Lào Cai tham dự Phiên họp thứ 7 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ
Lượt xem: 740
CTTĐT – Chiều 02/02/2024, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì Phiên họp lần thứ 7 của Ban Chỉ đạo, nhằm đánh giá kết quả công tác CCHC năm 2023, bàn phương hướng, nhiệm vụ CCHC năm 2024 của Ban Chỉ đạo.

Cùng dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, cùng lãnh đạo các bộ ngành, địa phương. Phiên họp được truyền trực tuyến tới điểm cầu trụ sở Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại điểm cầu Lào Cai, dự Phiên họp có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC cấp tỉnh; thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh.

anh tin bai

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lào Cai

Công tác cải cách hành chính năm 2023 đã tạo ra những giá trị mới, động lực mới

Theo Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ báo cáo tại Phiên họp, công tác CCHC trong năm 2023 đã đạt được những kết quả quan trọng, trên tất cả các nội dung, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, TTHC đang cản trở sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết, Chỉ thị, công điện chỉ đạo, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm; tập trung vào cải cách TTHC, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương...

Trong năm 2023, các thành viên Ban Chỉ đạo đã triển khai thực hiện 57 nhóm nhiệm vụ CCHC trọng tâm trong kế hoạch hoạt động năm 2023, về cơ bản các nhiệm vụ đã hoàn thành, bảo đảm tiến độ, chất lượng; Các bộ, ngành, địa phương đã bám sát thực tiễn, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động, quyết tâm tổ chức thực hiện 4.142 nhiệm vụ được giao; đã ban hành 5.586 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính đã đề ra.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 144 quy định kinh doanh (QĐKD) thuộc phạm vi quản lý của 05 bộ, cơ quan. Các bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 628 QĐKD tại 53 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), nâng tổng số QĐKD được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.770 QĐKD tại 224 VBQPPL, đạt 17,53%.

Các địa phương đã tập trung triển khai việc rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính bên trong, theo đó giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND tỉnh, huyện trong cả nước. Việc rà soát, sắp xếp lại đơn vị SNCL tiếp tục được triển khai và đạt được kết quả rõ nét, tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị SNCL, còn 46.385 đơn vị SNCL; riêng năm 2023 giảm 236 đơn vị (năm 2022 có 46.621 đơn vị). Theo thống kê, tổng số đối tượng tinh giản biên chế từ năm 2015 đến ngày 15/12/2023 là 84.140 người.

Về việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục có chuyển biến rõ nét. Theo đó, tổng số vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính là 840 vị trí; tổng số vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp là 559 vị trí; tổng số vị trí việc làm cán bộ, công chức cấp xã là 17 vị trí.

Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có nhiều kết quả, mô hình tốt, điển hình như tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Đồng Nai...

Tại Phiên họp, các đại biểu đã tham luận, đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được trong năm 2023, đồng thời, phân tích những khó khăn, rào cản và đề xuất các phương hướng, giải pháp cụ thể, thiết thực để đạt được mục tiêu CCHC đề ra trong năm 2024.

anh tin bai

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Lào Cai

Lào Cai đẩy mạnh CCHC, cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số

Đối với tỉnh Lào Cai, năm 2023, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lào Cai luôn quan tâm, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh CCHC, cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số; xác định CCHC là nhiệm vụ đột phá chiến lược để lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương; CCHC là nguồn lực, động lực phát triển, được đánh giá thường xuyên trong các phiên họp thường kỳ UBND tỉnh hàng tháng.

Kết quả nổi bật đạt được trong năm 2023, về dịch vụ công trực tuyến được mở rộng và đẩy mạnh thực hiện, cung cấp DVC trực tuyến toàn trình và một phần đạt tỷ lệ 90,34%/tổng số TTHC; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt cao gần 60%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt trên 60%; Rà soát, đơn giản hóa TTHC được tỉnh quan tâm, chú trọng, thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết TTHC so với quy định của Trung ương đối với 977 TTHC, đạt 50% tổng số TTHC. Kết quả năm 2023 có gần 90.000 lượt hồ sơ thực hiện cắt giảm thời gian, tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp được gần 35 tỷ đồng.

Đã hoàn thành thống kê, công bố, công khai TTHC nội bộ (lần đầu) thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định. Đã phê duyệt phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ giữa các cơ quan nhà nước đối với 45/51 TTHC nội bộ, đạt 88,23% và cắt giảm được 23,67% chi phí tuân thủ, đạt chỉ tiêu Thủ tướng giao tối thiểu 20%.

Về thực hiện Đề án 06, tỷ lệ thu nhận tài khoản định danh điện tử đạt 147,2%; tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử đạt 108,4%, vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với 100% cơ sở giáo dục và cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn toàn tỉnh. Đẩy mạnh chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trong dịp tết Nguyên đán; triển khai 108 mô hình của Đề án 06 tại các sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Chỉ số theo Quyết định 766/QĐ-TTg, tỉnh Lào Cai luôn nằm trong nhóm các địa phương có kết quả Chỉ số cao của cả nước.

Về cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ được đẩy mạnh đổi mới, phân cấp quản lý để tăng tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các đơn vị, địa phương (từ năm 2022 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện 22 nội dung phân cấp, đổi mới); tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Chỉ đạo thực hiện 05 không: Không để chậm muộn; Không gây phiền hà, nhũng nhiễu; Không để chồng chéo, rào cản người dân và doanh nghiệp; Không ảnh hưởng đến thu hút nguồn lực đầu tư; Không để tình trạng đùn đẩy, né tránh khi giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp.

Về xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được triển khai quyết liệt, nhiều cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung được triển khai ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đã mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Thực hiện chuyển đổi số có trọng tâm trọng điểm, chú trọng vào lĩnh vực, nội dung hữu ích, thiết thực của địa phương, như: y tế, giáo dục, du lịch, cửa khẩu...

anh tin bai

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả công tác CCHC năm 2023 đã tạo ra những giá trị mới, động lực mới, khí thế mới cho năm 2024. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách ở một số lĩnh vực vẫn chưa đầy đủ, còn chồng chéo; thủ tục hành chính ở một số ngành, lĩnh vực chưa thuận lợi; bộ máy hành chính còn cồng kềnh; kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi còn yếu… Những vấn đề trên cần sớm khắc phục để đẩy nhanh tiến trình CCHC, khơi thông các nguồn lực phát triển đất nước.

Nhằm tạo chuyển biến tích cực hơn trong công tác CCHC năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương cần sớm tháo gỡ, khắc phục triệt để các bất cập còn tồn tại trong CCHC; triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 – 2030; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của các bộ, cơ quan, địa phương.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC; thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo đẩy mạnh CCHC, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển, tạo khí thế mới, động lực mới. Đẩy mạnh CCHC ở cả 6 lĩnh vực: Về thể chế, tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho sản xuất kinh doanh; Về cải cách TTHC, tập trung đơn giản hóa TTHC, phân cấp, phân quyền, giảm chi phí đầu vào, chi phí cho người dân và doanh nghiệp; Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính, tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm, năng lực thực thi của công chức, viên chức; Về cải cách chế độ công vụ tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, đạo đức công vụ và trách nhiệm của người thực thi công vụ; Về cải cách tài chính công, tập trung tăng thu, giảm chi thường xuyên; chống tiêu cực, tham nhũng trong sử dụng tài chính công; cơ cấu lại chi cho đầu tư phát triển; Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, công dân số và các hoạt động trên môi trường mạng, tập trung thực hiện Đề án 06.

Tăng cường công tác tuyên truyền về CCHC; đôn đốc, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra; cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách TTHC tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chú trọng rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công ở các lĩnh vực có đủ điều kiện. Tiếp tục triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; chuyển đổi số quốc gia theo kế hoạch đã phê duyệt./.

Lệ Hằng
Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1