Đại biểu thảo luận tại Hội trường Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XVI: Trách nhiệm, đi thẳng vào vấn đề
Lượt xem: 432
CTTĐT - Dưới sự chủ trì của các đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Vũ Văn Cài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đồng chí Lý Bình Minh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, trong buổi sáng ngày 07/12/2022, các đại biểu đã tiến hành thảo luận nhiều nội dung quan trọng tại Hội trường trong ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trong thời gian gần 01 tiếng thảo luận tại Hội trường, đại biểu tổ HĐND tỉnh tại các huyện, thị xã, thành phố đã tham gia 8 ý kiến trong lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng, tài chính, tài nguyên môi trường, kế hoạch đầu tư... Một số nội dung đã được đồng chí Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng và đồng chí Nguyễn Trọng Huân, Phó Giám đốc Sở Tài chính trả lời cụ thể.

anh tin bai

Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh điều hành phiên thảo luận tại Hội trường.

Chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

Đại biểu Thào Thị Lan, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Mường Khương nêu 02 vấn đề tại phiên thảo luận sáng ngày 07/12. Đại biểu cho rằng trong những năm qua, các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào trên địa bàn tỉnh hết sức được quan tâm; tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện còn gặp những vướng mắc, khó khăn. Cụ thể là về chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và lập quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai tại Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của HĐND tỉnh. Sau 02 năm thực hiện nhận thấy Nghị quyết số 22 cần được điểu chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Tại Mục 5, Điều 17 Nghị quyết số 22 quy định về việc hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn với 05 mức 50 - 70 - 100 - 120 - 150/điểm dân cư; tuy nhiên mức hỗ trợ trên là rất thấp dẫn đến chất lượng đề án không cao, các đơn vị tư vấn không thể làm được. Quy hoạch nông thôn nhưng thực chất là quy hoạch đô thị nông thôn và Bộ Xây dựng cũng đã có Thông tư số 20 ngày 21/12/2019 hướng dẫn xác định, quản lý chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị rất chi tiết, thuận lợi cho các địa phương thực hiện.

anh tin bai

Đại biểu Thào Thị Lan, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Mường Khương.

Về nguồn lực đối ứng từ Nhân dân với công trình giao thông nông thôn quy định đường giao thông nông thôn cho 01 km. Theo quy định tại Nghị quyết số 22, ngân sách cấp tỉnh (gồm vốn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh) chi hỗ trợ một phần theo định mức, còn lại do ngân sách huyện và Nhân dân đóng góp. Cơ sở để cấp huyện xây dựng lên kế hoạch là tổng chi phí đầu tư, trừ đi phần hỗ trợ từ ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện thì còn lại do người dân đóng góp. Cụ thể đối với đường đổ bê tông, tổng mức hỗ trợ cả ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện không quá 130 triệu đồng/km, như vậy người dân sẽ phải đối ứng 115 triệu đồng/km. Thực tế tại các xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, những công trình giao thông nông thôn cần đầu tư trong giai đoạn này đều thuộc vùng ít các hộ dân nên tỷ lệ huy động bằng tiền chia bình quân trên đầu người hoặc đầu hộ rất cao. Nếu huy động bằng công lao động thì người dân trong độ tuổi lao động cơ bản cũng đi lao động ở tỉnh ngoài, rất khó khăn trong việc huy động. Do vậy đề nghị HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh Nghị quyết số 22 theo hướng nâng mức hỗ trợ từ ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ nhân công trực tiếp làm đường để đảm bảo ngân sách hỗ trợ 100% nhân công; nâng định mức quy định tại khoản 3, Điều 7 là 70 - 90 triệu đồng/km lên 150 - 170 triệu đồng/km

Đại biểu cũng đề nghị HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh Điều 5 nội dung và định mức hỗ trợ quy định chính sách hỗ trợ công tác tổ chức quản lý, khai thác, bảo trì các công trình kết cấu hạ tầng cấp xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai ban hành kèm theo Nghị quyết số 41/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Lào Cai do mức hỗ trợ thấp khó triển khai thực hiện (như hỗ trợ công tác quản lý khai thác bảo trì hội trường kiêm nhà văn hóa trung tâm xã chỉ vào khoảng 700.000 đồng).

anh tin bai

Đồng chí Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng.

Trả lời đề nghị của đại biểu Thào Thị Lan, đồng chí Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng nhấn mạnh đây là dự án xã hội, Nhà nước và Nhân dân cùng làm, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần và người dân đóng góp ngày công; nếu không đóng góp công mà đi thuê 100% sẽ rất khó khăn. Đồng chí đề nghị huyện Mường Khương và các đại biểu xem xét cách làm vì vấn đề xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây dựng riêng cho thôn đấy mà là xây dựng cho cả xã, cả huyện; bởi vậy cần phải có sự đóng góp sức người, sức của của toàn bộ xã, huyện để các thôn, bản đảm bảo đáp ứng được các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chi thường xuyên cho lực lượng công an chính quy về cơ sở

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Lý Thị Khương, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bảo Thắng tham gia ý kiến vào nội dung Tờ trình số 228/TTr-UBND của UBND tỉnh về dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, thu ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách tỉnh năm 2023. Đối với mục chi thường xuyên, dự toán phân bổ ngân sách các đơn vị năm 2023 thì hiện nay UBND các xã trên địa bàn huyện Bảo Thắng được giao 22 biên chế cán bộ chuyên trách và công chức chuyên môn, do đó hằng năm ngân sách cấp trên cấp chi thường xuyên cho 22 định biên. Thực hiện đề án đưa lực lượng công an chính quy về cơ sở, các xã trên địa bàn huyện đã tiếp nhận 05 công an chính quy/xã; vì vậy nguồn chi thường xuyên của 22 biên chế cán bộ, công chức xã là phải chi cho 27 người. Trong khi đó lực lượng công an chính quy phải chi rất nhiều hoạt động như: xây dựng các mô hình an ninh trật tự, hoạt động các phong trào, chi văn phòng phẩm, điện, nước...

anh tin bai

Đại biểu Lý Thị Khương, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bảo Thắng.

Tại huyện Bảo Thắng có 86 đồng chí công an chính quy về công tác tại xã (14 trưởng công an, 17 phó trưởng công an và 55 chiến sỹ). Thực tế hiện nay các xã đang lấy nguồn chi thường xuyên, chi dự phòng để chi hỗ trợ lực lượng công an chính quy tại xã. Trong khi đó phần thu ngân sách của các xã rất ít khoảng 150 triệu đồng, nguồn chi dự phòng trung bình từ 80 - 90 triệu đồng nên rất khó khăn trong việc hỗ trợ chi phí thường xuyên cho lực lượng công an chính quy tại xã. Vì vậy đề nghị tỉnh nghiên cứu, xem xét quan tâm bổ sung cho các đơn vị hoặc có cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho lực lượng công an xã làm nhiệm vụ để an tâm công tác tại cơ sở.

Về việc chi thường xuyên cho lực lượng công an xã, đồng chí Nguyễn Trọng Huân, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết nội dung này do Bộ Công an đảm bảo. Theo quy định tại khoản 2, Điều 1, Nghị định số 01/2020/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ thì địa phương có trách nhiệm chi hỗ trợ hoạt động của lực lượng công an xã. Như vậy ngân sách địa phương chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động của công an xã để đảm bảo các nhiệm vụ an ninh trật tự tại địa phương theo khả năng cân đối ngân sách địa phương.

Bố trí ngân sách và giải pháp về nguồn cung vật liệu xây dựng

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Duy Hòa, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bắc Hà tham gia ý kiến về 02 vấn đề liên quan đến chi ngân sách địa phương và giải pháp để đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng trên địa bàn. Để đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết của HĐND tỉnh sẽ thông qua tại kỳ họp này cần có các giải pháp cụ thể khắc phục hạn chế, tồn tại trên các lĩnh vực. Với các mục tiêu GRDP, thu ngân sách nhà nước... đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ và thường xuyên tháo gỡ khó khăn. Về chi ngân sách địa phương và đầu tư công trung hạn năm 2022 cũng như năm 2023, đề nghị quan tâm xem xét bố trí để đảm bảo các mục tiêu của tỉnh đã đề ra tại 18 Đề án trọng tâm Tỉnh ủy ban hành trong giai đoạn 2020 - 2025. Đối với huyện Bắc Hà, đại biểu đề nghị tỉnh quan tâm về cả cơ chế và nguồn lực để thực hiện thoát nghèo vào năm 2025.

anh tin bai

Đại biểu Nguyễn Duy Hòa, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bắc Hà.

Về đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dưng là cát, đá, sỏi, đại biểu Nguyễn Duy Hòa đề nghị tỉnh cần rà soát, đánh giá các mỏ khai đang được khai thác hiện nay, được cấp phép hoạt động và thực tế đang hoạt động để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu thực hiện các dự án đầu tư của toàn xã hội. Trường hợp thiếu hụt cần có giải pháp cụ thể, nhất là nhu cầu vật liệu xây dựng làm đường giao thông nông thôn và giá cả phù hợp thực tế để các xã triển khai hoàn thành Kế hoạch giao như: gia hạn các mỏ đã hết hạn; đẩy nhanh các thủ tục cấp phép mỏ mới. Định kỳ tổ chức làm việc với các địa phương để giải quyết các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, hồ sơ, thủ tục về đầu tư, xây dựng cơ bản, đất đai...

Về nguồn lực của địa phương để đảm bảo chi cho các cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành và thực hiện 18 Đề án trọng tâm Tỉnh ủy ban hành, đồng chí Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trọng Huân cho biết: Nghị quyết đến năm 2025 thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt 15.500 tỷ đồng và tự đảm bảo chi cân đối thường xuyên về ngân sách. Sở Tài chính đã xây dựng lộ trình cụ thể thu ngân sách trên địa bàn của từng năm trong giai đoạn 2021 - 2025 và lộ trình đảm bảo được khả năng thu ngân sách nhà nước đến năm 2025; chú trọng đến việc tăng thu nội địa, đặc biệt là thu thuế, phí, các loại thu khác với tỷ trọng ngày càng cao trong tổng số thu ngân sách nhà nước, thể hiện tính bền vững. Đồng thời về chi ngân sách nhà nước sẽ cố gắng đảm bảo chi toàn bộ các cơ chế chính sách do Trung ương, địa phương ban hành và đảm bảo toàn bộ các hoạt động chi thường xuyên. Thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong đầu tư ngân sách.

anh tin bai

Đồng chí Nguyễn Trọng Huân - Phó Giám đốc Sở Tài chính.

Làm rõ vấn đề đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải – Xây dựng thông tin đến các đại biểu: UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành xây dựng Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng trong giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 và được phê duyệt tại Quyết định số 1134/QĐ-UBND ngày 01/6/2022 của UBND tỉnh Lào Cai. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 200 mỏ cát và hơn 100 mỏ đá trải khắp địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố. Đối với huyện Bắc Hà, về vật liệu cát đã quy hoạch các điểm trên sông Chảy và sông suối nhỏ; đối với vật liệu đá thì quy hoạch tại các điểm ở thị trấn và vùng ven. Các điểm khai thác mỏ cát, đá đã được tích hợp trong quy hoạch phát triển tỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ. Việc triển khai dự án trên địa bàn lớn trong khi đó khai thác nhỏ lẻ, cầm chừng, không đáp ứng đủ nhu cầu dẫn đến hiện tượng khan hàng cục bộ. Giải pháp trong thời gian tới là cải cách thủ tục hành chính để giải quyết các khó khăn về vấn đề gia hạn, cấp mới khai thác cát, đá cho các mỏ trên địa bàn. UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo quyết liệt Sở Giao thông vận tải - Xây dựng, Sở Tài chính, UBND cấp huyện, cơ quan thuế, quản lý thị trường vào cuộc xử lý những đơn vị vi phạm về giá và xem xét các thủ tục liên quan cho đơn vị khai thác mỏ đảm bảo công suất, cung cấp vật liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Đầu tư nguồn lực xây dựng hệ thống trường, lớp học, nhà ở bán trú

Đại diện cho tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Si Ma Cai, đại biểu Trẩn Văn Kình có ý kiến bổ sung thêm một số giải pháp về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh. Trong đó cần đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn nắm được các phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này để nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa. Về công tác nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” cần tập trung nâng cao năng lực sức chiến đấu của lực lượng công an xã chính quy tại cấp cơ sở, nhất là các địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự, về chất lượng đội ngũ công an xã, số lượng công an xã, cung cấp trang thiết bị, bố trí cơ sở vật chất.

anh tin bai

Đại biểu Trẩn Văn Kình, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Si Ma Cai.

Tại Báo cáo số 41/BC-UBND ngày 18/11/2022 của UBND tỉnh về kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh Lào Cai. Kế hoạch năm 2023 về nhóm giải pháp ngành giáo dục - đào tạo có nội dung “giảm lớp, giảm học sinh ở điểm trường lẻ, tăng số học sinh trường chính”. Vấn đề này được ngành giáo dục chỉ đạo và các huyện đã thực hiện. Đối với huyện Si Ma Cai, từ năm học 2022 - 2023 đã đưa học sinh lớp 3, 4, 5 ở điểm trường lẻ về trường chính học tập đảm bảo yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên nhà ở bán trú cho học sinh quy mô còn nhỏ, chỗ ở học sinh chật chội (có trường phải bố trí từ 10 - 12 học sinh/phòng). Do đó để đảm bảo điều kiện về sinh hoạt, ăn ở cho học sinh học tập ở trường chính, đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống nhà ở bán trú trong thời gian tiếp theo để đạt được mục tiêu này.

“Trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí 14.500 tỷ đồng đảm bảo danh mục trong kế hoạch; trong số tiền này đã đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo tương đối lớn với trên 1.000 phòng học và khoảng gần 2.000 tỷ đồng. Ngoài đầu tư cơ sở vật chất, lĩnh vực giáo dục đào tạo được quan tâm bố trí nguồn kinh phí chi thường xuyên chiếm gần 50% trong tổng cơ cấu chi thường xuyên của toàn tỉnh Lào Cai. Chế độ giáo dục cho học sinh, giáo viên cũng chiếm lớn nhất trong các cơ chế, chính sách của địa phương, thể hiện sự quan tâm của tỉnh Lào Cai đối với giáo dục, đào tạo” - Đồng chí Nguyễn Trọng Huân, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết tại phiên thảo luận tại Hội trường.

Thảo luận tập trung về các nội dung Tờ trình, dự thảo Nghị quyết, Báo cáo

Tham gia thảo luận tại Hội trường, đại biểu Phạm Ngân Hà, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Lào Cai tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị quyết kèm theo Tờ trình số 218/TTr-UBND của UBND tỉnh Lào Cai về quy định một số nội dung, mức hỗ trợ cho người cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Theo đó đại biểu cho rằng bản thân hiện đang băn khoăn về nội dung tại Khoản 2, Điều 6 của bản dự thảo quy định đối tượng không được hỗ trợ; còn theo Nghị định của Chính phủ thì nội dung này được quy định là thời gian, định mức hỗ trợ.

anh tin bai

Đại biểu Phạm Ngân Hà, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Lào Cai.

Cùng ở tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Lào Cai, đại biểu Bùi Văn Đức có ý kiến liên quan đến nội dung dự thảo Nghị quyết kèm theo Tờ trình số 224/TTr-UBND của UBND tỉnh về việc hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi và người dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù trên địa bàn tỉnh. Đại biểu cho rằng khi thảo luận ở các tổ cũng đã có rất nhiều nội dung, ý kiến liên quan đến cơ chế này; tuy dự thảo Nghị quyết đã tiếp thu, chỉnh sửa nhưng mới chỉ có một vài nội dung. Do đó tiếp tục đề nghị tỉnh quan tâm, xem xét bổ sung thêm đối tượng người dân tộc thiểu số không nằm trong nhóm hỗ trợ nào. Cụ thể là các dân tộc năm trong nhóm 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 12/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đối chiếu với quy định này thì tỉnh Lào Cai có 02 dân tộc khó khăn là Bố Y và Lô Lô; các dân tộc khác đời sống hiện nay còn rất nhiều khó khăn, do đó tương đối khó để tự chủ mua được Bảo hiểm Y tế dẫn đến câu chuyện bao phủ tỷ lệ Bảo hiểm Y tế kể cả ở các xã đã hoàn thành nông thôn mới và đang xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. Đề nghị tỉnh nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ cho nhóm đối tượng này với mức hỗ trợ 50% và tính toán lộ trình giảm dần từ nay cho đến năm 2025 để không bị ngắt quãng đột ngột, giúp các địa phương đảm bảo tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm Y tế trong xây dựng nông thôn mới.

anh tin bai

Đại biểu Bùi Văn Đức, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Lào Cai.

Bên cạnh đó, vừa qua Quốc hội ban hành Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, trong đó có nội dung cho phép kéo dài thời gian thực hiện giải ngân vốn sự nghiệp và vốn đầu tư đến hết ngày 31/12/2023; đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh sớm có hướng dẫn triển khai cho các địa phương để có cơ sở thực hiện đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành.

anh tin bai

Đại biểu Nguyễn Tất Thắng, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Văn Bàn.

Đại diện tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Văn Bàn cũng tham gia ý kiến tập trung vào các nội dung trong báo cáo của UBND tỉnh. Cụ thể, đại biểu Nguyễn Tất Thắng đề nghị trong Báo cáo số 410/BC-UBND ngày 18/11/2022 của UBND tỉnh về công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 cần tách rõ thành 02 phần nội dung là “khó khăn, vướng mắc và “tồn tại, hạn chế”; bổ sung tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường, sinh thái của khu vực nông thôn, đặc biệt là công tác thu gom rác thải trên địa bàn tỉnh; bổ sung tình hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn gặp khó khăn như chuối, dứa, dược liệu... Tại Báo cáo số 393/BC-UBND ngày 10/11/2022 của UBND tỉnh đề nghị bổ sung đánh giá công tác đầu tư cho nghiên cứu, tìm ra các giải pháp tối ưu để tránh tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, chưa được quan tâm đúng mức...

anh tin bai

Đại biểu Nguyễn Trung Triều, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bát Xát.

Đại biểu Nguyễn Trung Triều, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bát Xát cho rằng việc sửa đổi Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh, tại khoản 6, khoản 7 thì quy định không hỗ trợ về cây trồng trên đất lấn chiếm, người sử dụng đất lấn chiếm bị cơ quan nhà nước xử phạt vi phạm hành chính. Việc xử phạt hành chính mà không được hỗ trợ thì rất khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; trong khi đó huyện Bát Xát có diện tích cần giải phóng mặt bằng trong thời gian tới rất lớn. Đề nghị tỉnh xem xét về trường hợp này để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Căn cứ Tờ trình số 237/TTr-UBND của UBND tỉnh về đầu tư công năm 2023 và Báo cáo thẩm tra của Ban HĐND tỉnh thì có 3 nguồn thu chính: nguồn trung ương, tỉnh và thu nguồn hỗ trợ đóng góp của Nhân dân. Theo phân khai của cả giai đoạn là hợp lý nhưng trong cả giai đoạn có đảm bảo được tổng nguồn thu hay không. Theo quy định Luật Ngân sách đến ngày 31/12 mà không phân khai các nguồn thì sẽ phải đề xuất chuyển nguồn sang năm sau. Nếu chuyển nguồn thì sẽ liên quan đến nguồn vốn, phải trích về trung ương theo quy định, do đó sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tiếp theo chương trình làm việc, trong buổi sáng ngày 07/12/2022, HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tiến hành họp thống nhất tiếp thu ý kiến thảo luận và thông qua một số Nghị quyết. Phiên họp buổi chiều bắt đầu từ 13h30 và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Lào Cai./.

Thanh Huyền - Linh Vũ
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (20/11/2022)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1