Phát triển nông nghiệp hàng hóa giúp thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp và đem lại giá trị kinh tế lớn
Đoàn HĐND tỉnh khảo sát hoạt động trồng quế hữu cơ tại xã Xuân Hòa huyện Bảo Yên
Là tỉnh vùng cao, biên giới, Lào Cai có diện tích tự nhiên 636.425 ha, diện tích đất nông, lâm nghiệp 551.690 ha, chiếm 86,69% tổng diện tích đất tự nhiên. Lào Cai có địa hình đa dạng, phức tạp, sự phân tầng độ cao thấp, khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia làm hai vùng ôn đới núi cao và nhiệt đới gió mùa tạo nên sự đa dạng về cây trồng, vật nuôi. Nhiều loại sản phẩm nông nghiệp của Lào Cai có giá trị cao trên thị trường. Tuy nhiên để có một nền nông nghiệp hàng hóa thức sự đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường đòi hỏi phải có một chiến lược dài hơi. Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của BTV Tỉnh ủy đã đáp ứng nhu cầu đó. Ba năm qua, việc thực hiện Nghị quyết số 10 đã đem lại những thay đổi to lớn trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà. Từ một nền nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, nặng về an sinh của một tỉnh miền núi, nông nghiệp Lào Cai đang có những chuyển mình tích cực theo hướng thị trường. Sau hơn hai năm triển khai thực hiện (2022-2023), giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (theo giá 2010) năm 2023 đạt 9.098 tỷ đồng, bằng 75,8% mục tiêu đến năm 2025; tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất đạt 3,22%, bằng 58,2% mục tiêu đến năm 2025. Giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực năm 2023 đạt trên 4.560 tỷ đồng, tăng 360 tỷ đồng so với năm 2022, chiếm khoảng 50% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, bằng 91% mục tiêu đến 2025 (mục tiêu nghị quyết 6.500 tỷ đồng).
Trên cơ sở nghiên cứu khoa học về kinh tế nông nghiệp, về thổ nhưỡng, khí hậu, thị trường, UBND tỉnh Lào Cai xác định 4 trụ cột của phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa, đó là: Phát triển sản xuất nông nghiệp theo lĩnh vực, theo vùng sinh thái. Từ đó xác định trồng cây chủ lực và trồng cây tiềm năng. Được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện việc phát triển sản xuất theo lĩnh vực đã đem lại kết quả nhất định. Trong 2 năm qua, nông nghiệp tỉnh nhà đã thực hiện cơ cấu lại trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh sản xuất đảm bảo an ninh lương thực. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng chè 8.295 ha, vùng dược liệu 4.105 ha, vùng chuối 2.355 ha, dứa 2.200 ha. Bên cạnh đó, các ngành hàng tiềm năng được quan tâm phát triển như: Vùng sản suất cây ăn quả ôn đới 4.195 ha, rau chuyên canh 12.390 ha, vùng sản xuất quýt 838,9 ha... góp phần tăng giá trị sản phẩm/1 đơn vị ha canh tác đạt 95 triệu đồng. Tập trung phát triển chăn nuôi theo lợi thế từng vùng sinh thái nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh đều đạt trền 100% kế hoạch năm của đề án. Toàn tỉnh hiện có 269 trang trại chăn nuôi, 10 cơ sở chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ cao, 3 chuỗi sản phẩm chăn nuôi đang phát triển tốt. Với 2.300 ha diện tích mặt nước nuôi trong ao hồ nhỏ trong đó có trên 100.000 m3 thể tích bể nuôi cá nước lạnh (tập trung chủ yếu tại Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Văn Bàn; sản lượng 900 tấn), sản lượng thủy sản các loại đạt 12.200 tấn, bằng 100% KH. Sản xuất, cung ứng giống thủy sản nước ấm tại chỗ đáp ứng trên 70% nhu cầu con giống. Sản phẩm thủy sản của tỉnh đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, đồng thời cung ứng ra ngoài tỉnh khoảng 10 - 20%. Tổ chức quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có 382.861 ha; trong đó 266.753 ha rừng tự nhiên. Trong năm 2023, trồng mới được 5.172,5 ha. Hình thành vùng nguyên liệu gỗ tập trung phục vụ chế biến đạt 91.150 ha. Khai thác gỗ đạt 97.715 m3 phục vụ nhu cầu của các xưởng, nhà máy chế biến lâm sản; khai thác lâm sản ngoài gỗ 45.596 tấn (măng tươi, các loại hạt...). Việc phát triển theo vùng sinh thái đã đảm bảo quy hoạch và phát triển các sản phẩm đặc hữu găn với du lịch và thị trường. Các cây, con chủ lực cũng nh cây, con tiềm năng đã đượcquy hoạch thành vùng để phát triển nông nghiệp hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường. Vùng sinh thái phía Tây (Sa Pa, Bát Xát) tập trung phát triển cây dược liệu, cây ăn quả ôn đới, hoa các loại, cá nước lạnh, gia súc... đáp ứng nhu cầu du lịch và bán ra thị trường trong và ngoài nước đem lại giá trị kinh tế cao. Vùng sinh thái Đông Bắc (Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai tập trung phát triển thành vùng sản xuất dược liệu tập trung với 395 ha (Bắc Hà 230 ha, Si Ma Cai 165 ha), vùng sản xuất chè 6.766 ha (Mường Khương 5.456 ha, Bắc Hà 1.310 ha), vùng cây ăn quả (chuối 436 ha, dứa 1.567 ha, mận 377 ha…). Tập trung chăn nuôi gia súc, gia cầm bản địa, tổ chức quản lý theo cộng đồng từ cấp thôn, bản trở lên; tăng cường chế biến các sản phẩm đặc sản địa phương phục vụ nhu cầu thị trường. Quản lý bền vững toàn bộ diện tích rừng hiện có đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển rừng sản xuất theo hướng đầu tư cây trồng đa mục đích (quế 10.237 ha, hồi 52 ha...). Đẩy mạnh nuôi thủy sản tại các hồ thủy lợi, thủy điện với các loại thủy sản nuôi truyền thống cá có giá trị kinh tế cao. Vùng sinh thái phía Nam (các huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, thành phố Lào Cai và các xã phía Đông của huyện Bát Xát). Hình thành một số vùng chuyên canh như cây chè 1.074 ha (Bảo Thắng, Bảo Yên), cây ăn quả nhiệt đới trên 2.600 ha (Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn) và một số cây trồng tiềm năng khác. Thực hiện chuyển đổi mạnh hình thức phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp có quy mô lớn gắn với thu hút đầu tư chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm. Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
.jpg)
Đoàn HĐND tỉnh khảo sát nuôi vịt bầu đặc sản tại xã Nghĩa Đô huyện Bảo Yên
Trên cơ sở phân vùng để phát triển cây chủ lực thành vùng chuyên canh. các vùng sản xuất chè, dược liệu, chuối, dứa, quế... gắn với kinh tế du lịch, bước đầu đáp ứng nhu cầu trong nước và hiện đang hướng đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu bên cạnh những thị trường truyền thống như Trung Quốc (chuối, dứa, chè...) Trung Đông (các loại tinh dầu: quế, sả...), hiện nay, tỉnh Lào Cai đang chỉ đạo đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hướng đến xuất khẩu các ngành hàng chủ lực sang các nước Châu Âu, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... Bên cạnh đó với sự phát triển bùng nổ của du lịch việc các ngành hàng dược liệu gắn với các món ăn bản địa độc đáo, thu hút khách du lịch, góp phần nâng cao giá trị sản xuất.
Bên cạnh đó, việc triển khai các cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, điều kịện kinh tế - xã hội còn khó khăn, do đó kết cấu hạ tầng cảu vùng nông thôn Lào Cai còn thiếu và chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Do địa hình chia cắt mạnh, diễn biến thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu nên các vùng dễ bị chia cắt, khó khăn cho giao thương. Về chủ quan, có thể thấy, việc nhận thức về nông nghiệp hàng hóa ở một bộ lãnh đạo cấp cơ sở vẫn chưa thật sự sâu sắc. Công tác chỉ đạo phát triển nông nghiệp hàng hóa còn lẫn với nông nghiệp an sinh; các chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp còn chưa thực sự hấp dẫn; Công tác quy hoạch và cấp giáy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chưa kịp thời cũng cản trở đến việc tích tụ đất đai, liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế; chuyển đổi giống cây trồng, áp dụng khoa học tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp diễn ra chậm; kỹ thuật, kinh nghiệm, tác phong lao động của nông dân chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa. Công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, chủ yếu là sơ chế nên giá trị sản phẩm thấp; sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, nông nghiệp sạch chiếm tỷ lệ thấp. Đội ngũ cán bộ, kỹ sư nông nghiệp ít; chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.
.jpg)
Đoàn khảo sát Ban KT- NS khảo sát hoạt động chế biến lâm sản tại công ty MDF Bảo Yên
Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ quan trọng để các cấp, các ngành quyết tâm xây dựng ngành nông nghiệp của tỉnh trở thành một trong bốn trụ cột của nền kinh tế, giữ vai trò là “trụ đỡ” duy trì đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh, cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập kinh tế quốc tế. Nội dung Nghị quyết đã được các cấp, các ngành tích cực tổ chức thực hiện, tuyên truyền tới các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất nông nghiệp; nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp đã được ban hành tạo điều kiện cho Nhân dân có cơ hội tiếp cận phương thức sản xuất nông, lâm nghiệp có hiệu quả và bền vững. Hỗ trợ thuỷ sản được triển khai giúp người dân mạnh dạn đầu tư góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình; công tác trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng được Nhân dân hưởng ứng thực hiện.
Định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành đã thực sự đem lại sự thay đổi to lớn về sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Với phương châm lấy thị trường làm căn cứ, sản xuất theo cái thị trường cần và sản xuất những sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao đã làm thay đổi căn bản tư duy sản xuất nông nghiệp của cán bộ và Nhân dân trong tỉnh. Với sự phục hồi kinh tế sau đại dịch, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và ngành nông nghiệp, những năm tới nông nghiệp tỉnh nhà sẽ có những chuyển mình đem lại những giá trị kinh tế lớn để giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình./.