tắc giao thông  xảy ra 97 vụ, tăng 29 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Việc ùn, tắc giao thông tại các đô thị lớn, ở nhiều thời điểm có xu hướng phức tạp hơn.

Tuy nhiên 9 tháng đầu năm 2023, công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Chưa đạt được mục tiêu về kéo giảm tai nạn giao thông từ 05 - 10% của 03 tiêu chí, số người bị thương do tai nạn giao thông còn tăng. Vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời. Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố. Tình trạng xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hóa lên phương tiện, khiến cho hàng hóa bị rơi xuống đường, gây mất an toàn giao thông tiếp tục diễn ra. Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng tăng trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm. Hành vi chống người thi hành công vụ trong quá trình xử lý vi phạm về TTATGT gia tăng

anh tin bai

Từ ngày 16/12/2022 đến ngày 14/9/2023, trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy ra 55 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông đường bộ, làm chết 30 người; bị thương 68 người. So với cùng kỳ 2022, số vụ không tăng, không giảm; tăng 4 người chết (+15%), tăng 12 người bị thương (+21%). Không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy, đường sắt.

Thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Kon Tum, Đồng Nai, Long An, Kiên Giang… báo cáo kết quả đảm bảo TTATGT tại địa phương;  phân tích nguyên nhân gây tai nạn giao thông và kinh nghiệm triển khai các biện pháp kéo giảm tai nạn giao thông. Trong đó tập trung vào các nội dung: Công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; công tác bảo đảm an toàn giao thông, vi phạm TTATGT của học sinh và tai nạn giao thông liên quan tới học sinh các cấp; tình hình sạt lở trong mùa mưa lũ và công tác khắc phục xử lý;…

Các địa phương đề nghị Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các bộ, ngành trung ương tăng cường khai thác, sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý vận tải, xử lý vi phạm và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành; đẩy mạnh khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, thống nhất nhằm đảm bảo TTATGT trên cả nước; đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông; đẩy mạnh việc xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ; có chính sách trong lĩnh vực giao thông đường thủy cho các tỉnh ven biển; đầu tư, lắp đặt hệ thống camera giao thông cho các địa phương; nghiên cứu đưa Luật Giao thông thành một môn học chính thức trong trường học; hướng dẫn thống nhất mô hình hoạt động của Ban An toàn giao thông các địa phương trên cả nước; bổ sung, tăng cường nhân lực cho ngành giao thông vận tải…

anh tin bai

Đại diện lãnh đạo Ban An toàn giao thông thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong số địa phương có tỷ lệ tai nạn giao thông giảm sâu trong 9 tháng đầu năm 2023.

Đại diện lãnh đạo một số vụ, cục, bộ, ngành trung ương như Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an); Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) thông tin làm rõ hơn tình hình, kết quả triển khai thực hiện công tác đảm bảo TTATGT của cơ quan, đơn vị trong 09 tháng đầu năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ quý IV năm 2023.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Văn Thắng biểu dương các bộ, ngành trung ương đã chỉ đạo và triển khai một cách quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm TTATGT; đồng thời ghi nhận một số tỉnh, thành phố đã nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông trong 9 tháng đầu năm 2023; đặc biệt là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy công tác đảm bảo TTATGT đã được kiềm chế song số vụ tai nạn giao thông, số người thương vong vẫn còn ở mức cao và còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người.

Đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 09/4/2022; khẩn trương xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 149/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn bảo đảm TTATGT để các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Tổ chức các cuộc họp chuyên sâu để phân tích bất cập trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô và hành vi thiếu niên chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô gây tai nạn giao thông để kiến nghị, sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp. Đây là nhiệm vụ rất cấp thiết, đề nghị các bộ, ngành trung ương và các địa phương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để triển khai thực hiện.

anh tin bai

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kết luận Hội nghị.

Các thành viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tham gia buổi họp cùng địa phương trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng để xử lý, làm rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, ngăn chặn, không để các vụ tai nạn giao thông tương tự xảy ra. Phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra kết cấu an toàn giao thông trước và trong mùa mưa lũ; xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông. Có chế tài mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn xử lý các vi phạm TTATGT “để không xảy ra vi phạm, không muốn vi phạm”. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các công tác đảm bảo TTATGT.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đề nghị Bộ Công an duy trì tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề; xử lý trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ để thiếu niên, người chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe điêu khiển mô tô, nhất là các trường hợp gây tai nạn giao thông. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, thông tấn tăng cường công tác tuyên truyền đầy đủ, mạnh mẽ kết quả xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng để cảnh báo, răn đe; lan tỏa gương người tốt việc tốt; đa dạng các hình thức tuyên truyền pháp luật giao thông đến đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, phù hợp với từng đối tượng, các địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp thực hiện hiệu quả Chương trình tặng mũ bảo hiểm cho các em học sinh lớp 1; ban hành Chương trình khung giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường từ bậc mầm non đến THPT; xây dựng các chương trình phối hợp giữa nhà trường - gia đình trong công tác tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông đến học sinh....

Đồng chí Bộ trưởng nhấn mạnh các quy định pháp luật chỉ đi vào cuộc sống khi được triển khai thực hiện hiệu quả tại các tỉnh, thành phố. Do đó đề nghị các địa phương vừa tăng cường công tác tuyên truyền, vừa xử lý nghiêm hành vi giao xe cho trẻ chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; có hình thức phù hợp xử lý vi phạm giao thông của học sinh. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổng hợp các giải pháp, kinh nghiệm hay trong công tác đảm bảo TTATGT, biên soạn thành cẩm nang gửi các tỉnh, thành phố nghiên cứu, xem xét áp dụng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương…/.

Thanh Huyền
Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1